Toàn cảnh Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Hoàng Xuân Hoan, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản và Quản lý xử lý vi phạm hành chính cho biết, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 được Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ 9, có hiệu lực từ ngày 01/4/2025. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 có nhiều điểm mới, mang tính đột phá, khơi thông “điểm nghẽn” của “điểm nghẽn”. Luật có nhiều điều giao Chính phủ quy định chi tiết, biện pháp cụ thể và hướng dẫn thi hành, trong đó, Bộ Tư pháp được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì xây dựng 03 nghị định gồm Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp để tổ chức, hướng dẫn thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Nghị định về kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa và xử lý văn bản quy phạm pháp luật; Nghị định về tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật. Trong khuôn khổ Hội thảo, tổ chức lấy ý kiến góp ý đối với 02 nghị định là Nghị định về kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa và xử lý văn bản quy phạm pháp luật và Nghị định về tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật.
Đại biểu tham dự Hội thảo
Đối với Nghị định về kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa và xử lý văn bản quy phạm pháp luật, được giao quy định chi tiết Điều 63, Điều 64 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 và biện pháp để tổ chức, hướng dẫn thi hành Luật về kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa, xử lý văn bản quy phạm pháp luật. Đối với Nghị định về tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật, được giao quy định chi tiết khoản 3 Điều 59 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025.
Về cơ bản, Nghị định về kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa và xử lý văn bản quy phạm pháp luật kế thừa hoạt động kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa quy định tại Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 và Nghị định số 59/2024/NĐ-CP ngày 25/5/2024). Đối với Nghị định về tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật, mặc dù cũng trên cơ sở kế thừa Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 32/2020/NĐ-CP ngày 05/3/2020) nhưng có rất nhiều điểm mới và được đánh giá là nghị định rất khó. Đồng chí Phó Cục trưởng mong rằng, các đại biểu bằng tinh thần trách nhiệm, thẳng thắn và trên cơ sở những quy định mang tính đột phá với tư duy mới trong công tác xây dựng, ban hành văn bản và tổ chức thi hành pháp luật, góp ý để cùng tiếp tục hoàn thiện 02 dự thảo nghị định này.
Đại diện Cục Kiểm tra văn bản và Quản lý xử lý vi phạm hành chính
Tại Hội thảo, đại diện Cục Kiểm tra văn bản và Quản lý xử lý vi phạm hành chính trình bày những nội dung cơ bản và những điểm mới tại các dự thảo nghị định.
Về bố cục và nội dung cơ bản của dự thảo Nghị định về kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa và xử lý văn bản quy phạm pháp luật, có sự kế thừa các quy định của Nghị định trước, đồng thời có chỉnh lý, hoàn thiện hoặc cơ cấu lại cho phù hợp với tình hình thực tiễn thực hiện công tác này, bảo đảm logic, hợp lý, dễ tiếp cận, bổ sung một số nội dung để quy định chi tiết và biện pháp thi hành về kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa theo quy định của Luật 2025. Dự thảo gồm 05 chương, 61 điều và 01 phụ lục. Cụ thể: Chương I về những quy định chung; Chương II về kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật; Chương III về rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; Chương IV về bảo đảm nguồn lực kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa và xử lý văn bản quy phạm pháp luật; Chương V về điều khoản thi hành.
Nghị định về kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa và xử lý văn bản quy phạm pháp luật có những nội dung mới như sau: (i) về công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật: quy định bổ sung một số khái niệm về tự kiểm tra văn bản, kiểm tra văn bản theo thẩm quyền, cơ quan kiểm tra văn bản; bổ sung một số đối tượng văn bản được kiểm tra; sửa đổi, bổ sung về các quy định về văn bản trái pháp luật được xử lý; bổ sung quy định về tiếp nhận, xử lý kiến nghị, phản ánh của cơ quan, tổ chức, cá nhân về văn bản có dấu hiệu trái pháp luật; bổ sung nguyên tắc kiểm tra, xử lý văn bản có nội dung thuộc phạm vi bí mật nhà nước; sửa đổi, bổ sung về thẩm quyền, trách nhiệm kiểm tra văn bản; bổ sung quy định thời hạn tự kiểm tra văn bản; bổ sung nội dung quy định về kế hoạch kiểm tra văn bản và việc thành lập đoàn kiểm tra văn bản; xác định rõ 02 hình thức xử lý văn bản trái pháp luật; bỏ quy định thời gian gửi văn bản đến cơ quan kiểm tra; bổ sung quy định về trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan trong công tác kiểm tra, xử lý văn bản; bỏ quy định về kiến nghị xử lý đối với cơ quan, người ban hành văn bản trái pháp luật; bỏ quy định về việc xem xét, xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, người ban hành văn bản trái pháp luật; bỏ quy định về việc xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản; (ii) về công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật: bỏ quy định nguồn văn bản rà soát, hệ thống hóa; bỏ các quy định về trình tự rà soát theo căn cứ là tình hình phát triển kinh tế - xã hội, trình tự rà soát theo căn cứ là văn bản và việc lập Phiếu rà soát văn bản và lập hồ sơ rà soát văn bản; bỏ quy định về quyết định việc rà soát văn bản theo chuyên đề, lĩnh vực, địa bàn; (iii) quy định rõ hơn về nhân lực, cơ sở vật chất, kinh phí cho công tác kiểm tra, xử lý và rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật.
Đại biểu tham gia góp ý tại Hội thảo
Đối với dự thảo Nghị định về tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật, dự thảo được bố cục gồm 04 chương, 20 điều. Cụ thể: Chương I về những quy định chung; Chương II về tổ chức thi hành pháp luật; Chương III về trách nhiệm tổ chức thi hành pháp luật và quản lý nhà nước về tổ chức thi hành pháp luật; Chương IV về điều khoản thi hành. Đại diện Cục Kiểm tra văn bản và Quản lý xử lý vi phạm hành chính nhấn mạnh, hầu hết các nội dung cơ bản của dự thảo Nghị định này đã chứa tính mới mặc dù có một phần kế thừa nghị định trước về theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Theo đó, dự thảo có những điểm mới về các nguyên tắc tổ chức thi hành pháp luật; kinh phí cho tổ chức thi hành pháp luật; tổ chức thi hành pháp luật (với các điểm mới về ban hành kế hoạch triển khai thi hành, phổ biến, giáo dục, hướng dẫn áp dụng văn bản, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ thi hành, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về văn bản, tiếp nhận và xử lý kiến nghị về văn bản, sơ kết, tổng kết việc thi hành văn bản, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kết luận kiểm tra công tác tổ chức thi hành pháp luật); về trách nhiệm tổ chức thi hành pháp luật và quản lý nhà nước về tổ chức thi hành pháp luật.
Đại biểu tham gia góp ý tại Hội thảo
Trao đổi, thảo luận tại Hội thảo, nhiều đại biểu đánh giá cao, ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng, nghiêm túc trong việc xây dựng, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện 02 dự thảo nghị định, cơ bản bảo đảm yêu cầu đặt ra. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đưa ra một số góp ý để hoàn thiện dự thảo, bảo đảm tính phù hợp, khả thi hơn. Trong đó có một số góp ý nổi bật như sau:
Thứ nhất, về rà soát văn bản hành chính có chứa quy phạm, trừ trường hợp văn bản “trốn tránh” thực hiện theo thủ tục xây dựng văn bản, tức là phải tuân thủ đúng quy định pháp luật xây dựng văn bản quy phạm pháp luật nhưng lại làm thành văn bản hành chính thì trường hợp này phải xử lý. Trong trường hợp hầu hết các địa phương đều đã hiểu rõ nhưng có một số địa phương chưa hiểu cần bộ, ngành giải thích quy định pháp luật mà tổ chức pháp chế khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo dõi thi hành sẽ phải hướng dẫn. Khi đó, có thể có nội dung nào đó tiềm ẩn nguy cơ giống như quy phạm, tức là nếu kiểm tra có thể cho rằng có dấu hiệu vi phạm. Do đó, quy định như tại dự thảo sẽ gây khó cho bộ, ngành trong triển khai các quy định pháp luật, nên cần phải nghiên cứu, cân nhắc.
Đại biểu tham gia góp ý tại Hội thảo
Thứ hai, dự thảo chưa phân định rạch ròi phạm vi trách nhiệm của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng trong việc kiểm tra văn bản có nội dung bí mật nhà nước. Theo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước năm 2018, Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ bí mật nhà nước, nhưng đồng thời cũng quy định Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ bí mật nhà nước thuộc phạm vi quản lý, dẫn đến chưa rạch ròi được phạm vi trách nhiệm của 02 bộ này. Chính vì vậy, dự thảo Nghị định về kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa và xử lý văn bản quy phạm pháp luật cũng quy định theo hướng chưa phân định rõ thẩm quyền kiểm tra văn bản có nội dung bí mật nhà nước giữa 02 bộ. Từ kiến nghị của đại điện Bộ Công an, cơ quan chủ trì đề xuất phương án sửa đổi nội dung này theo hướng Bộ Quốc phòng kiểm tra văn bản có nội dung bí mật nhà nước trong lĩnh vực quốc phòng, đối với toàn bộ hệ thống cơ quan của Bộ Quốc phòng; còn Bộ Công an kiểm tra toàn bộ trừ lĩnh vực quốc phòng. Đây là phương án được đại diện 02 bộ đồng tình, nhất trí.
Đại biểu tham gia góp ý tại Hội thảo
Thứ ba, về quy định kiểm tra công tác tổ chức thi hành pháp luật trong dự thảo Nghị định về tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật, nội dung kiểm tra đang gồm cả “những nội dung cần thiết khác”. Có thể thấy, đây là nội dung mang tính chung chung với phạm vi khá rộng, điều này có thể dẫn đến việc đoàn kiểm tra lợi dụng để yêu cầu quá nhiều nội dung kiểm tra. Do đó, nên cân nhắc bỏ quy định này hoặc theo hướng cụ thể nội dung.
Cùng điều khoản quy định kiểm tra công tác tổ chức thi hành pháp luật, có ý kiến cho rằng, dường như thiết kế vấn đề kiểm tra hơi “nặng nề”. Cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình rằng, thực hiện kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng, việc ban hành các kết luận kiểm tra, theo dõi thi hành pháp luật chưa theo đến cùng, tức là các đối tượng có thực hiện nghiêm túc kết luận hay không chưa được theo dõi thực hiện đến cùng, do đó, dự thảo đã thiết kế thêm các khoản để quy định phải theo dõi xử lý đến cùng kết luận của đoàn kiểm tra.
Ngoài ra, các đại biểu còn có những ý kiến trao đổi, góp ý về các nội dung liên quan đến trách nhiệm tự kiểm tra; kinh phí; chỉnh sửa bố cục bảo đảm khoa học, tránh trùng lặp phạm vi nội dung; chỉnh sửa một số từ ngữ;…
Phó Cục trưởng Lê Thanh Bình kết luận Hội thảo
Kết luận Hội thảo, Phó Cục trưởng Lê Thanh Bình thay mặt ban tổ chức cảm ơn các bộ, ngành trung ương và tư pháp địa phương đã dành thời gian tham dự và có những ý kiến góp ý quý giá. Đồng chí Phó Cục trưởng phát biểu về những ý kiến còn băn khoăn tại Hội thảo cũng đã được thảo luận làm rõ hơn ý tưởng của cơ quan chủ trì soạn thảo. Đồng chí Lê Thanh Bình khẳng định, đối với các ý kiến góp ý, Cục sẽ báo cáo đồng chí Bộ trưởng các phương án nghiên cứu, tiếp thu chỉnh lý để hoàn thiện dự thảo, bảo đảm chất lượng trước khi trình Chính phủ ký ban hành.
Uyên Nhi
Song An