Phát biểu tại phiên họp, ông Hoàng Anh Công, Phó Trưởng ban Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, trong hơn 10 năm thực hiện, Nghị quyết liên tịch số 525/2012/NQLT/UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 27/9/2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng hướng dẫn hoạt động tiếp xúc cử tri, giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, cũng như thúc đẩy trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết. Tuy nhiên, qua tổng kết thực tiễn hoạt động tiếp xúc cử tri và kết quả nghiên cứu, rà soát cho thấy, Nghị quyết liên tịch số 525/2012/NQLT/UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQVN đã bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh toàn diện hoạt động này trên thực tế. Do vậy, khi được ban hành, Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội sẽ là cơ sở pháp lý để đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các cơ quan, tổ chức hữu quan thực hiện việc tiếp xúc cử tri; tổ chức thực hiện tiếp xúc cử tri; tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri; trách nhiệm giải quyết kiến nghị của cử tri; giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri… được thuận lợi, chất lượng, hiệu quả, thống nhất trong phạm vi cả nước.
Đối với Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, bà Tạ Thị Yên, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, việc ban hành Nghị quyết này nhằm thể chế hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2019), Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 và các văn bản pháp luật khác có liên quan đến tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân nói riêng. Nghị quyết gồm 06 chương, 44 điều quy định rõ trách nhiệm của Thường trực Hội đồng nhân dân, tổ đại biểu Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan trong việc tiếp xúc cử tri; tổ chức thực hiện việc tiếp xúc cử tri; tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri; trách nhiệm giải trình, giải quyết và giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri...
Trao đổi về nội dung của Dự thảo Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đại diện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cơ bản nhất trí về sự cần thiết của việc xây dựng Nghị quyết liên tịch, đồng thời nhấn mạnh, lần đầu tiên “hình thức tiếp xúc cử tri trực tuyến” được ghi nhận chính thức và tổ chức triển khai trong hoạt động tiếp xúc cử tri từ trước đến nay. Hình thức này ra đời trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang trong diễn biến phức tạp, công tác tổ chức tiếp xúc cử tri tại nhiều địa phương theo đó cũng đã bộc lộ sự lúng túng. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trên cơ sở thống nhất với Ban Thường trực Ủy Ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ban hành hướng dẫn việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội trong tình hình phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Trong đó, ngoài hình thức tổ chức hội nghị tiếp xúc trực tiếp, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được lựa chọn tổ chức tiếp xúc cử tri theo các hình thức tổ chức hội nghị trực tuyến hoặc kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến.
Góp ý về các mốc thời gian quy định tại 02 dự thảo nghị quyết, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, cần quy định cụ thể các mốc thời gian này có thuộc ngày làm việc hay không nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan có liên quan trong việc xác định thời gian. Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị thay đổi chủ thể “chủ tịch công đoàn” tại Điều 15, Điều 20 Dự thảo Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và Điều 11 Dự thảo Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp thành “Ban Chấp hành công đoàn hoặc Đại diện Ban Chấp hành công đoàn”.
Đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, cần nhấn mạnh trách nhiệm phối hợp của các cơ quan trong việc trong trả lời kiến nghị của cử tri. Đối với Dự thảo Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu để việc tiếp xúc cử tri tại các chính quyền địa phương được phù hợp hơn.
Ngoài ra, các thành viên Hội đồng thẩm định còn cho một số ý kiến khác như: Tên gọi của các nghị quyết liên tịch có thể gây nhầm lẫn bởi phạm vi điều chỉnh rộng, nội dung có liên quan nhiều đến các luật khác; cần nghiên cứu, bổ sung nội dung về cơ chế phối hợp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan liên quan trong việc trả lời kiến nghị của cử tri; nâng cao vai trò của Ban Dân nguyện trong việc tổng hợp, phân loại kiến nghị của cử tri để tránh không đúng thẩm quyền, trùng lặp, mất thời gian, nguồn lực, không đảm bảo được tính kịp thời, tính thời sự; cần nghiên cứu nội dung tiếp xúc cử tri theo các chuyên đề mà các cử tri quan tâm thay vì hướng về các nội dung mà đại biểu quan tâm...
Phát biểu kết luận phiên họp thẩm định, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của cơ quan soạn thảo và nhất trí về sự cần thiết trong việc xây dựng Dự thảo Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội cũng như Dự thảo Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Đồng thời, ghi nhận các ý kiến góp ý mang tính xây dựng của các thành viên Hội đồng thẩm định.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo lưu ý một số nội dung khác như: Cần rà soát, chỉnh sửa hoàn thiện về mặt kỹ thuật, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa 02 dự thảo nghị quyết này; cần bổ sung các nội dung liên quan đến phạm vi điều chỉnh nhằm thể hiện rõ chức năng giám sát của cử tri; nội dung của 02 dự thảo chưa có sự thống nhất trong việc quy định tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực; vấn đề bất cập và các giải pháp được đưa ra trong các tờ trình chưa có sự tương xứng; cần đảm bảo tính dự báo của các vấn đề chuyển đổ số...
Thùy Dung