Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp
Tham dự phiên họp có: Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long; đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường; đại diện Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ;…
Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, một số vấn đề lớn của dự thảo luật đã cơ bản được các cơ quan thống nhất tiếp thu, chỉnh lý, cụ thể: Về các loại giao dịch phải công chứng; Về công chứng bản dịch (sửa đổi khoản 1 Điều 2 của Luật Công chứng hiện hành; Về nghĩa vụ của công chức viên (CCV) gia nhập Hội CCV (Điều 16); Về công chứng điện tử (mục 3 Chương V); Về việc giao UBND cấp tỉnh ban hành Đề án quản lý, phát triển TCHNCC tại địa phương.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng báo cáo một số vấn lớn về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi)
Trong đó, về công chứng điện tử (mục 3 Chương V): Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, để bảo đảm tính khả thi, chặt chẽ của quy định về công chứng điện tử, Thường trực Uỷ ban Pháp luật và Cơ quan chủ trì soạn thảo thống nhất đề nghị tiếp thu, giải trình nội dung này như sau:
Chỉnh lý điểm b khoản 1 Điều 62 của dự thảo Luật theo hướng làm rõ: công chứng điện tử trực tuyến là việc các bên tham gia giao dịch dân sự có yêu cầu công chứng không có mặt tại cùng một địa điểm và giao kết giao dịch thông qua phương tiện trực tuyến trước sự chứng kiến trực tiếp của CCV. Với quy định này, mọi hoạt động của người yêu cầu công chứng khi xác lập giao dịch đều phải có sự chứng kiến trực tiếp của CCV nên hoàn toàn có thể đáp ứng yêu cầu của việc công chứng nội dung theo phương thức truyền thống.
Đồng thời, do công chứng điện tử là vấn đề mới, để bảo đảm tính ổn định của Luật và tính khả thi, dự thảo Luật chỉ quy định những vấn đề cơ bản về công chứng điện tử, đồng thời giao Chính phủ quy định phạm vi các giao dịch được công chứng điện tử, lộ trình thực hiện, quy trình, thủ tục cụ thể trong công chứng điện tử.
Liên quan tới một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ:
Về mô hình tổ chức của Văn phòng công chứng (VPCC) (Điều 20): Nhiều ý kiến trong Thường trực Uỷ ban Pháp luật đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật quy định về mô hình VPCC là doanh nghiệp tư nhân (DNTN) bên cạnh công ty hợp danh trên phạm vi cả nước hoặc quy định theo hướng: Loại hình DNTN và công ty hợp danh được áp dụng đối với VPCC thành lập ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; các địa bàn khác chỉ áp dụng loại hình công ty hợp danh. Quy định này có ưu điểm là mở rộng sự lựa chọn của CCV khi thành lập VPCC. Luật hiện hành và dự thảo Luật đều quy định cho phép VPCC được thuê CCV làm việc theo hợp đồng lao động, qua đó đã khắc phục được những bất cập của VPCC theo mô hình DNTN phụ thuộc vào 01 CCV duy nhất.
Một số ý kiến trong Thường trực Uỷ ban Pháp luật tán thành với Cơ quan chủ trì soạn thảo đề nghị tiếp tục kế thừa Luật Công chứng hiện hành quy định mô hình tổ chức của VPCC chỉ là công ty hợp danh như dự thảo Luật do Chính phủ trình.
Đại diện Lãnh đạo các bộ, ngành tham dự phiên họp
Về cơ sở dữ liệu công chứng (Điều 63): Thường trực Uỷ ban Pháp luật nhận thấy, khoản 1 Điều 63 của dự thảo Luật quy định cơ sở dữ liệu (CSDL) công chứng bao gồm 04 CSDL thành phần, giao Chính phủ quy định chi tiết về các CSDL này. Tuy nhiên, Điều 36 của dự thảo Nghị định kèm Hồ sơ dự án Luật do Chính phủ trình không xác định trách nhiệm của Bộ Tư pháp đối với việc xây dựng, quản lý, vận hành các CSDL này mà chỉ có nhiệm vụ hướng dẫn, chỉ đạo chung; CSDL tại điểm d khoản 1 Điều 63 của dự thảo Luật không được xác định rõ nội hàm cũng như chủ thể quản lý, vận hành; CSDL tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 63 của dự thảo Luật được quy định chi tiết theo hướng phân tán trách nhiệm xây dựng, quản lý, vận hành thuộc về UBND cấp tỉnh và Hiệp hội CCV Việt Nam.
Do đó, Thường trực Uỷ ban Pháp luật không tán thành với quy định nêu trên và đề nghị chỉnh lý lại Điều 63 về CSDL công chứng theo hướng giao Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm xây dựng CSDL công chứng tập trung, thống nhất, trong đó gồm 02 CSDL thành phần tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 63 với các lý do sau đây:
Thứ nhất, đề nghị bỏ điểm d khoản 1 Điều 63 của dự thảo Luật (CSDL khác liên quan đến hoạt động công chứng) vì không rõ trường thông tin của CSDL, không rõ cơ quan, tổ chức có trách nhiệm xây dựng, quản lý, vận hành; dự thảo Nghị định của Chính phủ cũng không làm rõ được điều này.
Thứ hai, đề nghị bỏ điểm c khoản 1 Điều 63 của dự thảo Luật vì các thông tin tại điểm này là toàn bộ văn bản công chứng và hồ sơ kèm theo đều liên quan đến bí mật cá nhân, riêng tư, bí mật gia đình phải bảo vệ, bảo mật theo quy định của Hiến pháp năm 2013 (Điều 21); đối với nguồn gốc tài sản, tình trạng giao dịch của tài sản và các thông tin về biện pháp ngăn chặn được áp dụng đối với tài sản có liên quan đến hợp đồng, giao dịch đã công chứng đã được thu thập trong CSDL tại điểm b khoản 1 Điều 63 để khai thác nhằm đáp ứng yêu cầu bảo đảm an toàn trong giao dịch; việc giao Hiệp hội CCV là tổ chức xã hội - nghề nghiệp thu thập và lưu trữ, quản lý CSDL về văn bản công chứng và hồ sơ công chứng toàn quốc là không khả thi, chưa có đánh giá về nguồn lực thực hiện; không thống nhất với các luật có liên quan đã quy định về CSDL cũng như nội dung chính sách của đề nghị xây dựng Luật Dữ liệu do Chính phủ trình.
Thứ ba, việc dự thảo Luật và dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định theo hướng phân tán trách nhiệm xây dựng và quản lý CSDL công chứng là chưa thể hiện đầy đủ vai trò, trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong quản lý nhà nước về công chứng, không đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số và thực hiện công chứng điện tử trong hoạt động công chứng./.
Lê Anh - Phạm Thắng
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Quốc hội Việt Nam