1. Kết quả đạt được trong việc bảo đảm quyền con người ở Việt Nam thời gian qua
Ngay sau khi giành được độc lập, với phương châm xây dựng một nhà nước “của dân, do dân, vì dân”, Đảng và Nhà nước ta đã có những chủ trương, chính sách quan trọng nhằm bảo đảm quyền con người. Cùng với việc ghi nhận quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong các bản Hiến pháp từ năm 1946 đến nay, Đảng và Nhà nước ta đã thực thi nhiều chính sách bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Tính đến năm 2022, Việt Nam đã phê chuẩn, gia nhập 7/9 công ước cơ bản của Liên Hợp quốc về quyền con người; phê chuẩn, gia nhập 25 công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), trong đó có 7/8 công ước cơ bản. Đảng và Nhà nước luôn “coi trọng chăm lo hạnh phúc và sự phát triển toàn diện của con người, bảo vệ và bảo đảm quyền con người và lợi ích hợp pháp, chính đáng của con người, tôn trọng và thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người mà nước ta ký kết”[1].
Hiến pháp năm 2013 dành 36 điều trong tổng số 120 điều để quy định các nội dung về quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân; trên cơ sở đó, các luật, bộ luật đã cụ thể hóa chủ trương và tạo khuôn khổ pháp lý cho việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, Đảng và Nhà nước tích cực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế bền vững; thực hiện chế độ khám, chữa bệnh miễn phí cho trẻ em dưới 06 tuổi, chế độ giáo dục phổ thông được triển khai rộng khắp cả nước để nâng cao dân trí, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới… Qua đó, nâng cao chất lượng sống của người dân, rút ngắn khoảng cách giữa thành thị với nông thôn, khoảng cách giàu - nghèo. Hoạt động tư pháp, xét xử, “công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và việc bắt, giam, giữ, cải tạo được thực hiện nghiêm minh, dân chủ, công bằng hơn, hạn chế được oan, sai, bỏ lọt tội phạm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế”[2].
Hiện nay, hệ thống an sinh xã hội đã được phát triển thành mạng lưới an sinh xã hội, không ngừng mở rộng diện bao phủ các đối tượng an sinh xã hội và ngày càng đáp ứng tốt nhu cầu của các đối tượng an sinh xã hội. Điều này phản ánh rõ nét qua những chuyển biến tích cực trên các phương diện như: Hệ thống bảo hiểm xã hội; hệ thống hỗ trợ giải quyết việc làm; hệ thống trợ giúp xã hội; hệ thống chính sách ưu đãi cho người có công và hệ thống bảo đảm tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản (như giáo dục, y tế, nhà ở, thông tin, giao thông, nước sạch...) ngày càng được cải thiện về chất lượng cũng như quy mô dịch vụ, đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của đại bộ phận người dân, đặc biệt là nhóm dân cư tại các vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, những địa bàn đặc biệt khó khăn[3].
Trong giai đoạn 2014-2016, Việt Nam đã đảm nhiệm thành công vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc, góp phần bảo vệ lợi ích quốc gia, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước. Việt Nam không chỉ tham gia đồng tác giả, đồng bảo trợ hàng chục nghị quyết của Hội đồng Nhân quyền, tập trung vào các lĩnh vực quyền kinh tế, xã hội, văn hóa, bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương, bình đẳng giới, chống phân biệt đối xử, xóa bỏ các biện pháp cấm vận đơn phương ảnh hưởng đến thụ hưởng quyền con người, quyền công dân, vấn đề dân chủ hóa đời sống quốc tế và tăng cường đoàn kết quốc tế, mà còn có nhiều đóng góp, làm cầu nối thúc đẩy hợp tác và đối thoại giữa các nước, các nhóm nước nhằm thúc đẩy cách tiếp cận cân bằng, tiến bộ, hướng tới con người của Hội đồng nhân quyền trên những vấn đề còn khác biệt, ví dụ như về quyền sức khỏe sinh sản, chống bạo hành với phụ nữ, xóa bỏ phân biệt đối xử và bạo lực dựa trên cơ sở bản dạng giới và xu hướng tính dục…
Việt Nam cũng đã thúc đẩy đối thoại trong khuôn khổ Hội đồng Nhân quyền giữa các nước liên quan, các tổ chức khu vực và các cơ chế của Liên Hợp quốc về quyền con người nhằm giải quyết những quan tâm cụ thể về các vấn đề liên quan đến nhân quyền, nhân đạo; gắn với việc phối hợp với các nước đang phát triển đấu tranh để bảo đảm Hội đồng Nhân quyền hoạt động đúng nguyên tắc, thủ tục, không chính trị hóa, không can thiệp vào công việc nội bộ các nước[4].
Với những kết quả đạt được trong việc bảo vệ quyền con người, Việt Nam đã chính thức trúng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền, nhiệm kỳ thứ 2 (2023 - 2025). Có thể khẳng định: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”[5].
Những thành tựu về kinh tế, xã hội, chính trị,... trong gần 40 năm đổi mới vừa qua, cùng với đời sống người dân ngày càng nâng cao, chỉ số hạnh phúc của Việt Nam đã tăng 12 bậc, từ vị trí 77 vào năm 2022 lên vị trí 65[6]. Điều đó khẳng định quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta nhằm phát triển và bảo vệ quyền con người là hết sức đúng đắn và phù hợp.
2. Những vấn đề đặt ra đối với bảo đảm quyền con người trong giai đoạn tới
Thứ nhất, tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh theo mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, do Ðảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo gắn với mục tiêu bảo đảm quyền con người mà Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới (Nghị quyết số 27-NQ/TW) đã đề ra: “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật, đồng thời coi trọng giáo dục, nâng cao đạo đức xã hội chủ nghĩa; thể chế hóa kịp thời, đầy đủ và tổ chức thực hiện hiệu quả chủ trương, đường lối của Ðảng; lấy con người là trung tâm, mục tiêu, chủ thể và động lực phát triển đất nước; Nhà nước tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân”[7].
Thực trạng tổ chức và hoạt động bộ máy nhà nước ta hiện nay vẫn còn nhiều bất cập đã được Trung ương Đảng và Quốc hội, Chính phủ nêu ra, tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; cơ chế phân công, phối hợp còn thiếu chặt chẽ; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ…, do đó, quyền con người, quyền công dân trên một số lĩnh vực quản lý chưa được bảo đảm. Muốn nâng cao hiệu quả bảo đảm quyền con người, trước hết, cần phải hoàn thiện và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị, đặc biệt là bộ máy nhà nước hiện nay. Giải pháp căn cơ hiện nay đều phải hướng đến việc xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch theo chủ trương của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Thứ hai, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật hiệu lực, hiệu quả, làm cơ sở vững chắc cho việc bảo vệ và tổ chức thực hiện quyền con người, quyền công dân. Nghị quyết số 27-NQ/TW đã đề ra mục tiêu đến năm 2030 là: Hoàn thiện cơ bản các cơ chế bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân.
Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo cơ sở pháp lý cho việc bảo vệ, thúc đẩy và phát triển quyền con người, quyền công dân. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 đã chế định đầy đủ các quyền con người, quyền công dân, làm cơ sở hiến định cho xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thực thi pháp luật. Tuy nhiên, việc xây dựng, ban hành các đạo luật thể chế hóa Hiến pháp năm 2013 về các nội dung cụ thể về quyền con người, quyền công dân còn chưa bảo đảm, nhiều đạo luật vẫn chưa được hoàn thiện, ban hành. Bên cạnh đó, quá trình phát triển kinh tế - xã hội cũng đã phát triển và bổ sung thêm những quyền mới. Vì vậy, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo đảm quyền con người, quyền công dân đòi hỏi tăng cường hoạt động lập pháp của Quốc hội như là điều kiện tiên quyết, trong đó, trước hết cần chú trọng hoàn thiện pháp luật về các quyền dân sự, chính trị, các quy định về dân chủ ở cơ sở, tổ chức thực hiện quyền lực nhân dân tại cơ sở… Các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa cũng cần gấp rút được nghiên cứu và tổng kết thực tiễn; trên cơ sở đó, chế định quyền sở hữu cá nhân cần phải được quy định cụ thể hơn.
Đồng thời, cần nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật gắn với xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Trong hoạt động của Nhà nước pháp quyền thì một trong những yêu cầu mang tính quan trọng bậc nhất, đó là tất cả mọi thiết chế của Nhà nước, các thiết chế chính trị - xã hội liên quan và mọi cá nhân, tổ chức đều phải hành xử trên tinh thần thượng tôn pháp luật. Thể chế về tổ chức thi hành pháp luật hiện nay vẫn chưa được luật hóa mà quy định rải rác ở các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau và còn thiếu quy phạm điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình tổ chức thi hành pháp luật nên chưa thực sự phát huy được hiệu lực, hiệu quả của công tác này trong thực tiễn đời sống chính trị, xã hội…; thiếu cơ chế hiệu quả để cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền thực hiện, đặc biệt là cơ chế xử lý kiến nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành mới quy định pháp luật[8]. Do đó, cần ban hành một luật chung về tổ chức thi hành pháp luật trong giai đoạn hiện nay.
Thứ ba, nâng cao trách nhiệm và hoàn thiện chế tài xử lý trách nhiệm của cán bộ, công chức và xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát dân chủ thực sự từ phía người dân và xã hội. Phát huy dân chủ, bảo đảm quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân và tạo điều kiện để nhân dân tham gia tích cực, chủ động vào công việc Nhà nước, công việc xã hội, trong đó có việc nhân dân tham gia kiểm tra, giám sát hoạt động của Nhà nước, của cán bộ, công chức. Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Trung ương Đảng và hệ thống chính quyền trong giai đoạn hiện nay đã cho thấy sự cần thiết, do đó cần tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện cơ chế mới về trách nhiệm của đảng viên, cán bộ, công chức trong giai đoạn hiện nay.
Thư tư, phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với an sinh xã hội, công bằng xã hội. Phát biểu tại phiên bế mạc Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến hết nhiệm kỳ Đại hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, cần quan tâm hơn nữa đến nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội, hài hòa và ngang tầm với phát triển kinh tế; bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ người dân, người lao động mất việc làm và doanh nghiệp gặp khó khăn; chăm lo đời sống người có công với cách mạng, người có hoàn cảnh khó khăn[9]. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 đã đề ra: Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, con người Việt Nam và sức mạnh thời đại, huy động mọi nguồn lực, phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao[10]. Do đó, vấn đề đặt ra là cần xây dựng một cơ chế đồng bộ cho việc phát triển con người Việt Nam đủ tầm quốc tế và đủ tâm xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Thứ năm, hoàn thiện và tổ chức thi hành thể chế về các lĩnh vực tư pháp, bảo đảm quyền con người trong lĩnh vực tư pháp được thực thi công bằng, chính xác và minh bạch. Đây là một trong những điều kiện cơ bản để bảo đảm quyền con người trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Nghị quyết số 27-NQ/TW cũng đề ra trọng tâm “đẩy mạnh cải cách tư pháp, bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử, thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”[11] thực hiện mục tiêu quyền con người, quyền công dân được công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ theo Hiến pháp và pháp luật.
ThS. Nguyễn Minh Ngoắc
Ban Tổ chức - Cán bộ, Học viện Chính trị khu vực IV
[1]. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr. 167.
[2]. Ban Chấp hành Trung ương, Ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp, Báo cáo tổng kết việc thực hiện chương trình trọng tâm công tác cải cách tư pháp giai đoạn 2011 - 2016; dự kiến chương trình trọng tâm công tác cải cách tư pháp giai đoạn 2016 - 2021, tr. 27.
[3]. Thành tựu về bảo đảm quyền con người tại Việt Nam trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Tạp chí Xây dựng Đảng (xaydungdang.org.vn).
[4]. Việt Nam đóng góp tích cực vào hoạt động của Liên Hợp quốc https://dangcongsan.vn/thoi-su/viet-nam-dong-gop-tich-cuc-vao-hoat-dong-cua-lien-hop-quoc-523464.html; truy cập ngày 19/10/2021.
[5]. https://vtv.vn/chinh-tri/voi-tat-ca-su-khiem-ton-chung-ta-van-co-the-noi-rang-dat-nuoc-ta-chua-bao-gio-co-duoc-tiem-luc-vi-the-va-uy-tin-quoc-te-nhu-ngay-nay-20210126121805801.htm
[6]. https://baochinhphu.vn/viet-nam-tang-12-bac-trong-bao-cao-hanh-phuc-the-gioi-2023-102230321091532884.htm
[7]. Mục II.2 Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
[8]. Xem: https://moj.gov.vn/ddt/tintuc/Pages/dua-nghi-quyet-cua-dang.aspx?ItemID=67, truy cập ngày 20/9/2023.
[9]. Xem: https://www.vietnamplus.vn/phat-trien-kinh-te-va-bao-dam-an-sinh-xa-hoi-huong-toi-su-hai-hoa/ 864636.vnp, truy cập ngày 15/9/2023.
[10]. Xem: https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-xiii/chien-luoc-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-10-nam-2021-2030-3735, truy cập ngày 22/9/2023.
[11]. Xem: Mục III.2 Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 390), tháng 10/2023)