Tóm tắt: Bài viết đề cập đến một số giải pháp về phòng ngừa oan sai, bỏ lọt tội phạm trong hoạt động tố tụng hình sự nhằm đảm bảo quyền con người, quyền công dân ở nước ta hiện nay.
Abstract: The paper is concerned with some solutions of preventing unjust, wrong punishment and missing punishment in criminal procedures in order to protect human rights, right of citizens in our country at present.
1. Một số vấn đề lý luận về phòng ngừa oan, sai, bỏ lọt tội phạm
Có nhiều quan điểm cho rằng, oan, sai, bỏ lọt tội phạm là một phần tất yếu của bất cứ nền tư pháp nào bởi không thể giải quyết triệt để những vấn đề này. Tuy nhiên, cũng cần thống nhất nhận thức rằng, oan, sai, bỏ lọt tội phạm chính là mặt trái của những nỗ lực đấu tranh, phòng, chống tội phạm nên xuyên suốt là tinh thần chủ động phòng ngừa, chủ động giải quyết trong đó chủ động phòng ngừa là chính.
Phòng ngừa oan, sai, bỏ lọt tội phạm là các hoạt động tìm kiếm, phát hiện, triệt tiêu những nguyên nhân, điều kiện phát sinh, gia tăng tình trạng oan, sai, bỏ lọt tội phạm của các cơ quan nhà nước và xã hội nhằm ngặn chặn, hạn chế và loại trừ tình trạng oan, sai, bỏ lọt tội phạm trong hoạt động tố tụng hình sự.
Chủ thể tiến hành phòng ngừa oan, sai, bỏ lọt tội phạm là Đảng Cộng sản Việt Nam, các cơ quan nhà nước, các tổ chức, công dân, trong đó, vai trò chính thuộc về các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng do tình trạng oan, sai, bỏ lọt tội phạm xuất phát từ lỗi của các cơ quan này. Để giảm thiểu những tình trạng này, các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải tự chủ động tìm kiếm, xem xét, đánh giá, phân tích những nguyên nhân để xảy ra tình trạng đó để đề ra giải pháp giải quyết.
Đối tượng hướng đến của phòng ngừa oan, sai, bỏ lọt tội phạm là các nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh và gia tăng tình trạng oan, sai, bỏ lọt tội phạm. Những nguyên nhân, điều kiện đó có cả khách quan và chủ quan. Công tác phòng ngừa tập trung hướng đến giải quyết các nguyên nhân chủ quan, hạn chế những nguyên nhân khách quan, vô hiệu hóa các điều kiện. Điều này đòi hỏi tinh thần thẳng thắn, tự soi tự sửa, dám nhận trách nhiệm từ phía các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Nội dung phòng ngừa oan, sai, bỏ lọt tội phạm từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp. Bắt đầu từ nghiên cứu, phân tích đánh giá thực trạng, tình hình đến từng bước hạn chế, xóa bỏ nguyên nhân, điều kiện và cuối cùng là phát hiện, ngăn chặn không để oan, sai, bỏ lọt tội phạm xảy ra. Đặc điểm phòng ngừa oan, sai, bỏ lọt tội phạm được biểu hiện ở các nội dung:
Thứ nhất, phòng ngừa oan, sai, bỏ lọt tội phạm là một bộ phận của phòng, chống tội phạm
Phòng ngừa oan, sai, bỏ lọt tội phạm là một bộ phận quan trọng cấu thành phòng, chống tội phạm hướng đến nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh của đất nước, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, tổ chức, bảo vệ trật tự pháp luật, chống mọi hành vi phạm tội, giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật. Phòng ngừa oan, sai, bỏ lọt tội phạm góp phần phát hiện kịp thời và xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng pháp luật mọi hành vi phạm tội, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác phòng, chống tội phạm.
Thứ hai, phòng ngừa oan, sai, bỏ lọt tội phạm được tiến hành trong tất cả các giai đoạn tố tụng hình sự
Bất cứ giai đoạn tố tụng hình sự nào cũng có thể xảy ra tình trạng oan, sai, bỏ lọt tội phạm từ đó đòi hỏi phòng ngừa oan, sai, bỏ lọt tội phạm được tiến hành trong tất cả các giai đoạn tố tụng hình sự. Đặc điểm này phản ánh trách nhiệm phòng ngừa oan, sai, bỏ lọt tội phạm thuộc về tất cả các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, trong đó, cần phát huy trách nhiệm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được phân công của các cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án nhân dân. Ngay khi phát hiện có biểu hiện oan, sai, bỏ lọt tội phạm, ngay lập tức phải xử lý, không để kéo dài.
Thứ ba, phòng ngừa oan, sai, bỏ lọt tội phạm gắn bó chặt chẽ với công tác cán bộ
Để xảy ra tình trạng oan, sai, bỏ lọt tội phạm là lỗi thuộc về các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng và yếu tố quan trọng nhất là từ phía đội ngũ cán bộ. Phòng ngừa oan, sai, bỏ lọt tội phạm gắn bó chặt chẽ với công tác cán bộ hiện ở khía cạnh năng lực, trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, vị trí, thời gian công tác... Khi các yêu cầu về trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức... không được đảm bảo, thì mới dẫn đến tình trạng oan, sai, bỏ lọt tội phạm.
2. Nguyên nhân của tình trạng oan, sai, bỏ lọt tội phạm trong hoạt động tố tụng hình sự
Những năm gần đây, tình hình tội phạm có những diễn biến phức tạp, số vụ án, người phạm tội, tính chất, mức độ của hành vi phạm tội có chiều hướng gia tăng, các cơ quan tiến hành tố tụng đã có nhiều nỗ lực trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Về cơ bản, hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, bảo đảm quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Các cơ quan tiến hành tố tụng đã khắc phục những tồn tại, thiếu sót trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử; nhờ đó tình hình oan, sai trong tố tụng hình sự được hạn chế đáng kể. Tuy nhiên, so với yêu cầu cải cách tư pháp, yêu cầu của Hiến pháp năm 2013 thì tình hình oan, sai trong tố tụng hình sự còn nhiều hạn chế. Những hạn chế đó xuất phát từ một số nguyên nhân sau:
Một là, một bộ phận người có thẩm quyền tiến hành tố tụng nhận thức chưa đầy đủ, trình độ, năng lực còn hạn chế, thái độ, ý thức không cao, có biểu hiện “tự diễn biến, tự suy thoái”, thực hiện không đúng, không đầy đủ, không chính xác các quy định pháp luật tố tụng và quy chế nghiệp vụ của ngành. Việc thu thập, đánh giá chứng cứ chưa thật đầy đủ, khách quan, toàn diện; chưa bảo đảm đúng nguyên tắc “suy đoán vô tội”, từ đó có thái độ đối xử với người bị bắt, bị can, bị cáo như là người có tội; có trường hợp bảo thủ, định kiến trong giải thích và áp dụng pháp luật theo hướng bất lợi cho người bị tình nghi phạm tội. Khi thu thập chứng cứ, những người tiến hành tố tụng mới chỉ chú ý đến độ tin cậy chứng cứ mà xem nhẹ tính hợp pháp của trình tự thu thập chứng cứ. Trong thực tiễn tiến hành tố tụng, các hiện tượng ép cung, mớm cung, bắt giữ, giam giữ trái pháp luật... còn tồn tại, chứng tỏ tính hợp pháp khi thu thập chứng cứ đã không được người có thẩm quyền tiến hành tố tụng coi trọng đúng mức. Hậu quả nghiêm trọng của việc không tôn trọng tính hợp pháp quá trình thu thập chứng cứ là tạo ra chứng cứ phi pháp và hậu quả của nó là vô cùng nghiêm trọng dẫn đến việc kết án oan, sai người vô tội. Việc thực hiện các hoạt động tố tụng hình sự còn chưa thật sự công tâm, khách quan và hết tinh thần trách nhiệm, hình thành tư tưởng thà bỏ lọt tội phạm còn hơn để oan, sai mà phải đền bù.
Hai là, hồ sơ vụ án hình sự còn có xu hướng nặng về buộc tội; tại phiên tòa, kiểm sát viên còn tập trung vào bảo vệ cáo trạng; quá trình tranh tụng tại phiên tòa còn hình thức, một bộ phận thẩm phán, kiểm sát viên còn coi trọng “án tại hồ sơ” từ đó chưa chủ động tranh luận, tích cực làm rõ các tình tiết mới phát sinh tại phiên tòa.
Ba là, việc phối hợp liên ngành trong một số trường hợp chưa đúng chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan, thiếu sự chế ước, kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan tư pháp. Một số Viện kiểm sát chưa làm tốt nhiệm vụ công tố gắn với hoạt động điều tra, thực hiện không đầy đủ các thẩm quyền theo luật định; có nơi còn phối hợp nhất trí một chiều với cơ quan điều tra trong nhận định, đánh giá tính chất vụ án, ít nêu yêu cầu khởi tố, yêu cầu điều tra. Trong một số trường hợp, sự chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ của các cơ quan tố tụng trung ương chưa kịp thời hoặc ý kiến khác nhau... gây khó khăn, lúng túng cho địa phương.
Bốn là, một số địa phương còn xảy ra tình trạng còn thiếu điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán. Việc phân bổ kiểm sát viên, thẩm phán ở nhiều địa phương chưa thật sự phù hợp, gây lãng phí nguồn lực. Đội ngũ luật sư còn thiếu, tính chuyên nghiệp chưa cao. Cơ sở để bào chữa cho bị can, bị cáo chủ yếu vẫn là hồ sơ vụ án của cơ quan điều tra. Chất lượng tranh tụng của luật sư bào chữa chỉ định thấp, có luật sư vi phạm pháp luật, gây khó khăn cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử.
Năm là, quy định pháp luật về hình sự và tố tụng hình sự có những vấn đề còn bất cập so với yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời, công tác hướng dẫn, giải thích luật thực hiện chưa thường xuyên và đồng bộ dẫn đến việc áp dụng pháp luật thiếu thống nhất. Mặc dù hệ thống pháp luật hình sự và tố tụng hình sự ngày càng hoàn thiện nhưng vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề như thiếu các hướng dẫn cụ thể về các tình tiết định tính như “hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng; số lượng lớn, rất lớn, đặc biệt lớn; quy mô thương mại, động vật được ưu tiên bảo vệ”... Việc phân biệt giữa tội phạm với hành vi vi phạm pháp luật còn nhiều phức tạp, đặc biệt là những tội phạm về kinh tế, môi trường... Nhiều thủ tục tố tụng còn rườm rà, phức tạp, thời hạn tố tụng chưa hợp lý, căn cứ bắt, tạm giữ, tạm giam chưa chặt chẽ... gây khó khăn cho các cơ quan tố tụng hình sự trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử.
Sáu là, cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật của cơ quan tư pháp, giám định tư pháp nhiều nơi và trên nhiều lĩnh vực còn thô sơ, lạc hậu, cơ sở giam, giữ chưa đáp ứng yêu cầu. Trong tình hình hiện nay, tội phạm ngày càng diễn biến phức tạp nhưng lực lượng điều tra viên chiếm số lượng khá khiêm tốn so với so vụ án hình sự cần thụ lý.
Bảy là, tính chất thủ đoạn tội phạm ngày một tinh vi, nhiều bị can tham gia, xảy ra trên nhiều địa bàn gây khó khăn cho việc thu thập chứng cứ, chứng minh tội phạm. Một số đối tượng lợi dụng mối quan hệ tranh chấp dân sự để thực hiện việc gian dối, chiếm đoạt tài sản. Việc định giá tài sản, giám định tư pháp chưa đồng bộ, thiếu kịp thời.
3. Một số giải pháp
Để thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm trong hoạt động tố tụng hình sự nhằm bảo đảm hơn quyền con người, quyền công dân ở nước ta hiện nay, cần thực hiện một số giải pháp như:
Thứ nhất, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, đặc biệt là pháp luật hình sự và tố tụng hình sự
Cần xây dựng văn bản hướng dẫn nhiều nội dung sửa đổi trong Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Cần cụ thể hóa các tình tiết định tính như “gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng”, “số lượng lớn, rất lớn, đặc biệt lớn”, “dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm”, “động cơ cá nhân khác” trong các tội phạm kinh tế, chức vụ, tham nhũng; tình tiết “dùng hung khí nguy hiểm” trong tội “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác”... khắc phục tình trạng hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế làm oan người vô tội, tạo điều kiện xác định đúng tội danh trong thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử như: Tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, tội “Vi phạm quy định trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài”; phân biệt tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; giữa tội “Giết người” và tội “Cố ý gây thương tích dẫn đến chết người”....
Thứ hai, kiện toàn đội ngũ điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, nâng cao ý thức trách nhiệm, thái độ chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp
Quán triệt sâu sắc các nghị quyết của Đảng, Quốc hội về công tác tư pháp, các quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân, về bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội và tranh tụng trong xét xử; chấp hành nghiêm pháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự. Nắm vững và thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn trong công tác, phải nhận thức đầy đủ, thống nhất về chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân, Tòa án được quy định trong Hiến pháp và pháp luật. Thường xuyên mở các hội nghị, báo cáo chuyên đề, các lớp bồi dưỡng, tập huấn để nhanh chóng đúc rút kinh nghiệm, nâng cao khả năng thực tiễn trong các hoạt động tố tụng hình sự.
Thứ ba, tăng cường công tác phối hợp liên ngành giữa Bộ Công an, Viện kiểm sát, Tòa án
Thực hiện nghiêm túc các quy chế phối hợp đã ký kết giữa Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân, Tòa án đảm bảo nguyên tắc phối kết hợp và chế ước trên cơ sở tôn trọng chức năng, nhiệm vụ của các ngành theo quy định của pháp luật. Trong quá trình giải quyết vụ án có khó khăn, vướng mắc về đánh giá chứng cứ, xác định tội danh, phương hướng điều tra tiếp, đường lối xử lý hoặc sự nhận thức khác nhau vế áp dụng văn bản quy phạm pháp luật thì điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán cần kịp thời báo cáo xin ý kiến của Lãnh đạo liên ngành tố tụng cùng cấp để thống nhất giải quyết. Trường hợp không thống nhất được thì xin ý kiến chỉ đạo liên ngành tố tụng cấp trên.
Thứ tư, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng
Quá trình điều tra, lập hồ sơ vụ án phải tuân thủ pháp luật, thu thập, đánh giá đầy đủ, khách quan các chứng cứ buộc tội, chứng cứ gỡ tội để xác định đúng sự thật vụ án; khắc phục việc làm oan người vô tội do hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế; chấn chỉnh việc đình chỉ điều tra không đúng pháp luật để tránh oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm; tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư tham gia vụ án theo quy định của pháp luật. Viện kiểm sát các cấp thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về thực hành quyền công tố gắn với hoạt động điều tra và kiểm sát hoạt động tư pháp; phối hợp chặt chẽ, kịp thời với các cơ quan có thẩm quyền điều tra trong xử lý tội phạm; bảo đảm việc khởi tố, bắt, tạm giữ, tạm giam, truy tố có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; không để xảy ra oan, sai; khắc phục tình trạng buông lỏng trách nhiệm, thống nhất một chiều với Cơ quan điều tra trong phân loại, xử lý vụ án; chấn chỉnh việc đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án không đúng pháp luật; tăng cường trách nhiệm công tố, tranh tụng của kiểm sát viên tại phiên tòa xét xử vụ án hình sự; kịp thời giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là đơn kêu oan, đơn tố cáo bức cung, dùng nhục hình.
Thẩm phán được phân công phải nghiên cứu kỹ hồ sơ, tài liệu, xét xử công tâm, khách quan, chủ động phát hiện những tình tiết mới trong quá trình xét xử. Cơ quan điều tra trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cần chú ý thu thập cả chứng cứ buộc tội, gỡ tội, kịp thời lấy lời khai người làm chứng, người bị hại, người có quyền lợi liên quan, xem xét dấu vết hiện trường vụ án, vật chứng có phù hợp với thực tế khách quan.
Thứ năm, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị
Lãnh đạo đơn vị phải sâu sát, chỉ đạo kịp thời nhất là những vụ án phức tạp, tùy theo tính chất của từng vụ án để phân công cán bộ cho phù hợp, tăng cường công tác kiểm tra phát hiện sai sót để chấn chỉnh kịp thời. Đề cao trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm tập thể đối với các vụ việc oan, sai. Xử lý nghiêm minh đối với người mắc sai phạm, nhất là đối với trường hợp xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm nghiêm trọng. Đơn vị để xảy ra oan, sai thì thủ trưởng đơn vị đó chịu trách nhiệm; kiên quyết không xét các danh hiệu thi đua đối với cá nhân, đơn vị có án oan.
Thứ sáu, tăng cường chế độ chính sách, kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện làm việc cho các cơ quan tư pháp
Để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, cần đảm bảo chế độ chính sách đối với đội ngũ điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, góp phần loại bỏ các tư duy tiêu cực. Hỗ trợ trang thiết bị hiện đại, đủ sức đấu tranh với các phương thức phạm tội mới, đặc biệt là tội phạm công nghệ cao.
ThS. Hoàng Thịnh
Học viện Chính trị Công an nhân dân