Thi hành án dân sự là một hoạt động quan trọng của Nhà nước nhằm đưa bản án, quyết định dân sự đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án, trọng tài, quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Hội đồng xử lý cạnh tranh ra thi hành nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức và công dân. Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định một nguyên tắc quan trọng: “Bản án, quyết định của Toà án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành” (Điều 106). Nhận thức được vị trí pháp lý và tầm quan trọng của hoạt động thi hành án dân sự trong thực tiễn đời sống xã hội, trong thời gian qua, hoạt động quản lý nhà nước đã có nhiều chuyển biến tích cực, đạt được nhiều hiệu quả.
1. Những thành tựu trong quản lý nhà nước về thi hành án dân sự
1.1. Về hoạt động ban hành văn bản quy phạm pháp luật quản lý lĩnh vực thi hành án dân sự
Thời gian qua, với mục đích tăng cường quản lý nhà nước bằng pháp luật trong lĩnh vực thi hành án dân sự, hoạt động xây dựng pháp luật đã được chú trọng. Các văn bản quản lý nhà nước trong lĩnh vực thi hành án tập trung ở các nội dung như: (i) Ban hành nghị định, thông tư cụ thể hóa Luật Thi hành án dân sự; (ii) Ban hành quyết định[1] của Thủ tướng Chính phủ, nghị quyết của Chính phủ[2] và các văn bản quy phạm pháp luật nhằm kiện toàn bộ máy và tổ chức cán bộ. Từ sau khi Luật Thi hành án dân sự năm 2008 được Quốc hội ban hành, Bộ Tư pháp đã tham mưu cho Chính phủ ban hành 6 nghị định, 18 thông tư liên tịch và 25 thông tư về thi hành án dân sự. Trong quá trình thực hiện đã xuất hiện những hạn chế, bất cập và Bộ Tư pháp đã tham mưu giúp Chính phủ sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản (Nghị định số 58/2009/NĐ-CP[3], Nghị định số 61/2009/NĐ-CP[4]) và sau đó, giúp Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2015). Ưu điểm nổi bật của các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực thi hành án dân sự giai đoạn này thể hiện ở việc các văn bản quy phạm pháp luật đã thế chế hóa các quan điểm của Đảng nêu trong Chiến lược cải cách tư pháp về công tác thi hành án dân sự. Đồng thời cụ thể hoá quy định của Hiến pháp năm 2013 về nguyên tắc: “Bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật phải được nghiêm chỉnh chấp hành”. Việc sửa đổi, ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã chú trọng tới việc tăng cường trách nhiệm, quyền hạn của các chủ thể có chức năng quản lý nhà nước như Tòa án nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp tham gia quá trình thi hành án dân sự, đồng thời bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thi hành án dân sự.
1.2. Về xây dựng bộ máy quản lý hoạt động thi hành án dân sự và đội ngũ công chức các cơ quan thi hành án dân sự
Để quản lý nhà nước đối với lĩnh vực thi hành án dân sự có hiệu quả, hiệu lực, tổ chức bộ máy, cán bộ trong thời gian qua đã được củng cố, kiện toàn. Số Chi cục Thi hành án dân sự, đội ngũ lãnh đạo quản lý, số lượng chấp hành viên, thẩm tra viên đều tăng. Công tác biệt phái, điều động, luân chuyển công chức được chú trọng, đã có những lãnh đạo cấp vụ của Tổng cục Thi hành án dân sự được luân chuyển về địa phương giữ chức Cục trưởng hoặc Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự; một số chấp hành viên và công chức thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự được biệt phái, điều động về địa phương. Tại các cơ quan thi hành án dân sự địa phương, việc điều động, luân chuyển công chức tại đơn vị cũng được thực hiện một cách chủ động. Công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức được đổi mới căn bản theo hướng tiết kiệm, hiệu quả và có trọng tâm, trọng điểm; kỷ cương, kỷ luật hành chính được siết chặt, ý thức trách nhiệm được tăng cường, kỷ luật làm việc của đội ngũ công chức, người lao động ngày càng đi vào nề nếp.
1.3. Về hoạt động thanh tra, kiểm tra
Hoạt động thanh tra, kiểm tra được xác định là một trong các hoạt động quản lý quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả thi hành án dân sự. Việc kiểm tra được tiến hành thường xuyên, chủ động trên cơ sở xây dựng kế hoạch kiểm tra từ trung ương đến địa phương. Các hoạt động kiểm tra đột xuất và kiểm tra liên ngành cũng được chú trọng thực hiện. Trong nhiệm kỳ 2011 - 2015, Bộ Tư pháp đã tiến hành 19 cuộc kiểm tra toàn diện về công tác thi hành án dân sự, khoảng 100 cuộc kiểm tra chuyên đề về công tác xác minh, phân loại án, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, công tác xét duyệt quyết toán. Đồng thời, Bộ Tư pháp còn tiến hành các cuộc kiểm tra đột xuất về công tác tổ chức cán bộ, công tác thống kê, phân loại án hoặc phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an... tổ chức kiểm tra liên ngành. Thông qua đó, hiệu quả hoạt động kiểm tra được nâng lên, thể hiện là công cụ quản lý quan trọng đối với lĩnh vực thi hành án dân sự.
1.4. Về công tác tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn nghiệp vụ thi hành án dân sự
Từ năm 2011 đến nay, các cơ quan thi hành án dân sự đã chủ động ban hành nhiều văn bản hướng dẫn nghiệp vụ để kịp thời giải đáp những vấn đề còn vướng mắc, khó khăn của cấp cơ sở với tỷ lệ hàng năm luôn đạt trên 94%[5]. Các vụ án kéo dài, khó thi hành đã được hướng dẫn, chỉ đạo để giải quyết dứt điểm làm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động quản lý thi hành án dân sự[6].
1.5. Về giải quyết khiếu nại, tố cáo
Bộ Tư pháp và các cơ quan có trách nhiệm đã giải quyết kịp thời, đúng quy định các đơn thư khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền. Quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo được chấp hành nghiêm từ khâu tiếp công dân đến tiếp nhận và xem xét giải quyết. Đối với các vụ việc khiếu nại phức tạp, kéo dài, lãnh đạo và các cá nhân có thẩm quyền đã chú trọng khâu đối thoại trực tiếp, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người tố cáo, khiếu nại để giải quyết triệt để. Do đó, tình trạng khiếu nại vượt cấp, đông người được hạn chế. Mặc dù số đơn thư khiếu nại, tố cáo của năm 2015 tăng 3.830 đơn (72,33%) nhưng tỷ lệ giải quyết luôn đạt trên 93%[7].
2. Một số điểm còn tồn tại và những nguyên nhân chủ yếu
2.1. Những điểm tồn tại
Về hoạt động ban hành văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh mối quan hệ xã hội trong thi hành án dân sự, trong thời gian qua, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thi hành án dân sự có tính ổn định không cao. Cho đến thời điểm hiện nay, vẫn còn nhiều vấn đề trong Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) đang đòi hỏi phải tiếp tục nghiên cứu, tổng kết và sửa đổi tiếp. Về hoạt động chỉ đạo, điều hành hoạt động quản lý thi hành án dân sự, việc chấp hành chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự đến các Cục Thi hành án dân sự ở địa phương chưa thông suốt, thống nhất, còn có dấu hiệu chưa sâu sát, chưa quyết liệt, “thậm chí qua kiểm tra phát hiện nhiều nơi có dấu hiệu buông lỏng quản lý và đã phải xử lý kỷ luật cả lãnh đạo Cục, Chi cục...”[8]. Công tác tổ chức cán bộ, xây dựng bộ máy thi hành án dân sự hiệu quả chưa cao. Hoạt động tham mưu ở cả cấp Tổng cục và cấp Cục còn hạn chế; kỷ cương, kỷ luật tại một số đơn vị còn chưa nghiêm; số lượng công chức vi phạm bị xử lý kỷ luật còn nhiều như ở Gia Lai, An Giang...; vẫn còn có nơi để xảy ra việc nhũng nhiễu, gây phiền hà cho các bên đương sự, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hình ảnh cán bộ, công chức cũng như hình ảnh của các cơ quan thi hành án dân sự[9]. Công tác thanh tra, kiểm tra, tự kiểm tra trong thời gian qua tuy đã có tiến bộ bước đầu nhưng chưa thực sự phát huy được vai trò là công cụ đắc lực phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành trong nội bộ các cơ quan thi hành án dân sự. Chương trình kiểm tra chưa sát với đối tượng kiểm tra, kiểm tra đôi lúc mang tính hình thức, chưa phát hiện được nhiều sai sót trong quá trình quản lý.
Công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa thực sự có hiệu quả, tiến độ giải quyết đơn thư còn chậm, chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu. Tại một số địa phương, chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cấp cơ sở (Chi cục, Cục) còn thấp dẫn đến số đơn, thư khiếu nại, tố cáo gửi lên cấp Cục, Tổng cục còn nhiều... Số vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm còn nhiều. Bên cạnh đó, nhiều vụ việc đã có sự chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Tư pháp và Tổng cục Thi hành án dân sự, song quá trình giải quyết chưa căn cứ vào sự chỉ đạo đó dẫn đến kéo dài vụ việc và hiệu quả không cao.
2.2. Những nguyên nhân chủ yếu
Thứ nhất, về nguyên nhân chủ quan, do năng lực quản lý của các chủ thể quản lý chưa cao. Kỹ năng quản lý chưa được trau dồi để phù hợp với đối tượng quản lý là thi hành án dân sự - một trong những lĩnh vực đặc thù, khó quản lý. Nhiều trường hợp vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng, gây khó khăn cho đương sự chưa được phát hiện và xử lý dẫn đến gia tăng vi phạm. Công tác quản lý thông qua thanh tra, kiểm tra còn mang tính hình thức. Hơn nữa, cơ chế hậu kiểm, phúc tra việc thực hiện kết luận kiểm tra của các đơn vị được kiểm tra vẫn còn là một khâu yếu, chưa được quan tâm thực hiện. Công tác phối hợp với các đơn vị có liên quan (Tòa án, Viện kiểm sát, công an...), với cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác thi hành án dân sự có lúc, có nơi còn thiếu chủ động, hiệu quả chưa cao mặc dù các văn bản hướng dẫn, quy chế phối hợp liên ngành khá đầy đủ. Một số nơi chưa phát huy tốt vai trò lãnh đạo của cấp ủy.
Thứ hai, về nguyên nhân khách quan, do mặt trái của nền kinh tế thị trường tác động dẫn đến nhiều vụ án và vụ việc dân sự cần thi hành án ngày càng gia tăng cả số việc và số tiền thụ lý[10]. Các cơ quan pháp luật về thi hành án dân sự những năm qua còn đang trong quá trình hoàn thiện vẫn còn thiếu đồng bộ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự năm 2014 mới bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/7/2015, các văn bản hướng dẫn thi hành vẫn đang được tập trung xây dựng chưa được ban hành đầy đủ; một số bộ luật, luật quan trọng liên quan đến công tác thi hành án dân sự như Bộ luật Dân sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Luật Tố tụng hành chính năm 2015 vừa mới được Quốc hội thông qua; các quy định pháp luật liên quan đến cơ chế quản lý sử dụng tiền mặt, kiểm soát tài sản, thu nhập của cá nhân, tổ chức còn chưa được hoàn thiện cũng đã hạn chế đáng kể kết quả thi hành án. Ý thức chấp hành bản án, quyết định của người phải thi hành án chưa cao, phần lớn người phải thi hành án thường tìm cách trì hoãn, kéo dài việc thi hành án, thậm chí có những trường hợp chống đối quyết liệt việc thi hành án, nhưng việc áp dụng chế tài hành chính, hình sự đối với những trường hợp này chưa đủ mạnh.
3. Giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực thi hành án dân sự
Một là, cần chú trọng hoạt động ban hành văn bản quy phạm pháp luật cụ thể hóa các quy định của Luật Thi hành án dân sự năm 2008 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự năm 2014. Tiến hành khẩn trương xây dựng các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành nhất là các thông tư, khắc phục những hạn chế trong quá trình quản lý nhưng thiếu luật và hướng dẫn thực hiện luật.
Hai là, nâng cao năng lực và trình độ của đội ngũ công chức thi hành án dân sự đi đôi với việc xây dựng, kiện toàn đội ngũ công chức bảo đảm cả về số lượng và chất lượng. Muốn vậy, cần chú trọng từ khâu tuyển dụng, bổ nhiệm đến sử dụng cán bộ, đồng thời tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; nâng cao các yêu cầu về đạo đức, ý thức trách nhiệm của đội ngũ công chức thi hành án dân sự cũng như đội ngũ lãnh đạo quản lý và chức danh pháp lý để đội ngũ này nâng cao tinh thần tự rèn luyện. Thực hiện đúng các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức Ngành Tư pháp nói chung và chuẩn mực đạo đức chấp hành viên thi hành án dân sự nói riêng gắn với việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4; đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; tăng cường kỷ luật, kỷ cương; kiên quyết xử lý nghiêm đối với những trường hợp sai phạm để làm trong sạch bộ máy, đẩy mạnh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, phấn đấu xây dựng các cơ quan thi hành án dân sự trong sạch, vững mạnh, toàn diện. Đồng thời, phối hợp tổ chức thực hiện có hiệu quả chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết số 107/2015/QH13 ngày 26/11/2015 của Quốc hội về thực hiện chế định Thừa phát lại, góp phần thực hiện chủ trương xã hội hóa một số nội dung liên quan đến công tác thi hành án theo tinh thần của Nghị quyết số 49-NQ/TW của bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, hướng đến bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích của người dân; giảm tải công việc cho các cơ quan nhà nước, bớt gánh nặng cho ngân sách, góp phần tinh giản biên chế, đội ngũ cán bộ, công chức theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Ba là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để bảo đảm hoạt động thanh tra, kiểm tra là thực chất, công tác kiểm tra, thanh tra phải bảo đảm phục vụ có hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành. Muốn vậy, các chương trình kiểm tra phải được xây dựng khoa học, có trọng tâm, trọng điểm, kiểm soát chặt chẽ hoạt động thi hành án dân sự được tiến hành đúng trình tự, thủ tục, đồng thời, chủ động phát hiện và khắc phục, xử lý kịp thời những sai phạm, thiếu sót ngay từ cơ sở, trong đó đặc biệt chú trọng kiểm tra công tác xác minh, phân loại án, kiểm tra công tác chuyên môn nghiệp vụ, công tác kế hoạch, tài chính... nhất là trong thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ về thi hành án dân sự theo nghị quyết của Quốc hội và thực hiện các quy định về trình tự, thủ tục thi hành án dân sự. Bên cạnh đó, cần chú trọng hình thức thanh tra, kiểm tra đột xuất nhằm kịp thời phát hiện và chấn chỉnh những sai phạm, thiếu sót.
Bốn là, thực hiện tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, trong đó tập trung chỉ đạo sâu sát, quyết liệt đối với những vụ án lớn, những vụ phức tạp, kéo dài; rà soát, tìm hiểu rõ nguyên nhân phát sinh khiếu nại, tố cáo để có biện pháp giải quyết hiệu quả, kịp thời. Định kỳ tổ chức để lãnh đạo đối thoại, tiếp công dân, kịp thời, giải thích cho đương sự hiểu rõ hơn các quy định của pháp luật, góp phần hạn chế thấp nhất tình trạng khiếu nại, tố cáo vượt cấp, kéo dài.
1. Quyết định số 61/2014/QĐ-TTg ngày 30/10/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thi hành án dân sự trực thuộc Bộ Tư pháp.
2. Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 06/12/2012 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/5/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí giai đoạn 2012 - 2016 và Chỉ thị số 01/CT-BTP ngày 11/02/2014 về của Bộ trưởng Bộ Tư pháp tăng cường phòng, chống tiêu cực, tham nhũng trong thi hành án dân sự.
3. Ngày 13/7/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự.
4. Ngày 24/7/2009 về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh.
5. Riêng tại Tổng cục Thi hành án dân sự: Năm 2011 đã ban hành 361 văn bản (94,26%), năm 2012: 316 văn bản (95%), năm 2013: 264 văn bản (96%), năm 2014: 362 văn bản (96,53%), năm 2015: 214 văn bản (95,96%).
6 Như vụ Trần Kia (Bạc Liêu), vụ Nga - Học (Quảng Ngãi), vụ Bạch Ngọc Giáp (Hà Nội), vụ Ngân hàng Thương mại cổ phần Phương Nam (Cần Thơ), vụ Đặng Thị Thông (Bình Định)...
7. Năm 2011: 93,18%, năm 2012: 96,06%, năm 2013: 97,6%, năm 2014: 96,68%, năm 2015: 96,76%.
8. Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2011 - 2015.
9. Như vụ việc tham ô, nhận hối lộ tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Hòa Vang (Đà Nẵng), Chi cục Thi hành án dân sự huyện Châu Thành (Tiền Giang), Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Hội An (Quảng Nam).
10. Năm 2015 tăng 1,55% về việc và 32,43% về tiền so với năm 2014 và cao nhất từ trước đến nay với gần 800.000 việc, số tiền xấp xỉ 126.000 tỷ đồng.