Abstract: The article gives theoretical perceptions about the nature, effects and purposes of punishment, thereby explaining the impact of that perceptions on the formation and improvement of the criminal law provisions on punishment, punishment system, as well as serving the formation and improvement of legal policies on criminal judgment execution in Vietnam today.
1. Dẫn nhập
Pháp luật thi hành án hình sự (THAHS) có quan hệ chặt chẽ với pháp luật hình sự. Pháp luật THAHS nhằm bảo đảm cho các quyết định về trách nhiệm hình sự nói chung và hình phạt nói riêng trong bản án của Tòa án được thực hiện trên thực tế nhằm “lập lại trật tự xã hội đã bị hành vi vi phạm pháp luật xâm phạm, trừng trị, giáo dục, cải tạo người phạm tội, phòng ngừa tội phạm, thực thi công lý, công bằng xã hội”[1]. Như vậy, về mặt hình thức pháp lý, THAHS là thi hành bản án hình sự có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Xét cho cùng, THAHS là bảo đảm mục đích của hình phạt quy định trong Bộ luật Hình sự được thực hiện trên thực tế trên cơ sở bản án của Tòa án. Bởi vì, tư pháp hình sự xét dưới góc độ hệ thống là một quá trình vận hành bao gồm các khâu do các chủ thể khác nhau vận hành nhằm giải quyết một số nhiệm vụ của tư pháp hình sự mà “đầu vào” của hệ thống đó là người phạm tội và “đầu ra” của nó là một người phạm tội đã được giáo dục, cải tạo. THAHS là một khâu của tư pháp hình sự - khâu cuối cùng có quan hệ chặt chẽ với pháp luật hình sự, tố tụng hình sự. Chính vì vậy, khi bàn đến chính sách THAHS phải bắt đầu từ nhận thức về mục đích của hình phạt, bản chất, nội dung, phạm vi của các loại hình phạt và của cả hệ thống hình phạt. Từ nhận thức về mục đích của hình phạt, hệ thống hình phạt mới xây dựng chính sách THAHS, xây dựng các biện pháp thi hành hình phạt trên thực tế trong THAHS để bảo đảm mục đích của nó. Tác giả đồng ý với quan điểm cho rằng: Cần làm rõ vấn đề này (mục đích hình phạt) bởi vì, xác định đúng đắn mục đích của hình phạt là một trong những yêu cầu quan trọng để xác định hiệu quả của hình phạt ngay trong khi xây dựng hệ thống hình phạt cũng như áp dụng hình phạt và thi hành hình phạt[2].
2. Mục đích hình phạt trong Bộ luật Hình sự Việt Nam
Mục đích của hình phạt là điều mà Nhà nước mong muốn đạt được khi quy định hình phạt trong Bộ luật Hình sự. THAHS (thi hành hình phạt trong bản án hình sự) là phương tiện để đạt được mục đích đó. Về mặt luật thực định, Bộ luật Hình sự Việt Nam từ trước đến nay đều quy định: Hình phạt không chỉ nhằm trừng trị người phạm tội mà còn giáo dục họ ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống, ngăn ngừa họ phạm tội mới; giáo dục người khác tôn trọng pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm. Với cách diễn giải như vậy, rõ ràng quan điểm của nhà lập pháp Việt Nam là hình phạt có mục đích trừng trị bên cạnh mục đích giáo dục, cải tạo. Quy định của luật thực định này dựa trên cách giải thích về mặt khoa học mục đích của hình phạt trước hết là trừng trị người phạm tội: Trừng trị là mục đích, đồng thời cũng là phương tiện để đạt được mục đích cuối cùng và chủ yếu của hình phạt đối với người phạm tội là giáo dục, cải tạo họ[3]. Về logic hình thức, tác giả cho rằng, khó chỉ ra được một đối tượng nào đó vừa là phương tiện vừa là mục đích và có mục đích là phương tiện sẽ dẫn đến những hậu quả nguy hại.
Quan điểm khác cho rằng, hình phạt không có nội dung trừng trị, thuộc tính của hình phạt là trừng trị chứ không có mục đích trừng trị. Mục đích của hình phạt là giáo dục, cải tạo người phạm tội và trừng trị là bản chất, là thuộc tính của hình phạt chứ không phải là mục đích của hình phạt. Hình phạt có nội dung trừng trị và nội dung giáo dục cải tạo. Vấn đề cơ bản đặt ra là kết hợp hai yếu tố đó như thế nào trong hình phạt để bảo đảm hiệu quả áp dụng của chúng[4]. Nếu mục đích của hình phạt trong luật hình sự chỉ giải quyết vấn đề quy định trong pháp luật và áp dụng hình phạt của Tòa án thì trong THAHS tiếp tục cụ thể mục đích của hình phạt trong quá trình thi hành hình phạt, do đó, thi hành hình phạt không xa rời mục đích của hình phạt.
Các quan điểm này tác động đến các nguyên tắc, tổ chức hoạt động, chế độ thi hành án, quyền, nghĩa vụ của người bị kết án trong pháp luật THAHS ở các phương diện sau đây:
Thứ nhất, nếu hình phạt có mục đích trừng trị tác động đến hệ thống nguyên tắc của pháp luật THAHS và thực tiễn áp dụng nó. Trong các nguyên tắc của pháp luật THAHS hiện nay được quy định trong Luật Thi hành án hình sự “kết hợp giữa trừng trị và cải tạo” trong khi đó, về lý thuyết thừa nhận nguyên tắc “người phạm tội có khả năng giáo dục, cải tạo được”[5] hoặc nguyên tắc “kết hợp giữa giáo dục, cải tạo và cưỡng chế”[6]. Rõ ràng, các nguyên tắc là khác nhau về nội dung, đòi hỏi và phản ánh quan điểm về mục đích của hình phạt trong luật hình sự.
Thứ hai, mục đích của hình phạt sẽ tác động đến cơ cấu của hệ thống hình phạt, nội dung của loại hình phạt cụ thể và đương nhiên cả các biện pháp THAHS. Nếu mục đích hình phạt là trừng trị thì hệ thống hình phạt sẽ bao gồm các loại hình phạt mang tính chất hà khắc, tác động mạnh mẽ đến hệ thống pháp luật THAHS. Các biện pháp hình phạt cũng vì thế mà nặng về tính trừng trị để phục vụ cho mục đích của hình phạt. Có thể chứng minh được điều này trong pháp luật hình sự, THAHS và thực tiễn thi hành nó trong lịch sử tư pháp hình sự Việt Nam từ năm 1945 đến nay[7]. Hình phạt không có mục đích gây đau đớn về thể xác và hạ thấp phẩm giá con người. Bên cạnh đó, nếu coi mục đích của hình phạt là trừng trị khó có thể lý giải trong các thời kỳ khác nhau, hình phạt tù, hình phạt tử hình (một trong hình phạt có tính chất trừng trị đang có xu hướng giảm dần theo xu hướng nhân đạo hóa hình luật và tinh thần của cải cách tư pháp: Giảm hình phạt tù, mở rộng áp dụng hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ đối với một số tội phạm là giảm bớt tính chất trừng trị của hình phạt.
Thứ ba, mục đích của hình phạt sẽ quyết định các chế định quan trọng nhất của pháp luật THAHS như: Chế độ THAHS, các quyền của người phải THAHS và các biện pháp THAHS, thậm chí cả hệ thống THAHS, bao gồm, các chủ thể có trách nhiệm thi hành hình phạt.
Về vấn đề hình phạt tác giả cho rằng, cần rành mạch các khái niệm cơ bản, đó là: Tính chất của hình phạt, tác dụng của hình phạt và mục đích của hình phạt. Mục đích của hình phạt là cách nói chưa chuẩn xác về mặt khoa học. Hình phạt không có mục đích mà hình phạt chỉ có tính chất và tác dụng. Mục đích ở đây là việc Nhà nước quy định và áp dụng hình phạt trong Bộ luật Hình sự và thi hành nó trên thực tế. Tính chất của hình phạt hay là thuộc tính chứa đựng trong hình phạt là tính chất trừng trị. Thiếu tính chất trừng trị thì hình phạt không còn là nó. Bởi vì, nguyên nghĩa của hình phạt là “sự đau đớn và thiệt hại mà quốc gia nhân danh công ích buộc kẻ phạm tội phải chịu sau khi đã có bản án xác định tội lỗi về sự vi phạm luật lệ”[8]. Trên thực tế, sự trừng trị này được thể hiện thành ba nhóm hình phạt cơ bản: Thể hình, tước đoạt tự do và ngân hình (phạt tiền). Tuy nhiên, trong Bộ luật Hình sự Việt Nam và pháp luật THAHS từ trước đến nay chưa cho thấy tính chất trừng trị của các loại hình phạt cụ thể. Một trong những tính chất của hình phạt là tước bỏ hoặc hạn chế một số quyền cơ bản của người phạm tội. Nhưng trên thực tế, Bộ luật Hình sự quy định quyền và lợi ích nào bị tước bỏ hay hạn chế đối với từng loại hình phạt được quy định trong hệ thống hình phạt nước ta. Từ đó, dẫn đến hậu quả “quyền và nghĩa vụ của người chấp hành án được luận giải thông qua chế độ chấp hành các loại hình phạt. Vì vậy, cơ quan thi hành án và người bị kết án không biết quyền nào của mình bị hạn chế, quyền nào bị tước bỏ”[9]. Trên thực tế, có những quyền mà người chấp hành hình phạt không bị tước bỏ. Ví dụ, quyền kết hôn, quyền hiến xác cho y học… Nhưng có quyền buộc phải tước bỏ hay hạn chế thể hiện tính chất trừng trị của hình phạt như quyền tự do thân thể, quyền tự do đi lại… Như vậy, khi làm rõ tính chất trừng trị của từng loại hình phạt sẽ loại bỏ được các quyền không nằm trong nội dung trừng trị, đồng thời, tước bỏ và hạn chế các quyền nhằm thể hiện tính chất trừng trị của tội phạm.
Tác dụng của hình phạt là kết quả khi áp dụng hình phạt đối với người phạm tội. Với ý nghĩa như vậy, cái mà lâu nay nhiều người cho rằng, mục đích của hình phạt chính là tác dụng của hình phạt. Khi quy định và áp dụng hình phạt đối với người phạm tội, hình phạt sẽ có tác dụng sau đây: Không để cho người phạm tội hoặc các cá nhân khác trong xã hội tiếp tục phạm tội; giáo dục, cải tạo người phạm tội ý thức tôn trọng pháp luật để không tiếp tục phạm tội. Người phạm tội là đối tượng đặc biệt, để phòng ngừa họ không tiếp tục phạm tội, Nhà nước phải dùng biện pháp đặc biệt là áp dụng hình phạt, một biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất nhằm hạn chế hoặc tước bỏ các quyền quan trọng nhất của họ. Nói cách khác, để phòng ngừa tội phạm phải sử dụng hình phạt. Như vậy, chứng minh thêm cho luận điểm trừng trị là thuộc tính của hình phạt, bản thân hình phạt đã chứa đựng tính chất trừng trị trong nó. Phòng ngừa là tác dụng đầu tiên của hình phạt. Phòng ngừa có thể được hiểu là loại trừ các nguyên nhân, điều kiện để người phạm tội tiếp tục phạm tội.
Hình phạt còn có tác dụng giáo dục cải tạo, tác giả cho rằng, giáo dục, cải tạo là mức độ cao nhất của mục đích hình phạt mang tính bền vững hơn. Nếu hình phạt chú trọng quá đến giáo dục cải tạo là duy ý chí. Bởi giáo dục, cải tạo cần có những điều kiện, phương pháp khác so với phòng ngừa và khó khăn hơn phòng ngừa. Hình thức giáo dục nhằm làm cho phạm nhân chuyển biến tư tưởng, tình cảm, nhận rõ tội lỗi, sai lầm, khuyết điểm; có ý thức sửa chữa sai lầm; tôn trọng pháp luật, quy chế, nội quy trại giam; có ý thức, thói quen lao động. Nếu có thể, pháp luật THAHS cần tách bạch phòng ngừa, giáo dục cải tạo và tương ứng với nó là các biện pháp THAHS khác nhau trên tính thần trước hết là phòng ngừa tiến tới là giáo dục, cải tạo.
Mục đích của hình phạt là vấn đề có tính lịch sử xuất phát từ các lý thuyết khác nhau về tội phạm và hình phạt, theo đó, hình phạt luôn gắn liền với quan niệm về tội phạm, về công lý trong mỗi xã hội.
Tác giả cho rằng, vấn đề cần bàn luận ở đây không phải là mục đích của hình phạt là gì, mà là “hình phạt nên có mục đích trừng trị hay trừng phạt” trong bối cảnh lịch sử cụ thể. Điều này cho thấy, bàn về mục đích của hình phạt không phải xuất phát từ pháp luật của mỗi quốc gia mà xuất phát từ quan niệm về tội phạm và phòng ngừa tội phạm, đánh giá hiệu quả của hình phạt trong thực tế gắn với xu thế chung của thế giới và điều kiện lịch sử cụ thể ở mỗi quốc gia. Bởi lẽ, “bản chất của hình phạt tùy thuộc vào quan điểm của Nhà nước trong tổ chức hình phạt ấy. Nếu người ta chấp nhận rằng quốc gia có sứ mệnh tuyệt đối giữ gìn trật tự xã hội chứ không phải trật tự luân lý, thì người ta sẵn lòng chấp nhận rằng hình phạt phải đặt trên sự cần thiết bảo vệ trật tự pháp lý; hình phạt không phải là mục tiêu, mà là một phương tiện cho Nhà nước thỏa mãn chức vụ ấy”[10]. Cesar Beccaria cha đẻ học thuyết cổ điển về tội phạm trong cuốn “On Crimes and Punishment” xuất bản năm 1764 đả phá quyết liệt sự dã man, tàn bạo của hình luật phong kiến và nhà thờ, đưa ra luận điểm: Hình phạt không phải là nặng hay nhẹ mà nằm ở chỗ “chắc chắn”. Montesquieu trong cuốn “L’esprit des lois” xuất bản năm 1748 cho rằng: Hình phạt không cứ nặng nhẹ mà nằm ở chỗ công lý sơ xuất để cho kẻ phạm tội tránh bị trừng phạt. Lenin viết tương tự: “Hình phạt không nằm ở chỗ nặng hay nhẹ mà ở chỗ không tội phạm nào tránh khỏi bị trừng phạt”[11]. Xa hơn nữa là thời tài phán tư (Justice privée) cho phép cá nhân tự xử “nợ máu trả máu” được ưa thích. Công lý trong luật hình sự là người phạm tội chắc chắn bị phát hiện và trừng trị không phụ thuộc vào trừng trị nặng hay nhẹ. Đạt được mục đích này phải nhờ vào tác phòng ngừa, giáo dục, cải tạo ở phương diện ý thức pháp luật của người dân.
Hiện nay, Việt Nam đang xây dựng Nhà nước pháp quyền, Nhà nước mà ở đó quyền con người được tôn trọng và bảo vệ, thì mục đích của luật hình sự cần được nhận thức phù hợp với tiễn đó[12]. Chính vì vậy, Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020 đã chỉ đạo rất đúng đắn: Coi trọng việc hoàn thiện chính sách hình sự và thủ tục tố tụng tư pháp, đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội. Giảm hình phạt tù, mở rộng áp dụng hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ đối với một số loại tội phạm. Hạn chế áp dụng hình phạt tử hình theo hướng chỉ áp dụng đối với một số ít loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Giảm bớt khung hình phạt tối đa quá cao trong một số loại tội phạm.
Chính vì vậy, tác giả cho rằng, hình phạt không có mục đích trừng trị mà mục đích của hình phạt là duy trì trật tự xã hội trước sự xâm phạm của tội phạm, duy trì công lý, bảo vệ quyền lợi của các cá nhân trong xã hội.
Như vậy, chính sách pháp luật và pháp luật hình sự trong giai đoạn hiện nay và trong tương lai cần phải dựa trên quan điểm về mục đích của hình phạt để xây dựng thành nguyên tắc nhất quán trong quy định, áp dụng và thi hành hình phạt trong bản án của Tòa án. Đề xuất trong Luật Thi hành án hình sự phải có điều luật quy định rõ ràng mục đích, nhiệm vụ của hiện nay dựa trên cơ sở mục đích của hình phạt trong Bộ luật Hình sự[13].
3. Hệ thống hình phạt
Hệ thống hình phạt là các loại hình phạt được sắp xếp theo nguyên tắc nhất định nhằm mục đích nhất định. Hệ thống hình phạt có thể hiểu là mức độ phản ứng của Nhà nước đối với tính chất mức độ nguy hiểm khác nhau của tội phạm. Hệ thống hình phạt mang nhiều ý nghĩa như bảo đảm nguyên tắc công bằng và nguyên tắc phân hóa trách nhiệm hình sự, cá thể hóa hình phạt… Nói đến hệ thống hình phạt là nói đến các loại hình phạt cụ thể và các nguyên tắc sắp xếp các loại hình phạt đó trong một chỉnh thể. Tiêu chí đánh giá hệ thống hình phạt dựa vào hệ thống thang bậc, mức độ nghiêm khắc của hình phạt tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội; cách sắp xếp các loại hình phạt theo trình tự logic và khoa học bảo đảm đồng bộ; hệ thống hình phạt phải bảo đảm sự cân đối nhất định; quy định rõ ràng cụ thể, nội dung, phạm vi, điều kiện áp dụng của từng loại hình phạt…
Hiện nay, hệ thống hình phạt ở các nước trên thế giới là không giống nhau ở các phương diện, các loại hình phạt cụ thể, số lượng các hình phạt trong hệ thống hình phạt. Hệ thống hình phạt của mỗi quốc gia phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Điều kiện lịch sử cụ thể về kinh tế, chính trị, văn hóa, đạo đức, tình hình tội phạm và yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm, kinh nghiệm và truyền thông lập pháp… của mỗi nước. Đánh giá chung, hệ thống hình phạt của các nước trên thế giới đều thể hiện tính đa dạng ở các mức độ khác nhau nhằm bảo đảm nguyên tắc cá thể hóa hình phạt bảo đảm công bằng trong áp dụng hình phạt và xu thế nhân đạo hơn.
Ngoài những hình phạt có tính chất kinh điển như: Tử hình, tù có thời hạn, tù chung thân, phạt tiền, xu hướng đang được đề xuất là hệ thống hình phạt ở các nước cần được đa dạng hóa các loại hình phạt trong hệ thống hình phạt bảo đảm nguyên tắc phân hóa, cá thể hóa trong THAHS triệt để hơn, đặc biệt là, hệ thống hình phạt bổ sung bên cạnh các loại hình phạt chính có tính chất truyền thống như: Tù có thời hạn, tù chung thân hay tử hình. Nhìn vào hệ thống hình phạt Việt Nam hiện nay bao gồm bảy loại hình phạt chính, bảy loại hình phạt bổ sung được áp dụng cho tất cả các tội phạm cụ thể dẫn đến tình trạng các loại tội phạm do những con người cụ thể thực hiện trong xã hội xét đến cùng đều chỉ bị áp dụng một trong các loại hình phạt nói trên là cứng nhắc và không bảo đảm tối đa nguyên tắc tắc cá thể hóa hình phạt trong luật hình sự và kéo theo là cá thể hóa trong THAHS. Với sự đa dạng và phong phú của tội phạm trên thực tế, đòi hỏi hệ thống hình phạt cần phải có các hình có tính chất chuyên biệt phù hợp với từng loại tội cụ thể. Ví dụ: Khi áp dụng hình phạt cho một số tội phạm xâm phạm tình dục trẻ em (ấu dâm), Tòa án bị hạn chế trong hệ thống hình phạt gồm bảy loại chính, bảy loại bổ sung nói trên dẫn đến người phạm tội xâm phạm sở hữu và xâm hại tính trẻ em đều áp dụng các loại hình phạt giống nhau. Trong khi đó, rõ ràng, tội xâm phạm tình dục trẻ em nhiều khi có dấu hiệu bệnh lý và hình phạt phải tiếp cận dưới góc độ bệnh lý. Do đó, đối với những người này, ngoài hình phạt tù còn phải áp dụng thêm các hình phạt hạn chế tự do được tiếp cận dưới dạng như bệnh lý[14]. Chính vì vậy, ở một số nước hình phạt chính đối với loại tội phạm này có vẻ như rất nhẹ, nhưng hình phạt bổ sung mới là quan trọng và có giá trị phòng ngừa cao.
Nghiên cứu lý luận đã chỉ ra sự cần thiết phải thay đổi quan điểm, tư duy về mục đích hình phạt theo hướng giáo dục tại cộng đồng, mà không phải là trừng trị. Như vậy, Bộ luật Hình sự và Luật Thi hành án hình sự và các luật liên quan cần sửa đổi theo hướng bỏ quy định mục đích hình phạt là trừng trị. Điều đó phù hợp với chuẩn mực chung của quốc tế và luật nhiều nước trên thế giới về hình phạt. Có ý nghĩa cải tạo xã hội và bảo đảm quyền con người của người bị kết án.
Mặt khác, tác giả đề xuất hệ thống hình phạt của Việt Nam cũng cần sửa đổi, bổ sung theo xu hướng đa dạng hơn nữa các loại hình phạt trong hệ thống hình phạt, đặc biệt là các hình phạt bổ sung. Cần quan niệm lại hình phạt bổ sung trong Bộ luật Hình sự. Liệu có nên cho rằng hình phạt bổ sung luôn và bao giờ cũng ít nghiêm khắc hơn hình phạt chính? và chỉ áp dụng kèm với hình phạt chính? Thay vào đó là xem xét nó dưới góc độ hiệu quả hình phạt.
Trương Thị Thu Hằng
Khoa Luật hình sự, Trường Đại học luật, Đại học Huế
[1]. Võ Khánh Vinh, Nguyễn Mạnh Kháng (2006), Pháp luật thi hành án hình sự Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb. Tư pháp, tr. 21.
[2]. Trịnh Quốc Toản, Nghiên cứu hình phạt trong luật hình sự Việt Nam dưới góc độ bảo vệ quyền con người, Nxb. Chính trị quốc gia, 2015, tr. 45
[3]. Nguyễn Ngọc Hòa, Mục đích của hình phạt, Tạp chí Luật học số 1/1999, tr. 10 - 11.
[4]. Võ Khánh Vinh, Hình phạt và hệ thống hình phạt, trong sách Tội phạm học, luật hình sự và tố tụng hình sự, Nxb. Chính trị quốc gia, năm 1994, tr. 218.
[5]. Trần Quang Tiệp, Một số vấn đề về thi hành án hình sự, Nxb. Công an nhân dân, H. 2002, tr. 28.
[6]. Võ Khánh Vinh, Nguyễn Mạnh Kháng (2006), Pháp luật thi hành án hình sự Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb. Tư pháp, tr. 47.
[7]. Trước đây, các đạo luật về hình sự đều phản ánh tính chất trừng trị rất rõ: Pháp lệnh trừng trị tội phản cách mạng năm 1967, Pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm sở hữu xã hội chủ nghĩa năm 1970.
[8]. Nguyễn Huy Chiểu, Hình luật, Giáo trình dành cho cử nhân năm thứ 2, Khoa luật, Viện Đại học Sài Gòn, niên khóa 1973 - 1974, tr. 15.
[9]. Trần Văn Độ, Quyền và nghĩa vụ của người chấp hành án trong sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án hình sự, Tham luận tại Hội thảo: Chính sách pháp luật về thi hành án hình sự - Những vấn đề lý luận và thực tiến cấp bách, do học viện Khoa học xã hội - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức, Hà Nội tháng 4/2019.
[10]. Nguyễn Huy Chiểu, sđd, tr. 49.
[11]. V.I Lenin Toàn tập, tập 3 Nxb. Tiến Bộ Matxcova 1987, tr. 217.
[12]. Trần Văn Độ, Không nước nào hiện nay coi trừng trị là mục đích của hình phạt, http://vneconomy.vn/thoi-su/duy-nhat-viet-nam-van-coi-trung-tri-la-muc-dich-cua-hinh-phat-2015103102125414.htm, truy cập ngày 26/4/2019.
[13]. Có thể tham khảo Điều 1 Bộ luật Thi hành án hình sự Liên bang Nga quy định: Mục đích của pháp luật thi hành án hình sự Liên bang Nga là cải tạo người bị kết án và phòng ngừa họ cũng như người khác phạm tội mới; nhiệm vụ của pháp luật thi hành án hình sự là điều chỉnh trình tự và điều kiện thi hành và chấp hành hình phạt, xác định phương tiện cải tạo người phạm tội, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ và giúp đỡ người bị kết án tái hòa nhập cộng đồng.
[14]. Dữ liệu của Trung tâm Quốc gia về Trẻ em bị mất tích và lạm dụng Mỹ cho thấy, tại quốc gia này, mỗi năm có gần 800.000 trẻ mất tích, tương đương 2.000 vụ xảy ra mỗi ngày, Mỹ cũng quy định nhiều đạo luật liên quan đến việc lưu lại thông tin, kiểm soát hành vi, công khai danh tính của kẻ phạm tội để các cộng đồng dân cư biết được và đề phòng, cấm người phạm tội tiếp xúc với trẻ em trong bán kính nhất định… Trường hợp chính cha mẹ lạm dụng con cái thì sẽ bị tước quyền nuôi con.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 2 (Số 379), tháng 4/2023)