1. Vai trò của truyền thông về công tác xã hội trong lĩnh vực tư pháp
1.1. Truyền thông góp phần đưa công tác xã hội trong lĩnh vực tư pháp vào cuộc sống
Ngày nay, khi xã hội ngày càng phát triển, hiện đại thì công tác xã hội là một trong những yếu tố quan trọng, dành được nhiều quan tâm của các nhà nghiên cứu, nhà quản lý và các cấp lãnh đạo. Công tác xã hội hướng đến trợ giúp cho các cá nhân, gia đình, nhóm và cộng đồng, đặc biệt là các đối tượng yếu thế như người nghèo, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người già, nạn nhân của bạo hành và tệ nạn xã hội... phát triển khả năng và sử dụng các nguồn lực riêng của họ và của cộng đồng, xã hội để giải quyết vấn đề khó khăn, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân. Công tác xã hội cũng hướng đến hỗ trợ giải quyết các vấn đề an sinh xã hội như tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, phòng chống bạo lực, xóa bỏ bất đình đẳng... Nhiệm vụ của công tác xã hội là hỗ trợ con người phát triển những tiềm năng, làm phong phú cuộc sống của họ, phòng ngừa những vấn đề khó khăn đến với họ và giúp họ giải quyết được vấn đề của chính mình.
Ở nước ta, tinh thần tương thân tương ái, “lá lành đùm lá rách” là nét văn hóa truyền thống tốt đẹp, nhiều hoạt động đã có từ lâu trong cộng đồng là cơ sở cho phát triển công tác xã hội như phòng ngừa, phát triển cộng đồng và trợ giúp, hỗ trợ đối với người cao tuổi, trẻ em mồ côi, khuyết tật, những người gặp hoàn cảnh khó khăn do các cá nhân, tổ chức thực hiện... Công tác xã hội trong từng lĩnh vực có những đặc thù riêng, vì vậy nhiệm vụ, vai trò của truyền thông sẽ góp phần tuyên truyền, giải thích, hướng dẫn để người dân hiểu về công tác xã hội trong từng lĩnh vực cụ thể, nhất là về một vấn đề khó như lĩnh vực tư pháp, đòi hỏi phải hiểu biết pháp luật, phải tuân thủ quy trình, thủ tục chặt chẽ…
Truyền thông có vai trò rất quan trọng, ảnh hưởng rất lớn đến mọi vấn đề của xã hội. Mục đích của quá trình truyền thông nhằm thay đổi nhận thức, hành vi và thái độ sao cho phù hợp với nhu cầu phát triển của xã hội. Truyền thông tác động đến nhận thức của đông đảo các tầng lớp nhân dân, từ đó, sẽ tác động đến hành động và ứng xử của mọi người trong xã hội. Khi mà một ứng xử của người dân được lặp đi lặp lại sẽ thành nề nếp, tập quán cuối cùng trở thành những chuẩn mực của xã hội. Việc truyền thông về công tác xã hội trong lĩnh vực tư pháp sẽ góp phần giúp xã hội biết, hiểu, hiểu đúng về công tác xã hội trong lĩnh vực tư pháp, từ đó, có những tư duy đúng, hành động đúng. Qua công tác truyền thông sẽ góp phần đưa công tác xã hội trong lĩnh vực tư pháp vào cuộc sống.
1.2. Góp phần thực hiện vai trò quản lý của Nhà nước đối với công tác xã hội trong lĩnh vực tư pháp
Trong xã hội hiện đại, trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, nhu cầu được thông tin của người dân là rất lớn. Trước thực trạng đó, các cơ quan quản lý nhà nước đã sử dụng các phương tiện truyền thông để hỗ trợ trong quá trình triển khai công vụ, thực hiện vai trò quản lý nhà nước. Phát huy được vai trò của truyền thông trong quá trình thực thi công vụ vừa đáp ứng quyền được cung cấp thông tin của người dân, đồng thời, là biện pháp để các cơ quan nhà nước thực hiện nhiệm vụ của mình. Việc cung cấp thông tin cho người dân, phổ biến, nhanh nhất hiện nay người dân dễ tiếp cận đó là thông qua các phương tiện truyền thông. Đối với công tác xã hội trong lĩnh vực tư pháp, truyền thông giữ vai trò định hướng dư luận xã hội, tạo thuận lợi cho việc thúc đẩy phát triển công tác xã hội nói chung, công tác xã hội trong lĩnh vực tư pháp nói riêng; tạo môi trường xã hội thuận lợi cho việc xây dựng đường lối, chủ trương, luật pháp, chính sách cũng như thực hiện công tác tổ chức, quản lý đối với công tác xã hội trong lĩnh vực tư pháp. Truyền thông sẽ đóng góp tích cực vào việc truyền đạt, giải thích, hướng dẫn việc thực hiện đường lối, chủ trương, luật pháp, chính sách của Đảng, Nhà nước và những phương hướng công tác lớn của công tác xã hội trong lĩnh vực tư pháp. Bên cạnh việc tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác xã hội trong lĩnh vực tư pháp đến đông đảo quần chúng nhân dân, thông tin có chọn lọc, trao đổi ý kiến, kinh nghiệm về các khâu trong công tác này. Qua đó, góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật về công tác xã hội trong lĩnh vực tư pháp.
2. Thực trạng công tác truyền thông về công tác xã hội trong lĩnh vự tư pháp
2.1. Truyền thông về công tác xã hội trong lĩnh vực tư pháp chưa thực sự được quan tâm và đầu tư thoả đáng
Trong những năm gần đây, mặc dù khái niệm về “công tác xã hội” được nhắc đến nhiều trên các phương tiện tuyền thông báo chí. Tuy nhiên, công tác xã hội trong lĩnh vực tư pháp vẫn còn khá mới mẻ đối với nhiều người. Trải qua nhiều giai đoạn phát triển của xã hội, các hoạt động công tác xã hội đã và đang ngày càng được định hình rõ ràng và thích ứng với xu hướng phát triển công tác xã hội của thế giới; đã được các cấp, các ngành, các tổ chức và các cá nhân ngày càng quan tâm; các hoạt động này đã ngày càng được phát triển mạnh mẽ hơn.
Xuất phát từ nhu cầu xã hội và để đáp ứng được sự phát triển của thực tiễn xã hội, ngày 25/3/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án phát triển nghề công tác xã hội ở Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020. Đây là một văn bản quan trọng đặt nền tảng cho sự phát triển nghề công tác xã hội ở nước ta. Đề án phát triển nghề công tác xã hội ở Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020 đã tăng cường hiểu biết của xã hội và các cấp, các ngành, các nhà hoạch định chính sách thúc đẩy phát triển nghề công tác xã hội tại Việt Nam. Đến nay, công tác tuyên truyền về Đề án này đã đạt được kết quả nhất định, nhiều người đã biết đến nghề mới - nghề công tác xã hội. Tiếp theo đó, năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 25/3 hàng năm là Ngày Công tác xã hội Việt Nam như một hình thức vinh danh những người tham gia một công việc thầm lặng - công tác xã hội.
Mặc dù nhu cầu đào tạo về nghề công tác xã hội được Nhà nước thừa nhận để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, nhưng nhiều người vẫn không hiểu rõ về công tác xã hội và nghề công tác xã hội. Đánh giá chính xác về vai trò công tác xã hội vẫn chưa thống nhất ở cả các tổ chức nhà nước và các tổ chức phi chính phủ liên quan đến lĩnh vực an sinh xã hội. Vì thế trên thực tế vẫn còn có những nhầm lẫn, với một số người việc sử dụng thuật ngữ “công tác xã hội” để chỉ tất cả những người làm việc trong lĩnh vực an sinh xã hội, những người khác thì chỉ nắm được vai trò chủ yếu của công tác xã hội là từ thiện, trong khi đó, có những người khác vẫn còn hoài nghi về việc liệu công tác bảo trợ xã hội, phòng chống các tệ nạn xã hội hay phát triển xã hội có cần đòi hỏi đào tạo đặc biệt hay không…
Truyền thông là một lĩnh vực thiết yếu cho hoạt động của các tổ chức, đoàn thể, cơ quan trong việc triển khai chức năng, nhiệm vụ của ngành. Trước bối cảnh nhiều người, nhiều nơi, công tác xã hội nói chung, công tác xã hội trong lĩnh vực tư pháp nói riêng còn chưa được hiểu đúng, hiểu hết thì cách nhanh nhất để truyền tải chủ trương, chính sách này tới đông đảo quần chúng nhân dân là vấn đề thông tin, tuyên truyền cần phải được quan tâm, đẩy mạnh và cập nhật kịp thời, bài bản với những kế hoạch cụ thể, lâu dài. Có thể nói, việc chưa có một kế hoạch truyền thông nhằm truyên truyền về công tác xã hội nói chung, công tác xã hội trong lĩnh vực tư pháp nói riêng được thực hiện, để công tác xã hội trong lĩnh vực tư pháp được tuyên truyền một cách bài bản, rộng rãi trên các phương tiện truyền thông là nguyên nhân của thực trạng trên. Nguyên nhân của thực trạng này, một phần nữa phải kể đến nhận thức về vai trò của truyền thông về công tác xã hội trong lĩnh vực tư pháp của cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương ở nhiều nơi còn chưa thoả đáng, do đó, chưa có chỉ đạo sát sao, thường xuyên, liên tục cũng như sự đầu tư, trú trọng vào công tác này.
2.2. Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng và cơ quan truyền thông còn chưa đồng bộ, nhịp nhàng
Theo thống kê, ở nước ta hiện nay, số người cần tiếp cận, sử dụng các dịch vụ công tác xã hội lớn, chiếm khoảng 28% dân số, trong đó có khoảng 11,5 triệu người cao tuổi, 7,6 triệu người khuyết tật, 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hàng triệu người hưởng trợ cấp người có công với cách mạng, 1,6 triệu hộ nghèo chiếm tỷ lệ 6,72%, 1,3 triệu hộ cận nghèo chiếm 5,32%, khoảng 2,83 triệu đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, hơn 1,8 triệu hộ gia đình cần được trợ giúp đột xuất hàng năm, khoảng 254 nghìn người nhiễm HIV được phát hiện, hơn 210 nghìn người nghiện ma tuý (bạo lực gia đình và bạo hành ở các cấp độ khác nhau có xu hướng tăng); ngoài ra, còn nhiều phụ nữ, trẻ em bị ngược đãi, bị buôn bán, bị xâm hại hoặc lang thang kiếm sống trên đường phố; hàng ngàn xã đặc biệt khó khăn và có vấn đề xã hội (tệ nạn xã hội, cuộc sống nghèo khổ); các cá nhân, gia đình, nhóm xã hội nảy sinh các vấn đề xã hội (đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt). Đối tượng cần được can thiệp, trợ giúp của công tác xã hội ngày càng tăng, tuy nhiên, các dịch vụ công tác xã hội chưa đa dạng, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Cơ sở vật chất, trang thiết bị của các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội còn thiếu; năng lực cung cấp dịch vụ công tác xã hội và chăm sóc, trợ giúp các đối tượng của các cơ sở đạt hiệu quả chưa cao, chưa đáp ứng được nhu cầu của đối tượng. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội còn mỏng, đa số được đào tạo từ ngành nghề khác hoặc một số ít thậm chí không được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, chưa dựa vào cộng đồng[1].
Từ những số liệu trên cho thấy, nhu cầu cần được giúp đỡ trong xã hội là rất lớn, công tác xã hội phải được quan tâm, trú trọng nhằm đảm bảo sự công bằng, văn minh trong xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Tuy nhiên, việc phổ biến, lan toả đến đông đảo người dân về công tác xã hội nói chung, công tác xã hội trong lĩnh vực tư pháp nói riêng đến nay còn nhiều hạn chế, trong việc thống nhất nội hàm giữa truyền thông và phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí; giữa truyền thông thường xuyên và truyền thông có tính đột xuất, bất thường; việc xây dựng kế hoạch truyền thông hằng năm; trách nhiệm của đơn vị có chức năng thực hiện tác nghiệp truyền thông, nhất là nhiệm vụ truyền thông có tính đột xuất, chất lượng truyền thông chưa cao... Nhận thức về vai trò, vị trí của việc truyền thông về công tác xã hội trong lĩnh vực tư pháp trong quá trình xây dựng nền an sinh xã hội tiên tiến của đất nước ở nhiều cấp, ngành còn hạn chế. Nhiều địa phương nhận thức chưa đúng nên chưa chủ động, chưa quyết liệt triển khai kế hoạch tuyên truyền. Số lượng người dân có nhu cầu trợ giúp xã hội được tiếp cận, thụ hưởng dịch vụ công tác xã hội trong lĩnh vực tư pháp còn ít, do công tác này chưa được phổ biến rộng rãi, bài bản.
3. Giải pháp nâng cao chất lượng truyền thông về công tác xã hội trong lĩnh vực tư pháp
3.1. Xây dựng và hoàn thiện pháp luật về công tác xã hội
Trong hệ thống pháp luật Việt Nam, vấn đề công tác xã hội được quy định rải rác ở rất nhiều các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Các văn bản quy phạm pháp luật này đã tạo tiền đề pháp lý quan trọng để các Bộ, ngành, địa phương từng bước phát triển nghề công tác xã hội chuyên nghiệp tại Việt Nam. Một số quy định về công tác xã hội để trợ giúp các đối tượng như người cao tuổi, người khuyết tật, bảo vệ trẻ em, người nhiễm HIV, người nghiện ma tuý, người bán dâm, bạo lực gia đình đã được quy định tại nhiều bộ luật, luật chuyên ngành như: Bộ luật Lao động; Luật Người cao tuổi; Luật Người khuyết tật; Luật Trẻ em; Luật Phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và nhiều chương trình, đề án liên quan đến trợ giúp xã hội. Tuy nhiên, khuôn khổ pháp lý phát triển nghề công tác xã hội chưa được quy định rõ ràng, hoàn chỉnh, đặc biệt là vai trò, nhiệm vụ của công chức, viên chức, nhân viên công tác xã hội; cấp chứng chỉ hành nghề; cấp, thu hồi, điều chỉnh giấy phép hoạt động của các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội và điều kiện thành lập, hoạt động và điều kiện giải thể cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội; quyền và nghĩa vụ của người sử dụng dịch vụ công tác xã hội chưa được xác định cụ thể trong hệ thống văn bản pháp luật; chưa có Luật quy định riêng về công tác xã hội làm cơ sở định hướng phát triển công tác xã hội trong các ngành, lĩnh vực hiện đang được điều chỉnh bởi các luật chuyên ngành; nhiều văn bản pháp luật quy định về công tác xã hội có giá trị pháp lý chưa cao, chủ yếu là nghị định và thông tư hướng dẫn của các Bộ, ngành liên quan. Vì vậy, cần sớm ban hành một đạo luật về công tác xã hội để giải quyết đầy đủ, toàn diện các vấn đề liên quan đến công tác xã hội, trong đó có vấn đề truyền thông về công tác xã hội trong lĩnh vực tư pháp. Khi có luật chuyên ngành điều chỉnh, nó là cơ sở để triển khai nhiệm vụ truyền thông để tuyên truyền, phổ biến vấn đề này một cách bài bản, lâu dài.
3.2. Xây dựng đội ngũ cán bộ truyền thông chuyên nghiệp, có trình độ về công tác xã hội trong lĩnh vực tư pháp; xây dựng quy chế phối hợp giữa cơ quan truyền thông và cơ quan quản lý nhà nước về công tác xã hội trong lĩnh vực tư pháp
Công tác xã hội là một nghề được ví như “làm dâu trăm họ”, do vậy, những người là truyền thông trong lĩnh vực này cũng cần được đào tạo bài bản về chuyên môn, nghiệp vụ. Trên thực tế, phần lớn những người có nhu cầu được giúp đỡ là thuộc nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương, trong khi đó, công tác tư pháp là một lĩnh vực khó, đòi hỏi người trợ giúp bên cạnh việc hiểu hoàn cảnh, tâm sinh lý của người cần trợ giúp còn phải am hiểu luật pháp. Người làm truyền thông cũng vậy, để công tác truyền thông đạt hiệu quả, bên cạnh nghiệp vụ truyền thông, cán bộ làm truyền thông về công tác xã hội trong lĩnh vực tư pháp còn phải có kiến thức nhất định về tâm lý và kiến thức pháp luật. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần phải nghiên cứu, có kế hoạch đào tạo, xây dựng một đội ngũ cán bộ truyền thông cho công tác này.
Bên cạnh đó, để công tác truyền thông về công tác xã hội trong lĩnh vực tư pháp được triển khai thực hiện bài bản, giữa cơ quan truyền thông và cơ quan quản lý nhà nước về công tác xã hội trong lĩnh vực tư pháp cần nghiên cứu, xây dựng Quy chế phối hợp, để công tác này được phổ biến rộng rãi và phát huy hiệu quả trên thực tiễn.
3.3. Nghiên cứu, mở chuyên mục về công tác xã hội trong lĩnh vực tư pháp trên báo chí - phương tiện truyền thông hiệu quả, tin cậy và phổ biến nhất
Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, thế giới bị "san phẳng" bởi cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật, đặc biệt là mạng internet và các thiết bị di động. Nhờ có internet, con người chủ động trong việc học tập, làm chủ tri thức, việc tìm kiếm thông tin trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Ngày nay, mỗi cá nhân sẽ chủ động tìm kiếm thông tin mà họ cần, người dân không chỉ thụ động tiếp nhận thông tin một chiều như trước nữa, vì vậy trong thời gian tới, các cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan truyền thông để tuyên truyền công tác xã hội trong lĩnh vực tư pháp thông qua việc mở chuyên mục công tác xã hội trong lĩnh vực tư pháp trên báo chí. Hệ thống pháp luật Việt Nam là một khối lượng kiến thức khổng lồ, được thay đổi, cập nhật thường xuyên theo sự phát triển của đất nước phục vụ việc quản lý xã hội và hội nhập quốc tế. Người dân không thể cập nhật và nắm được hết các quy định của pháp luật. Qua chuyên mục này, một mặt các cơ quan nhà nước thực hiện tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nghiệp vụ, kỹ năng… về công tác xã hội nói chung, công tác xã hội trong lĩnh vực tư pháp nói riêng, đồng thời, qua đó người dân sẽ dễ dàng gửi các câu hỏi, tình huống, những khó khăn của bản thân đến các cá nhân, tổ chức có trách nhiệm để được hỗ trợ, được giải đáp, tạo thuận lợi trong việc giải quyết các mối quan hệ xã hội liên quan... thông qua điện thoại di động hay smatphone, từ đó, người dân biết được các quy định của pháp luật về công tác xã hội nói chung, công tác xã hội trong lĩnh vực tư pháp nói riêng, đồng thời, người dân có thể dễ dàng hơn trong việc chủ động tìm kiếm sự trợ giúp thông qua “kênh” tuyên truyền này.
Vinh Nguyễn
[1] Tờ trình ngày 25/12/2018 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình Chính phủ về việc xây dựng Luật Công tác xã hội.