Toàn cảnh Tọa đàm.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, TS. Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý cho biết, nghiên cứu khoa học là sản xuất ra tri thức mới và có sự khác biệt lớn so với các ngành nghề khác. Tri thức mới phải đạt được mục đích là thay đổi quan điểm của người khác, đưa ra được những giải pháp mà xưa nay chưa được nhắc đến. Mặc dù gần đây, Đảng và Nhà nước đã quan tâm hơn đến hoạt động nghiên cứu khoa học, các nhà khoa học cũng được trân trọng hơn. Tuy nhiên, làm khoa học đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn, nhưng hiện nguồn lực dành cho khoa học ở Việt Nam còn khiêm tốn. Vì vậy, trong bối cảnh này, cần phải có các giải pháp để đầu tư cho công tác nghiên cứu khoa học được tốt hơn nữa.
Nhà khoa học báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài “Xây dựng khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát để tích cực, chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.
Tại Tọa đàm, các nhà khoa học đã báo cáo kết quả nghiên cứu các đề tài. Về đề tài “Xây dựng khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát để tích cực, chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, Chủ nhiệm đề tài cho biết, ở Việt Nam hiện nay chưa có khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát (hay còn gọi là sandbox), vì vậy, đề tài đã tập trung nghiên cứu kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới dựa theo 04 nhóm gồm: (i) các quốc gia tiên phong trong việc thiết kế và vận hành sandbox, tiêu biểu là nước Anh. Đây là quốc gia đầu tiên ban hành sandbox; (ii) nhóm các quốc gia và vùng lãnh thổ có nhiều thành công trong việc thiết kế, vận hành sandbox như Hoa Kỳ, Đức, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc; (iii) nhóm các quốc gia có nền kinh tế chuyển đổi có nhiều điều kiện tương đồng với Việt Nam như Liên Bang Nga, Trung Quốc; (iv) nhóm các quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á, trong đó lấy Singapore làm mô hình điển hình. Trên cơ sở nghiên cứu về kinh nghiệm của các quốc gia và vùng lãnh thổ, đề tài đã rút ra được những đánh giá chung và bài học kinh nghiệm tập trung vào 09 nội dung: (i) định hướng xây dựng sandbox; (ii) chính sách và mô hình của sandbox; (iii) cơ quan quản lý nhà nước; (iv) quy trình, thủ tục xây dựng sandbox; (v) các chủ thể đăng ký tham gia; (vi) các tiêu chí tham gia; (vii) giới hạn, phạm vi; (viii) phương thức hỗ trợ giám sát; (ix) yêu cầu đánh giá kết thúc thử nghiệm.
Nhà khoa học báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài “Giải thích, hướng dẫn áp dụng pháp luật ở Việt Nam hiện nay: Lý luận, thực trạng và giải pháp đổi mới”.
Về đề tài “Giải thích, hướng dẫn áp dụng pháp luật ở Việt Nam hiện nay: Lý luận, thực trạng và giải pháp đổi mới”, Chủ nhiệm đề tài đã báo cáo tổng quan kết quả nghiên cứu cho thấy, hệ thống pháp luật hiện nay vẫn còn tồn tại một số hạn chế làm cho pháp luật chưa đi vào cuộc sống một cách hiệu quả, do đó, cần phải đổi mới thể chế giải thích pháp luật, hướng dẫn áp dụng pháp luật tập trung vào nội dung sau: (i) mở rộng đối tượng giải thích; (ii) rõ ràng hóa phạm vi hướng dẫn áp dụng pháp luật; (iii) thống nhất thuật ngữ: “giải thích pháp luật”, “hướng dẫn áp dụng pháp luật”, “giải thích áp dụng pháp luật”, “hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật”; (iv) khi sửa Hiến pháp nên trao thêm thẩm quyền giải thích pháp luật cho Tòa án nhân dân; (v) nâng cao trách nhiệm giải trình; (vi) kiểm soát chặt chẽ nội dung giải thích, hướng dẫn áp dụng pháp luật; (vii) luật hóa giá trị pháp lý của án lệ. Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng hoạt động giải thích pháp luật, hướng dẫn áp dụng pháp luật, cần tập trung vào 03 nội dung sau: (i) tăng cường kiểm soát: xây dựng tiêu chí đánh giá, thiết lập cơ quan chuyên trách đánh giá và giám sát; (ii) nâng cao trách nhiệm giải trình: công khai quy trình, phương pháp, cơ sở khoa học, thiết lập cơ chế tiếp nhận - phản hồi và xây dựng cơ sở dữ liệu trực tuyến tập trung về văn bản giải thích, hướng dẫn pháp luật; (iii) cần có sự tham gia của xã hội.
Nhà khoa học báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài “Các giải pháp nâng cao thứ hạng chỉ số cải thiện chất lượng các quy định pháp luật của Việt Nam”.
Đối với đề tài “Các giải pháp nâng cao thứ hạng chỉ số cải thiện chất lượng các quy định pháp luật của Việt Nam”, đại diện Ban chủ nhiệm cho biết, chỉ số cải thiện chất lượng các quy định pháp luật là một chỉ số thành phần thuộc Bộ Chỉ số GII, đánh giá về năng lực của Chính phủ trong việc xây dựng và thực thi chính sách, quy định pháp luật nhằm thúc đẩy cho sự phát triển của khu vực tư nhân (sản xuất - kinh doanh). Đây là Chỉ số quan trọng thuộc nhóm chỉ số về môi trường pháp lý, thuộc trụ cột thể chế, được xác định là một trong các yếu tố đầu vào của đổi mới sáng tạo, giá trị của Chỉ số càng cao thì điểm số và thứ hạng trong GII càng lớn; xếp hạng năng lực đổi mới sáng tạo của Việt Nam càng tăng thì càng tạo đà để hoàn thành mục tiêu chung trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông nguồn lực trong xã hội, thu hút đầu tư và có ý nghĩa lớn đối với việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Nhà khoa học báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài “Giải pháp nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay”.
Đối với đề tài “Giải pháp nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay”, các nhà khoa học thực hiện đề tài đã nhận diện được hạn chế và thách thức trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, từ đó đưa ra giải pháp, cụ thể: tăng cường sự quan tâm của các cấp chính quyền, bảo đảm nguồn lực đầu tư hợp lý; đa dạng hóa hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật: áp dụng công nghệ thông tin, truyền thông số, tài liệu song ngữ; xây dựng đội ngũ báo cáo viên pháp luật và tuyên truyền viên pháp luật là người dân tộc thiểu số hoặc biết tiếng dân tộc; tăng cường kiểm tra, đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, điều chỉnh chiến lược kịp thời và kết hợp phổ biến, giáo dục pháp luật với giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội, tăng cường sự thấu hiểu và đồng thuận xã hội.
Nhà khoa học báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài “Hoàn thiện pháp luật về giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại theo phương thức hòa giải và trọng tài ở Việt Nam”.
Với đề tài “Hoàn thiện pháp luật về giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại theo phương thức hòa giải và trọng tài ở Việt Nam”, các nhà khoa học đã nghiên cứu các bất cập trong quy định của pháp luật làm cho việc giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại theo phương thức hòa giải và trọng tài ở Việt Nam chưa phát triển, như Luật Trọng tài thương mại năm 2010, Nghị định số 22/2017 của Chính phủ về hòa giải thương mại chưa theo Luật mẫu của UNCITRAL; quy định của pháp luật về thẩm quyền, phạm vi giải quyết tranh chấp, căn cứ hủy phán quyết trọng tài,… chưa rõ, còn nhiều cách hiểu khác nhau gây khó khăn cho việc áp dụng, thực hiện trên thực tế; quá trình giải quyết có thể phát sinh một số vấn đề, nhất là việc hủy phán quyết trọng tài và sự can thiệp của hệ thống Tòa án vào việc giải quyết tranh chấp theo phương thức trọng tài làm cho các nhà đầu tư, các thương nhân “ái ngại”, làm cho hiệu lực giải quyết tranh chấp theo phương thức hòa giải và trọng tài chưa đạt chất lượng. Bên cạnh đó, một số nguyên nhân khác nhưng năng lực, trình độ của đội ngũ trọng tài viên và hòa giải viên chưa đáp ứng được yêu cầu cũng làm cho việc giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại theo phương thức hòa giải, trọng tài chưa nhiều, chưa hiệu quả.
Nhà khoa học báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài “Hoàn thiện pháp luật về quyền con người, quyền công dân trên cơ sở thực tiễn 10 năm thi hành Hiến pháp năm 2013”.
Với đề tài “Hoàn thiện pháp luật về quyền con người, quyền công dân trên cơ sở thực tiễn 10 năm thi hành Hiến pháp năm 2013”, Chủ nhiệm đề tài đã báo cáo kết quả nghiên cứu, theo đó, đề tài đã đưa ra được một số giải pháp hoàn thiện như: (i) sửa đổi, bổ sung quy định của nguyên tắc chung về hạn chế quyền con người, quyền công dân; cần nghiên cứu để điều chỉnh lại các vấn đề còn “thiếu vắng” trong Hiến pháp năm 2013 như việc hạn chế quyền không được làm mất đi bản chất của quyền con người, quyền công dân, đồng thời cần giao Quốc hội kịp thời ban hành Nghị quyết giải thích các quy định của Hiến pháp liên quan đến nguyên tắc hạn chế quyền con người làm cơ sở để thể chế hóa nguyên tắc này trong pháp luật đối với các lĩnh vực cụ thể; (ii) hoàn thiện nội dung và kết cấu của Điều 15 Hiến pháp năm 2013 về nguyên tắc thống nhất giữa quyền con người với nghĩa vụ công dân; (iii) tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện một số quy định về quyền con người, quyền công dân của Hiến pháp năm 2013; cần nghiên cứu việc tái quy định “nhân dân có quyền phúc quyết Hiến pháp”; nghiên cứu về việc ghi nhận đầy đủ nội hàm quyền riêng tư; (iv) cần nghiên cứu bổ sung một số quyền cơ bản về dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa vào Hiến pháp năm 2013 theo quy định của hai công ước ICCPR và ICESCR mà Việt Nam đã tham gia, cụ thể như: quyền không bị bắt làm nô lệ và nô dịch (Điều 8 ICCPR); quyền không bị bỏ tù vì không hoàn thành nghĩa vụ theo hợp đồng (Điều 11 ICCPR); quyền được thừa nhận là thể nhân trước pháp luật ở mọi nơi (Điều 16 ICCPR); quyền tự quyền tự do tư tưởng (Điều 18.1 ICCPR); quyền được giữ quan điểm riêng mà không bị can thiệp (Điều 19.1 ICCPR); quyền của người khuyết tật (Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật); quyền đình công, quyền thành lập, gia nhập công đoàn (khoản 1 Điều 8 ICESCR).
Nhà khoa học báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài “Hoàn thiện pháp luật về công chứng ở Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.
Đối với đề tài “Hoàn thiện pháp luật về công chứng ở Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, Chủ nhiệm đề tài cho biết, từ các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước và Chính phủ về chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cũng như định hướng xây dựng Chính phủ số, chính quyền số và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công chứng, trong thời gian tới, pháp luật cần tiếp tục được hoàn thiện trên các phương diện sau:
Một là, bổ sung quy định một số khái niệm liên quan đến chuyển đổi số như công chứng giao dịch trên môi trường điện tử; môi trường điện tử; văn bản công chứng điện tử; hồ sơ công chứng điện tử; cơ sở dữ liệu công chứng; quy trình công chứng toàn trình; quy trình công chứng một phần;
Hai là, bổ sung quy định về việc xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung về công chứng, chứng thực để thực hiện thống nhất trong cả nước; quy định việc tích hợp, kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về công chứng, chứng thực với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, nhà ở, thuế, Tòa án, thi hành án, hộ tịch, đăng ký giao dịch bảo đảm để chia sẻ, kết nối các thông tin.
Ba là, bổ sung quy định về công chứng điện tử, bao gồm: (i) bổ sung quy định về nguyên tắc thực hiện công chứng giao dịch trên môi trường điện tử; (ii) bổ sung quy trình công chứng giao dịch trên môi trường điện tử.
Bốn là, sửa đổi, bổ sung quy định về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm công chứng viên bảo đảm công chứng viên được bổ nhiệm ngoài việc đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp, kinh nghiệm thực tiễn cần có đủ năng lực về ứng dụng tin học để thực hiện quy trình công chứng giao dịch trên môi trường điện tử.
Năm là, bổ sung quy định về hành vi nghiêm cấm “từ chối tiếp nhận văn bản công chứng điện tử trong các thủ tục hành chính, giao dịch mà thành phần hồ sơ có văn bản công chứng”.
Sáu là, bổ sung quy định về kiến thức, kỹ năng về việc thực hiện việc công chứng hợp đồng, giao dịch trên môi trường điện tử trong nội dung tập sự hành nghề công chứng và trong nội dung bồi dưỡng kiến thức bắt buộc hàng năm dành cho công chứng viên.
Bảy là, bổ sung quy định về thực hiện việc số hóa hồ sơ đã công chứng gồm 4 bước: bước 1: sao chụp giấy tờ, chuyển sang bản điện tử; bước 2: bóc tách dữ liệu; bước 3: cấp mã kết quả số hóa; bước 4: lưu kết quả số hóa. Việc thực hiện số hóa hồ sơ công chứng được thực hiện theo pháp luật về số hóa.
Tám là, sửa đổi, bổ sung quy định về quy trình, cách thức việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm công chứng viên bảo đảm thực hiện trên môi trường điện tử.
Nhà khoa học báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài “Lẽ công bằng trong điều chỉnh quan hệ pháp luật dân sự - Kinh nghiệm quốc tế và giá trị tham khảo cho Việt Nam”.
Về kết quả đề tài “Lẽ công bằng trong điều chỉnh quan hệ pháp luật dân sự - Kinh nghiệm quốc tế và giá trị tham khảo cho Việt Nam”, Chủ nhiệm đề tài cho biết, hệ thống pháp luật hiện nay chưa có quy định cụ thể về xác định và áp dụng lẽ công bằng, tuy nhiên, việc xét xử của Tòa án lại dựa trên lẽ công bằng. Từ đó đã đặt ra một số vấn đề cả về mặt lý luận và thực tiễn cần phải giải quyết như: lẽ công bằng là gì? khi nào được áp dụng lẽ công bằng? lẽ công bằng có phải nguồn luật áp dụng sau cùng không? lẽ công bằng có phụ thuộc vào các yếu tố kinh tế, xã hội, văn hóa, trình độ nhận thức của người dân trong xã hội không và khi những điều kiện này thay đổi thì lẽ công bằng có thay đổi không? để bảo đảm công bằng cần có những điều kiện, tiêu chuẩn gì đối với thẩm phán?… Trên cơ sở đó, các nhà khoa học tham gia nghiên cứu cho rằng, Bộ Tư pháp cần có quan điểm rõ ràng về nội hàm của thuật ngữ lẽ công bằng như là một nguồn luật để giải thích. Bên cạnh đó, dựa trên cơ sở kinh nghiệm của một số quốc gia như Anh, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canada, Pháp,… nhà khoa học đã đưa ra một số quan điểm sau: lẽ công bằng có xuất xứ từ Anh nhưng trên thực tế đã được sử dụng và đề cập ở các quốc gia có truyền thống pháp luật lâu đời trước đó; trên thế giới hiện nay chưa có khái niệm thống nhất về lẽ công bằng; quy trình áp dụng lẽ công bằng khá linh hoạt, khó xác định nên việc áp dụng có thể sẽ dẫn tới chủ quan, tùy tiện và làm dụng…
TS. Nguyễn Văn Cương phát biểu kết luận Tọa đàm
Phát biểu kết luận Tọa đàm, TS. Nguyễn Văn Cương khẳng định, với các đề tài khoa học được đầu tư công phu, bài bản, các nhà khoa học đã đóng góp nhiều ý kiến có giá trị, nhằm góp phần nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học và hoàn thiện hệ thống pháp luật ở Việt Nam.
Thùy Dung