Luật Thủ Đô số 39/2024/QH15
Luật được xây dựng nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý; xây dựng cơ chế đặc thù, vượt trội; khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thi hành để xây dựng, phát triển Thủ đô với vị trí, vai trò là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, hướng tới đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa, thúc đẩy vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển. Luật Thủ đô năm 2024 gồm 07 chương và 54 điều quy định một số nội dung cơ bản như: Áp dụng Luật Thủ đô; trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô; tổ chức chính quyền đô thị; Hội đồng nhân dân Thành phố; Ủy ban nhân dân Thành phố; Hội đồng nhân dân quận, thị xã, thành phố thuộc Thành phố; tuyển dụng, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức; thu hút, trọng dụng người có tài năng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; quy hoạch xây dựng, phát triển Thủ đô; biện pháp bảo đảm thực hiện quy hoạch… Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản số 37/2024/QH15
Luật được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 7 vào ngày 27/6/2024 nhằm góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; tiếp tục nâng cao tính chuyên nghiệp hóa, chuyên môn hóa của đội ngũ đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản; khắc phục những hạn chế, bất cập, bảo đảm tính công khai, minh bạch, khách quan, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động đấu giá tài sản, nâng cao hiệu quả, hiệu lực của công tác quản lý nhà nước về đấu giá tài sản. Luật sửa đổi, bổ sung 43 điều; bổ sung 02 điều mới; bãi bỏ 02 điều và một số điểm, khoản của Luật Đấu giá tài sản với các nội dung cơ bản sau: Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung các quy định về đấu giá viên và tổ chức hành nghề đấu giá tài sản; thứ hai, sửa đổi, bổ sung các quy định về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản; thứ ba, sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động đấu giá tài sản. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất Đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15 và Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15
Luật được xây dựng nhằm đưa các nội dung đổi mới của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng vào thực tiễn, sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế của pháp luật hiện hành; đồng thời khơi thông nguồn lực đất đai, lành mạnh hóa thị trường bất động sản, tạo động lực mới cho phát triển đất nước và thực hiện các chính sách an sinh xã hội.
Bố cục của Luật gồm 05 điều, cụ thể: Điều 1 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, trong đó sửa đổi khoản 2 Điều 251, khoản 1 Điều 252, khoản 10 Điều 255, khoản 4 Điều 260; Điều 2 sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 197 Luật Nhà ở số 27/2023/QH15; Điều 3 sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 82 Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15; Điều 4 sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 209 Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15 và Điều 5 là hiệu lực thi hành. Các điều nêu trên được sửa đổi theo hướng cho phép Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, khoản 2 Điều 209 Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2024. Riêng nội dung liên quan đến quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế tại khoản 2 Điều 251 và khoản 4 Điều 260 Luật Đất đai và nội dung chuyển tiếp tại khoản 10 Điều 255 Luật Đất đai liên quan đến các dự án đầu tư thuộc trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 mà nhà đầu tư đã nộp hồ sơ hợp lệ để thực hiện thủ tục lựa chọn nhà đầu tư, chủ đầu tư trước ngày 01/8/2024 thì cho phép có hiệu lực đến trước ngày 01/01/2025.
Luật Đường bộ số 35/2024/QH15
Luật được xây dựng nhằm thể chế các chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước trong việc phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đường bộ, phát triển vận tải đường bộ nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn; tạo cơ chế đột phá, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng cơ chế, chính sách huy động, sử dụng các nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Luật gồm 06 chương, 86 điều tập trung vào 03 đột phá chiến lược là thể chế chính sách, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực; đồng thời giải quyết các yêu cầu của thực tiễn với tầm nhìn chiến lược theo hướng thông minh hơn, ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động đường bộ và tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính. Luật Đường bộ năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025.
Luật Bảo hiểm xã hội số 41/2024/QH15
Luật gồm 11 chương, 141 điều (tăng 02 chương và 16 điều so với Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành). Với mục tiêu đặt ra khi xây dựng là bảo đảm an sinh xã hội theo quy định của Hiến pháp; thể chế hóa quan điểm, đường lối, nội dung cải cách trong Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội và các văn kiện, nghị quyết có liên quan; sửa đổi căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn, mở rộng, gia tăng quyền, lợi ích để thu hút người lao động tham gia bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm xã hội số 41/2024/QH15 có một số điểm mới trọng tâm như sau: (i) Bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng; (ii) Bổ sung quy định nhằm gia tăng sự liên kết giữa tầng trợ cấp hưu trí xã hội và bảo hiểm xã hội cơ bản; (iii) Mở rộng đối tượng được tham gia và thụ hưởng đầy đủ các chế độ bảo hiểm xã hội bằng việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh; người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố; người lao động làm việc không trọn thời gian; người quản lý doanh nghiệp, người quản lý, điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương; (iv) Bổ sung quyền thụ hưởng chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã thay vì hưởng hai chế độ là hưu trí và tử tuất; (v) Bổ sung chế độ thai sản vào chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện…/.
Thùy Dung