Toàn cảnh cuộc họp
Tham dự cuộc họp có các đồng chí Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh, Nguyễn Thanh Tú; đồng chí Lê Quang Mạnh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài Chính của Quốc hội; đồng chí Nguyễn Phương Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội; đồng chí Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; đồng chí Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục chuyển đổi số - Cơ yếu, Văn phòng Trung ương Đảng cùng đại diện pháp chế các bộ, ngành.
Phát biểu khai mạc cuộc họp, đồng chí Nguyễn Hải Ninh, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, thời gian qua, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp để tham mưu cho Đảng ủy Chính phủ và Đảng ủy Quốc hội xây dựng 02 văn bản quan trọng là đề án về rà soát, sửa đổi, bổ sung pháp luật và báo cáo hoàn thiện thể chế, để phục vụ cho việc sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị. Hai văn bản này đã được Bộ Chính trị cho ý kiến tại cuộc họp ngày 27/3/2025. Trên cơ sở đó, với tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”, cuộc họp hôm nay được tổ chức nhằm mục đích trao đổi, thảo luận về 02 nội dung quan trọng, gồm: (i) phương án xử lý các văn bản quy phạm pháp luật khi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp theo định hướng chính quyền hai cấp; (ii) lộ trình, mốc thời gian chủ yếu để hoàn thành khối lượng công việc này.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh, việc sắp xếp, tổ chức bộ máy theo chiều dọc đối chính quyền địa phương từ mô hình 03 cấp thành 02 cấp đã dẫn đến hệ thống pháp luật vừa bị tác động theo chiều ngang, vừa bị tác động theo chiều dọc, khiến gần như toàn bộ hệ thống pháp luật đều bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, do thời gian gấp rút nên việc sửa đổi, bổ sung cụ thể toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật chịu sự tác động theo quy trình thông thường khó bảo đảm tính khả thi. Vì vậy, cần có những phương án linh hoạt, phù hợp để bảo đảm vận hành bộ máy hành chính không bị gián đoạn.
Đồng chí Nguyễn Thanh Tú, Thứ trưởng Bộ Tư pháp trao đổi tại cuộc họp
Trao đổi tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Thanh Tú, Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, thực hiện nhiệm vụ được giao tại Kết luận số 127-KL/TW ngày 28/02/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và Kết luận số 129-KL/TW ngày 10/3/2025 của Bộ Chính trị về chủ trương sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, Đảng ủy Bộ Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với Đảng ủy Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội xây dựng và hoàn thiện dự thảo Đề án rà soát, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước phục vụ việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và Báo cáo hoàn thiện thể chế phục vụ việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Bên cạnh đó, thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị ngày 27/3/2025, để bảo đảm sự chủ động của các bộ, cơ quan ngang bộ trong việc hướng dẫn các địa phương và tham mưu giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo hoàn thiện hệ thống pháp luật, trên tinh thần “vừa chạy, vừa xếp hàng”, Bộ Tư pháp đã xây dựng phương án, lộ trình xử lý văn bản quy phạm pháp luật nhằm thực hiện chủ trương sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 theo định hướng tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp.
Các đại biểu tham dự cuộc họp
Tại cuộc họp, một số đại biểu thuộc pháp chế các bộ, ngành đã báo cáo kết quả rà soát các văn bản dự kiến xử lý khi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng nhất trí với phương án mà Bộ Tư pháp đã đề xuất về việc xây dựng 01 Nghị quyết về xử lý các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 theo định hướng chính quyền hai cấp. Đối với việc triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, các đại biểu cũng đề nghị Bộ Tư pháp cân nhắc xác định cụ thể phạm vi mở rộng thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ để bảo đảm tính khả thi trên thực tiễn.
Đồng chí Nguyễn Hải Ninh, Bộ trưởng Bộ Tư pháp phát biểu kết luận cuộc họp
Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Nguyễn Hải Ninh, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị pháp chế các bộ, ngành cân nhắc kỹ mục đích, phạm vi, sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung các luật, đồng thời, căn cứ phạm vi, nội dung, thứ tự ưu tiên của các luật này để xác định hình thức của luật là một luật sửa nhiều luật hay luật sửa đổi, bổ sung một số điều và cần phải đẩy nhanh tiến độ để đưa các luật vào Chương trình xây dựng luật của Quốc hội. Trên cơ sở đó, các bộ, ngành cần phải xác định rõ lộ trình hoàn thành khối lượng công việc này. Ngoài ra, các bộ, ngành cũng cần trao đổi, thảo luận về việc ban hành nghị định của Chính phủ về phân định thẩm quyền cho chính quyền địa phương theo hướng xác định nội dung phân cấp từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng xuống cấp tỉnh, để từ đó đưa ra kiến nghị cho Chính phủ.
Thùy Dung