Để thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân, Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp và đặc biệt là thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng liên quan đến công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), trong đó có công tác PBGDPL đến người dân, từ những kết quả, hạn chế, khó khăn vướng mắc trong thời gian qua, những vấn đề đặt ra hiện nay và yêu cầu, nhiệm vụ mới về công tác PBGDPL, thời gian qua, các địa phương trên địa bàn vùng Tây Nam Bộ đã và đang triển khai thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau đây:
1. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách, tổ chức, bộ máy về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đến người dân
Thứ nhất, các tỉnh, thành phố, trên địa bàn vùng Tây Nam Bộ hiện nay, nhất là Cần Thơ, Bạc Liêu, Đồng Tháp, An Giang,... đang tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về công tác PBGDPL và các văn bản, kế hoạch triển khai, hướng dẫn công tác PBGDPL; các quy định, chương trình khung bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng đối với báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật đến người dân trên địa bàn.
Thứ hai, hầu hết các tỉnh, thành phố trên địa bàn vùng Tây Nam Bộ hiện nay đang kiện toàn các tổ chức, bộ máy về công tác PBGDPL đến người dân. Theo đó:
(i) Các địa phương trên địa bàn vùng Tây Nam Bộ hiện nay đều đã và đang củng cố, kiện toàn Hội đồng Phối hợp PBGDPL các cấp với thành phần từ các cơ quan như lãnh đạo Ủy ban nhân dân (UBND) và Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND làm Chủ tịch Hội đồng, người đứng đầu các Phòng Tư pháp cấp huyện, Sở Tư pháp cấp tỉnh làm Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng, đại diện lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các sở, ban, ngành, đoàn thể, Hội luật gia, Đoàn luật sư và Hiệp hội doanh nghiệp cùng cấp trên địa bàn tham gia. Hội đồng Phối hợp PBGDPL các cấp thực hiện chức năng tham mưu, tư vấn, chỉ đạo trong công tác PBGDPL thuộc phạm vi quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực và địa bàn dân cư; qua đó, góp phần tích cực vào việc nâng cao ý thức, chấp hành pháp luật của người dân, đưa chính sách, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn sản xuất và đời sống.
(ii) Các cơ quan tư pháp với tư cách là cơ quan thường trực Hội đồng Phối hợp PBGDPL ở các địa phương trên địa bàn vùng Tậy Nam Bộ hiện nay như: Bạc Liêu, Cần Thơ, Hậu Giang, Cà Mau... đang thực hiện đúng vai trò và trách nhiệm của mình trong việc ban hành các văn bản chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác PBGDPL, tạo sự thống nhất, đồng bộ trong triển khai thực hiện công tác PBGDPL đến người dân, tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn triển khai hoạt động theo các chương trình tuyên truyền, PBGDPL của Hội đồng Phối hợp PBGDPL các cấp, tạo sức mạnh tổng hợp cho công tác PBGDPL đến người dân trên địa bàn được triển khai ngày càng đồng bộ, kịp thời.
(iii) Nhiều ban, ngành đoàn thể, nhất là công an, quân sự, biên phòng (ở những tỉnh, thành có biên giới, hải đảo) như: Bạc Liêu, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp... đã thành lập và củng cố Hội đồng Phối hợp PBGDPL tại các cơ quan, đơn vị mình, tạo điều kiện cho hoạt động phối hợp tuyên truyền, PBGDPL trực tiếp đến cán bộ, công chức, viên chức và người dân trên địa bàn, trong đó có người dân đang sinh sống, lao động, sản xuất và công tác ở biên giới, hải đảo.
2. Xây dựng và củng cố đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật và người tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đến người dân
Nhiều địa phương trên địa bàn đã thực hiện rà soát, củng cố, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên pháp luật các cấp; đồng thời, tham mưu Chủ tịch UBND các cấp có thẩm quyền ban hành quyết định công nhận, miễn nhiệm và có chế độ thích hợp đối với báo cáo viên chuyên và không chuyên pháp luật các cấp và công bố công khai, kịp thời, nhất là trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của địa phương, cơ quan, đơn vị các danh mục thủ tục hành chính về lĩnh vực tuyên truyền, PBGDPL đến người dân. Theo đó:
Thứ nhất, rà soát, củng cố, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên pháp luật các cấp là trưởng, phó các sở, ban, ngành các cấp, những người có trình độ, am hiểu pháp luật, có khả năng - kỹ năng và tâm huyết truyền đạt; động viên, giúp đỡ họ được học tập, học hỏi và thường xuyên tự học hỏi để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ trong công tác tuyên truyền PBGDPL đến người dân. Đây là lực lượng nòng cốt đóng góp quan trọng trong việc nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật đến người dân.
Thứ hai, củng cố, kiện toàn đội ngũ các cán bộ, công chức, viên chức, trợ giúp viên pháp lý và cộng tác viên trợ giúp pháp lý; các luật sư, luật gia, thẩm phán, kiểm sát viên, các chuyên gia, tập hợp những người có hiểu biết pháp luật trong hoạt động thực tiễn vào hoạt động tuyên truyền, PBGDPL đến người dân.
Thứ ba, mở rộng và thu hút đội ngũ giảng viên dạy pháp luật ở các trường đại học, cao đẳng (trong đó có Khoa Luật - Đại học Cần Thơ, Trường Cao đẳng Luật Miền Nam, Đại học Trà Vinh, Đại học Đồng Tháp và các trường chính trị ở Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp), đội ngũ giáo viên dạy môn giáo dục công dân của các trường trung học phổ thông; phóng viên, biên tập viên tại các báo, đài; các chức sắc tôn giáo (thông qua nêu gương, các buổi sinh hoạt tôn giáo); người có uy tín trong cộng đồng dân cư, cộng đồng dân tộc tham gia tuyên truyền, PBGDPL cho người dân.
3. Đẩy mạnh hoạt động tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, xây dựng và phát triển mô hình tiến tiến, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến người dân
Nhiều địa phương vùng Tây Nam Bộ đang đẩy mạnh công tác tổ chức tập huấn nhằm thực hiện có hiệu quả Quyết định số 3147/QĐ-BTP ngày 28/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Chương trình khung bồi dưỡng nghiệp vụ đối với báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật. Theo đó:
Thứ nhất, cơ quan tư pháp và Hội đồng Phối hợp PBGDPL các cấp như ở Bạc Liêu, An Giang, Đồng Tháp... thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật mới cho các báo cáo viên pháp luật.
Thứ hai, các cơ quan tư pháp và Hội đồng Phối hợp PBGDPL các cấp đang đẩy mạnh các hoạt động tập huấn trang bị kỹ năng, kỹ xảo cần thiết cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên về tuyên truyền PBGDPL đến người dân, nhất là ở Bạc Liêu hiện nay.
Thứ ba, các cơ quan tư pháp và Hội đồng Phối hợp PBGDPL các cấp, như ở Bạc Liêu, Đồng Tháp... đang đẩy mạnh hoạt động tham quan, học tập các điển hình tiên tiến, chia sẻ kinh nghiệm thực tế cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên về PBGDPL đến người dân.
Thứ tư, tham khảo, học tập và nhân rộng các mô hình “Địa chỉ tin cậy”, “Tiếng loa thanh niên”, “Tổ tư vấn pháp luật”, “Câu lạc bộ gia đình hạnh phúc”, “Gia đình không bạo lực gia đình”, “Phụ nữ với an toàn giao thông”, “Phụ nữ nông thôn với pháp luật”... như ở Bạc Liêu; các mô hình “Cà phê doanh nhân”, “Phiên tòa giả định”, “Niềm tin trợ giúp”, Câu lạc bộ “3 giúp nữ công nhân nhà trọ”, “1+5” (gặp gỡ, tuyên truyền, giáo dục và cảm hóa người vi phạm pháp luật)... như ở Long An.
4. Nâng cao chất lượng công tác tham mưu, xác định nội dung pháp luật trọng tâm cần phổ biến, giáo dục pháp luật đến người dân
Thứ nhất, các cơ quan tư pháp và Hội đồng Phối hợp PBGDPL các cấp ở các địa phương vùng Tây Nam Bộ, nhất là ở Bạc Liêu đang tích cực đổi mới và nâng cao chất lượng tư vấn, định hướng về chủ đề, nội dung, hình thức PBGDPL luật gắn với công tác xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật, với cải cách hành chính, cải cách tư pháp cho phù hợp với từng địa phương, đơn vị và từng giai đoạn giải quyết các nhiệm vụ chính trị của mỗi địa phương, đơn vị.
Thứ hai, nhiều địa phương đang xác định rõ trọng tâm của hoạt động PBGDPL đến người dân là các chủ trương, quan điểm, chính sách, quy định mới về cải cách hành chính, cải thiện môi trường sản xuất, đầu tư kinh doanh các chính sách, quy định pháp luật mà người dân quan tâm.
5. Tăng cường công tác tư vấn, hướng dẫn thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng đặc thù, các đề án phổ biến, giáo dục pháp luật đến người dân
Thứ nhất, nhiều địa phương trên địa bàn quan tâm lựa chọn nội dung và hình thức PBGDPL phù hợp cho các đối tượng đặc thù như: Trẻ em, người lao động trong các doanh nghiệp, người dân ven biển, ngư dân, người dân ở vùng dân tộc thiểu số; người đang chấp hành hình phạt tù, người đang bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; PBGDPL tại một số địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật; một số công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị và pháp luật có liên quan trực tiếp đến người dân.
Thứ hai, một số địa phương như: Bến Tre, Bạc Liêu... đang tăng cường sự phối hợp, chủ động giữa các cơ quan, tổ chức cũng như xác định nội dung, hình thức trọng tâm trong việc thực hiện công tác PBGDPL cho đối tượng đặc thù, các đề án PBGDPL đến người dân. Các cơ quan tư pháp, Hội đồng Phối hợp PBGDPL các cấp đã tham mưu giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp mình ban hành các kế hoạch để thực hiện công tác PBGDPL đến người dân và nhất là các đề án PBGDPL đến người dân trên địa bàn.
Thứ ba, các địa phương vùng Tây Nam Bộ đều tổ chức Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam một cách thiết thực và hiệu quả với những hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật, những sinh hoạt chính trị - pháp lý trong các cộng đồng dân cư (như Bạc Liêu đang xúc tiến hoạt động tư vấn, hướng dẫn về nội dung, hình thức tổ chức Ngày Pháp luật hàng tháng).
6. Tăng cường công tác kiểm tra của của các cơ quan tư pháp và Hội đồng phối hợp, tổng kết công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đến người dân
Thứ nhất, các cơ quan tư pháp và Hội đồng Phối hợp PBGDPL các cấp ở nhiều địa phương ngày càng chủ động xây dựng và thực hiện thường xuyên, nghiêm túc kế hoạch kiểm tra công tác PBGDPL trên địa bàn.
Thứ hai, các cơ quan tư pháp và Hội đồng Phối hợp PBGDPL các cấp ngày càng chủ động tổng hợp báo cáo về UBND cấp mình và Hội đồng Phối hợp PBGDPL Trung ương về công tác PBGDPL đến người dân trên địa bàn
7. Bảo đảm các nguồn kinh phí cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đến người dân
Thứ nhất, các địa phương trên địa bàn đang cố gắng cân đối bảo đảm đủ và sử dụng đúng quy định nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước cho công tác PBGDPL đến người dân.
Thứ hai, nhiều địa phương đang đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa công tác PBGDPL đến người dân thông qua các hoạt động như: Triển khai chính sách xã hội hóa công tác PBGDPL đến người dân, từng bước thu hút các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, nghề nghiệp, doanh nghiệp... tham gia công tác PBGDPL đến người dân; huy động, khai thác các nguồn kinh phí, hỗ trợ về vật chất, tinh thần, địa điểm từ các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, nghề nghiệp, doanh nghiệp để phục vụ cho hoạt động PBGDPL đến người dân.
8. Đa dạng hóa các hình thức và nội dung hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật đến người dân
Thứ nhất, các địa phương trên địa bàn thường xuyên tổ chức các hội nghị PBGDPL đến người dân; lồng ghép nội dung PBGDPL với các hội nghị có liên quan. Thực hiện PBGDPL đến người dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng một cách chủ động, thường xuyên và liên tục, bảo đảm đáp ứng nhu cầu về thông tin, phổ biến các quy định pháp luật cho người dân; các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục văn bản pháp luật (tin tức, phóng sự, câu chuyên pháp luật...) trên hệ thống phát thanh, truyền thanh, báo, đài, các trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn; thông tin về những tấm gương điển hình tiên tiến, các mô hình hay trên các lĩnh vực của kinh tế, đời sống, văn hóa, xã hội, kịp thời phản ánh những mặt tiêu cực, biểu dương những gương điển hình tiên tiến trong chấp hành pháp luật để người dân học tập, làm theo và chấp hành tốt Hiến pháp, pháp luật; tổ chức tuyên truyền, phổ biến những văn bản pháp luật mới ban hành có liên quan đến quyền và lợi ích của cán bộ, Đảng viên, người dân trên các Cổng thông tin điện tử, các mạng xã hội như: Facebook, Zalo (ở những nơi có điều kiện). Đặc biệt, có địa phương còn xây dựng chương trình trả lời thư pháp luật, câu chuyện pháp luật bằng tiếng Khmer trên đài phát thanh, truyền thanh, truyền hình (như ở Trà Vinh).
Thứ hai, các địa phương đều PBGDPL thông qua tài liệu tuyên truyền pháp luật dưới dạng sách, bản tin, pano, biển áp phích, tờ rơi nội dung tuyên truyền các văn bản pháp luật có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người dân. Tăng cường PBGDPL thông qua công tác xét xử, xét xử lưu động, phiên tòa rút kinh nghiệm về hình sự, dân sự, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính nhằm nâng cao hiểu biết và kỹ năng thực hiện pháp luật cho người dân. Mở rộng các hình thức PBGDPL thông qua tổ chức hội thi tìm hiểu pháp luật cho người dân với các hình thức khác nhau.
Thứ ba, nhiều địa phương đang đẩy mạnh PBGDPL thông qua công tác hòa giải ở cơ sở. Thực hiện phổ biến thông qua công tác trợ giúp pháp lý và hoạt động của các câu lạc bộ ở những nơi có điều kiện. Đẩy mạnh Hội đồng Phối hợp PBGDPL trong các nhà trường, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, dạy nghề, với các hình thức và nội dung đa dạng, phong phú. Chú trọng PBGDPL về các vấn đề được dư luận xã hội quan tâm, có liên quan trực tiếp và cấp bách đến sản xuất và đời sống của người dân. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL đến người dân.
9. Tăng cường vai trò lãnh đạo, quản lý của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự tham gia của Mặt trận và các các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến người dân
Các địa phương trên địa bàn Tây Nam Bộ đều quan tâm, tăng cường vai trò lãnh đạo, quản lý của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự tham gia của Mặt trận và các các tổ chức chính trị - xã hội; vai trò nêu gương của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Đảng viên trước nhân dân; chăm lo cải thiện đời sống, nâng cao dân trí, tăng cơ hội tiếp cận pháp luật, tăng cường dân vận về pháp luật. Tăng cường kiểm tra, theo dõi tình hình tuân thủ pháp luật của người dân, xử lý nghiêm minh mọi hành vi vi phạm pháp luật. Bảo đảm tuyên truyền pháp luật phù hợp đến từng nhóm đối tượng, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ vận dụng. Tuyên truyền gương người tốt, việc tốt về pháp luật. Xây dựng tủ sách pháp luật; lồng ghép tuyên truyền, PBGDPL trong các buổi sinh hoạt cộng đồng; thực hiện phương châm “mỗi người dân là một tuyên truyền viên pháp luật” trong cộng đồng; nâng cao chất lượng dạy học pháp luật trong trường học. Thực hiện thi đua, khen thưởng, tạo điều kiện cho người dân thực hiện pháp luật. Đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, tạo điều kiện để người dân tiếp cận việc thực hiện và tuân thủ pháp luật thuận lợi.
Có thể nói, các giải pháp trên đây về tuyên truyền, PBGDPL cho người dân đang được đẩy mạnh thực hiện ở các địa phương vùng Tây Nam Bộ hiện nay là biểu hiện của sự quyết tâm của các cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị và nhân dân trên địa bàn trong triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhằm “Đẩy mạnh giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ,... xây dựng con người Việt Nam thời đại mới, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại”[1], góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Học viện Chính trị Khu vực IV