Toàn cảnh phiên họp thẩm định.
Tại phiên họp, đại diện Bộ Nội vụ đã báo cáo về sự cần thiết cần phải ban hành Nghị quyết, theo đó, trong giai đoạn năm 2019 - 2021 và năm 2023 - 2025, cả nước đã thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; kết quả đã giảm được 17 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.124 đơn vị hành chính cấp xã, quy mô của đơn vị hành chính bước đầu được tăng lên, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, đến nay việc tổ chức các đơn vị hành chính ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Số đơn vị hành chính có quy mô nhỏ, chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số còn nhiều. Số lượng 63 đơn vị hành chính cấp tỉnh là lớn so với diện tích tự nhiên của Việt Nam. Việc duy trì các đơn vị hành chính có quy mô nhỏ dẫn đến làm phân tán các nguồn lực, tiềm năng của các địa phương cho phát triển kinh tế - xã hội, ảnh hưởng lớn đến công tác quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, thu hút các nhà đầu tư và phát triển các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ quy mô lớn. Trong khi đó, thực hiện cuộc cách mạng chuyển đổi số, nhiều hoạt động hành chính truyền thống đã được số hóa và triển khai thực hiện trên môi trường mạng giúp thực hiện giải quyết thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và bảo đảm hoạt động kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước cấp trên.
Trước thực trạng và bối cảnh như vậy, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đã ban hành nhiều kết luận, văn bản về việc triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Đảng ủy Chính phủ đã xây dựng Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp. Đề án đã được báo cáo Bộ Chính trị xem xét thống nhất, gửi lấy ý kiến trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, thông qua. Để thể hóa chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và tạo cơ sở pháp lý thực hiện việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp. Trên cơ sở kết quả thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thời gian qua, việc Chính phủ xây dựng, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính là cần thiết.
Đại diện Bộ Nội vụ phát biểu tại phiên họp.
Dự thảo Nghị quyết gồm 04 chương, 23 điều quy định một số nội dung như: tiêu chí xác định đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp; nguyên tắc thực hiện sắp xếp và các trường hợp không bắt buộc thực hiện sắp xếp; tiêu chuẩn của đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp; kiện toàn tổ chức bộ máy và áp dụng các chế độ, chính sách đặc thù của đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp…
Tại phiên họp, các thành viên Hội đồng thẩm định đều nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết. Bên cạnh đó, các đại biểu tham dự phiên họp cũng đã thảo luận, cho ý kiến về một số nội dung trong dự thảo Nghị quyết như: (i) cần nghiên cứu kết cấu Điều 1, tách quy định chung về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã thành một điều riêng; (ii) bố cục lại dự thảo theo nguyên tắc đi từ khái niệm đến nguyên tắc sắp xếp đến tiêu chí xác định nhằm bảo đảm tính khoa học, nguyên tắc của bố cục dự thảo Nghị quyết; (iii) cần làm rõ sự phù hợp của quy định về bảo lưu chế độ, chính sách tiền lương và phụ cấp chức vụ (nếu có) hiện hưởng của cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã được bố trí làm việc tại đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã mới trong thời gian 06 tháng tại khoản 4 Điều 13 dự thảo Nghị quyết đối với Nghị định số 178/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 của Chính phủ về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Nghị định số 67/2025/NĐ-CP ngày 15/03/2025; (iv) làm rõ tiêu chuẩn quy mô dân số của xã miền núi, vùng cao hoặc có đường biên giới quốc gia trên đất liền mà có từ 30% trở lên dân số là người dân tộc thiểu số thì mức tối thiểu là 7.500 người tại khoản 1 Điều 6 dự thảo Nghị quyết để phù hợp với quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15 ngày 21/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; (v) quy định rõ hơn nội dung về giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính có thực hiện theo Nghị định số 178/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 của Chính phủ về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Nghị định số 67/2025/NĐ-CP ngày 15/03/2025 hay không; (vi) nghiên cứu, cân nhắc quy định tại khoản 4 Điều 16 dự thảo Nghị quyết về việc Chính phủ rà soát, điều chỉnh chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia cho phù hợp sau khi thực hiện sắp xếp; (vii) nghiên cứu, cân nhắc sự phù hợp tại điểm b khoản 2 Điều 12 dự thảo Nghị quyết với Luật Thủ đô năm 2024 về việc không tổ chức Hội đồng nhân dân cấp phường sau khi sáp nhập cấp xã với cấp phường…
Đồng chí Đặng Hoàng Oanh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp phát biểu tại phiên họp.
Kết luận phiên họp, đồng chí Đặng Hoàng Oanh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính. Thứ trưởng cho biết, dự thảo Nghị quyết cơ bản phù hợp với chủ trương của Đảng tại Kết luận số 126-KL/TW ngày 14/2/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về một số nội dung, nhiệm vụ tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị năm 2025; Kết luận số 127-KL/TW ngày 28/02/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; Kết luận số 130-KL/TW ngày 14/3/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chủ trương sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp. Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc nên có quy định về mặt nguyên tắc để khẳng định ngoài các quy định của Nghị quyết này sẽ có các quy định của Đảng, các kết luận định hướng khác của Đảng thì áp dụng theo các quy định đó hoặc có thể được giảm bớt các điều kiện, tiêu chuẩn nhằm bảo đảm cho các cơ quan thực hiện được thuận lợi và phù hợp với thực tiễn. Bên cạnh đó, cân nhắc điều chỉnh tỷ lệ sắp xếp đơn vị hành chính cần phải phù hợp với thực tiễn, bảo đảm nguyên tắc “gần dân, sát dân”, nhất là đối với các địa bàn vùng sâu, vùng xa, khu vực đặc thù.
Về nội dung quy định về tiêu chí và tiêu chuẩn sắp xếp đơn vị hành chính trong dự thảo Nghị quyết, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục hoàn thiện để không gây khó khăn cho các cơ quan, địa phương khi thực hiện sắp xếp. Theo Thứ trưởng, nên quy định các tiêu chí theo thứ tự ưu tiên. Ví dụ trong việc đặt tên, nên ưu tiên giữ lại các tên gọi có giá trị lịch sử, văn hóa hoặc đã có từ các đợt sáp nhập trước, vừa tạo sự đồng thuận trong Nhân dân, vừa gìn giữ bản sắc địa phương… Còn những tên gọi của xã, phường sau sắp xếp để dễ quản lý, số hóa… nên xếp sau nguyên tắc trên.
Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý, tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, bảo đảm theo đúng định hướng của Đảng, trên tinh thần đổi mới, thực chất và đặt lợi ích người dân làm trung tâm. Những nội dung còn vướng mắc sẽ được ghi nhận, phân tích và làm rõ trong báo cáo thẩm định, bảo đảm cơ sở để báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, quyết định một cách khách quan và thận trọng./.
Hoàng Trung