Toàn cảnh Tọa đàm
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, đồng chí Chu Thị Hoa, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý cho biết, năm 2024 là năm đầu tiên Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý được giao nhiệm vụ thực hiện việc nghiên cứu, cập nhật các xu hướng liên quan đến hoàn thiện pháp luật, cải cách pháp luật và cải tư pháp ở một số quốc gia trên thế giới. Theo đó, việc cập nhật xu hướng sẽ được chia thành 05 lĩnh vực nghiên cứu và gắn với các ban nghiên cứu của Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý như: Ban nghiên cứu Pháp luật quốc tế trong lĩnh vực pháp luật quốc tế; Ban nghiên cứu Pháp luật hành chính - Nhà nước trong lĩnh vực hành chính công/quản trị công, tố tụng hành chính, tổ chức bộ máy nhà nước, cải cách pháp luật, cải cách hành chính; Ban nghiên cứu Pháp luật hình sự và cải cách tư pháp trong lĩnh vực pháp luật hình sự và tố tụng hình sự, tổ chức hệ thống tư pháp; Ban nghiên cứu Pháp luật dân sự - kinh tế về hỗ trợ doanh nghiệp, thu hút đầu tư, xu thế bảo vệ người lao động, xu thế bảo vệ môi trường, bảo đảm phát triển bền vững, sử dụng các nguồn năng lượng mới, xu thế bảo vệ người tiêu dùng trong bối cảnh Cách mạng công nghệ 4.0, về bảo vệ nhân thân; Ban nghiên cứu Chiến lược xây dựng, thi hành pháp luật và quản lý ngành trong lĩnh vực xây dựng, thi hành pháp luật và quản lý ngành nhằm mục đích cung cấp nguồn tham khảo cho các đơn vị xây dựng pháp luật của Bộ Tư pháp, các viện, các trường trong quá trình đề xuất chính sách, pháp luật.
Đồng chí Chu Thị Hoa, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý phát biểu khai mạc Tọa đàm
Trao đổi về xu hướng hợp tác quốc tế về pháp luật, ký kết và thực thi các hiệp định tại Nhật Bản, đại diện Ban nghiên cứu Pháp luật quốc tế cho biết, Nhật Bản cam kết mạnh mẽ với các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, đặc biệt trong các lĩnh vực luật về bảo vệ môi trường, luật biển và các chính sách giảm phát thải carbon. Giai đoạn 2023 - 2024, Nhật Bản tập trung thúc đẩy các sáng kiến giảm thiểu biến đổi khí hậu, bảo vệ đại dương và chuyển đổi nền kinh tế theo hướng tuần hoàn, giúp đạt được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính vào năm 2030. Cụ thể, Nhật Bản đã ký kết nhiều hiệp định và cam kết với các đối tác quốc tế như Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng phát triển châu Á để hỗ trợ các dự án môi trường và giảm phát thải carbon. Nhật Bản đã ban hành trái phiếu chuyển đổi khí hậu thể hiện cam kết của Nhật Bản về tính trung hòa carbon.
Trung Quốc đã sửa đổi một số nội dung quan trọng về hỗ trợ doanh nghiệp và thu hút đầu tư, về nội dung này, đại diện Ban nghiên cứu Pháp luật dân sự - kinh tế cho biết, trong năm 2024, Luật Công ty được sửa đổi với một số thay đổi quan trọng, có hiệu lực từ ngày 01/7/2024, có thể kể đến một số nội dung như: giảm vốn đăng ký tối thiểu, quy định về đại diện pháp lý, cải thiện cơ cấu quản trị doanh nghiệp, nâng cao quyền lợi cổ đông nhỏ, yêu cầu doanh nghiệp tuân thủ các quy tắc về bảo vệ môi trường và lao động, quản lý minh bạch tài chính…
Đại diện Ban nghiên cứu Pháp luật hình sự và cải cách tư pháp cho biết, năm 2021, Bộ luật Hình sự Liên Bang Nga được sửa đổi theo hướng bổ sung chương riêng biệt là chương 14 của Bộ luật về trách nhiệm hình sự và hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Sửa đổi này nhằm xác định rõ hơn các biện pháp áp dụng riêng biệt cho người dưới 18 tuổi phạm tội với đường lối xử lý khoan hồng và nhân đạo hơn so với người đủ 18 tuổi trở lên. Theo đó, người dưới 18 tuổi phạm tội có thể được áp dụng các biện pháp giáo dục cưỡng chế hoặc hình phạt phù hợp tùy thuộc vào tính chất và mức độ nghiêm trọng của hình vi phạm tội. Một số sửa đổi khác trong năm 2021 cũng tập trung vào việc điều chỉnh các quy định liên quan đến tội phạm kinh tế, tội phạm công nghệ thông tin và các hành vi phạm tội mới xuất hiện trong bối cảnh xã hội hiện đại. Những thay đổi này nhằm tăng cường hiệu quả của pháp luật hình sự, bảo đảm tính công bằng và phù hợp với thực tiễn.
Đại diện Ban nghiên cứu phát biểu tại Tọa đàm
Về công tác ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong xây dựng pháp luật, đại diện Ban nghiên cứu Chiến lược xây dựng, thi hành pháp luật và quản lý ngành cho biết, năm 2018, Chính phủ Pháp đã thông qua chương trình chuyển đổi số của Bộ Tư pháp giai đoạn 2018 - 2022 với ngân sách là 530 triệu euro để tạo ra một hệ thống tư pháp dễ hiểu hơn, dễ tiếp cận hơn và hiệu quả hơn. Trong việc ứng dụng công nghệ, Bộ Tư pháp Pháp đã tỏ ra chậm trễ hơn so với các quốc gia châu Âu khác như Vương quốc Anh, Estonia, Bồ Đào Nha. Phần cứng lỗi thời với số lượng hạn chế; phần mềm tương tác giữa Bộ Tư pháp và các chức danh tư pháp đã cũ; mức độ bảo vệ của hệ thống thông tin thấp.
Đại diện Ban nghiên cứu Pháp luật hành chính - Nhà nước cho biết, về pháp luật bầu cử, Hoa Kỳ mở rộng quy định pháp luật về việc cấm người không phải công dân được tham gia bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử tiểu bang. Trong năm 2024, 08 tiểu bang của Hoa Kỳ đã sửa đổi Hiến pháp tiểu bang để cấm người không phải công dân được tham gia bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử tiểu bang. Những người không phải công dân tham gia bỏ phiếu sẽ bị truy tố hình sự. Các tu chính án Hiến pháp tiểu bang đều thống nhất cách sửa đổi về mặt ngôn ngữ. Do đó, khi đề cập đến chủ thể có quyền bầu cử, cụm từ “chỉ công dân” sẽ được sử dụng thay cho cụm từ “mọi công dân” hoặc “tất cả công dân”.
Trên cơ sở các nội dung được đưa ra tại Tọa đàm, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận và làm rõ hơn các vấn đề được nghiên cứu, cập nhật trong hoàn thiện pháp luật, cải cách pháp luật, cải cách tư pháp ở một số quốc gia trên thế giới năm 2024.
Thùy Dung