Đồng bằng sông Hồng là một vùng đất rộng lớn nằm quanh khu vực hạ lưu sông Hồng thuộc miền Bắc Việt Nam, được bồi đắp bởi phù sa của hai con sông lớn là sông Hồng và sông Thái Bình, hình thành nên một trong hai vựa lúa lớn nhất cả nước, gồm 11 tỉnh và thành phố: Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình. Đây được coi là cái nôi sinh trưởng, phát triển của người Việt, có diện tích tự nhiên là 23.336 km2, dân số trên 21 triệu, chiếm gần ¼ dân số và 7,1% diện tích đất của cả nước. Đại đa số dân là người Kinh và có một bộ phận nhỏ dân tộc thiểu số ở Ninh Bình, Quảng Ninh, ngoại thành Hà Nội. Trong vùng có thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của cả nước; có vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ gồm các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh. Đây cũng là khu vực có nguồn nhân lực lớn, trình độ dân trí cao, từ xa xưa đã tập trung đội ngũ trí thức giỏi, nhân dân có truyền thống lao động cần cù và sáng tạo. Hệ thống di tích lịch sử, văn hóa với hàng nghìn đình, đền, chùa, miếu mạo cùng kho tàng kiến trúc, mỹ thuật cũng rất phong phú, là khu vực có nhiều lễ hội truyền thống cùng nhiều loại hình nghệ thuật dân tộc đặc sắc, từ lâu đã có truyền thống hòa giải và hiện nay truyền thống đó vẫn tiếp tục được kế thừa và phát huy.
1. Đặc điểm truyền thống làng xã
Có thể thấy rất rõ truyền thống hòa giải nói chung, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Hồng chủ yếu bắt nguồn từ tư tưởng cố kết cộng đồng làng xã của người Việt, có sự ảnh hưởng rất mạnh mẽ của tư tưởng Nho giáo, Phật giáo, được hình thành và duy trì, phát triển suốt chiều dài lịch sử. Các nhà nghiên cứu cho rằng, 1000 năm Bắc thuộc, tuy nước mất nhưng làng, xã không bị mất đi bản sắc của mình. Một trong những công cụ bảo vệ bản sắc đó chính là thiết chế làng xã. Ở vùng đồng bằng sông Hồng, có những làng có nguồn gốc từ thời cổ (Bắc Ninh, Hà Nội, Vĩnh Phúc). Một số làng có nguồn gốc khác, đó là những làng do Nhà nước chủ trì việc khai hoang, lấn biển lập ấp (Nam Định, Ninh Bình). Về tổ chức quản lý, xã có thể cùng là làng hoặc một xã có thể gồm vài làng, xóm cũng có thể cùng là thôn hoặc một thôn cũng có thể có vài xóm. Xuất phát từ nền văn hóa nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào khí hậu, phải cùng nhau chống thiên tai, sử dụng nguồn nước để trồng trọt, người nông dân thường chú trọng tới các mối quan hệ hòa đồng, hình thành lối tư duy cộng đồng. Họ sống trong một không gian làng xã khép kín sau lũy tre và sau cổng làng với một nhịp sống đều đặn, không vội vã. Thêm vào đó là nguy cơ giặc ngoại xâm luôn đe dọa đã khiến cho họ sớm củng cố lối sống cộng đồng, giúp đỡ nhau khi hoạn nạn, khó khăn. Làng là đơn vị cơ sở cấu thành nên quốc gia, nó mang tính khép kín, tự quản rất cao do đặc thù của nền kinh tế nông nghiệp tự cung tự cấp. Ở đây là nơi cộng đồng dân cư sinh sống, là nơi thực hiện dân chủ một cách trực tiếp và rộng rãi nhằm giải quyết các công việc nội bộ, bảo đảm đoàn kết, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội và vệ sinh môi trường, xây dựng cuộc sống mới…
Trong các làng xã vùng đồng bằng sông Hồng, cả cuộc đời và truyền đời người nông dân quen sống với các mối quan hệ xóm giềng, huyết thống ràng buộc chồng chéo nhau một cách bền chặt, do đó họ rất coi trọng tình làng nghĩa xóm. Nếu có mâu thuẫn, tranh chấp về quyền lợi, nghĩa vụ giữa các thành viên trong gia đình, dòng họ, hay với hàng xóm, láng giềng, họ chủ trương “đóng cửa bảo nhau”, “chín bỏ làm mười” vì “một điều nhịn là chín sự lành” với phương châm “dĩ hòa vi quý” được coi trọng và đề cao hàng đầu. Trong xã hội người Việt trước đây, điểm tương đối phổ biến ở đồng bằng Bắc Bộ là kết cấu kinh tế làng xã thường có ba thành phần: Nông nghiệp, thủ công nghiệp và thương nghiệp. Đồng thời các làng đều có sự hiện diện của các phường, hội như là tổ chức định chế xã hội. Chúng tồn tại bên cạnh các thiết chế nhà nước (bộ máy quản lý làng). Sự tồn tại song hành của các định chế xã hội và thiết chế quản lý đã luôn giữ được vai trò điều hòa các quan hệ xã hội thông qua hương ước và luật pháp. Hòa giải ở cơ sở là một định chế xã hội thể hiện rõ đặc điểm đó. Tuy nhiên, các tổ chức định chế xã hội không nằm trong hệ thống của bộ máy hành chính, đôi khi nó ẩn trong các làng Việt và vận hành theo cách riêng của mình. Hoạt động của nó tạo nên sự gắn kết giữa các thành viên trong cộng đồng dân cư. Đến nay, ở làng xã vùng đồng bằng sông Hồng, các định chế xã hội vẫn thể hiện rõ vai trò của mình thông qua hương ước trong đời sống thường nhật của người nông dân. Các công trình nghiên cứu dân tộc học, sử học và luật học đã khẳng định, trong thời kỳ phong kiến, xã hội Việt nam có hai dạng hương ước theo hai giai đoạn tồn tại và phát triển, đó là Hương ước cổ (từ giữa thế kỷ XV đến tháng 8 năm 1921) và Hương ước cải lương (từ tháng 8 năm 1921 đến tháng 8 năm 1945). Hương ước đề cập khá chi tiết mối quan hệ ứng xử giữa các hạng người, giữa mọi người trong làng. Đề cao yêu thương đùm bọc lẫn nhau giữa bà con làng xóm. Khuyến khích mọi người ăn ở hòa thuận, có trước có sau, có trên có dưới. Hương ước các làng đều có quy định quan hệ ứng xử trong gia đình, giữa cha con, vợ chồng, anh em. Còn hương ước mới được gọi bằng các tên khác như: Quy ước làng, Quy ước làng văn hóa, Quy ước văn hóa gồm các quy định chung về xây dựng nếp sống văn hóa, về gia đình văn hóa, xây dựng kỷ cương trật tự xã hội thôn xóm, bảo vệ tài sản nhà nước, tài sản cá nhân, giữ gìn vệ sinh và bảo vệ cảnh quan môi trường, hòa giải tranh chấp trong nội bộ nhân dân…
2. Ảnh hưởng của quan hệ họ hàng, thân tộc
Làng ở Việt Nam, trong đó có vùng đồng bằng sông Hồng còn có một đặc điểm nữa, đó là tính chất dòng họ. Các mối liên kết trong làng có nghề nghiệp, tín ngưỡng tôn giáo, địa vực láng giềng, xóm, giáp, đơn vị hành chính làng xã nhưng mối liên kết họ hàng vẫn là bền vững nhất. Có thể coi cộng đồng làng trước tiên là tập hợp của những dòng họ và sự liên kết đầu tiên của những gia đình tiểu nông trong làng là dòng họ. Mỗi làng ở Bắc Bộ không có nhiều dòng họ, lại cộng cư trong một không gian xác định, nên các thành viên trong làng hiểu rõ những mối quan hệ thân tộc. Một số làng lấy tên dòng họ đặt cho tên làng. Lịch sử cho thấy, quan hệ dòng họ len lỏi đan xen vào các quan hệ giai cấp và quan hệ pháp luật, đã tác động làm mềm yếu các quan hệ pháp luật và nếu khống chế không nổi thì thậm chí có nơi, có lúc nó vượt lên đứng trên các quan hệ pháp luật. Đó cũng là điều đáng lưu ý trong xã hội hiện đại. Hiện nay, cùng với chính quyền, mặt trận, đoàn thể, các dòng tộc có vai trò quan trọng hòa giải những xích mích trong họ. Các thành viên trong dòng họ có cùng huyết thống, quan hệ giữa các thành viên được coi là anh em và trong một gia đình thì quan hệ là ruột thịt. Các xích mích trong gia đình, dòng họ thường được anh em trong họ hòa giải nhằm giữ gìn hòa thuận trong họ, uy tín với ngoài họ, trong làng, xây dựng dòng họ có “truyền thống đoàn kết”, thương yêu, giúp nhau, bảo ban nhau trong tình anh em cùng dòng tộc. Những năm gần đây, hoạt động trong dòng họ có nhiều khởi sắc như giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói nghèo, xây dựng dòng họ khá giả, đưa khuyến học vào họ tộc, xây dựng “dòng họ hiếu học”, xây dựng “họ truyền thống hòa giải, đoàn kết”, xây dựng dòng họ “trong sạch”, không có người nghiện ma tuý, không vi phạm pháp luật...
Trong dòng họ, nếu có vụ việc mâu thuẫn nội bộ thì thường được trong họ hòa giải thành với tỷ lệ cao và bền vững, đó là yếu tố rất được coi trọng trong sinh hoạt của dòng họ. Hòa giải là một nội dung của cuộc vận động “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động. Hòa giải được đưa vào chỉ tiêu thi đua xây dựng “khu dân cư tiên tiến”. Ở thôn, làng, ấp, bản có Ban công tác Mặt trận. Ban công tác Mặt trận cùng với Trưởng thôn, tổ trưởng dân phố vận động nhân dân xây dựng hương ước làng, quy ước khu dân cư, trong đó có nội dung công tác hòa giải. Mỗi khu dân cư lập ra một tổ hòa giải mà các thành viên của tổ hoà giải là hội viên, đoàn viên của Hội Phụ nữ, Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, cá nhân tiêu biểu trong dân tộc, tôn giáo, họ tộc…
Vai trò trưởng họ, trưởng tộc quyết định hòa giải thành, bền vững đối với các vụ việc xích mích, mâu thuẫn trong dòng họ. Về huyết thống, trưởng họ, trưởng tộc là người đứng đầu trong họ, chỉ huy, điều hành và quyết định các công việc của họ, có tiếng nói quyết định đối với nhiều vấn đề về lễ giáo, văn hóa, tinh thần đối với các gia đình và thành viên trong họ, tộc khi các vấn đề đó đã là quy ước của họ, đã trở thành nếp sống văn hóa truyền thống của dòng họ. Trưởng họ, trưởng tộc là người tiêu biểu của mỗi dòng tộc trong quan hệ đối với thôn, làng, ấp, bản; là thành viên của Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư. Với vị trí như vậy, trưởng họ, trưởng tộc là người chỉ đạo, cũng đồng thời trực tiếp làm công tác hòa giải trong dòng tộc. Khi hoà giải, vừa dựa vào hương ước, quy ước, pháp luật, vừa lấy uy tín người trưởng họ để phân tích thấu tình, đạt lý, làm cho mỗi bên hiểu rõ đúng, sai, không xuê xoa “dĩ hoà vi quý” cho xong việc. Với ý thức công tâm, khách quan, trách nhiệm và tình huyết thống của trưởng họ, trưởng tộc tác động đến đương sự dễ đi đến những nhận thức mới của mỗi bên, tiến dần đến sự thành công của hòa giải.
3. Tác động của Nho giáo, Phật giáo
Nho giáo với cốt lõi là tư tưởng đức trị cũng có ảnh hưởng lớn đến sự hình thành ý thức hòa giải ở Việt Nam nói chung, vùng đồng bằng sông Hồng nói riêng. Trong các bậc thang giá trị tinh thần, người Việt đề cao chữ Nhân, kết hợp chặt chẽ Nhân với Nghĩa, Nhân với Đức. Sự kết hợp giữa truyền thống nhân nghĩa của dân tộc với đạo đức Nho giáo đã hình thành nên tư tưởng đức trị (tư tưởng nhân trị) trong đường lối trị quốc, an dân của các triều đại phong kiến Việt Nam hưng thịnh. Đạo đức Nho giáo được thể hiện đậm nét trong các bản hương ước - lệ làng. Hương ước là bản lệ làng thành văn của các làng xã cổ truyền Việt Nam được các nhà Nho soạn thảo, dân làng thông qua, chính quyền phê duyệt và đưa ra thi hành để mọi người trong làng đều tuân theo lễ nghi Nho gia, phân biệt trên dưới và tôn ty trật tự từ trong gia đình đến làng xóm. Các tư tưởng tiến bộ của nho giáo tác động đến đời sống cộng đồng làng xã và tinh thần đoàn kết, hòa giải trong làng xã. Đặc điểm quan trọng của tư tưởng hòa giải được thể hiện trong các hương ước từ thế kỷ XV trở đi không hoàn toàn là sản phẩm của tư tưởng nho giáo, mà từ truyền thống làng xã, nảy sinh từ thực tiễn đời sống thể hiện sâu sắc bản sắc văn hóa dân tộc, đến nay vẫn còn ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống cộng đồng.
Phật giáo du nhập vào các quốc gia ở Đông Nam Á từ rất sớm và nhanh chóng trở thành bộ phận văn hóa các dân tộc. Phật giáo là tôn giáo luôn đồng hành cùng dân tộc Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử. Truyền thống hòa giải Việt Nam thấm nhuần triết lý Phật giáo. Trong khoảng từ thế kỷ X đến thế kỷ XIV, Phật giáo còn có chức năng là hệ tư tưởng chính thống tiêu biểu cho ý thức quốc gia, tinh thần độc lập, tự chủ của dân tộc, là nền tảng tinh thần của xã hội, chỗ dựa cho việc tổ chức một xã hội đoàn kết, hòa hợp. Những tín điều của Phật giáo mang tính hòa giải rất cao. Phật giáo không chủ trương bạo lực hoặc tạo ra những điều kiện để bạo lực phát sinh, mà luôn đề cao tinh thần và ý thức hòa giải. Vì thế, Phật giáo là nhân tố quan trọng, là chất xúc tác làm khởi động và thúc đẩy tiến trình hòa giải giữa con người với con người. Để đối trị với nền văn hóa bạo lực, Phật giáo quan niệm không có con đường nào khác hơn là xây dựng và phát triển nền văn hóa hòa giải ở các cấp độ và bình diện khác nhau, không chỉ ở bề rộng mà còn ở chiều sâu với nhận thức “tâm bình, thế giới bình”. Hiểu theo nghĩa rộng, triết lý hòa giải theo quan niệm của Phật giáo là cấu trúc gồm ba thành tố cơ bản: Hòa giải giữa cá nhân với bản thân, hòa giải giữa con người với con người và hòa giải giữa con người với thiên nhiên (tâm bình thế giới bình). Hòa giải giữa cá nhân với bản thân chính là trụ cột cơ bản nhất bởi xung đột, mâu thuẫn trước tiên xuất hiện từ bên trong tâm thức của con người.
4. Quá trình phân tầng xã hội và đô thị hóa
Trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, quá trình đô thị hóa và phân tầng xã hội diễn ra rất nhanh chóng, kéo theo nhiều hệ lụy, trong đó có gia tăng số lượng các tranh chấp, xung đột lợi ích (tranh chấp đất đai, tranh chấp thủy lợi phí, tranh chấp hợp đồng dịch vụ…). Quá trình đô thị hóa/phân tầng xã hội đã và đang phá vỡ nhiều kết cấu văn hóa làng xã. Trong nền kinh tế thị trường, con người dường như trở nên thực dụng hơn. Một số giá trị văn hóa làng xã bị mai một, tình làng, nghĩa xóm phai nhạt; tính cộng đồng giảm; kết cấu gia đình thiếu bền vững hơn trước... đã làm cho mâu thuẫn trong nội bộ dân cư phát sinh ngày càng nhiều. Cũng chính vì quá trình đô thị hóa/phân tầng xã hội đã và đang phá vỡ nhiều kết cấu văn hóa làng xã mà trong thời gian qua nhiều địa phương đã có nhiều giải pháp nhằm khôi phục, duy trì, mở rộng các thiết chế và giá trị truyền thống tốt đẹp trong đời sống nhân dân. Hòa giải với tư cách là một thiết chế vừa mang tính truyền thống được chú trọng hơn. Việc hòa giải trong nội bộ dân cư được khuyến khích, điều này cũng đã làm tăng số lượng các vụ việc hòa giải trên thực tế, trong khi giảm sự quá tải cho các cơ quan nhà nước và chính quyền địa phương. Quá trình đô thị hóa trên thực tế cũng góp phần mở rộng dân chủ trong đời sống nhân dân. Dân chủ đồng nghĩa với việc tôn trọng và chấp nhận các ý kiến đa chiều trong cộng đồng dân cư và trong mỗi hộ gia đình khi tiến hành hòa giải các vụ việc.
Quá trình đô thị hóa sẽ làm tăng mật độ dân cư đô thị một cách nhanh chóng, chính sự gia tăng mật độ dân cư đô thị thông qua quá trình dịch chuyển dân số đã làm cho các mối quan hệ tại những vùng đô thị hóa ngày càng đa dạng và phức tạp hơn. Nếu trước đây mọi mối quan hệ dường như “khép kín” sau lũy tre làng, thì nay người ở làng thì đi nơi khác làm ăn, người nơi khác lại đến “làng” để sinh sống. Kiểu quan hệ “trong nhà đóng cửa bảo nhau” trước kia nay đã thay đổi. Người trong “làng” có khi không biết hết nhau. Quan hệ xã hội đa dạng dẫn đến những va chạm, xích mích chắc chắn cũng nảy sinh nhiều hơn nhất là khi mối quan hệ truyền thống không còn bền chặt như trước. Bên cạnh đó, chính sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế đã đẩy nhanh quá trình phân hóa giàu nghèo và phân tầng xã hội. Sự phân tầng xã hội dẫn đến trên cùng một địa bàn dân cư trước đây, cơ bản là nông dân có điều kiện sống tương đối giống nhau, nay do đô thị hóa, một bộ phận người nhờ nắm bắt được cơ hội mà trở nên giàu có hoặc khá giả hơn. Do điều kiện kinh tế khác nhau mà lối sống, lối sinh hoạt, mức độ cũng như trình độ hưởng thụ văn hóa, khả năng tiếp cận với thông tin, lối sống văn hóa mới... có sự thay đổi lớn không chỉ trong phạm vi làng xã, mà ngay trong bộ phận dân cư, thậm trí ngay trong một dòng tộc, gia đình. Những khác biệt này trên thực tế đã và đang là nguyên nhân của nhiều mâu thuẫn nảy sinh trong đời sống đô thị. Một ví dụ đơn giản đó là nhờ đô thị hóa, đời sống kinh tế phát triển giới trẻ có điều kiện tiếp xúc với những sinh hoạt văn hoá mới, trong khi đó những người lớn tuổi hoặc không có điều kiện tiếp xúc với những tiến bộ mà đô thị hóa mang lại thì vẫn duy trì cách sống, cách suy nghĩ cũ, và mâu thuẫn phát sinh ngay giữa các thế hệ trong một gia đình.
Ngoài các yếu tố trên đây, còn nhiều yếu tố tác động khác đến hòa giải ở cơ sở với những mức độ khác nhau. Tuy nhiên, những yếu tố chúng tôi phân tích trên đây vẫn là các yếu tố có ảnh tác động mạnh mẽ nhất, đa chiều nhất đến hoạt động hòa giải ở cơ sở trong tình hình mới mà mỗi cấp chính quyền, tổ chức, đoàn thể ở vùng đồng bằng sông Hồng cần quan tâm khi chỉ đạo, hướng dẫn và thực hiện công tác hòa giải.
Học viện Phụ nữ Việt Nam
[1]. Phan Ðại Doãn, Quản lý xã hội nông thôn nước ta hiện nay - Một số vấn đề và giải pháp, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà nội, 1996.
[2]. Giải quyết xích mích trong nội bộ nhân dân - Phác thảo từ những kết quả nghiên cứu định tính, PGS.TS. Bùi Quang Dũng, Tạp chí Xã hội học, 2002.
[3]. Hương ước - Di sản pháp lý của người Việt, PGS.TS. Bùi Xuân Đính, Chuyên đề thuộc đề tài cấp Nhà nước “Văn hóa pháp luật Việt Nam, từ lý luận đến thực tiễn”, Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp, 2009.
[4]. Nghiên cứu văn hóa và con người Việt Nam hiện nay, Chủ biên: GS.TS. Dương Phú Hiệp, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010.
[5]. Thể chế hòa giải ở Việt Nam, một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Chủ biên: PGS.TS. Nguyễn Tất Viễn, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, 2015.