Toàn cảnh Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Trần Thu Hường, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ cho biết, Hội thảo là một trong những hoạt động nằm trong Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức của Bộ Tư pháp năm 2025 hướng đến nhóm đối tượng là công chức trẻ thực hiện các nhiệm vụ có chuyên môn sâu và tập trung vào những nội dung mới liên quan đến thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp. Gợi ý nội dung trao đổi, thảo luận tại Hội thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ đề nghị công chức, viên chức tham dự Hội thảo tập trung nghiên cứu, thảo luận 02 nội dung: (i) nhìn nhận các yêu cầu đối với công tác hoạch định, phản ứng chính sách trong bối cảnh mới, đặc biệt, tập trung vào tác động của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 đến việc xây dựng chính sách pháp luật của các đơn vị; (ii) đưa ra những giải pháp giúp các công chức có thể thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình.
Đối với những vấn đề mới, cần lưu ý trong xây dựng chính sách theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025, đại diện Vụ Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cho biết, ngày 19/02/2025, tại kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/4/2025. Theo đó, Luật có nhiều điểm mới mang tính đột phá như: đổi mới mạnh mẽ quy trình xây dựng pháp luật vừa bảo đảm rút ngắn thời gian, vừa nâng cao “năng suất”, kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, vừa bảo đảm “chất lượng” văn bản quy phạm pháp luật; tiếp tục đơn giản hóa hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; bổ sung nguyên tắc kiểm soát quyền lực trong xây dựng và thi hành pháp luật; phân định rõ thẩm quyền lập pháp và lập quy; đổi mới việc xây dựng định hướng lập pháp nhiệm kỳ Quốc hội và Chương trình lập pháp hằng năm; bổ sung đa dạng các hình thức lấy ý kiến, phù hợp với từng đối tượng; quy định cơ quan trình dự án luật chủ trì tiếp thu, chỉnh lý dự án luật theo ý kiến của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; phân định rõ vai trò, tăng cường cơ chế phối hợp giữa cơ quan trình, cơ quan thẩm tra trong quá trình trình, thẩm tra, cho ý kiến, chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật; bổ sung các quy định về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan trong quá trình xây dựng, tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật; bổ sung quy định hướng dẫn áp dụng văn bản quy phạm pháp luật dưới luật nhằm bảo đảm “sức sống” của pháp luật thay vì thường xuyên thay đổi pháp luật; bổ sung quy định về tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật và nguồn lực bảo đảm cho công tác xây dựng, tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật...
Các đại biểu tham dự Hội thảo
Về việc xây dựng chính sách trong bối cảnh hội nhập quốc tế, đại diện Vụ Pháp luật quốc tế cho biết, từ năm 2001, Việt Nam bắt đầu hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới bằng việc tăng cường các khuôn khổ hợp tác kinh tế quốc tế song phương, khu vực và toàn cầu. Điều này đã dẫn tới việc, Việt Nam phải thực hiện nhiều cam kết trong các khuôn khổ hợp tác kinh tế quốc tế, do đó, hệ thống pháp luật Việt Nam cần phải có những thay đổi phù hợp với các cam kết quốc tế. Việc sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật để đáp ứng các yêu cầu về hội nhập quốc tế đã mang đến cho hệ thống pháp luật Việt Nam những đặc điểm được coi là tiêu chuẩn chung của mọi hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tiến bộ cần phải có, trong đó gồm: (i) minh bạch trong xây dựng, ban hành và thực thi pháp luật; (ii) bảo đảm tính có thể dự đoán trước của các quy định pháp luật; (iii) bảo đảm tính trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong thực thi pháp luật; (iv) khả năng có thể tiếp cận các quy định pháp luật, thủ tục pháp luật của tổ chức, cá nhân; (v) chức năng quản lý của cơ quan nhà nước được quy định rõ trong pháp luật; (vi) giảm thiểu chi phí trong thực thi pháp luật của các cá nhân, tổ chức; (vii) đưa vào pháp luật những thông lệ quốc tế tốt nhất; (viii) bảo đảm tính linh hoạt và phạm vi điều chỉnh pháp luật đủ để đáp ứng được mức độ phức tạp của các giao dịch, đặc biệt là các giao dịch trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, tài chính.
Trên cơ sở thực tiễn thực hiện công tác hoạch định và phản ứng chính sách trong xây dựng pháp luật, đại diện Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý đã đưa ra các giải pháp về mặt quản lý nhà nước giúp nâng cao hiệu quả hoạt động truyền thông chính sách như: (i) tiếp tục quán triệt, truyền thông nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật về vị trí, tầm quan trọng của công tác truyền thông dự thảo chính sách pháp luật; (ii) phát huy vai trò của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp và từng thành viên Hội đồng trong chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức truyền thông dự thảo chính sách pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực do mình phụ trách; (iii) tiếp tục nghiên cứu, tham mưu hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan đến công tác truyền thông dự thảo chính sách, xây dựng pháp luật; (iv) chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ thực hiện công tác truyền thông dự thảo chính sách, xây dựng pháp luật tại các bộ, ngành, địa phương; (v) xây dựng cơ chế phối hợp, cung cấp thông tin giữa các cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật với các cơ quan thông tin, báo chí trong tổ chức truyền thông dự thảo chính sách thông qua ký kết chương trình phối hợp; cơ chế đặt hàng; trao đổi trực tiếp, tổ chức họp liên ngành…; (vi) quan tâm bố trí nguồn lực thực hiện truyền thông dự thảo chính sách, trong đó cần bố trí nguồn kinh phí riêng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Tại Hội thảo, các công chức, viên chức đã trao đổi, thảo luận một số nội dung liên quan đến thực tiễn thực hiện công tác hoạch định và phản ứng chính sách trong xây dựng pháp luật, những giải pháp để nâng cao năng lực cho công chức trẻ của Bộ Tư pháp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới đối với một số lĩnh vực như hình sự, hành chính, tổ chức bộ máy,…
Đồng chí Trần Thu Hường, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ phát biểu kết luận Hội thảo
Phát biểu kết luận Hội thảo, đồng chí Trần Thu Hường, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ đã gửi lời cảm ơn sự tham gia, đóng góp nhiệt tình, tích cực, có trách nhiệm của các công chức, viên chức tham dự Hội thảo, đồng thời, khẳng định, trong thời gian tới, Vụ sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng nhằm cung cấp các kiến thức cụ thể cho công chức, viên chức trong quá tình thực hiện.
Thùy Dung