Để góp phần hoàn thiện văn bản pháp lý quan trọng này, tác giả có một số ý kiến như sau:
Thứ nhất, theo dự kiến tại điểm a khoản 5 Điều 1 Dự thảo (sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 10 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP), Hồi đồng nhân dân (HĐND) cấp tỉnh có thể quyết định việc gửi hồ sơ đề nghị xây dựng VBQPPL đến bộ, cơ quan ngang bộ quản lý ngành, lĩnh vực có liên quan để lấy ý kiến. Theo quy định, hồ sơ đề nghị xây dựng VBQPPL là nghị quyết của HĐND cấp tỉnh được Thường trực HĐND cấp tỉnh xem xét, quyết định việc xây dựng. Bên cạnh đó, khi quy định HĐND quyết định việc gửi hồ sơ đề nghị xây dựng VBQPPL để lấy ý kiến thì nội dung này phải đưa vào kỳ họp (họp thường kỳ hoặc chuyên đề) của HĐND, làm kéo dài thời gian xây dựng, ban hành văn bản. Vì vậy, đề nghị xem xét quy định theo hướng Thường trực HĐND cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh có thể quyết định việc gửi hồ sơ đề nghị xây dựng VBQPPL đến bộ, cơ quan ngang bộ quản lý ngành, lĩnh vực có liên quan để lấy ý kiến.
Thứ hai, tại điểm b khoản 5 Điều 1 dự thảo (sửa đổi, bổ sung khoản 6 Điều 10 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP) quy định: “Trước khi gửi hồ sơ đề nghị xây dựng VBQPPL để thẩm định, cơ quan lập đề nghị phải đăng tải Bản tổng hợp, giải trình tiếp thu ý kiến trên Công thông tin điện tử của Chính phủ, Cổng thông tin điện tử của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương...”. Quy định trên hướng tới mục đích làm tăng tính minh bạch của quy định được dự kiến, cũng như làm tăng trách nhiệm giải trình của cơ quan chủ trì soạn thảo. Tuy nhiên, cũng đồng thời làm tăng thời gian xây dựng văn bản nói chung, thời gian lập đề nghị xây dựng văn bản nói riêng. Vì vậy, theo tác giả, đề nghị xem xét, quy định theo hướng cùng với việc gửi hồ sơ đề nghị để thẩm định, cơ quan lập đề nghị phải đề nghị đăng tải bản tổng hợp, giải trình tiếp thu ý kiến trên cổng thông tin điện tử của Chính phủ, cổng thông tin điện tử của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đăng tải trên cổng thông tin hoặc trang thông tin điện tử của cơ quan lập đề nghị.
Thứ ba, tại điểm c, khoản 5 Điều 1 dự thảo Nghị định (dự kiến bổ sung khoản 7 vào Điều 10 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP) quy định: “Cơ quan chủ trì lập đề nghị xây dựng VBQPPL có trách nhiệm truyền thông nội dung chính sách trong quá trình lập đề nghị xây dựng VBQPPL”. Với quy định dự kiến nêu trên được hiểu, cơ quan chủ trì lập đề nghị xây dựng VBQPPL có trách nhiệm truyền thông tất cả nội dung chính sách trong quá trình lập đề nghị xây dựng VBQPPL. Tuy nhiên, tác giả nhận thấy, đối với chính sách có nội dung thuộc bí mật nhà nước thì không thực hiện việc truyền thông theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước. Bên cạnh đó, khi cơ quan chủ trì soạn thảo dự kiến tham mưu quy định truyền thông tất cả nội dung chính sách trong quá trình lập đề nghị xây dựng VBQPPL thì cũng cần nghiên cứu, bổ sung các quy định khác có liên quan làm cơ sở tổ chức thi hành, đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ trong quá trình thực hiện (như hình thức truyền thông, nội dung thể hiện hoạt động truyền thông dự thảo chính sách trong thành phần hồ sơ đề nghị xây dựng, ban hành VBQPPL…); đồng thời, thuyết minh cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn và sự cần thiết ban hành quy định dự kiến nêu trên[1].
Thứ tư, đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét lại nội dung quy định tại điểm b, khoản 10 Điều 1 dự thảo Nghị định (bổ sung khoản 5 vào Điều 25 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP) về trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn thảo trong truyền thông nội dung cơ bản của dự án, dự thảo VBQPPL trong giai đoạn lấy ý kiến.
Thứ năm, liên quan đến trách nhiệm của Sở Tư pháp trong tổ chức họp tư vấn thẩm định; thành lập và hoạt động của Hội đồng tư vấn thẩm định, Hội đồng thẩm định; cuộc họp của Hội đồng tư vấn thẩm định, Hội đồng thẩm định dự kiến tại điểm a khoản 16, khoản 17, khoản 18 Điều 1 dự thảo Nghị định (dự kiến sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 49 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP; Điều 50 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 154/2020/NĐ-CP; Điều 51 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP), theo tác giả, cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu, làm rõ một số vấn đề sau:
(i) Tại khoản 17 Điều 1 dự thảo Nghị định (dự kiến sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 50 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 154/2020/NĐ-CP) quy định Giám đốc Sở Tư pháp có trách nhiệm thành lập Hội đồng tư vấn thẩm định, Hội đồng thẩm định trong các trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 50 (dự kiến sửa đổi, bổ sung theo khoản 17 Điều 1 dự thảo).
Trên thực tế, để thành lập được Hội đồng thẩm định, Hội đồng tư vấn thẩm định mất rất nhiều thời gian; nhiều cơ quan không cử thành viên tham gia Hội đồng; ý kiến thành viên Hội đồng chủ yếu là của thành viên đại diện Sở Tư pháp... Vì vậy, để đảm bảo tính linh hoạt, đảm bảo thời hạn thẩm định (đặc biệt thẩm định các dự thảo được xây dựng, ban hành theo trình tự thủ tục rút gọn) đề nghị cân nhắc quy định theo hướng: Giám đốc Sở Tư pháp có trách nhiệm thành lập Hội đồng thẩm định, Hội đồng tư vấn thẩm định đối với dự thảo do Sở Tư pháp chủ trì soạn thảo; xem xét, quyết định thành lập Hội đồng thẩm định, Hội đồng tư vấn thẩm định đối với dự thảo có nội dung phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực.
Ngoài ra, khoản 1 Điều 50 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP (dự kiến sửa đổi, bổ sung theo khoản 17 Điều 1 dự thảo) đã quy định Giám đốc Sở Tư pháp có trách nhiệm thành lập Hội đồng tư vấn thẩm định, Hội đồng thẩm định trong các trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 50, tuy nhiên, khoản 2 Điều 50 (dự kiến sửa đổi, bổ sung theo khoản 17 Điều 1 dự thảo) tiếp tục quy định: Đối với trường hợp thẩm định dự thảo có nội dung phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực hoặc do Sở Tư pháp chủ trì soạn thảo thì đại diện Sở Tư pháp không quá 1/3 tổng số thành viên Hội đồng. Tác giả nhận thấy quy định lặp lại như trên là không cần thiết, gây khó hiểu. Vì vậy, đề nghị xem xét, biên tập lại theo hướng: “... Đối với trường hợp Hội đồng tư vấn thẩm định, Hội đồng thẩm định được thành lập theo quy định tại khoản 1 Điều này, đại diện Sở Tư pháp không quá 1/3 tổng số thành viên Hội đồng”.
(ii) Tại khoản 17 Điều 1 dự thảo Nghị định (dự kiến sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 50 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 154/2020/NĐ-CP) quy định: “Hội đồng gồm Chủ tịch là lãnh đạo Sở Tư pháp, Thư ký là đại diện Sở Tư pháp và các thành viên là đại diện các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cơ quan, tổ chức khác có liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học. Tổng số thành viên của Hội đồng do Giám đốc Sở Tư pháp quyết định. Đối với trường hợp thẩm định dự thảo có nội dung phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực hoặc do Sở Tư pháp chủ trì soạn thảo thì đại diện Sở Tư pháp không quá 1/3 tổng số thành viên Hội đồng”. Với quy định được dự kiến nêu trên là chưa rõ thư ký là đại diện Sở Tư pháp có đóng vai trò là thành viên Hội đồng hay không? Và vì chưa rõ thư ký là đại diện Sở Tư pháp có đóng vai trò là thành viên Hội đồng hay không nên cũng chưa rõ thư ký là đại diện Sở Tư pháp có chịu sự điều chỉnh của quy định đại diện Sở Tư pháp không quá 1/3 tổng số thành viên Hội đồng hay không? Đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo xem xét, chỉnh lý lại để cụ thể hóa vai trò của thư ký Hội đồng trong trường hợp nêu trên.
(iii) Điểm d khoản 3 và khoản 4 Điều 51 Nghị định số 43/2016/NĐ-CP (dự kiến sửa đổi, bổ sung theo khoản 18 Điều 1 dự thảo Nghị định) quy định Chủ tịch Hội đồng kết luận và nêu rõ ý kiến về việc dự thảo đủ điều kiện hoặc không đủ điều kiện trình UBND cấp tỉnh; thư ký Hội đồng trình Chủ tịch Hội đồng ký Báo cáo thẩm định. Như vậy, với quy định trên, Hội đồng thẩm định và Hội đồng tư vấn thẩm định đều kết luận dự thảo đủ hoặc chưa đủ điều kiện trình. Tuy nhiên, về bản chất, Hội đồng tư vấn thẩm định dự thảo Nghị quyết chỉ giữ vài trò “tư vấn thẩm định” mà không thẩm định, không quyết định dự thảo đủ điều kiện hoặc không đủ điều kiện trình UBND cấp tỉnh. Khi Hội đồng tư vấn thẩm định chỉ giữ vai trò “tư vấn thẩm định” thì yêu cầu đặt ra phải tiếp tục phải có Hội đồng/đơn vị giữ vai trò thẩm định trên cơ sở “tư vấn thẩm định” của Hội đồng tư vấn thẩm định. Từ những vấn đề nêu trên, đề nghị nghiên cứu, quy định theo hướng, khi có báo cáo của Hội đồng tư vấn thẩm định, cơ quan thẩm định nghiên cứu, tham khảo báo cáo của Hội đồng tư vấn thẩm định để xây dựng báo cáo thẩm định. Đối với dự thảo do Sở Tư pháp chủ trì soạn thảo thì trong hồ sơ trình chỉ cần báo cáo tư vấn thẩm định.
Thứ năm, theo quy định tại khoản 1 Điều 103 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP (dự kiến sửa đổi, bổ sung tại khoản 21 Điều 1 dự thảo), văn bản được kiểm tra là các văn bản sau xác định có dấu hiệu trái luật, gồm thông tư, thông tư liên tịch, nghị quyết, quyết định, văn bản có chứa quy phạm pháp luật nhưng không được ban hành bằng hình thức VBQPPL… Tác giả nhận thấy, quy định trên là chưa hợp lý, văn bản chỉ xác định được có dấu hiệu trái pháp luật sau khi kiểm tra. Nói cách khác, phải thông qua kiểm tra mới xác định được văn bản có dấu hiệu trái hay không. Vì vậy, đề nghị xem xét, giữ nguyên như quy định hiện hành.
Thứ sáu, tại khoản 19 Điều 1 dự thảo Nghị định (dự kiến sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 64 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP) quy định: “Đối với văn bản ban hành kèm theo văn bản khác, thì văn bản được ban hành kèm theo phải được đóng dấu treo của cơ quan ban hành văn bản”. Tác giả nhận thấy, Điều 4 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 quy định hệ thống VBQPPL do cơ quan, người có thẩm quyền ban hành. Do đó, việc cơ quan chủ trì soạn thảo quy định đối với văn bản ban hành kèm theo văn bản khác, thì văn bản được ban hành kèm theo phải được đóng dấu treo của chỉ cơ quan ban hành văn bản là chưa đầy đủ (Ví dụ: Văn bản do Thủ tướng Chính phủ ban hành thì phải đóng dấu của Thủ tướng Chính phủ). Vì vậy, đề nghị nghiên cứu, bổ sung cho đầy đủ, phù hợp với thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Thứ bảy, tác giả cho rằng để đảm bảo chính xác, thống nhất, phù hợp với các điều đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 154/2020/NĐ-CP, đề nghị rà soát, chỉnh lý tên gọi một số khoản của Điều 1 dự thảo Nghị định (một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP chưa được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 154/2020/NĐ-CP nhưng vẫn có tên là “… được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 154/2020/NĐ-CP”).
ThS. Phạm Văn Chung
Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum
[1] Theo Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng VBQPPL giai đoạn 2022 - 2027” thì Đề án được áp dụng đối với các dự thảo chính sách có đủ các tiêu chí sau: (i) Là các chính sách được ban hành trong các VBQPPL mà Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định phải lập đề nghị xây dựng VBQPPL trước khi tiến hành soạn thảo, trừ các nội dung thuộc bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật; (ii) Tác động trực tiếp làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ của người dân, tổ chức, doanh nghiệp; (iii) Được xác định là những vấn đề khó, nhạy cảm, dư luận xã hội quan tâm hoặc có nhiều ý kiến khác nhau về nội dung dự thảo chính sách; (iv) Chính sách có tác động trên phạm vi cả nước hoặc trên phạm vi toàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Bên cạnh đó, ngoài các dự thảo chính sách nêu trên, các cơ quan chủ trì soạn thảo VBQPPL căn cứ nội dung dự thảo chính sách hoặc dự thảo quy định, yêu cầu và điều kiện thực tiễn, chủ động thực hiện việc truyền thông các chính sách do mình tham mưu xây dựng hoặc trực tiếp ban hành.