Toàn cảnh buổi làm việc
Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thanh Hà, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản và Quản lý xử lý vi phạm hành chính đã báo cáo về sự cần thiết phải xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, chính, theo đó, sau 12 năm triển khai thi hành, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 sửa đổi, bổ sung năm 2020 (Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012) đã góp phần bảo đảm trật tự, kỷ cương quản lý hành chính, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Tuy nhiên, trước yêu cầu cấp bách của việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy nhà nước, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, đồng thời, đẩy nhanh ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý nhà nước, hệ thống quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 đã bộc lộ nhiều bất cập, chưa theo kịp sự phát triển của thực tiễn. Do đó, cần thiết phải xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 nhằm tháo gỡ những vướng mắc, bất cập và bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối, tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật.
Đồng chí Nguyễn Thanh Hà, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản và Quản lý xử lý vi phạm hành chính phát biểu tại buổi làm việc
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung nội dung của 40/143 điều, sửa kỹ thuật 19/143 điều, bổ sung mới 01 điều, bãi bỏ 19 điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và tập trung vào các nội dung: (i) sửa đổi, bổ sung các quy định bị tác động bởi sắp xếp, tổ chức bộ máy; (ii) đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong xử phạt vi phạm hành chính; ứng dụng công nghệ thông tin và đơn giản hóa thủ tục xử phạt; tháo gỡ vướng mắc, bất cập lớn, cơ bản của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012; (iii) tăng cường quản lý nhà nước về xử lý vi phạm hành chính.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã trao đổi, cho ý kiến đối với một số nội dung trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Đối với khoản 2 Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 5 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, các đại biểu cho biết, điểm b được sửa đổi theo hướng quy định “cá nhân là cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu thực hiện hành vi vi phạm bị xử phạt vi phạm hành chính khi hành vi đó không thuộc nhiệm vụ, công vụ được giao” là đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính, theo đó, việc thực hiện quy định này trên thực tiễn có thể sẽ gặp nhiều vướng mắc, bất cập trong việc xác định thế nào là hành vi không thuộc nhiệm vụ, công vụ được giao, bởi, mọi hành vi do 02 cơ quan này thực hiện đều là hành vi công vụ. Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết. Ngoài ra, điểm đ được sửa đổi theo hướng quy định cá nhân, tổ chức nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam có vi phạm hành chính trong phạm vi lãnh thổ, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính cũng gây ra khó khăn cho các cơ quan trong việc tổ chức thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính do phạm vi địa lý. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu lại nội dung này.
Các đại biểu tham dự buổi làm việc
Về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính tại khoản 3 Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, các đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, xem xét, làm rõ thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính này có bao gồm thời hạn tạm đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ điều tra trong trường hợp cơ quan tiến hành hành tố tụng ra quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ điều tra hay không để tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình thực thi, đồng thời, giao Chính phủ quy định chi tiết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực chuyên ngành cụ thể và đối với từng nhóm hành vi cụ thể.
Tại khoản 4 Điều 1 dự thảo Luật đã sửa đổi điểm d khoản 2 Điều 17 theo hướng quy định Bộ Tư pháp có chức năng “kiểm tra, thanh tra việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính”. Tuy nhiên, sau khi sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy nhà nước, Bộ Tư pháp không còn cơ quan thực hiện chức năng thanh tra mà cơ quan này đã được chuyển sang Chính phủ, do đó, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo không quy định nội dung này trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc quy định về phạt tiền đối với cộng đồng dân cư tại khoản 5 Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 23 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 do đây là đối tượng không có tài sản chung, vì vậy, việc áp dụng hình thức phạt tiền trên thực tế có thể sẽ gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Ngoài ra, các đại biểu đã trao đổi một số nội dung liên quan đến tăng thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính; thủ tục xử phạt và thi hành quyết định xử phạt; biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định trong xử phạt vi phạm hành chính; thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính…
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh phát biểu kết luận buổi làm việc
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các đại biểu tại buổi làm việc. Về nội dung của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung, Thứ trưởng cho biết, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung dự kiến giao Chính phủ quy định chi tiết tại các nghị định trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước về mức tiền phạt tối đa, giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định thẩm quyền áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, đồng thời, bổ sung khoản 8 Điều 1 dự thảo Luật quy định liệt kê chung về nguyên tắc xác định các chức danh có thẩm quyển xử phạt vi phạm hành chính và giao Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định cụ thể từng chức danh, thẩm quyền xử phạt tương ứng với các chức danh trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước. Để bảo đảm dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung được hoàn thiện đúng tiến độ, Thứ trưởng bày tỏ mong muốn sẽ tiếp tục nhận được những ý kiến trao đổi, đóng góp của các cơ quan, đơn vị có liên quan.
Thùy Dung