Những năm gần đây, tình hình tội phạm chống người thi hành công vụ trên phạm vi toàn quốc diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Các vụ chống người thi hành công vụ tập trung vào lĩnh vực đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, trật tự công cộng, quản lý, bảo vệ rừng, hoạt động bảo vệ tại phiên tòa, quản lý cửa khẩu, quản lý thị trường, đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm phạm trật tự, an toàn xã hội, tội phạm ma túy, giải quyết các vụ việc về an ninh, trật tự ở cơ sở. Đối tượng chống người thi hành công vụ rất đa dạng, từ số đối tượng phạm tội nguy hiểm, có tiền án, tiền sự đến số đối tượng phạm tội lần đầu… Hành vi chống người thi hành công vụ xảy ra thường có tính chất manh động, liều lĩnh, nguy hiểm. Cùng với việc sử dụng vũ lực, hung khí... các đối tượng còn lợi dụng quyền tự do dân chủ, tự do ngôn luận để vu khống, xuyên tạc, gây mất uy tín của lực lượng thi hành công vụ, làm cho nhân dân và dư luận hiểu sai nội dung sự việc, dẫn đến hành vi chống người thi hành công vụ. Bên cạnh đó, vẫn còn một bộ phận không nhỏ người dân có thái độ coi thường pháp luật, coi thường các lực lượng thực thi công vụ, nhất là đối với lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát trật tự, Công an xã, phường, thị trấn… tiềm ẩn nguy cơ xảy ra các vụ chống người thi hành công vụ rất cao, hậu quả không thể biết trước được.
Nghiên cứu về chủ đề này, tác giả Trần Ngọc Đường đã có bài viết trao đổi về việc “Nâng cao hiệu quả phòng ngừa tội chống người thi hành công vụ trong tình hình hiện nay” với những nội dung chính sau: (1) Thực trạng tình hình tội phạm chống người thi hành công vụ trong những năm gần đây; (2) Những nguyên nhân cơ bản; (3) Một số biện pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa tội chống người thi hành công vụ. Để hiểu hơn những nội dung mà tác giả đề cập, bạn đọc có thể tìm hiểu bài viết đã được đăng trên Tạp chí Dân chủ và Pháp luật số tháng 1/2016.
Hải Việt