1. Một số quy định của Luật Trẻ em năm 2016 về trẻ em không quốc tịch, trẻ em lánh nạn, tị nạn
- Khoản 1 Điều 10 Luật Trẻ em năm 2016 quy định 14 nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trong đó có trẻ em lánh nạn, tị nạn chưa xác định được cha mẹ hoặc không có người chăm sóc[1].
- Điều 36 Luật Trẻ em năm 2016 quy định quyền của trẻ em không quốc tịch, trẻ em lánh nạn, tị nạn, theo đó: “Trẻ em không quốc tịch cư trú tại Việt Nam, trẻ em lánh nạn, tị nạn được bảo vệ và hỗ trợ nhân đạo, được tìm kiếm cha, mẹ, gia đình theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên”[2].
- Điều 62 Luật Trẻ em năm 2016 quy định các trường hợp trẻ em cần chăm sóc thay thế, trong đó có trẻ em lánh nạn, tị nạn chưa xác định được cha, mẹ[3].
Như vậy, theo quy định của Luật Trẻ em năm 2016, ngoài việc được hưởng mọi quyền như các trẻ em khác, trẻ em không quốc tịch, trẻ em lánh nạn, tị nạn còn hưởng một số quyền đặc biệt khác như: Quyền được bảo vệ và hỗ trợ nhân đạo; quyền được tìm kiếm cha, mẹ, gia đình...
Những quy định của Luật Trẻ em năm 2016 về trẻ em không quốc tịch, trẻ em lánh nạn, tị nạn là bước tiến bộ so với Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2014, thể hiện sự quan tâm của Nhà nước và xã hội đối với những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, tạo điều kiện để trẻ em không quốc tịch, trẻ em lánh nạn, tị nạn được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục như những trẻ em bình thường khác.
2. Một số hạn chế của Luật Trẻ em năm 2016 về trẻ em không quốc tịch, trẻ em lánh nạn, tị nạn
Thứ nhất, chưa nêu rõ khái niệm trẻ em lánh nạn, tị nạn.
Luật Trẻ em năm 2016 chưa nêu rõ khái niệm trẻ em không có quốc tịch, nhưng Luật Quốc tịch năm 2008 có nêu rõ khái niệm người không quốc tịch (bao gồm trẻ em không quốc tịch) là “người không có quốc tịch Việt Nam và cũng không có quốc tịch nước ngoài”[4], từ đó có thể hiểu trẻ em không có quốc tịch là “trẻ em không có quốc tịch Việt Nam và cũng không có quốc tịch nước ngoài”.
Tuy nhiên, hiện nay, Luật Trẻ em năm 2016 và các văn bản quy phạm pháp luật khác của Việt Nam, đều không nêu rõ khái niệm người lánh nạn, tị nạn và sự khác biệt giữa người lánh nạn và người tị nạn. Cụm từ “trẻ em lánh nạn, tị nạn” lần đầu tiên mới được đưa vào trong một văn bản quy phạm pháp luật là Luật Trẻ em năm 2016 và chưa được quy định cụ thể, chưa nêu rõ khái niệm trẻ em lánh nạn, tị nạn, do đó, có rất nhiều người không biết được đối tượng nào được coi là trẻ em lánh nạn, tị nạn và sự khác nhau giữa trẻ em lánh nạn và trẻ em tị nạn.
Mặc dù, Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em đã có quy định các trường hợp trẻ em lánh nạn, tị nạn chưa xác định được cha, mẹ hoặc không có người chăm sóc, nhưng đã không nêu khái niệm trẻ em lánh nạn, tị nạn và phân biệt giữa trẻ em lánh nạn và trẻ em tị nạn.
Thứ hai, không quy định trẻ em không quốc tịch chưa xác định được cha, mẹ hoặc không có người chăm sóc là nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Điểm o khoản 1 Điều 10 Luật trẻ em năm 2016 quy định trẻ em lánh nạn, tị nạn chưa xác định được cha, mẹ hoặc không có người chăm sóc là nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, nhưng không quy định trẻ em không quốc tịch chưa xác định được cha, mẹ hoặc không có người chăm sóc là nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Việc không quy định trẻ em không quốc tịch chưa xác định được cha, mẹ hoặc không có người chăm sóc là nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt sẽ làm cho những trẻ em này phải chịu nhiều thiệt thòi, không được bảo vệ đầy đủ như những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khác.
Thứ ba, chưa quy định đầy đủ các trường hợp cần chăm sóc thay thế.
Khoản 4 Điều 62 Luật Trẻ em năm 2016 chỉ quy định trẻ em lánh nạn, tị nạn chưa xác định được cha mẹ là trường hợp cần chăm sóc thay thế, nhưng không quy định trẻ em không quốc tịch chưa xác định được cha, mẹ là trường hợp cần chăm sóc thay thế. Như vậy, Luật Trẻ em năm 2016 chưa quy định đầy đủ các trường hợp cần chăm sóc thay thế, mà trên thực tế, trẻ em không quốc tịch chưa xác định được cha, mẹ cũng cần chăm sóc thay thế như trẻ em lánh nạn, tị nạn chưa xác định được cha, mẹ.
Thứ tư, chưa quy định rõ ràng các trường hợp được tìm kiếm cha, mẹ, gia đình.
Điều 36 Luật Trẻ em năm 2016 quy định trẻ em không quốc tịch, trẻ em lánh nạn, tị nạn “được tìm kiếm cha, mẹ, gia đình theo quy định của pháp luật Việt Nam và Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên” là chưa rõ ràng. Vì trên thực tế, chỉ có trẻ em không quốc tịch, trẻ em lánh nạn, tị nạn chưa xác định được cha, mẹ và gia đình mới phải tìm kiếm cha, mẹ, gia đình, còn trẻ em không quốc tịch, trẻ em lánh nạn, tị nạn có cha, mẹ, gia đình thì không cần phải tìm kiếm cha, mẹ, gia đình.
Thứ năm, chưa quy định quyền được bảo đảm an sinh xã hội của trẻ em không có quốc tịch, trẻ em lánh nạn, tị nạn chưa xác định được cha mẹ hoặc không có người chăm sóc.
Theo quy định của Điều 32 Luật Trẻ em, chỉ có trẻ em là công dân Việt Nam mới được bảo đảm an sinh xã hội theo quy định của pháp luật phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội nơi trẻ em sinh sống và điều kiện của cha, mẹ hoặc người chăm sóc trẻ em. Trong lúc đó trẻ em không có quốc tịch, trẻ em lánh nạn, tị nạn chưa xác định được cha, mẹ hoặc không có người chăm sóc không có quyền được bảo đảm an sinh xã hội.
3. Một số kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Trẻ em năm 2016 về trẻ em không quốc tịch, trẻ em lánh nạn, tị nạn
Một là, cần quy định rõ khái niệm trẻ em lánh nạn và trẻ em tị nạn.
Việc chưa quy định rõ khái niệm trẻ em lánh nạn và trẻ em tị nạn và sự khác nhau giữa trẻ em lánh nạn và trẻ em tị nạn sẽ gây nhiều khó khăn trong việc bảo vệ trẻ em lánh nạn và trẻ em tị nạn. Chính vì vậy, việc quy định rõ khái niệm trẻ em lánh nạn và trẻ em tị nạn trong một văn bản pháp luật là rất cần thiết, để có cơ sở bảo vệ trẻ em thuộc đối tượng này, góp phần bảo vệ quyền của trẻ em lánh nạn và trẻ em tị nạn một cách có hiệu quả.
Hiện nay, dưới góc độ luật pháp quốc tế, Công ước về vị thế của người tị nạn năm 1951 có đưa ra khái niệm người tị nạn. Theo Điều 1 Công ước về vị thế của người tị nạn năm 1951, người tị nạn là người đã rời bỏ quốc gia mà người đó có quốc tịch (hoặc người không có quốc tịch đã rời bỏ quốc gia mà trước đó họ đã từng cư trú) do sợ bị ngược đãi vì những lý do chủng tộc, tôn giáo, dân tộc, hoặc do thành viên của một nhóm xã hội cụ thể nào đó hay vì quan điểm chính trị[5].
Trong lúc chưa có chưa có văn bản pháp luật nào của Việt Nam nêu rõ khái niệm trẻ em tị nạn, chúng ta có thể sử dụng khái niệm người tị nạn được ghi nhận trong Công ước về vị thế của người tị nạn năm 1951, để xác định trẻ em tị nạn.
Tuy nhiên, Công ước về vị thế của người tị nạn năm 1951, cũng như các điều ước quốc tế khác và các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam đều không nêu rõ khái niệm người lánh nạn và trẻ em lánh nạn, do đó, chúng ta không thể xác định được trẻ em nào là trẻ em lánh nạn. Chính vì vậy, việc quy định rõ khái niệm trẻ em lánh nạn là hết sức cần thiết.
Hai là, cần quy định trẻ em không quốc tịch chưa xác định được cha, mẹ hoặc không có người chăm sóc là nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Trẻ em không quốc tịch chưa xác định được cha, mẹ hoặc không có người chăm sóc là trẻ em vừa không có quốc tịch Việt Nam, vừa không có quốc tịch nước ngoài. Những đứa trẻ này vừa không được hưởng đầy đủ các quyền công dân như những trẻ em có quốc tịch Việt Nam, vừa không được hưởng đầy đủ các quyền công dân như những trẻ em của bất cứ một nước nào khác. Bên cạnh đó, những trẻ em này không được được cha, mẹ và người thân chăm sóc như những trẻ em bình thường khác. Những trẻ em không quốc tịch chưa xác định được cha, mẹ hoặc không có người chăm sóc phải chịu nhiều thiệt thòi, thường phải bỏ học để kiếm sống, dễ bị tổn hại nghiêm trọng về thể chất và tinh thần do bị bạo lực, bị bóc lột; bị xâm hại tình dục…, do đó, cần được xác định trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt để được hưởng những quyền khác như trẻ em lánh nạn, tị nạn chưa xác định được cha, mẹ hoặc không có người chăm sóc. Chính vì vậy, điểm o khoản 1 Điều 10 Luật Trẻ em năm 2016 cần được sửa đổi như sau: “… trẻ em không quốc tịch, trẻ em lánh nạn, tị nạn chưa xác định được cha, mẹ hoặc không có người chăm sóc”.
Ba là, cần quy định bổ sung thêm các đối tượng cần chăm sóc thay thế.
Khoản 4 Điều 62 Luật Trẻ em năm 2016 quy định trẻ em không quốc tịch chưa xác định được cha, mẹ không phải là trường hợp cần chăm sóc thay thế. Theo quan điểm của tác giả, cũng như trẻ em lánh nạn, tị nạn chưa xác định được cha, mẹ, trẻ em không quốc tịch chưa xác định được cha, mẹ cần phải được chăm sóc thay thế. Tất cả các đối tượng này đều có điểm chung là không được cha, mẹ hoặc người thân chăm sóc, dạy dỗ do đó đều cần thiết được chăm sóc thay thế như nhau. Việc quy định trẻ em không quốc tịch chưa xác định được cha mẹ là trường hợp cần chăm sóc thay thế hoàn toàn phù hợp với tinh thần của khoản 3 Điều 4 Luật Trẻ em năm 2016, theo đó, trẻ em không được hoặc không thể sống cùng cha đẻ, mẹ đẻ là những đối tượng cần được chăm sóc thay thế nhằm bảo đảm sự an toàn và lợi ích tốt nhất của trẻ em. Do đó, khoản 4 Điều 62 Luật Trẻ em năm 2016 cần được sửa đổi như sau: “Trẻ em không quốc tịch, trẻ em lánh nạn, tị nạn chưa xác định được cha mẹ, gia đình”.
Bốn là, cần quy định rõ ràng các trường hợp được tìm kiếm cha, mẹ, gia đình.
Điều 36 Luật Trẻ em năm 2016 quy định trẻ em không quốc tịch, trẻ em lánh nạn, tị nạn “được tìm kiếm cha, mẹ, gia đình theo quy định của pháp luật Việt Nam và Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên” là chưa rõ ràng, chưa nêu rõ những trẻ em không quốc tịch, trẻ em lánh nạn, tị nạn nào cần tìm kiếm cha, mẹ, gia đình. Vì trong thực tế, những trẻ em không quốc tịch, trẻ em lánh nạn, tị nạn đã xác định được cha mẹ, gia đình thì không cần tìm kiếm cha, mẹ, gia đình. Do đó, Điều 36 Luật Trẻ em năm 2016 cần được sửa đổi như sau:
“Điều 36. Quyền của trẻ em không quốc tịch, trẻ em lánh nạn, tị nạn
Trẻ em không quốc tịch, trẻ em lánh nạn, tị nạn được bảo vệ và hỗ trợ nhân đạo; trẻ em không quốc tịch, trẻ em lánh nạn, tị nạn chưa xác định được cha mẹ, gia đình được tìm kiếm cha, mẹ, gia đình theo quy định của pháp luật Việt Nam và Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên”.
Năm là, bổ sung quyền được bảo đảm an sinh xã hội cho trẻ em không quốc tịch, trẻ em lánh nạn, tị nạn chưa xác định được cha, mẹ hoặc không có người chăm sóc.
Trẻ em không quốc tịch, trẻ em lánh nạn, tị nạn chưa xác định được cha, mẹ hoặc không có người chăm sóc là những đối tượng chịu nhiều thiệt thòi về vật chất và tinh thần, không có điều kiện lao động để bảo đảm cuộc sống tối thiểu của mình. Những trẻ em này luôn có nguy cơ thiếu thốn các nhu cầu thiết yếu của cuộc sống, đau ốm, đói rét, không chỗ ở... Do đó, các em cần được bảo đảm an sinh xã hội, được cứu trợ trong những trường hợp khẩn cấp, được trợ cấp những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống như: Thực phẩm, quần áo, nhà ở, giáo dục, tiền và chăm sóc y tế. Việc bổ sung quyền được bảo đảm an sinh xã hội cho trẻ em không quốc tịch, trẻ em lánh nạn, tị nạn chưa xác định được cha mẹ hoặc không có người chăm sóc trong Luật Trẻ em là rất cần thiết, góp phần bảo vệ những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, đồng thời, thể hiện tính nhân đạo của nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam./.
ThS. Trần Việt Dũng & ThS. Trần Ngọc Thúy
Trường Đại học Luật - Đại học Huế