Hiện nay, có nhiều quan điểm cho rằng: Thi hành án dân sự là giai đoạn cuối cùng của hoạt động tố tụng, nó có vai trò quan trọng trong việc góp phần bảo đảm hiệu lực thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án. Tuy nhiên, khi cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án, thì gặp phải không ít trường hợp chống đối quyết liệt của người phải thi hành án. Do vậy, để cho bản án, quyết định của Tòa án được thi hành trên thực tế một cách nghiêm minh, mang tính thượng tôn pháp luật, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các bên đương sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, nếu người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành án thì khi hết thời gian tự nguyện thi hành án, người đó sẽ bị cưỡng chế thi hành án theo quy định của pháp luật.
Cưỡng chế thi hành án dân sự là hoạt động thường xuyên của các cơ quan thi hành án dân sự ở địa phương mà người trực tiếp thực hiện là chấp hành viên của cơ quan Thi hành án dân sự. Theo quy định tại Điều 71 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, được sửa đổi bổ sung năm 2014 (Luật Thi hành án dân sự), có sáu biện pháp cưỡng chế sau đây:
- Khấu trừ tiền trong tài khoản; thu hồi, xử lý tiền, giấy tờ có giá của người phải thi hành án.
- Trừ vào thu nhập của người phải thi hành án.
- Kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án, kể cả tài sản đang do người thứ ba giữ.
- Khai thác tài sản của người phải thi hành án.
- Buộc chuyển giao vật, chuyển giao quyền tài sản, giấy tờ.
- Buộc người phải thi hành án thực hiện hoặc không được thực hiện công việc nhất định.
Trong nội dung bài viết này, tác giả chỉ nêu lên một số khó khăn, vướng mắc của biện pháp cưỡng chế buộc người phải thi hành án thực hiện công việc nhất định theo bản án, cụ thể như là buộc tháo dỡ các công trình xây dựng, mở lối đi, cải chính tin tức sai sự thật, công khai xin lỗi, nhận người lao động trở lại làm việc, giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng theo bản án, quyết định… Nếu hết thời gian tự nguyện thi hành án, mà người phải thi hành án có điều kiện thi hành án không tự thi hành, thì chấp hành viên áp dụng Điều 118 Luật Thi hành án dân sự để cưỡng chế thi hành nghĩa vụ buộc thực hiện công việc nhất định, cụ thể như sau:
“1. Trường hợp thi hành nghĩa vụ phải thực hiện công việc nhất định theo bản án, quyết định mà người phải thi hành án không thực hiện thì chấp hành viên quyết định phạt tiền và ấn định thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định phạt tiền để người đó thực hiện nghĩa vụ thi hành án.
2. Hết thời hạn đã ấn định mà người phải thi hành án không thực hiện nghĩa vụ thi hành án thì chấp hành viên xử lý như sau:
a) Trường hợp công việc đó có thể giao cho người khác thực hiện thay thì Chấp hành viên giao cho người có điều kiện thực hiện; chi phí thực hiện do người phải thi hành án chịu;
b) Trường hợp công việc đó phải do chính người phải thi hành án thực hiện thì chấp hành viên đề nghị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án”.
Như vậy, theo nội dung của điều luật nêu trên, thì khi chúng ta áp dụng biện pháp cưỡng chế buộc thực hiện một công việc nhất định theo bản án, thì cần phải xác định rõ có hai loại công việc: (i) Công việc chỉ duy nhất chính bản thân người phải thi hành án thực hiện (ví dụ xin lỗi công khai) quy định tại điểm b khoản 2 Điều 118 Luật Thi hành án dân sự; (ii) Công việc nếu như người phải thi hành án không tự mình thực hiện mà có thể giao cho người có điều kiện thực hiện thay (ví dụ tháo dỡ công trình xây dựng trên đất) quy định tại điểm a khoản 2 Điều 118 Luật Thi hành án dân sự.
Mặt khác, theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 118 Luật Thi hành án dân sự, thì chấp hành viên chỉ được đề nghị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án trong một trường hợp công việc đó chỉ duy nhất chính người phải thi hành án thực hiện. Còn trong trường hợp nghĩa vụ thi hành án mà có thể giao cho người khác thực hiện thay mà người phải thi hành án không tự nguyện thi hành án hay không thể tự mình trực tiếp thực hiện được thì, chấp hành viên có quyền giao cho người khác có điều kiện thực hiện công việc đó.
Quá trình tổ chức thi hành án từ thực tiễn ở địa phương cho thấy một số trường hợp buộc xin lỗi công khai, nhưng khi có quyết định thi hành án thì người phải thi hành án đi khỏi địa phương không xác định được địa chỉ cư trú cụ thể mà việc buộc thực hiện một công việc nhất định này không thể thay thế cho người khác, nên không thể tổ chức cưỡng chế thi hành án được và cũng không thể xét miễn giảm cũng như ra quyết định chưa có điều kiện thi hành án được; một số trường hợp người phải thi hành án chống đối quyết liệt, không thực hiện theo yêu cầu của chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự. Đối với loại việc này, thì trước khi cưỡng chế hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền khởi tố tội không chấp hành án theo định tại điểm b khoản 2 Điều 118 Luật Thi hành án dân sự, thì phải xử phạt vi phạm hành chính đối với người phải thi hành án, mà theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 64, khoản 3 Điều 85 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã thì thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính là do Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự cấp tỉnh, vì có mức tiền phạt từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng, nhưng trong thực tế cho thấy khi có quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự khó có thể thu được tiền phạt, do người phải thi hành án không có tiền để nộp phạt hoặc cố tình không nộp bởi nhiều lý do khác nhau; đối với trường hợp xin lỗi công khai mà người phải thi hành án cố tình không thực hiện, cơ quan thi hành án đã đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý hình sự về tội không chấp hành án, nhưng người phải thi hành án vẫn không thực hiện nghĩa vụ của mình theo bản án tuyên, nên loại việc này vẫn còn tồn đọng chưa có hướng xử lý dứt điểm.
Trên đây, là một số khó khăn, vướng mắc trong việc cưỡng chế thi hành án dân sự buộc thực hiện công việc theo bản án tuyên. Do đó, trong thời gian tới các cơ quan có thẩm quyền cần sớm có những hướng dẫn cụ thể và có những biện pháp chế tài phù hợp với thực tế mới đảm bảo được sự công bằng về quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự cũng như những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến việc thi hành án./.
Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Quy Nhơn, Bình Định