1. Cơ chế bảo vệ, thực hiện và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam
Nhân quyền - quyền con người, cụ thể hơn là quyền công dân không có nghĩa như nhau nhưng cũng chỉ khác nhau rất ít, đó là khi nói đến nhân quyền là nói đến tính phổ quát/phổ biến trên phạm vi toàn thế giới, nhân loại, không phân biệt quốc gia này với các quốc gia khác, còn nói đến công dân tức là nói đến quyền con người trong phạm vi quốc gia, nhất là các quốc gia chậm và đang phát triển cần phải hướng đến cái phổ quát của nhân quyền thế giới. Nhưng chủ thể để hiện thực hóa quyền con người phổ biến của quốc tế đó thì lại ở chính các quốc gia. Muốn quyền công dân cũng như quyền con người được bảo vệ thì trước hết các quyền phổ biến được thế giới thừa nhận phải được quốc gia ghi nhận trong hệ thống pháp luật của quốc gia, trước hết là Hiến pháp với tư cách đạo luật tối cao, sau đó phải được các cơ quan nhà nước tuân thủ, bảo đảm thực hiện trên thực tế và phải có cơ chế giám sát của quốc gia việc thực thi. Bài viết này tập trung vào phân tích sơ lược thành tựu cũng như khó khăn của việc bảo vệ nhân quyền cả về nghĩa rộng và nghĩa hẹp ở Việt Nam kể từ khi thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến nay.
Nhà nước Việt Nam luôn xác định con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp xây dựng đất nước, khẳng định con người là trung tâm của các chính sách kinh tế - xã hội, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người là nhân tố quan trọng cho sự phát triển bền vững, bảo đảm thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Việt Nam đều nhằm phấn đấu cho mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”, tất cả vì con người và cho con người.
Ngay sau khi giành được độc lập năm 1945, quyền con người, quyền công dân đã được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1946 và sau đó tiếp tục được khẳng định với những nội hàm rộng, hẹp khác nhau trong các Hiến pháp năm 1959, năm 1980 và năm 1992. Hiến pháp năm 2013, tại Điều 14 khẳng định một cách rõ ràng rằng, ở Việt Nam, “các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”. Nội dung các quyền con người đã được thể hiện xuyên suốt trong Hiến pháp, mà đặc biệt tập trung tại Chương II - “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” và được cụ thể hóa trong nhiều văn bản pháp luật khác. So với các Hiến pháp trước, quy định của Hiến pháp năm 2013 cụ thể và rõ ràng hơn.
Trong quá trình hội nhập quốc tế, nhiều nước trên thế giới và khu vực Đông Nam Á, Việt Nam phải chịu nhiều sức ép về vấn đề quyền con người, nhưng bằng nhiều biện pháp, Việt Nam đã dần vượt qua được các sức ép này. Theo đó, kinh nghiệm được rút ra là: Từng bước tham gia các công ước quốc tế và khu vực cũng như những diễn đàn quốc tế về quyền con người; sửa đổi Hiến pháp, pháp luật, cam kết bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, đồng thời cải thiện trên thực tế tình trạng quyền con người trong nước; vừa đối thoại, vừa đấu tranh với những sức ép từ bên ngoài; phát triển kinh tế thị trường, mở cửa cho đầu tư nước ngoài, là điểm đến có lợi cho các đối tác khắp nơi trên thế giới. Đó cũng chính là lý do tại sao quy định về nhân quyền của Hiến pháp năm 2013 có nhiều điểm tiến bộ hơn những Hiến pháp trước.
Ngoài hai công ước lớn là Công ước về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa năm 1966 và Công ước về các quyền dân sự và chính trị, thì thế giới coi 07 công ước sau hợp thành “cốt lõi” của quyền con người: Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (thông qua năm 1965, có hiệu lực năm 1969); Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (thông qua năm 1979, có hiệu lực năm 1981); Công ước về chống tra tấn (thông qua năm 1984, có hiệu lực năm 1987); Công ước về quyền trẻ em (thông qua năm 1989, có hiệu lực năm 1990); Công ước về quyền của người khuyết tật (thông qua năm 2006, có hiệu lực năm 2008); Công ước về bảo vệ quyền của lao động di cư và gia đình họ (thông qua năm 1990, có hiệu lực năm 2003). Việt Nam đã tham gia hầu hết các công ước trên.
Trong những thập niên gần đây, Nhà nước đã có nhiều nỗ lực trong việc làm hài hòa hệ thống pháp luật Việt Nam với các nguyên tắc và tiêu chuẩn quốc tế về quyền con người, các điều ước quốc tế được quan tâm nhiều hơn bởi các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp. Nhìn chung, dù vẫn còn tồn tại những khiếm khuyết nhất định, nhưng phải thừa nhận rằng hệ thống pháp luật đã ngày càng được hoàn thiện hơn để bảo đảm quyền con người. Đặc biệt, sau khi Hiến pháp năm 2013 được thông qua, rất nhiều đạo luật mới đã được Quốc hội ban hành. Các đạo luật này liên quan nhiều đến đời sống cá nhân (như Luật Nhà ở năm 2014, Luật Hộ tịch năm 2014, Luật Căn cước công dân năm 2014, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2014) hoặc liên quan đến tổ chức bộ máy nhà nước (như Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015)…
Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, do nhân dân trực tiếp bầu ra với các chức năng lập pháp, hoạch định chính sách phát triển đất nước và giám sát các hoạt động của Nhà nước. Mọi hoạt động của các cơ quan nhà nước trong đó có Chính phủ, Tòa án, Viện kiểm sát và của Chủ tịch nước đều chịu sự giám sát của Quốc hội. Cùng với Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, Quốc hội đang trong tiến trình cải cách, nhằm hoạt động hiệu quả hơn. Một số hướng cải cách đã được thảo luận như: Đổi mới nội dung và cách thức tổ chức các kỳ họp trong năm, tạo điều kiện và đặt ra yêu cầu đại biểu Quốc hội giành thời gian tiếp xúc cử tri, tìm hiểu thực tế nhiều hơn; tổ chức và củng cố các ủy ban, thường trực các ủy ban của Quốc hội theo hướng chuyên nghiệp hơn; tăng cường số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách, tạo cơ chế phối hợp giữa đại biểu Quốc hội chuyên trách và đại biểu kiêm nhiệm, bảo đảm thực hiện tốt sứ mạng của Quốc hội trước cử tri, bảo đảm thực hiện và phát triển quyền con người trong sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Công việc lập pháp hiện nay của Quốc hội rất nặng nề với nhiệm vụ trọng tâm sửa đổi các đạo luật hiện hành theo tinh thần mới của Hiến pháp năm 2013. Mỗi kỳ họp, Quốc hội phải thông qua không ít dự thảo luật. Nhiều dự thảo luật chứa đựng nội dung quyền con người, như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tạm giam, tạm giữ, Luật Báo chí, Luật Tiếp cận thông tin... đều được Quốc hội thảo luận qua nhiều kỳ họp, với tinh thần mới làm luật dưới giác độ nhân quyền.
Hệ thống cơ quan hành chính mà đứng đầu là Chính phủ có vai trò quan trọng trong quản lý các lĩnh vực đời sống xã hội, giải quyết khiếu nại và tố cáo của người dân. Các hoạt động của cơ quan hành chính công quyền đều trực tiếp tác động tới quyền và lợi ích của công dân, tới việc bảo đảm thực hiện và phát triển quyền con người ở Việt Nam. Trên thực tế, quyền con người có được bảo vệ hay không phụ thuộc rất nhiều vào cơ quan hành pháp. Điều 30 Hiến pháp năm 2013 quy định mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân; cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự theo quy định của pháp luật. Hiện nay, Luật Khiếu nại năm 2011 và Luật Tố cáo năm 2011 có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo và các quyền liên quan của những người bị xâm hại quyền.
Với quyền tư pháp, Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, tôn trọng và bảo vệ các giá trị quyền con người. Thông qua hoạt động xét xử, Tòa án nhân dân các cấp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ pháp chế thống nhất, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của pháp nhân và công dân, bảo vệ quyền sống, quyền tự do, quyền tài sản, quyền nhân thân và các quyền tự do cơ bản của con người. Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan công tố và kiểm sát tư pháp, bảo đảm các hành vi vi phạm pháp luật, xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân đều bị xử lý theo quy định của pháp luật. Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 và Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 đã được Quốc hội thông qua nhằm tăng cường hiệu lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống cơ quan tư pháp, dù rằng thực tiễn hệ thống cơ quan tư pháp ở nước ta vẫn còn tồn tại nhiều bất cập trong tất cả các khâu, từ điều tra, truy tố đến xét xử, phòng ngừa, thi hành án. Cải cách tư pháp đang là yêu cầu cấp bách và có ý nghĩa rất quan trọng của cải cách bộ máy nhà nước, có ảnh hưởng trực tiếp và quan trọng nhất tới xây dựng Nhà nước pháp quyền và bảo đảm thực hiện quyền con người.
Chính quyền địa phương được phân cấp và giao quyền ngày càng mạnh hơn để chủ động triển khai những chính sách phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm thực hiện quyền con người tại địa phương. Hội đồng nhân dân các cấp tỉnh, huyện và xã là các cơ quan trực tiếp do nhân dân bầu ra, đại diện cho nhân dân để thực hiện quyền lực của nhân dân và giám sát hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền tại địa phương. Các ý kiến chất vấn của cử tri đều được đưa ra xem xét tại các cơ quan quyền lực của nhân dân, các cơ quan này có bộ phận chuyên môn chăm lo dân nguyện, yêu cầu các cơ quan và cá nhân có thẩm quyền phải trả lời và quan tâm đến ý kiến của cử tri. Cũng trong năm 2015, Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã được ban hành với những quy định mới phù hợp hơn với thực tiễn.
Trong cơ chế bảo đảm quyền con người khu vực thời gian qua, Việt Nam rất chú ý tăng cường hợp tác quốc tế, sẵn sàng đối thoại về quyền con người. Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã có một bước tiến bộ lớn khi thông qua “Hiến chương ASEAN” (năm 2007) và “Tuyên ngôn nhân quyền ASEAN” (năm 2012) phù hợp với đặc điểm của các nước trong khu vực. Việc bảo đảm và thúc đẩy quyền con người trước hết là trách nhiệm và quyền hạn của mỗi quốc gia. Các quốc gia có trách nhiệm xây dựng hệ thống pháp luật trong nước phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Hiến chương Liên Hợp Quốc có tính đến hoàn cảnh của mỗi quốc gia.
Trong cơ chế bảo đảm quyền con người của Liên Hợp Quốc, năm 2011, Việt Nam đã nộp Báo cáo quốc gia thực hiện Công ước về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (ICESCR) giai đoạn 1993 - 2010. Năm 2012, Việt Nam đã nộp và trình bày Báo cáo quốc gia thực hiện Công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (ICERD) giai đoạn 2000 - 2009, Báo cáo quốc gia thực hiện Công ước về quyền trẻ em (CRC) giai đoạn 2008 - 2011; đã hoàn thành và gửi Báo cáo quốc gia về tình hình thực hiện Công ước về xóa bỏ các hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW). Hiện nay, Việt Nam đang tích cực triển khai xây dựng Báo cáo quốc gia thực thi Công ước về các quyền dân sự, chính trị (ICCPR).
2. Những khó khăn và thách thức trong việc thực hiện cơ chế bảo vệ quyền con người ở Việt Nam
Về mặt chủ quan, nhiều nhận thức của chúng ta về quyền con người vẫn chưa tiến kịp với tiêu chuẩn của quốc tế. Một số tiêu chuẩn quy định trong công ước đã tham gia ký kết nhưng vẫn chưa chủ trương cho việc thực thi. Quyền con người nhiều khi vẫn bị vi phạm.
Thách thức không nhỏ trong cơ chế bảo vệ nhân quyền ở Việt Nam là Hiến pháp năm 2013 chưa thừa nhận thiết chế cơ quan nhân quyền quốc gia - một cơ chế chuyên biệt cho việc giám sát và thúc đẩy thực hiện nhân quyền ở tầm cỡ quốc gia theo tinh thần của các công ước quốc tế. Giám sát và thúc đẩy thực hiện nhân quyền cũng như việc thực hiện Hiến pháp đều nằm dưới quyền tối cao của Quốc hội, chưa có cơ chế phân quyền rõ ràng trách nhiệm cho các chủ thể khác nhau, mà chỉ dừng lại ở việc phân công phối kết hợp và kiểm soát giữa ba quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Điều này mặc dù sẽ tạo được sự thống nhất từ trung ương đến địa phương, nhưng mặt trái của nó là sự chậm trễ, bảo thủ khi có những vấn đề trái chiều xảy ra.
Tuy đạt nhiều thành tựu về kinh tế - xã hội, tốc độ tăng trưởng nhanh và ổn định trong những năm qua, nhưng Việt Nam vẫn là một nước thu nhập trung bình thấp, đời sống của một bộ phận nhân dân, nhất là ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng thường bị thiên tai còn rất nhiều khó khăn. Mặc dù Chính phủ đã dành nhiều ưu tiên cho phát triển các vùng đặc biệt khó khăn thông qua các Chương trình xóa đói giảm nghèo, trợ giúp pháp lý, tín dụng cho vay, miễn phí trong giáo dục và các chính sách ưu tiên đặc biệt, nhưng do nguồn lực của đất nước còn hạn chế nên ở nhiều địa phương, cơ sở vật chất của các ngành y tế, giáo dục, khoa học, văn hóa, thông tin, thể thao... còn hạn chế, ảnh hưởng đến việc hưởng thụ đầy đủ các quyền của người dân, đã và đang đặt ra những thử thách mới ngày càng phức tạp hơn trong việc vận hành cơ chế bảo đảm thực hiện và phát triển quyền con người. Trình độ phát triển kinh tế hiện có là thực tại khách quan chi phối và ảnh hưởng trực tiếp đến sự hình thành, phát triển các giá trị xã hội, trong đó có giá trị quyền con người.
Điều kiện địa lý và phong tục, tập quán của Việt Nam khá đa dạng và phức tạp, dân cư sống phân tán trên các vùng miền với ngôn ngữ, trình độ và điều kiện sinh hoạt rất khác nhau. Điều này gây rất nhiều khó khăn trong việc xây dựng và triển khai các chính sách cụ thể nhằm đảm bảo các quyền con người, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của đồng bào, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa miền núi và đồng bằng, nông thôn và thành thị.
Sự phát triển của kinh tế thị trường một mặt đã đem đến sự đổi mới và phát triển nhanh chóng mọi mặt đời sống xã hội, tôn vinh các giá trị lao động sáng tạo và xuất hiện sự sung túc, thỏa mãn ngày càng cao các nhu cầu vật chất và tinh thần của nhân dân, nhưng mặt khác lại kéo theo những tiêu cực và vấn nạn xã hội đáng lo ngại, ảnh hưởng trực tiếp tới vận hành cơ chế bảo đảm thực hiện và phát triển quyền con người. Bên cạnh đó, những phong tục, tập quán và định kiến mang tính địa phương, cục bộ vẫn còn nặng nề tạo nên những sự cách biệt nhất định về giới, về vùng miền, về thu nhập, về vị thế xã hội, về tâm lý xã hội... đặt ra những thách thức mới về quyền bình đẳng và công bằng xã hội. Tư tưởng trọng nam khinh nữ; nạn ngược đãi phụ nữ, bạo lực trong gia đình và tính gia trưởng vẫn tồn tại, nhất là ở những nơi trình độ dân trí còn thấp. Những vấn nạn này không chỉ ảnh hưởng đến từng người dân trong việc hưởng thụ các quyền, đặc biệt là quyền sống và quyền của các nhóm dễ bị tổn thương, mà còn là thách thức đối với các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp và các tổ chức xã hội trong việc xây dựng và triển khai các chính sách nhằm cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân, bảo đảm thực hiện và phát triển quyền con người.
Trong những bước đi đầu tiên của sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền, việc nhận thức và thực hiện pháp luật, thói quen sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật còn nhiều hạn chế. Quyền con người được bảo đảm bằng pháp luật, việc thực hiện pháp luật không nghiêm minh có ảnh hưởng trực tiếp tới hưởng thụ quyền con người. Ý thức pháp luật và sự hiểu biết các quy định pháp luật là yếu tố đầu tiên chi phối hành vi sống và làm việc theo Hiếp pháp, pháp luật. Tuy nhiên, nhiều trường hợp vi phạm pháp luật lại không phải vì không hiểu biết các quy định pháp luật mà vì chưa có thói quen tôn trọng pháp luật, chưa coi thực hiện pháp luật như thực hiện mệnh lệnh của cuộc sống. Cơ chế quyền kiểm soát quyền, cơ chế độc lập cao và chế ước, kiểm tra, kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan quyền lực để bảo đảm mọi người, mọi tổ chức đều tuân thủ nghiêm minh pháp luật, không một tổ chức và cá nhân nào, kể cả đối với Nhà nước có thể đứng trên hoặc đứng ngoài pháp luật vẫn đang là một thách thức không nhỏ để vận hành cơ chế bảo đảm thực hiện và phát triển quyền con người. Công cuộc đổi mới đất nước đang đặt ra những thách thức mới trong cải cách lập pháp, cải cách tư pháp và cải cách hành chính để bảo đảm quyền lực trong tổ chức bộ máy nhà nước là thống nhất nhưng có phân công rành mạch giữa ba quyền có tính độc lập cao và kiểm soát lẫn nhau, một Nhà nước của dân, do dân và vì dân.
Hệ thống pháp luật của Việt Nam nói chung, trong lĩnh vực quyền con người nói riêng chưa đồng bộ, còn chồng chéo, mâu thuẫn dẫn tới khó khăn, thậm chí hiểu sai trong quá trình vận dụng và thực thi pháp luật. Đây chính là vật cản lớn đối với sự phát triển của xã hội cũng như trong việc bảo đảm thực hiện, phát triển con người. Nhận diện thách thức đó, Chính phủ Việt Nam đang triển khai Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam định hướng đến năm 2020, trước mắt là rà soát lại toàn bộ hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật nhằm loại bỏ các văn bản luật mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp với thực tiễn; bảo đảm tính hợp hiến, tính thống nhất, tính khả thi, công khai, minh bạch, dễ tiếp cận và dễ thực hiện của các văn bản quy phạm pháp luật này, bảo đảm có hệ thống pháp luật và pháp chế thống nhất phản ánh những nhu cầu thực tiễn của xã hội, vì con người và sự phát triển của con người.
Trước nhiều thách thức trên, việc Nhà nước tiếp tục cải thiện khuôn khổ pháp luật mở rộng các quyền tự do, bảo vệ và thực thi tốt hơn các quyền cơ bản, hoàn thiện các cơ chế bảo vệ quyền (bao gồm việc thành lập cơ quan nhân quyền quốc gia) là những yêu cầu vừa cấp thiết, vừa lâu dài. Bên cạnh đó, các cơ quan nhà nước cần tôn trọng và hỗ trợ các tổ chức xã hội, cá nhân trong các hoạt động nghiên cứu, giáo dục và bảo vệ quyền con người. Mọi chủ thể của xã hội, cũng như mọi chủ thể của các cơ quan nhà nước phải tổ chức và hoạt động vì quyền con người. Với cách tiếp cận dựa trên quyền con người, thì quyền con người của người dân Việt Nam có cơ hội cho việc bảo vệ trên thực tế.
(Bài viết là sản phẩm nghiên cứu của Đề tài khoa học cấp Bộ về “Tăng cường vai trò của thiết chế truyền thông trong bảo vệ quyền con người và quyền công dân ở Việt Nam”)