
Thế chấp tài sản là một trong các biện pháp bảo đảm đối vật, theo đó, bên thế chấp dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Khi bên được thế chấp không thực hiện nghĩa vụ đối với bên nhận thế chấp, tài sản thế chấp sẽ được xử lý để thanh toán nghĩa vụ cho bên nhận thế chấp theo thỏa thuận. Tại Việt Nam, Bộ luật Dân sự năm 2015 là văn bản có giá trị pháp lý cao nhất điều chỉnh chung về hoạt động thế chấp trong giao dịch dân sự. Để hướng dẫn thi hành các quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015 về biện pháp bảo đảm, ngày 19/3/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 21/2021/NĐ-CP quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Các quy định về thế chấp tài sản tại Nghị định số 21/2021/NĐ-CP có nhiều điểm mới thể hiện sự đổi mới trong cách tiếp cận về biện pháp bảo đảm dân sự đã được thể hiện tại Bộ luật Dân sự năm 2015, đồng thời, đã giải quyết được một số khó khăn, vướng mắc phát sinh trong việc thế chấp tài sản trên thực tế.
Để tìm hiểu thêm về vấn đề này, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật trân trọng giới thiệu đến độc giả bài viết “Biện pháp thế chấp tài sản theo quy định của Nghị định số 21/2021/NĐ-CP” của tác giả Nguyễn Lương Trà được đăng tải trong số chuyên đề 200 trang về “Nội dung cơ bản của Nghị định về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ” năm 2021. Trong đó, tác giả phân tích một số nội dung liên quan như: Thế chấp tài sản để bảo đảm nghĩa vụ của bên thứ ba; giữ giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp; tài sản thế chấp; Hiệu lực của hợp đồng thế chấp...