1. Những kết quả đạt được của hoạt động thanh tra thời gian qua
1.1. Về cơ sở pháp lý
Từ khi Luật Thanh tra năm 2010 ban hành có hiệu lực từ ngày 01/7/2011, Chính phủ và các bộ đã triển khai ban hành một loạt các văn bản hướng dẫn thi hành như: Nghị định số 86/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra năm 2010, Nghị định số 07/2012/NĐ-CP ngày 9/02/2012 quy định về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành; Nghị định số 97/2011/NĐ-CP ngày 21/10/2011 quy định về thanh tra viên và cộng tác thanh tra viên; Nghị định số 82/2012/NĐ-CP ngày 9/10/2012 về tổ chức và hoạt động thanh tra Ngành Tài chính; Nghị định số 90/2012/NĐ-CP ngày 05/11/2012 về tổ chức và hoạt động thanh tra Ngành Nội vụ; Nghị định số 140/2013/NĐ-CP ngày 22/10/2013 về tổ chức và hoạt động của thanh tra Ngành Thông tin và Truyền thông; Nghị định 213/2013/NĐ-CP ngày 20/12/2013 về tổ chức và hoạt động của thanh tra Ngành Khoa học và Công nghệ; Nghị định số 17/2014/NĐ-CP ngày 11/3/2014 về tổ chức và hoạt động của thanh tra Ngành Ngoại giao; Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 07/04/2014 về tổ chức và hoạt động của thanh tra, giám sát Ngành Ngân hàng, Nghị định số 26/2013/NĐ-CP ngày 29/03/2013 về tổ chức và hoạt động thanh tra Ngành Xây dựng; Nghị định số 42/2013/NĐ-CP ngày 09/5/2013 về tổ chức và hoạt động thanh tra giáo dục; Nghị định số 57/2013/NĐ-CP ngày 31/5/2013 về tổ chức và hoạt động thanh tra Ngành Giao thông vận tải; Nghị định số 126/2013/NĐ-CP ngày 24/12/2013 về tổ chức và hoạt động thanh tra Ngành Kế hoạch và Đầu tư; Thông tư số 07/2011/TT-TTCP ngày 28/7/2011 của Thanh tra Chính phủ hướng dẫn quy trình tiếp công dân; Thông tư số 07/2013/TT-TTCP ngày 31/10/2013 của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình giải quyết khiếu nại hành chính… Với hệ thống pháp luật về thanh tra tương đối hoàn chỉnh như vậy đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho tổ chức và hoạt động thanh tra.
1.2. Những kết quả đạt được
Sự hoàn thiện của pháp luật thanh tra đã tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động thanh tra được thực hiện hiệu quả. Theo số liệu thống kê của Ngành Thanh tra, từ năm 2011 - 2013 toàn Ngành Thanh tra đã tiến hành 27.000 cuộc thanh tra hành chính, 4.000 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện trên 100.000 tỷ đồng vi phạm (riêng năm 2013 đã triển khai 8.921 cuộc thanh tra hành chính; 197.690 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện vi phạm 326.552 tỷ đồng, 4.520 ha đất trong đó kiến nghị thu hồi 25.225 tỷ đồng, 3.653 ha đất; xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 3.095 tỷ đồng; kiến nghị xử lý hành chính 1.586 tập thể, 2.675 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 72 vụ việc với 75 người[1].
Năm 2014, toàn Ngành đã triển khai 7.072 cuộc thanh tra hành chính và 233.811 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện nhiều vi phạm về kinh tế, đã kiến nghị thu hồi cho ngân sách nhà nước 51.583 tỷ đồng, 1.682,6 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý 13.777 tỷ đồng, 1.355,9 ha đất; xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 3.280,5 tỷ đồng; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 2.073 tập thể, 15.449 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 55 vụ việc.
Đối với công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, các cơ quan nhà nước đã tiếp 392.655 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo (tăng 3,2% so với năm 2013), với 4.876 đoàn đông người (tăng 8,8% so với năm 2013). Tổng Thanh tra Chính phủ và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã tiếp 423 lượt người đến trình bày về 16 vụ việc, trong đó có 05 đoàn đông người. Theo báo cáo, có lãnh đạo 12 bộ, ngành và 61 tỉnh, thành phố đã trực tiếp tiếp công dân theo đúng quy định với 87.084 lượt người, 1.363 lượt đoàn đông người. Bên cạnh đó, các cơ quan hành chính nhà nước tiếp nhận 234.972 đơn thư, trong đó có 93.704 đơn thư khiếu nại, tố cáo. Các cơ quan hành chính nhà nước đã giải quyết 36.750/42.783 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, trách nhiệm được giao, đạt tỷ lệ trên 85,9%.
Đối với công tác phòng, chống tham nhũng, các ngành, các cấp tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, trong đó đã tổ chức 43.910 lớp tuyên truyền, quán triệt pháp luật về phòng, chống tham nhũng cho 1.821.196 lượt người; phát hành 213.947 cuốn sách, tài liệu về phòng, chống tham nhũng; gắn với quán triệt việc thi hành Hiến pháp năm 2013, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Ngoài ra, Ngành Thanh tra tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các ngành, các cấp thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng. Qua công tác thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo đã phát hiện 93 vụ, 108 người có hành vi liên quan đến tham nhũng. Qua công tác tự kiểm tra nội bộ, các cơ quan nhà nước đã phát hiện 41 vụ, 72 người có hành vi liên quan đến tham nhũng[2].
2. Những hạn chế trong hoạt động thanh tra và nguyên nhân
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì hoạt động thanh tra thời gian qua còn có những khuyết điểm chủ yếu sau đây:
- Một số cuộc thanh tra kéo dài thời gian kết luận chưa đáp ứng các yêu cầu của quản lý, gây bức xúc trong nhân dân.
- Tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản (kể cả đất đai) theo kết luận, kiến nghị của cơ quan thanh tra tuy có chuyển biến so với các năm trước đây nhưng nhìn chung không cao.
- Cơ cấu tổ chức của các cơ quan được giao thực hiện thanh tra chuyên ngành và thanh tra địa phương (Thanh tra Nhà nước tỉnh, Thanh tra Nhà nước huyện) có nơi chưa hợp lý, thiếu đồng bộ, thống nhất.
- Khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm, cơ quan thanh tra chỉ được chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý mà tỷ lệ khởi tố các vụ việc này rất thấp…
Những khuyến điểm trên của hoạt động thanh tra xuất phát từ nhiều nguyên nhân, bao gồm cả nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan, trong đó có một nguyên nhân quan trọng là Luật Thanh tra năm 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật còn bộc lộ những hạn chế cần sửa đổi, bổ sung hoàn thiện, như:
- Cơ quan thanh tra còn quá phụ thuộc vào Thủ trưởng cơ quan hành chính cùng cấp nên gặp khó khăn trong chỉ đạo hoạt động điều hành thanh tra một cách tập trung, thống nhất.
- Cơ quan thanh tra chỉ có quyền kiến nghị, đề xuất mà không có thẩm quyền quyết định xử lý. Quyết định xử lý thuộc về người đứng đầu cơ quan hành chính cùng cấp trong khi chưa có chế tài cụ thể và đủ mạnh để buộc Thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước cùng cấp với cơ quan thanh tra chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi, quyết định của mình trong việc ra các quyết định thanh tra, chỉ đạo thanh tra, xử lý kịp thời đúng đắn các kết luận, kiến nghị đã thể hiện trong Báo cáo thanh tra.
- Trong quá trình thanh tra, khi phát hiện có vi phạm pháp luật hình sự, cơ quan thanh tra chuyển cho cơ quan điều tra xử lý mà không có quyền khởi tố …
Chính những bất cập, hạn chế nêu trên trong các quy định pháp luật về thanh tra đã ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả, hiệu lực của hoạt động thanh tra.
3. Một số kiến nghị sửa đổi Luật Thanh tra năm 2010
Để khắc phục những bất cập và hạn chế trên đây, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động thanh tra, trước mắt theo chúng tôi, cần phải: Công khai, minh bạch một cách thực sự hoạt động thanh tra; nâng cao chất lượng kết luận, kiến nghị của thanh tra; tăng cường sự giám sát của các cơ quan quyền lực nhà nước đối với các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện kết luận, kiến nghị thanh tra. Tuy nhiên, giải pháp quan trọng có tính chất lâu dài đó là cần sửa đổi, bổ sung Luật Thanh tra năm 2010 cũng như các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành (các nghị định của Chính phủ, thông tư của Thanh tra Chính phủ), các văn bản pháp luật khác có liên quan đến hoạt động thanh tra. Việc sửa đổi, bổ sung các văn bản trên cần tập trung vào các giải pháp sau:
Thứ nhất, quy định rõ ràng, cụ thể hơn về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý của Thủ trưởng các cơ quan hành chính nhà nước cùng cấp với cơ quan thanh tra trong việc phê duyệt chương trình thanh tra, ra quyết định thanh tra, kết luận, kiến nghị thanh tra cũng như việc kiểm tra, đôn đốc thực hiện kết luận, kiến nghị ấy; đồng thời phải tôn trọng, bảo đảm cho cơ quan thanh tra hoạt động đúng pháp luật.
Thứ hai, cần quy định về tổ chức, quyền và nghĩa vụ của các cơ quan thanh tra có tính độc lập cao hơn so với quy định hiện hành trong Luật Thanh tra năm 2010 để tránh việc cơ quan thanh tra phụ thuộc quá nhiều vào Thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước cùng cấp như hiện nay.
Thứ ba, cần quy định việc thành lập Thanh tra Tổng cục, Thanh tra Cục, Thanh tra Chi cục thuộc Sở có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể để đảm bảo điều kiện hoạt động.
Thứ tư, quy định cụ thể hơn về đối tượng thanh tra, nội dung thanh tra mà thanh tra chuyên ngành tiến hành thanh tra; cũng như đối tượng, nội dung mà thanh tra hành chính tiến hành thanh tra kinh tế - xã hội và thanh tra việc chấp hành pháp luật để tránh chồng chéo hoặc bỏ lọt các vi phạm không thanh tra.
Thứ năm, quy định Thanh tra nhà nước được khởi tố và điều tra ban đầu khi phát hiện các vi phạm pháp luật đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền được thanh tra (như quy định đối với bộ đội biên phòng, cơ quan thuế vụ, quản lý thị trường hiện nay được khởi tố và điều tra bước đầu về các vi phạm pháp luật).
ThS. Nguyễn Hữu Luận
Học viện Hành chính Quốc gia