1. Một số vấn đề chung về nội luật hóa điều ước quốc tế
“Nội luật hóa điều ước quốc tế” hay “chuyển hóa điều ước quốc tế” được hiểu là chuyển hóa các điều ước quốc tế thành quy phạm pháp luật trong nước và thi hành các điều ước quốc tế đó trên cơ sở các quy phạm pháp luật trong nước vốn là quy phạm của điều ước quốc tế. Hiện nay, có hai ý kiến khác nhau về nội luật hóa: (i) Nội luật hóa là quá trình pháp lý do cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành nhằm chấp nhận hiệu lực ràng buộc của điều ước quốc tế. Như vậy, theo quan điểm này thì nội luật hóa dường như đồng nghĩa với việc quốc gia chấp nhận hiệu lực pháp lý của điều ước. Do đó, sau khi hoàn tất thủ tục pháp lý trong nước chấp nhận sự ràng buộc của điều ước quốc tế thì các quy định của điều ước có giá trị pháp lý và được áp dụng trên lãnh thổ quốc gia; (ii) Nội luật hóa và quá trình chấp nhận hiệu lực pháp lý của điều ước quốc tế là hai khái niệm pháp lý khác nhau và có mối quan hệ tương đối độc lập với nhau: Việc chấp nhận hiệu lực pháp lý của điều ước là hành vi của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoàn tất các thủ tục pháp lý trong nước và thông qua đó thể hiện việc quốc gia tham gia điều ước chấp nhận việc áp dụng các quy định của điều ước đó đối với mình. Trong khi đó, nội luật hóa là quá trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành các hoạt động cần thiết để chuyển hóa các quy phạm của điều ước quốc tế thành quy phạm của pháp luật quốc gia bằng cách ban hành, sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật.
Tại Việt Nam, việc nội luật hóa được thực hiện thông qua cách hiểu thứ hai. Theo đó, việc nội luật hóa thể hiện qua phương thức sau:
Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung, ban hành pháp luật nhằm bảo đảm thực hiện điều ước quốc tế. Theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Luật Điều ước quốc tế năm 2016, căn cứ vào yêu cầu, nội dung, tính chất của điều ước quốc tế, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ khi quyết định chấp nhận sự ràng buộc của điều ước quốc tế đồng thời quyết định áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế đó đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong trường hợp quy định của điều ước quốc tế đã đủ rõ, đủ chi tiết để thực hiện; quyết định hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện điều ước quốc tế đó. Trong công tác xây dựng pháp luật, theo quy định tại khoản 5 Điều 5 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, một trong những nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật là phải không làm cản trở việc thực hiện điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Bên cạnh đó, ngay từ khâu đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị định cũng quy định căn cứ đề nghị xây dựng phải dựa trên cam kết quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Đối với quyết định của Thủ tướng Chính phủ, nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cơ quan chủ trì soạn thảo có nhiệm vụ nghiên cứu điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hay đối với dự thảo thông tư, trong quá trình thẩm định, một trong các nội dung mà cơ quan chủ trì thẩm định phải tập trung thẩm định là tính tương thích với điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Đây cũng là một biện pháp bảo đảm cho việc thực hiện các nghĩa vụ pháp lý quốc tế phát sinh từ điều ước quốc tế được tuân thủ nghiêm túc tại Việt Nam.
Thứ hai, tiến hành chuyển hóa quy phạm của điều ước quốc tế vào pháp luật trong nước. Nghĩa vụ thực hiện điều ước quốc tế có liên quan mật thiết đến vấn đề nội luật hóa các điều ước quốc tế vào pháp luật trong nước. Mục đích cơ bản của vấn đề chuyển hóa là bảo đảm thuận lợi cho việc thực hiện các điều ước quốc tế. Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khẳng định thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ phát sinh từ điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập. Trong bộ máy nhà nước, Chính phủ có trách nhiệm chỉ đạo các Bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc thực hiện điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một bên ký kết. Như vậy, nhận thức về nghĩa vụ thực hiện điều ước quốc tế đã đạt được sự thống nhất cao, được thể chế hóa thành pháp luật, tạo cơ sở thuận lợi cho việc chỉ đạo của Chính phủ và việc thực hiện của các cơ quan nhà nước.
2. Tình hình nội luật hóa pháp luật quốc tế trong một số lĩnh vực tại Việt Nam
2.1. Trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật
Việc xây dựng và thông qua các văn bản quy phạm pháp luật thường được xem xét trên cơ sở bảo đảm tính tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc Việt Nam có thể tham gia. Điều này được thấy qua nội dung của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Luật Điều ước quốc tế quy định về thẩm định các văn bản liên quan.
Khoản 1 Điều 6 Luật Điều ước quốc tế năm 2016 quy định: Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó, trừ Hiến pháp. Căn cứ vào yêu cầu, nội dung, tính chất của điều ước quốc tế, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ khi quyết định chấp nhận sự ràng buộc của điều ước quốc tế đồng thời quyết định áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế đó đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong trường hợp quy định của điều ước quốc tế đã đủ rõ, đủ chi tiết để thực hiện; quyết định hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện điều ước quốc tế đó.
Bên cạnh đó, khoản 5 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 cũng quy định: Việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật trong nước không được cản trở việc thực hiện điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật trong nước và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó, trừ Hiến pháp.
Do đó, những quy định của các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên sẽ được thực thi kể cả trong trường hợp pháp luật Việt Nam chưa có quy định đầy đủ. Trường hợp pháp luật trong nước (từ luật trở xuống) có quy định khác hoặc trái với điều ước quốc tế, thì các văn bản quy phạm pháp luật thường ghi nhận việc ưu tiên áp dụng điều ước quốc tế[1].
2.2. Trong lĩnh vực thương mại, ngoại thương
Năm 2007, Việt Nam chính thức tham gia Tổ chức thương mại quốc tế (WTO). Để thực hiện các cam kết của WTO, trong 02 năm trước và sau thời điểm gia nhập WTO (2006 - 2007), Việt Nam đã sửa trên 60 văn bản luật để thực thi cam kết WTO và hàng trăm nghị định, thông tư hướng dẫn cũng đã được sửa đổi[2]. Trong đó, đặc biệt, phải kể đến Luật Quản lý ngoại thương năm 2017. Luật điều chỉnh chủ yếu công tác quản lý nhà nước về ngoại thương bao gồm: Các biện pháp quản lý, điều hành hoạt động ngoại thương có liên quan đến mua bán hàng hóa quốc tế; không điều chỉnh, can thiệp vào các hoạt động cụ thể của thương nhân, giữa các thương nhân với nhau; chỉ điều chỉnh đối tượng là hàng hóa mà không điều chỉnh đối tượng là dịch vụ. Luật có nhiều điều khoản dẫn chiếu đến áp dụng điều ước quốc tế. Việc ban hành Luật này nhằm hoàn thiện chính sách quản lý nhà nước về thương mại, đặc biệt là thương mại quốc tế, để tận dụng tối đa cơ hội hội nhập, đồng thời hạn chế những bất lợi về vị thế, năng lực cạnh tranh và bảo đảm công tác quản lý nhà nước về ngoại thương được chặt chẽ, thông suốt, minh bạch, hiệu quả hơn phù hợp với các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Luật Quản lý ngoại thương có hơn 30 điều, khoản viện dẫn áp dụng điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Đây cũng được coi là một biện pháp để thực hiện các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
2.3. Trong lĩnh vực hình sự
Ngày 28/11/2014, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Nghị quyết số 83/2014/QH13 phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tra tấn và các hình thức trừng phạt hay đối xử tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (Công ước Chống tra tấn). Theo Nghị quyết số 83/2014/QH13, Việt Nam xây dựng, hoàn thiện pháp luật nhằm phù hợp với các quy định của Công ước Chống tra tấn. Để nội luật hóa các quy định này, trong lĩnh vực tố tụng hình sự, vấn đề bảo vệ quyền con người, quyền công dân được quan tâm đặc biệt. Cùng với những quy định của pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam về bảo vệ quyền con người, quyền công dân cần nghiên cứu một cách thấu đáo và nghiêm túc các quy định của Công ước Chống tra tấn để nội luật hóa vào pháp luật tố tụng hình sự ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, so với Bộ luật Hình sự năm 1999, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bổ sung một số quy định nhằm nội luật hóa các quy định của Công ước Chống tra tấn như: (i) Bổ sung tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự là “tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục phẩm giá nạn nhân” vào tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật (điểm b khoản 3 Điều 157, mức hình phạt từ năm năm tù đến 12 năm tù); (ii) Bổ sung hành vi khách quan “dùng nhục hình hoặc đối xử tàn bạo, hạ nhục nhân phẩm của người khác dưới bất kỳ hình thức nào” vào tội dùng nhục hình (Điều 373). Điều luật cũng quy định nếu người phạm tội làm nạn nhân tự sát thì bị phạt tù từ bảy năm đến 12 năm (khoản 3); làm người bị nhục hình chết thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân (khoản 4); (iii) Bổ sung tình tiết tăng nặng định khung vào tội bức cung (Điều 374). Trường hợp “dùng nhục hình hoặc đối xử tàn bạo, hạ nhục nhân phẩm người bị lấy lời khai, hỏi cung” sẽ bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm (khoản 2); phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Làm người bị bức cung chết; dẫn đến làm oan người vô tội; dẫn đến bỏ lọt tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân (khoản 4).
Tuy nhiên, để việc nội luật hóa Công ước Chống tra tấn tốt hơn, đầy đủ hơn, có thể học tập kinh nghiệm của một số nước có đạo luật riêng về chống tra tấn và bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân của tra tấn như Mỹ, Nam phi, Philippines, Uganda… Ví dụ ở Philippines có Luật Chống tra tấn năm 2009, ở Nam Phi có Luật Phòng ngừa và chống tra tấn năm 2013. Công ước Chống tra tấn của Mỹ được thông qua vào tháng 10/1994, đến ngày 20/11/1994 chính thức có hiệu lực. Theo đó, mọi hình thức tra tấn đều bị pháp luật nước này cấm tuyệt đối trong phạm vi lãnh thổ nước Mỹ, từ cấp liên bang đến địa phương, bao gồm cả lực lượng quân đội, giới chấp pháp lẫn dân thường. Nội hàm của Công ước Chống tra tấn cũng được bao gồm trong nhiều tu chính án trước đó của Hiến pháp Mỹ, cụ thể là Bản tuyên ngôn nhân quyền Mỹ năm 1789. Điều này cũng gợi mở cho Việt Nam trong tương lai không xa có thể xây dựng một đạo luật riêng về chống tra tấn để phù hợp với Công ước Chống tra tấn mà chúng ta đã tham gia ký kết, qua đó phát huy tối đa hiệu lực, hiệu quả việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong tố tụng hình sự ở Việt Nam hiện nay.
2.4. Trong các vấn đề về quyền con người
Ngày 13/12/2006, Liên Hợp Quốc thông qua Công ước về quyền của người khuyết tật và Việt Nam đã ký ngày 22/11/2007, phê chuẩn ngày 05/02/2015. Nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện công ước và yêu cầu hội nhập quốc tế trong các lĩnh vực liên quan đến người khuyết tật, đến nay, Việt Nam đã ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật nhằm nội luật hóa các quyền của người khuyết tật. Về cơ bản, các quy định liên quan đến người khuyết tật của Việt Nam tương đối phù hợp với Công ước về quyền của người khuyết tật. Tuy nhiên, vẫn còn một số điều, khoản quy định trong Công ước chưa được quy định trong hệ thống luật hoặc có nhưng ở các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, Bộ, ngành, cần được khái quát để điều chỉnh thành các nguyên tắc chung trong hệ thống luật quốc gia.
Ngày 18/12/1979, Liên Hợp Quốc đã thông qua Công ước loại bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (Công ước CEDAW). Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ký tham gia Công ước này vào ngày 29/7/1980 và phê chuẩn vào ngày 27/11/1981. Để nội luật hóa các quy định của Công ước CEDAW, Việt Nam đã ban hành một số luật, trong đó đáng chú ý là Luật Bình đẳng giới. Thông qua các quy định của Luật Bình đẳng giới có thể thấy, về cơ bản, các quy định của Luật này đã phù hợp với Công ước CEDAW đồng thời đáp ứng được yêu cầu của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005 (đã được thay thế bởi Luật Điều ước quốc tế năm 2016) quy định về mối quan hệ giữa điều ước quốc tế và văn bản quy phạm pháp luật trong nước. Nhiều quy định của Luật Bình đẳng giới đã được xây dựng theo hướng nội luật hóa các quy định của điều ước quốc tế về chống phân biệt đối xử và bình đẳng giới, đảm bảo thể chế hóa các quy định của các điều ước quốc tế này để thực hiện, ví dụ, Luật đã đưa vào những nội dung rất mới như quy định về việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (Điều 21), thẩm tra lồng ghép vấn đề bình đẳng giới (Điều 22)…
Bên cạnh đó, theo tinh thần của Công ước CEDAW[3], một trong những nội dung còn tồn tại sự phân biệt đối xử về giới trong pháp luật Việt Nam là độ tuổi nghỉ hưu hiện nay của phụ nữ (55 tuổi) và nam giới (60 tuổi) mà nội dung này được thể hiện trong một số bộ luật, luật như Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm y tế và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Theo Nghị quyết số 234/NQ-UBTVQH14 ngày 24/8/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 và chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017, thì tại tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV sẽ cho ý kiến vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động và dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV. Tuy nhiên, ngày 04/5/2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 379/2017/NQ-UBTVQH14 về việc rút một số dự án luật khỏi dự kiến chương trình, trong đó có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động. Một trong những lý do dẫn đến tình trạng nêu trên là vì còn nhiều ý kiến chưa thống nhất trong các quy định liên quan trực tiếp đến quyền của phụ nữ, trong đó có độ tuổi nghỉ hưu. Bởi lẽ, việc điều chỉnh độ tuổi nghỉ hữu giữa các giới này sẽ ảnh hưởng đến các quyền như về cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp, khả năng tích lũy lương hưu... Do đó, cần thiết phải nghiên cứu đầy đủ hơn, đánh giá kỹ lưỡng và thấu đáo hơn các nội dung này.
3. Đề xuất nâng cao hiệu quả công tác nội luật hóa tại Việt Nam
Hiện nay, việc chuyển hóa các điều ước quốc tế vào pháp luật trong nước đã được quan tâm và thực hiện tương đối tốt. Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa công tác này, tác giả có một số đề xuất như sau:
Thứ nhất, nâng cao hơn nữa công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật. Việc rà soát văn bản quy phạm pháp luật nhằm phát hiện những quy định mâu thuẫn, chồng chéo, trái pháp luật, không còn phù hợp của văn bản để kịp thời xử lý góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Do đó, một trong những công cụ hữu hiệu để nhận diện những quy định của điều ước quốc tế có phù hợp, mâu thuẫn, chồng chéo với pháp luật quốc gia hay không thì trước hết cần thực hiện việc rà soát kịp thời, hiệu quả, qua đó góp phần thanh lọc các văn bản khuyết điểm, chưa đảm bảo tính thống nhất với các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Thứ hai, quy định rõ hình thức văn bản nội luật hóa các điều ước quốc tế. Kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới cho thấy, hình thức văn bản luật của Quốc hội là hình thức được sử dụng thống nhất trong nội luật hóa các điều ước quốc tế. Tuy nhiên, tại Việt Nam, chưa có văn bản nào ghi nhận việc nội luật hóa điều ước quốc tế được thực hiện theo hình thức văn bản nào. Có thể lấy ví dụ: Tại phiên họp thứ 12 ngày 11/7/2017 của Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc phê duyệt Nghị định thư 7 về hệ thống quá cảnh hải quan thuộc Hiệp định khung ASEAN về tạo thuận lợi cho hàng hóa quá cảnh. Kết luận phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí không áp dụng trực tiếp toàn bộ Nghị định thư 7 mà thực hiện thông qua nội luật hóa vào quy định của pháp luật Việt Nam, đồng thời, giao Chính phủ ban hành nghị định để thực hiện Nghị định thư 7 theo quy định tại Điều 95 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Trường hợp này, hình thức văn bản để nội luật hóa quy định của pháp luật quốc tế là nghị định của Chính phủ. Trường hợp khác, việc nội luật hóa lại được thực hiện bằng hình thức ban hành luật của Quốc hội, như để nội luật hóa Tuyên ngôn thế giới về quyền con người năm 1948, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 mà Việt Nam là thành viên và Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng, Tuyên bố Rio về môi trường và phát triển và Công ước UNECE về tiếp cận thông tin môi trường, thì tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Tiếp cận thông tin.
Do đó, để bảo đảm tính thống nhất, tác giả kiến nghị quy định bổ sung về hình thức văn bản quy phạm pháp luật để nội luật hóa các quy định của pháp luật quốc tế trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hoặc trong Luật Điều ước quốc tế.
Thứ ba, hiện nay, Bộ Tài chính đang làm đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của nhiều luật về thuế như Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật Thuế tài nguyên. Đây là mô hình mới được áp dụng tại Việt Nam. Tham khảo kinh nghiệm nước ngoài và cách thức áp dụng của Bộ Tài chính, trong vấn đề nội luật hóa, về mô hình cần chọn áp dụng trong quá trình nội luật hóa các điều ước quốc tế phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế, tác giả cho rằng, Việt Nam nên tham khảo mô hình theo hướng một văn bản sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản như nhiều nước đã làm. Thực tiễn cho thấy, trên thế giới cũng đã có nước áp dụng phương pháp này. Ví dụ như Mỹ đã ban hành một luật gọi là Luật về các thỏa thuận của vòng đàm phán Uruguay với hơn 780 điều khoản liên quan đến việc sửa đổi hơn 20 văn bản luật về những vấn đề có liên quan đến việc Mỹ trở thành thành viên của WTO.
Thứ tư, một số điều ước quốc tế có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ, bảo đảm quyền con người. Do đó, tác giả cho rằng, cần cân nhắc sớm nội luật hóa Công ước Chống tra tấn tốt hơn, đầy đủ hơn thông qua việc nghiên cứu, ban hành một luật riêng hoặc tiếp tục rà soát, đối chiếu với các quy định của hệ thống pháp luật hiện hành để đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm bảo đảm tốt hơn quyền con người được quy định trong Công ước Chống tra tấn.
Thứ năm, không thể phủ nhận tầm quan trọng của việc nội luật hóa các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên đặc biệt trong xu thế hiện nay khi Việt Nam là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, quá trình nội luật hóa cần bảo đảm nguyên tắc có tính khả thi, phù hợp với văn hóa, xã hội và điều kiện kinh tế tại Việt Nam.
Cục Bồi thường nhà nước, Bộ Tư pháp