Toàn cảnh Lễ bàn giao.
Tham dự buổi Lễ có các đồng chí đại diện lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ; Cục Kế hoạch - Tài chính; Văn phòng Bộ; Tổng cục Thi hành án dân sự; Cục Bổ trợ tư pháp; Cục Công nghệ thông tin và đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ.
Tại buổi Lễ, đồng chí Nguyễn Minh Hằng, Phó Giám đốc Học viện Tư pháp đã báo cáo khái quát về tình hình tổ chức, phân công nhiệm vụ và các phương hướng công tác trọng tâm của Học viện Tư pháp trong năm 2025. Theo đó, về tổ chức bộ máy của Học viện gồm có 05 lãnh đạo và 14 đơn vị cấp Phòng đảm nhận nhiệm vụ trong các lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế… Ngoài ra, các tổ chức chính trị - xã hội như Đảng bộ cơ sở, Công đoàn; Chi Hội cựu chiến binh, Chi hội Luật gia và Đoàn Thanh niên tiếp tục phát huy vai trò tích cực trong mọi hoạt động của đơn vị.
Năm 2025, với tinh thần đổi mới, quyết liệt và chủ động, Học viện Tư pháp tiếp tục khẳng định vai trò là thiết chế đào tạo trọng điểm, giữ vị trí then chốt trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực pháp luật và tư pháp quốc gia. Trên cơ sở Quyết định số 2518/QĐ-BTP ngày 26/12/2024 của Bộ Tư pháp phê duyệt Kế hoạch công tác năm 2025 của Học viện Tư pháp, các mặt công tác đã được triển khai toàn diện, đồng bộ tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm sau: (i) tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản, đề án theo hướng chuyên sâu, chiến lược và hội nhập. Trong đó nổi bật là sơ kết 03 năm thực hiện Quyết định số 1155/QĐ-TTg ngày 30/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tiếp tục xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp”; triển khai Đề án “Phát triển Học viện Tư pháp trở thành cơ sở có uy tín về đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về pháp luật quốc tế cho các chức danh tư pháp và cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng”; xây dựng các quy định, định mức, quy chế quản lý đào tạo gắn với thực tiễn và chuẩn hóa theo hướng hiện đại; (ii) công tác đào tạo và bồi dưỡng tiếp tục giữ vai trò nòng cốt, với chỉ tiêu tuyển sinh năm 2025 lên tới 5.500 học viên cho các chương trình đào tạo nghề luật sư, công chứng viên, đấu giá viên, thi hành án, thừa phát lại và các chức danh tư pháp khác. Bên cạnh đó, công tác bồi dưỡng được triển khai sâu rộng, hướng tới 5.000 lượt học viên/năm, tập trung vào cả đối tượng công chức ngành Tư pháp lẫn nhu cầu xã hội, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực pháp lý trong toàn hệ thống chính trị; (iii) nâng cao chất lượng khảo thí và kiểm định đào tạo. Học viện đẩy mạnh tự đánh giá, cải tiến quy trình đào tạo, bổ sung ngân hàng đề thi và tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình giảng dạy, học tập, bảo đảm kỷ cương và minh bạch trong công tác đào tạo, bồi dưỡng; (iv) công tác nghiên cứu khoa học, biên soạn giáo trình, tổ chức hội nghị, hội thảo tiếp tục được đầu tư chiều sâu, phục vụ thiết thực cho giảng dạy và học tập. Đồng thời, Tạp chí Nghề luật duy trì xuất bản định kỳ, trở thành diễn đàn học thuật có uy tín của giới luật học trong nước; (v) tư vấn pháp luật và thực hành nghề nghiệp được thúc đẩy, tạo môi trường thực tiễn sinh động cho học viên, đồng thời khẳng định năng lực tham gia thị trường dịch vụ pháp lý của Học viện thông qua các hợp đồng tư vấn và hoạt động trợ giúp pháp lý; (vi) hợp tác quốc tế được coi là động lực chiến lược. Học viện tích cực tham gia các chương trình, dự án quốc tế, đồng thời mở rộng kết nối với các nước ASEAN và các nước phát triển nhằm tiếp thu tri thức, công nghệ, xây dựng mô hình học tập suốt đời và khai thác hiệu quả tài nguyên giáo dục mở, giáo dục từ xa.
Đồng chí Đặng Hoàng Oanh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp phát biểu tại buổi Lễ.
Phát biểu tại Lễ bàn giao, đồng chí Đặng Hoàng Oanh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp bày tỏ sự trân trọng đối với những đóng góp nổi bật của Học viện Tư pháp trong thời gian qua, đặc biệt với vai trò đồng hành, chia sẻ trách nhiệm với Bộ và các đơn vị thuộc Bộ trong nhiều hoạt động của Đảng, đoàn thể và công tác chuyên môn. Thứ trưởng khẳng định, Học viện Tư pháp là một trong những đơn vị tiêu biểu, luôn thể hiện tinh thần đoàn kết, sự gắn bó nội bộ chặt chẽ và tinh thần trách nhiệm cao, qua đó hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ chính trị được giao.
Đặc biệt trong lĩnh vực đào tạo và bồi dưỡng các chức danh tư pháp là nhiệm vụ cốt lõi của Học viện đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận. Số lượng học viên hàng năm đều tăng trưởng ổn định, thậm chí có năm vượt xa kế hoạch được giao trong bối cảnh nhiều cơ sở đào tạo đang gặp nhiều thách thức. Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng đánh giá cao nỗ lực của Học viện trong lĩnh vực hợp tác quốc tế, đặc biệt là vai trò chủ lực trong triển khai dự án ODA hỗ trợ nước bạn Lào. Học viện không chỉ hỗ trợ toàn diện về giáo trình và định hướng chương trình đào tạo, mà còn góp phần quan trọng vào việc củng cố nền móng lý luận và thực tiễn cho công tác đào tạo các chức danh tư pháp tại nước bạn, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và được phía Lào ghi nhận.
Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh nhấn mạnh, dù chuyển giao nhiệm vụ phụ trách Học viện, Thứ trưởng sẽ tiếp tục đồng hành, phối hợp chặt chẽ với Thứ trưởng Mai Lương Khôi và Học viện Tư pháp trong quá trình triển khai các công việc liên quan. Với sự tin tưởng và kỳ vọng sâu sắc, Thứ trưởng bày tỏ niềm tin rằng, dưới sự lãnh đạo của Thứ trưởng Mai Lương Khôi, một người dày dạn kinh nghiệm, bản lĩnh và sâu sát thực tiễn, Học viện Tư pháp sẽ tiếp tục vững vàng, phát triển mạnh mẽ và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Bộ Tư pháp giao phó.
Đồng chí Mai Lương Khôi, Thứ trưởng Bộ Tư pháp phát biểu tại buổi Lễ.
Phát biểu tại buổi Lễ bàn giao, đồng chí Mai Lương Khôi, Thứ trưởng Bộ Tư pháp đánh giá cao những thành tựu quan trọng mà Học viện Tư pháp đã nỗ lực đạt được trong thời gian vừa qua. Thứ trưởng nhấn mạnh, những kết quả ấy không chỉ thể hiện sự quyết tâm, sáng tạo của đội ngũ lãnh đạo, viên chức, người lao động của Học viện, mà còn là minh chứng cho vai trò ngày càng rõ nét của Học viện Tư pháp trong hệ thống đào tạo và phát triển nguồn nhân lực pháp luật, tư pháp quốc gia.
Thứ trưởng đề nghị Học viện Tư pháp tiếp tục phát huy những giá trị nền tảng đã gây dựng, kế thừa tinh thần chủ động, đổi mới để không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo và bồi dưỡng. Thứ trưởng cũng lưu ý, Học viện cần tích cực tham mưu cho lãnh đạo Bộ trong công tác chỉ đạo, quản lý điều hành; đồng thời, chú trọng xây dựng thương hiệu đào tạo nghề mang bản sắc riêng, đủ sức cạnh tranh và hội nhập trên thị trường lao động và thị trường dịch vụ pháp lý đang ngày một mở rộng. Bên cạnh đó, Thứ trưởng khẳng định việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số trong các hoạt động đào tạo là xu thế tất yếu, đòi hỏi Học viện phải thích ứng linh hoạt với điều kiện, bối cảnh mới; từ đó nâng cao hiệu quả và mở rộng cơ hội tiếp cận tri thức pháp luật cho nhiều đối tượng học viên hơn nữa. Bày tỏ sự tin tưởng sâu sắc vào năng lực và phẩm chất của đội ngũ lãnh đạo, viên chức, người lao động Học viện Tư pháp, Thứ trưởng Mai Lương Khôi tin tưởng rằng, với tinh thần đoàn kết, trí tuệ và bản lĩnh nghề nghiệp, Học viện sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, khẳng định vai trò tiên phong trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng nhân lực pháp luật, đáp ứng hiệu quả yêu cầu ngày càng cao của xã hội./.
Hoàng Trung