Đến dự Hội thảo có đại diện: Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Trung tâm Chăm sóc và Phục hồi chức năng người tâm thần số 1 Hà Nội; Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp; Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng; Trường Đại học Y Hà Nội; Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội và đại diện một số tổ chức, cơ quan, đơn vị làm công tác xã hội... Ông Cao Đăng Vinh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp chủ trì Hội thảo.
Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách xã hội, coi đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển bền vững, ổn định chính trị - xã hội, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta. Thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, tinh thần của Hiến pháp năm 2013, trong những năm qua, hệ thống pháp luật và chính sách phát triển các lĩnh vực xã hội ngày càng được bổ sung và hoàn thiện. Hiệu quả công tác, chính sách trợ giúp xã hội ngày càng linh hoạt, phù hợp, chất lượng và mức hỗ trợ được nâng lên, đáp ứng kịp thời nhu cầu cơ bản của các nhóm yếu thế, diện thụ hưởng chính sách ngày càng mở rộng, một trong những đối tượng được quan tâm và thụ hưởng chính sách hỗ trợ đó là người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe đại diện một số bộ, ngành, cơ quan, tổ chức trình bày một số tham luận liên quan đến nội dung của buổi Hội thảo, như: Những khó khăn vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/03/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội; trong việc thực hiện công tác công tác chăm sóc, phục hồi chức năng cho người tâm thần; trong việc rà soát các quy định của pháp luật về chính sách trợ giúp pháp lý cho các đối tượng yếu thế; thực trạng quy định chính sách pháp luật cho người bị bệnh tâm thần, rối nhiễu tâm trí; trong việc rà soát đánh giá tính thống nhất, đồng bộ của văn bản quy phạm pháp luật về trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí; trong việc rà soát một số quy định trong lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính đối với đối tượng bảo trợ xã hội… qua đó, các đại biểu tham dự cũng nêu lên một số giải pháp đối với việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản, chính sách pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả công tác trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, phù hợp.
Các đại biểu đã đưa ra một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí như: (i) Cần nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội cho phù hợp, bảo đảm tương quan chính sách đối với các đối tượng khác; (ii) Bổ sung thêm các nhóm đối tượng được hưởng chính sách trợ giúp xã hội; (ii) Tăng cường truyền thông về trợ giúp pháp lý tới những đối tượng được quy định tại Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 và những đối tượng người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí, góp phần bảo vệ tối đa quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật theo đúng mục đích của hoạt động trợ giúp pháp lý; (iv) Thực hiện dịch vụ phát hiện sớm trẻ em tự kỷ, người rối nhiễu tâm trí, hoàn thiện chính sách về giáo dục đối với người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người chưa thành niên rối nhiễu tâm trí, bảo đảm phổ cập giáo dục đối với trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí. Nghiên cứu biên soạn tài liệu số tay hỗ trợ cho các gia đình có trẻ em tự kỷ và người chưa thành niên rối nhiễu tâm trí… cung cấp dịch vụ công tác xã hội trong lĩnh vực giáo dục; (v) Nghiên cứu, xây dựng văn bản hướng dẫn việc quản lý kinh phí thực hiện Quyết định số 112/QĐ-TTg ngày 22/01/2021 ban hành chương trình phát triển công tác xã hội giai đoạn 2021 - 2030 và Quyết định số 1929/QĐ-TTg ngày 25/11/2020 về việc phê duyệt Chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2021 - 2030./.
Hải Việt