Hoạt động tín dụng luôn tiềm ẩn những rủi ro nhất định. Một trong những biện pháp nhằm khắc phục và hạn chế rủi ro cho các tổ chức tín dụng khi hoạt động tín dụng là việc yêu cầu tài sản bảo đảm. Hoạt động xử lý tài sản bảo đảm có thể được hiểu là việc tổ chức tín dụng (bên nhận bảo đảm) thu hồi nguồn vốn đã cho vay bằng cách thực hiện một trong các phương thức xử lý tài sản bảo đảm tiền vay mà Bộ luật Dân sự năm 2015 và các văn bản quy phạm pháp luật khác về giao dịch bảo đảm đã quy định khi có sự vi phạm nghĩa vụ của bên đi vay (bên bảo đảm) theo thỏa thuận tại hợp đồng tín dụng hoặc hợp đồng bảo đảm tiền vay[1].
Pháp luật về xử lý tài sản bảo đảm trong hoạt động tín dụng của tổ chức tín dụng (cụ thể là hoạt động cho vay) là một công cụ điều hòa lợi ích của các chủ thể tham gia quan hệ cấp tín dụng. Trên thực tế, việc xử lý tài sản bảo đảm của các tổ chức tín dụng còn gặp nhiều khó khăn, bất cập do khung pháp lý về vấn đề này chưa được hoàn thiện, nhiều quy định chưa phù hợp, chưa có sự đồng bộ giữa các quy định, thậm chí là có sự mâu thuẫn giữa các quy phạm pháp luật; thực tiễn áp dụng và thực thi các quy định pháp luật về xử lý tài sản bảo đảm chưa chính xác của các cơ quan thi hành pháp luật gây khó khăn và ảnh hưởng lớn đến quá trình xử lý tài sản bảo đảm của các tổ chức tín dụng[2].
Nhận thấy những vướng mắc, bất cập trong quá trình áp dụng và thực thi Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010) đối với hoạt động xử lý tài sản bảo đảm của các tổ chức tín dụng, sau nhiều lần sửa đổi, Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) (gọi tắt là Dự thảo) đã có bước tiến đáng kể trong các quy định về xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm của nợ xấu. Tuy nhiên, Dự thảo vẫn còn tồn tại một số bất cập và mâu thuẫn về quy định xử lý tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng. Vì vậy, đòi hỏi các nhà lập pháp phải nghiên cứu, sửa đổi và hoàn thiện kịp thời chính sách pháp luật để phù hợp hơn với thực tiễn, tạo động lực thúc đẩy các hoạt động tín dụng phát triển một cách toàn diện, hiệu quả, giảm thiểu rủi ro xuống mức thấp nhất có thể để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong các hoạt động tín dụng.
1. Những điểm tiến bộ về quy định xử lý tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng theo Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)
Dự thảo đã cho thấy một bước tiến mạnh mẽ trong việc nỗ lực xử lý các “lỗ hổng” trong hoạt động của tổ chức tín dụng nói chung và vấn đề xử lý tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng nói riêng. Một điểm tiến bộ rõ rệt nhất là Dự thảo đã quy định một chương riêng về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu tại Chương XIII của Dự thảo. Theo đó, Dự thảo đã có những quy định cụ thể về thủ tục thu giữ tài sản bảo đảm và thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm mà Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành chưa có quy định. Do Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành chưa quy định nên khi các tổ chức tín dụng thực hiện thủ tục thu giữ tài sản bảo đảm và xác định thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm phải sử dụng Bộ luật Dân sự năm 2015 với tư cách là luật chung so với Luật Các tổ chức tín dụng, cùng các văn bản hướng dẫn khác như Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm, Nghị định số 11/2012/NĐ-CP ngày 22/02/2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP, Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (Nghị quyết số 42/2017/QH14)… Dù Bộ luật Dân sự năm 2015 và các văn bản hướng dẫn quy định khá chi tiết và chặt chẽ, tuy nhiên, những quy định này được áp dụng chung cho các giao dịch bảo đảm trong quan hệ dân sự, trong khi hoạt động tín dụng của tổ chức tín dụng lại mang rủi ro cao, giao dịch bảo đảm trong hoạt động tín dụng có sự tương đồng nhưng vẫn tồn tại những điểm khác biệt so với giao dịch bảo đảm trong quan hệ dân sự thông thường, do đó, khung pháp lý về xử lý tài sản bảo đảm trong trường hợp vi phạm nghĩa vụ trả nợ trong hợp đồng tín dụng cần được quy định chặt chẽ và cụ thể hơn so với xử lý tài sản bảo đảm trong quan hệ dân sự thông thường. Ngoài ra, Nghị quyết số 42/2017/QH14 được ban hành nhằm khắc phục “lỗ hổng” pháp lý về quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của các tổ chức tín dụng nhưng văn bản này sẽ hết hiệu lực vào ngày 31/12/2023. Vì vậy, việc Dự thảo quy định riêng một chương về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu là cần thiết và là một sự tiến bộ rõ rệt.
2. Một số bất cập về quy định xử lý tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng theo Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)
Có thể thấy, mặc dù Dự thảo đã có sự tiến bộ trong việc đưa ra các quy định về xử lý tài sản bảo đảm của các tổ chức tín dụng, tuy nhiên vẫn còn một số vấn đề hạn chế cần phải tiếp tục hoàn thiện. Theo đó, một số vấn đề còn hạn chế có thể kể đến như:
Một là, khái niệm “nắm giữ bất động sản” chưa được làm rõ. Khoản 3 Điều 138 Dự thảo vẫn giữ nguyên quy định “tổ chức tín dụng không được kinh doanh bất động sản, trừ trường hợp… nắm giữ bất động sản do việc xử lý nợ vay…”. Với việc chưa có sự quy định rõ như thế nào là “nắm giữ bất động sản” dẫn đến tồn tại nhiều cách hiểu khác nhau, theo đó, khái niệm này có thể hiểu theo hai hướng: (i) Tổ chức tín dụng nắm giữ bất động sản là khi tổ chức tín dụng nhận bàn giao tài sản từ khách hàng, bên bảo đảm, bên thứ ba hoặc cơ quan có thẩm quyền; (ii) Tổ chức tín dụng nắm giữ bất động sản là khi tổ chức tín dụng ra quyết định xử lý tài sản bảo đảm là bất động sản đó[3]. Như vậy, với việc chưa làm rõ như thế nào là tổ chức tín dụng nắm giữ bất động sản khiến cho việc các tổ chức tín dụng triển khai trên thực tế gặp nhiều khó khăn.
Hai là, thời hạn tổ chức tín dụng nắm giữ bất động sản chưa thực sự khả thi. Khoản 3 Điều 138 Dự thảo quy định: “Trong thời hạn 05 năm kể từ ngày quyết định xử lý tài sản bảo đảm là bất động sản, tổ chức tín dụng phải bán, chuyển nhượng hoặc mua lại bất động sản này để bảo đảm tỷ lệ đầu tư vào tài sản cố định và mục đích sử dụng tài sản cố định quy định…”. Có thể hiểu, lúc này tổ chức tín dụng đã nắm giữ bất động sản thông qua việc nhận bàn giao hay thu giữ bất động sản từ khách hàng, bên bảo đảm, bên thứ ba, cơ quan có thẩm quyền để xử lý thu hồi nợ nhưng thực tế những đối tượng này chưa thực hiện thủ tục chuyển quyền sở hữu cho ngân hàng. Ngoài ra, kể từ thời điểm ngân hàng thu giữ hay nhận bàn giao tài sản bảo đảm cho đến khi xử lý xong thường diễn ra trong một khoảng thời gian dài, nhiều trường hợp do phát sinh tranh chấp nên việc xử lý bất động sản không thể thực hiện được[4]. Vì vậy, nếu quy định thời hạn tổ chức tín dụng nắm giữ bất động sản là 05 năm thì chưa thực sự khả thi, gây ảnh hưởng lớn đến khả năng thu hồi vốn của tổ chức tín dụng.
Ba là, quyền thu giữ tài sản bảo đảm của các tổ chức tín dụng vẫn tồn tại một số bất cập trong thực tiễn. Quyền thu giữ tài sản bảo đảm là một quyền không thể thiếu của tổ chức tín dụng trong quy trình xử lý tài sản bảo đảm. Tuy nhiên, theo khoản 2 Điều 7 Nghị quyết số 42/2017/QH14, quyền thu giữ tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng chỉ phát sinh khi đáp ứng đủ các điều kiện luật định và khoản 3 Điều 193 Dự thảo cũng tiếp tục duy trì tinh thần này. Theo đó, điều kiện tiên quyết để quyền thu giữ tài sản bảo đảm phát sinh là phải có sự thỏa thuận giữa bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm trong hợp đồng bảo đảm. Tuy nhiên, đối với những hợp đồng bảo đảm được giao kết trước ngày Nghị quyết số 42/2017/QH14 có hiệu lực, nếu các bên không giao kết điều khoản về quyền thu giữ tài sản trong hợp đồng thì tổ chức tín dụng cũng không được tiến hành thu giữ tài sản bảo đó, trừ trường hợp các bên trong hợp đồng cùng nhau đàm phán lại và ký phụ lục hợp đồng bổ sung nội dung về quyền thu giữ tài sản bảo đảm[5]. Trên thực tế, những khách hàng có nợ xấu thường có xu hướng không hợp tác cùng tổ chức tín dụng để ký phụ lục hợp đồng, do đó, các tổ chức tín dụng không thể thực hiện quyền này, ảnh hưởng đến quá trình xử lý tài sản bảo đảm. Nhiều ý kiến cho rằng, cần mở rộng phạm vi thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm bằng việc trao quyền thu giữ tài sản bảo đảm cho tổ chức tín dụng (bên nhận bảo đảm) kèm theo các điều kiện về đảm bảo trật tự công cộng, tức là biến quyền thu giữ tài sản bảo đảm từ một quyền phát sinh từ hợp đồng thành một dạng quyền luật định. Ngược lại, một quan điểm khác cho rằng, không nên luật hóa quyền thu giữ tài sản bảo đảm. Bởi lẽ, việc thu giữ tài sản bảo đảm sẽ tác động trực tiếp đến quyền sở hữu tài sản của người bảo đảm, nếu tài sản bảo đảm là nhà ở thì sẽ ảnh hưởng đến quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở mà cả hai quyền này đều là những quyền hiến định không thể vi phạm. Do đó, luật hóa quyền thu giữ tài sản bảo đảm luôn là vấn đề gây tranh cãi, bất cập trên thực tế mà vẫn chưa thể giải quyết.
Bốn là, quá trình xác minh tình trạng của tài sản bảo đảm khi tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm còn gặp nhiều khó khăn. Điểm d khoản 3 Điều 193 Dự thảo quy định: “Tài sản bảo đảm không phải là tài sản tranh chấp trong vụ án đã được thụ lý nhưng chưa được giải quyết hoặc đang được giải quyết tại Tòa án có thẩm quyền; không đang bị Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; không đang bị kê biên hoặc áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án theo quy định của pháp luật”. Có thể hiểu, tổ chức tín dụng chỉ được thu giữ tài sản bảo đảm là những tài sản “sạch” về pháp lý[6] nên khi thu giữ tài sản bảo đảm, tổ chức tín dụng phải xác minh tình trạng của tài sản bảo đảm. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều tổ chức tín dụng cho rằng, việc xác minh tình trạng của tài sản bảo đảm gặp rất nhiều khó khăn. Trước hết là khả năng tra cứu và tiếp cận thông tin của tài sản ở phía Tòa án, cơ quan thi hành án, cơ quan đăng ký tài sản hay sở tư pháp còn hạn chế nhiều và Dự thảo chưa đưa ra được phương án nhằm giải quyết khó khăn này.
3. Một số góp ý hoàn thiện quy định về xử lý tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng
Một là, Dự thảo cần quy định rõ cách hiểu về thuật ngữ “nắm giữ tài sản” của tổ chức tín dụng. Theo đó, thuật ngữ “tổ chức tín dụng nắm giữ tài sản” cần được hiểu theo hướng là khi tổ chức tín dụng nhận tài sản là bất động sản từ khách hàng, bên bảo đảm, bên thứ ba hoặc cơ quan có thẩm quyền để thay thế cho nghĩa vụ trả nợ. Việc quy định rõ cách hiểu về thuật ngữ này vừa tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng sử dụng được nhiều nguồn lực, phương thức để xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi vốn, vừa vẫn bảo đảm vấn đề hạn chế các tổ chức tín dụng thực hiện kinh doanh bất động sản[7]. Ngoài ra, việc quy định rõ về cách hiểu của thuật ngữ trên cũng giúp tạo ra cơ sở pháp lý thống nhất trong việc hiểu và tiếp cận, sử dụng thuật ngữ này trên thực tế.
Hai là, đối với thời hạn nắm giữ bất động sản, có thể điều chỉnh thời hạn từ 05 năm lên 07 năm (hoặc một khoảng thời gian dài hơn 05 năm mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đánh giá là phù hợp) kể từ khi quyết định xử lý tài sản bảo đảm là bất động sản. Việc điều chỉnh thời hạn dài hơn 05 năm có thể giúp cho các tổ chức tín dụng thực hiện các thủ tục xử lý tài sản bảo đảm không bị “áp lực” về mặt thời gian, nếu xảy ra tranh chấp có đối tượng là bất động sản đó cũng sẽ có thời gian để giải quyết.
Ba là, về quyền thu giữ tài sản bảo đảm của các tổ chức tín dụng, không nên chuyển quyền thu giữ tài sản bảo đảm từ quyền phát sinh từ hợp đồng thành quyền luật định. Nhìn chung, việc thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm luôn có khả năng xung đột với quyền sở hữu tài sản và quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở như đã trình bày ở trên. Vì vậy, cần bảo đảm dung hòa được việc tổ chức tín dụng thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm nhưng không được xung đột với các quyền hiến định bằng cách vẫn đề cao tầm quan trọng sự thoả thuận của bên bảo đảm trong hợp đồng; những khó khăn về vấn đề bên bảo đảm không hợp tác bàn giao tài sản bảo đảm cho tổ chức tín dụng có thể được giải quyết bằng các biện pháp khác. Việc Dự thảo tiếp tục kế thừa quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 là hoàn toàn hợp lý.
Bốn là, để thuận lợi hơn cho tổ chức tín dụng trong việc xác định tình trạng của tài sản bảo đảm khi tiến hành thu giữ tài sản này, Dự thảo nên xác định rõ thế nào là “tài sản đang tranh chấp”. Theo đó, trong trường hợp này, có thể xác định tài sản đang bị tranh chấp là khi tranh chấp đó đã được cơ quan có thẩm quyền thụ lý giải quyết và ra thông báo tạm ngừng giao dịch đối với tài sản. Việc xác định tình trạng của tài sản có đang bị tranh chấp hay không sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các giao dịch đã, đang hoặc sẽ phát sinh có đối tượng là tài sản đó. Vì vậy, tình trạng tài sản đang bị tranh chấp phải dựa vào sự xem xét và quyết định của cơ quan có thẩm quyền đã thụ lý tranh chấp. Ngoài ra, Chính phủ nên xây dựng một hệ thống thông tin trực tuyến cho phép các tổ chức tín dụng có thể tra cứu về thông tin và tình trạng của tài sản, việc này sẽ rút ngắn thời gian tổ chức tín dụng tìm hiểu tình trạng của tài sản, việc xử lý tài sản bảo đảm diễn ra suôn sẻ, không bị gián đoạn bởi các vấn đề về tài sản đang bị tranh chấp.
Xử lý tài sản bảo đảm là một công cụ quan trọng trong hoạt động tín dụng của tổ chức tín dụng, bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên tham gia quan hệ bảo đảm. Trải qua một khoảng thời gian dài áp dụng và thi hành trên thực tiễn, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 cùng các văn bản hướng dẫn đã cho thấy một số bất cập, khó khăn trong vấn đề xử lý tài sản bảo đảm của các tổ chức tín dụng. Vì vậy, việc sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng 2010 là hết sức cần thiết. Bên cạnh điểm mới tiến bộ được đánh giá là nổi bật, có thể thấy, một số nội dung trong Dự thảo chưa thực sự khả thi. Do đó, cần tiếp tục hoàn thiện các nội dung trong Dự thảo về hoạt động xử lý tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng nhằm góp phần giảm thiểu rủi ro, nâng cao hiệu quả của hoạt động tín dụng.
ThS. Đỗ Thị Lan Anh
Trường Đại học Hùng Vương TP. Hồ Chí Minh
ThS. Trần Linh Huân & Đặng Thanh Tuyền
Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh
[1]. Trương Thanh Đức (2017), Chín biện pháp bảo đảm nghĩa vụ hợp đồng, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr. 507.
[2]. Hồng Anh (2016), “Nhiều vướng mắc trong xử lý tài sản bảo đảm”, https://nhandan.vn/nhieu-vuong-mac-trong-xu-ly-tai-san-bao-dam-post279849.html, truy cập ngày 14/11/2023.
[3]. Minh Vy (2023), “Ngân hàng chỉ được nắm giữ bất động sản trong 3 năm để xử lý nợ vay?”, https://cafef.vn/ngan-hang-chi-duoc-nam-giu-bat-dong-san-trong-3-nam-de-xu-ly-no-vay-20230309112216545.chn#:~:text=Th%E1%BB%A9%20nh%E1%BA%A5t%2C%20Lu%E1%BA%ADt%20ch%C6%B0a%20l%C3%A0m,ra%20quy%E1%BA%BFt%20%C4%91%E1%BB%8Bnh%20x%E1%BB%AD%20l%C3%BD), truy cập ngày 14/11/2023”.
[4]. Minh Vy (2023), Tlđd.
[5]. Lưu Minh Sang (2023), “Luật hóa quyền thu giữ tài sản bảo đảm - liệu có phá được “thế lưỡng nan”?”, https://thesaigontimes.vn/luat-hoa-quyen-thu-giu-tai-san-bao-dam-lieu-co-pha-duoc-the-luong-nan/, truy cập ngày 14/11/2023.
[6]. Lưu Minh Sang (2023), Tlđd.
[7]. Minh Vy (2023), Tlđd.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 394), tháng 12/2023)