Sau khi nghiên cứu dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) (dự thảo Luật), tác giả có một số góp ý như sau:
Thứ nhất, theo khoản 3 Điều 5 dự thảo Luật, Thường trực Hội đồng nhân dân thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật này và các quy định khác của “luật” có liên quan. Như vậy, theo quy định trên, ngoài nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Thường trực Hội đồng nhân dân còn thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của luật khác. Quy định này tiếp tục được kế thừa theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015. Tuy nhiên, trong thực tiễn, nhiều nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực Hội đồng nhân dân không được quy định trong luật mà được quy định trong văn bản dưới luật. Vì vậy, để bảo đảm phù hợp với tính chất là cơ quan Thường trực của Hội đồng nhân dân nên quy định theo hướng: Thường trực Hội đồng nhân dân thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật này và các quy định khác của “pháp luật” có liên quan.
Thứ hai, theo khoản 2 Điều 6 dự thảo Luật, Ủy ban nhân dân quận, phường, xã, thị trấn do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp thành lập. Tuy nhiên, trình tự, thủ tục thành lập Ủy ban nhân dân quận, phường, xã, thị trấn không được dự thảo Luật quy định và cũng chưa giao thẩm quyền quy định trình tự, thủ tục thành lập Ủy ban nhân dân quận, phường, xã, thị trấn cho cơ quan, người có thẩm quyền. Vì vậy, đề nghị bổ sung trình tự, thủ tục thành lập Ủy ban nhân dân quận, phường, xã, thị trấn hoặc quy định cơ quan, người có thẩm quyền quy định trình tự, thủ tục thành lập.
Thứ ba, Điều 9 dự thảo Luật đưa ra 02 phương án về cơ quan có thẩm quyền quy định cụ thể tiêu chuẩn của các đơn vị hành chính quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 2 của dự thảo Luật. Tác giả nhận thấy, Phương án 1 (Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định cụ thể tiêu chuẩn của các đơn vị hành chính quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 2 của Luật này) là Phương án phù hợp với quy định tại khoản 8 Điều 74; khoản 4 Điều 96 Hiến pháp năm 2013 và thống nhất với các quy định về thẩm quyền được quy định tại Mục 2 Chương II dự thảo Luật. Vì vậy, đề nghị lựa chọn Phương án 1 được thể trong dự thảo Luật.
Thứ tư, theo khoản 3 Điều 17 dự thảo Luật, chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã không ban hành thể chế, chính sách trên địa bàn cấp huyện, cấp xã. Đề nghị cần giải thích thuật ngữ “thể chế” trong quy định trên bởi hiện nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định như thế nào là “thể chế”. Bên cạnh đó, cũng cần làm rõ việc không ban hành “thể chế” có đồng nghĩa với việc không ban hành văn bản quy phạm pháp luật không. Trong trường hợp việc không ban hành “thể chế” của chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã đồng nghĩa với việc chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã không ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì quy định trên mâu thuẫn với quy định trong nhiều điều luật có trong dự thảo (như Điều 19, Điều 31, Điều 32...).
Ngoài ra, cũng tại khoản 3 Điều 17 dự thảo Luật, chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã không ban hành “chính sách”. Tuy nhiên, điểm b khoản 2 Điều 31 dự thảo Luật lại quy định Hội đồng nhân dân huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương có thẩm quyền “quyết định các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển đô thị”.
Từ những vấn đề nêu trên, đề nghị xem xét lại quy định tại khoản 3 Điều 17 dự thảo Luật để bảo đảm thống nhất với các quy định khác có liên quan.
Thứ năm, theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 19 dự thảo Luật, việc phân cấp phải được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan phân cấp. Tuy nhiên, với quy định tại khoản 1 Điều 19 dự thảo Luật thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện được phân cấp cho cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập... Như vậy, với quy định này có thể được hiểu Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện được ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trong khi đó, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành không quy định Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp được ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Trường hợp cho phép Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện được ban hành văn bản quy phạm pháp luật chưa phù hợp với chủ trương: “... đơn giản hóa, giảm tầng nấc, loại hình văn bản trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Xác định đúng, rõ các cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật...” đã được đề ra tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
Thứ sáu, theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 26 dự thảo Luật, chính quyền địa phương ở tỉnh thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn về quy định thu thuế địa phương, thu phí, lệ phí theo phân quyền; phân chia tỷ lệ giữa thuế trung ương và địa phương; thực hiện việc vay các nguồn vốn trong nước thông qua phát hành trái phiếu địa phương, trái phiếu đô thị, trái phiếu công trình và các hình thức huy động vốn khác theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, khoản 4 Điều 70 Hiến pháp năm 2013 quy định Quốc hội có nhiệm vụ và quyền hạn quyết định chính sách cơ bản về tài chính, tiền tệ quốc gia; quy định, sửa đổi hoặc bãi bỏ các thứ thuế; quyết định phân chia các khoản thu và nhiệm vụ chi giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; quyết định mức giới giới hạn an toàn nợ quốc gia, nợ công, nợ chính phủ; quyết định dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước. Do đó, điểm b khoản 1 Điều 26 dự thảo Luật chưa phù hợp với quy định tại khoản 4 Điều 70 Hiến pháp năm 2013.
Đỗ Văn Nhân
Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum
Ảnh: internet