
Bài viết về tình hình, đặc điểm của các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã, đánh giá nguyên nhân và đề xuất một số giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới.
1. Thực trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã
Việt Nam là một trong 16 quốc gia có đa dạng sinh học cao bậc nhất thế giới với hơn 50.000 loài đã được xác định, trong đó có gần 7.500 loài vi sinh vật, 20.000 loài thực vật trên cạn và dưới nước, 10.500 loài động vật trên cạn, 2.000 loài động vật không xương sống và cá nước ngọt và hơn 11.000 loài sinh vật biển[1]. Chính sự đa dạng sinh học là một trong những nguyên nhân dẫn tới các hành vi vi phạm pháp luật, hoạt động tìm kiếm, săn bắt, buôn bán ngày càng tăng. Việt Nam dần trở thành điểm nóng tiêu thụ, trung chuyển động vật hoang dã bất hợp pháp với tang vật vi phạm và số vụ buôn lậu quy mô lớn, gia tăng trong những năm gần đây. Chỉ tính riêng trong năm 2021, lực lượng Cảnh sát môi trường đã phát hiện 1.509 vụ vi phạm liên quan đến khai thác, buôn bán động vật hoang dã; khởi tố 269 vụ với 377 bị can; xử phạt vi phạm hành chính 1.066 vụ với tổng số tiền 10.924,58 tỷ đồng[2].
Qua nghiên cứu thực tiễn từ các vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã cho thấy: (i) Các đối tượng hoạt động tập trung chủ yếu tại các thành phố lớn (Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh), các tỉnh có biên giới tiếp giáp với các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia, có nhiều rừng (Lào Cai, Hà Giang, Sơn La, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, An Giang, Tây Ninh, Đắk Lắk, Bình Phước). Ngoài ra, các loài động vật hoang dã và sản phẩm từ động vật hoang dã còn được buôn lậu, vận chuyển từ Myanmar, Lào, Campuchia, Thái Lan, các nước châu Phi… đưa về Việt Nam. (ii) Tình hình vi phạm pháp luật diễn biến phức tạp, gia tăng ở các cửa khẩu, cảng biển (Hải Phòng, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh) và cảng hàng không quốc tế (Cát Bi, Đà Nẵng, Nội Bài, Tân Sơn Nhất). Các đối tượng hình thành các đường dây, hoạt động có tổ chức và xuyên quốc gia lợi dụng hợp đồng chuyên chở hàng hóa, đặc biệt là hàng đông lạnh để vận chuyển các nhóm hàng như ngà voi, tê tê, vảy tê tê, rùa biển, các sản phẩm chế tác từ ngà voi… (iii) Đối tượng vi phạm pháp luật đa dạng về thành phần, giới tính, dân tộc, bao gồm cả đối tượng người Việt Nam và người nước ngoài. Ở trong nước, tập trung vào số đồng bào dân tộc thiểu số với sự hiểu biết hạn chế về pháp luật mà thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Ngoài ra, các đối tượng người Việt Nam ở trong nước đã cấu kết với các đối tượng người Việt Nam ở nước ngoài hay người nước ngoài, thông qua các hoạt động giao thương quốc tế, tham gia hình thành các đường dây tội phạm, vi phạm pháp luật về buôn bán động vật hoang dã xuyên quốc gia, sử dụng không gian mạng, lợi dụng cơ chế, chính sách, sơ hở, thiếu sót trong quản lý nhà nước về kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế để hoạt động.
2. Những khó khăn, vướng mắc trong xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ động vật hoang dã
Thứ nhất, theo quy định của pháp luật, lực lượng Cảnh sát môi trường chỉ được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra: Khởi tố vụ án, lấy lời khai, khám nghiệm hiện trường, khám xét, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ án, chuyển hồ sơ vụ án cho Cơ quan Cảnh sát điều tra có thẩm quyền trong thời hạn 07 (bảy) ngày, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án. Trong khi đó, quá trình thu thập thông tin, tài liệu để củng cố hồ sơ pháp lý mỗi khi xử lý các vụ việc có dấu hiệu của tội phạm xâm phạm động vật hoang dã rất khó khăn, phức tạp, đòi hỏi cần nhiều thời gian.
Thứ hai, pháp luật hình sự còn có nhiều quy định chưa rõ ràng, tạo nhiều cách hiểu khác nhau, gây khó khăn, lúng túng trong quá trình thực hiện các hoạt động điều tra, cụ thể:
(i) Điều 244 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (Bộ luật Hình sự) sử dụng thuật ngữ “bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống” và khoản 5 Điều 2 Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐTP ngày 05/11/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 234 về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã và Điều 244 về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm của Bộ luật Hình sự đã giải thích “Bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống là những bộ phận thực hiện các chức năng chuyên biệt của cơ thể động vật, ngay khi tách rời những bộ phận này khỏi cơ thể sống của động vật thì động vật đó chết (ví dụ: Đầu, tim, bộ da, bộ xương, buồng gan…)”. Trong thực tế, khi lực lượng Cảnh sát môi trường bắt được các vụ mua bán, vận chuyển vảy tê tê Java, vảy tê tê châu Phi… còn có nhiều ý kiến khác nhau trong việc xác định vảy tê tê có phải là bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hay không. Vì nếu chỉ tách một vài vảy trên cơ thể của động vật thì cá thể đó vẫn sống, nhưng nếu tách rời toàn bộ vảy thì cá thể đó sẽ chết ngay.
(ii) Điều 234 Bộ luật Hình sự quy định, căn cứ vào giá trị của đối tượng tác động để làm dấu hiệu định khung cơ bản truy cứu trách nhiệm hình sự cũng chưa thỏa đáng bởi rất ít trường hợp tang vật là động vật thuộc nhóm IIB hoặc Phụ lục II Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) có giá trị từ 150.000.000 đồng trở lên để đủ cấu thành tội phạm. Thực tế này khiến nhiều vụ vận chuyển, buôn bán, nuôi nhốt động vật hoang dã trái phép bị phát hiện chỉ có thể xử phạt hành chính chứ không đủ yếu tố cấu thành tội phạm để xử lý hình sự, kéo theo hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm này không cao.
Thứ ba, công tác giám định đối với các loài động vật hoang dã bị phát hiện, thu giữ trong các vụ vi phạm còn gặp nhiều khó khăn.
Thực tế cho thấy, động vật hoang dã khi bị lực lượng Cảnh sát môi trường phát hiện đã bị các đối tượng cạo lông, xẻ thịt, đốt cháy một phần, cắt bỏ các bộ phận dễ nhận biết (đầu, đuôi, chân, răng…) để vận chuyển, mua bán làm cho lực lượng Cảnh sát môi trường không thể nhận dạng, kết luận là loài nào mà phải thông qua công tác giám định rất khó khăn, phức tạp, tốn kém, mất thời gian. Khoản 4 Điều 31 Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp quy định: “Cơ quan khoa học CITES Việt Nam là cơ quan giám định mẫu vật CITES”. Tiếp theo đó, điểm d khoản 2 Điều 34 Nghị định số 06/2019/NĐ-CP quy định giám định mẫu vật động vật, thực vật hoang dã thuộc chức năng, nhiệm vụ của Cơ quan khoa học CITES Việt Nam. Như vậy, theo quy định của pháp luật chỉ có Cơ quan khoa học CITES Việt Nam là có tư cách pháp nhân giám định mẫu vật động vật, thực vật hoang dã. Quy định làm cho việc trưng cầu giám định gặp khó khăn về thủ tục, thời gian và tốn kém chi phí.
Thứ tư, khó khăn trong khâu bảo quản tang vật, vận chuyển và chi phí chăm sóc (đối với các cá thể động vật hoang dã còn sống).
Hiện nay, chưa có quy định rõ ràng về việc tang vật là các loài động vật hoang dã còn sống sẽ được chăm sóc, cứu hộ bởi cơ quan nào trước khi có kết luận giám định. Theo Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, vật chứng là động vật hoang dã thì ngay sau khi có kết luận giám định phải giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành có thẩm quyền xử lý theo quy định. Tuy nhiên, “cơ quan quản lý chuyên ngành có thẩm quyền” là cơ quan nào thì chưa được quy định rõ, gây khó khăn trong việc bàn giao, bảo quản vật chứng. Mặt khác, đối với tang vật là động vật đã chết, sản phẩm động vật (da, bộ phận cơ thể…) hiện nay các đơn vị, địa phương chưa có kho đông lạnh để bảo quản nên rất khó khăn cho việc quản lý và thiếu kinh phí nếu đi thuê các đơn vị có kho lạnh bảo quản, vì vậy, lưu giữ sản phẩm này thời gian dài sẽ gây hư hỏng, ô nhiễm[3].
Thứ năm, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng, tổ chức, đường dây tội phạm, vi phạm pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã ngày càng tinh vi, phức tạp cũng gây khó khăn cho lực lượng Cảnh sát môi trường trong quá trình điều tra, xử lý. Các đối tượng vi phạm bằng các phương thức, thủ đoạn khác nhau như tạm nhập tái xuất, để lẫn các loại động vật hoang dã với nhau, vận chuyển kèm với các loại hàng hóa hợp pháp khác, điển hình như: Giấu ngà voi, đồi mồi trong các container chứa các mặt hàng khác như lạc nhân, vỏ ốc, than củi, đỗ… có đặc điểm gần giống, có thể gây nhầm lẫn. Khi được lực lượng Cảnh sát môi trường triệu tập, ghi lời khai, các cá nhân đại diện công ty nhận hàng có tên trong vận đơn đều từ chối nhận hàng và khẳng định hàng hóa bị gửi nhầm hoặc công ty không ký hợp đồng với công ty nước ngoài và không làm thủ tục mở tờ khai hải quan để nhập khẩu lô hàng chứa động vật hoang dã hoặc công ty nhận làm thủ tục tạm nhập, tái xuất cho công ty ở nước ngoài, tại tờ khai hải quan thể hiện hàng hóa tạm nhập tái xuất là hàng hóa được pháp luật cho phép, không biết lô hàng chứa động vật hoang dã, nên lực lượng Cảnh sát môi trường rất khó khăn trong điều tra, xác minh trong thời hạn điều tra theo quy định.
Thứ sáu, sự hợp tác giữa lực lượng Cảnh sát môi trường với các cơ quan chức năng có thẩm quyền trong điều tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật xâm phạm động vật hoang dã chưa thực sự hiệu quả, thiếu chặt chẽ; cơ cấu tổ chức lực lượng Cảnh sát môi trường chưa hoàn thiện, phần lớn chưa thành lập đội Cảnh sát môi trường tại Công an các huyện mà chủ yếu là kiêm nhiệm, trình độ, năng lực, kinh nghiệm trong phát hiện, điều tra ban đầu các tội phạm xâm phạm động vật hoang dã còn nhiều hạn chế, chưa thật sự đáp ứng được yêu cầu công tác, các phương tiện, công cụ hỗ trợ nghiệp vụ, chế độ chính sách…
3. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ động vật hoang dã
Một là, lực lượng Cảnh sát môi trường cần tích cực tham mưu với các cấp ủy đảng, chính quyền và lãnh đạo Công an các đơn vị, địa phương trong triển khai các văn bản pháp luật có liên quan đến công tác bảo vệ động vật hoang dã; phối hợp trong tuyên truyền các quy định của pháp luật đến đông đảo quần chúng nhân dân để các tổ chức, cơ quan, đảng viên trên địa bàn không sử dụng, mua bán động vật hoang dã và các sản phẩm từ chúng; tích cực tố giác đến lực lượng Cảnh sát môi trường cũng như các cơ quan khác về các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ động vật hoang dã.
Hai là, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của mình, lực lượng Cảnh sát môi trường cần rà soát, phát hiện những bất cập trong thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội ở địa phương nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, trong công tác quản lý con người, cán bộ; các sơ hở, thiếu sót của các cơ quan chức năng mà đối tượng thường lợi dụng để thực hiện hành vi tội phạm xâm phạm động vật hoang dã tại các khâu liên quan đến vận chuyển hàng hóa, xuất nhập khẩu, tại các cửa khẩu tại cảng hàng không quốc tế, cảng biển, cửa khẩu đất liền… để sửa những bất cập về các quy định pháp luật liên quan, đồng thời, xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành nhằm nâng cao hiệu quả phòng ngừa, điều tra chống tội phạm vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, có quy chế phối hợp rõ ràng, quy trình điều tra cụ thể giữa cơ quan điều tra, hải quan, biên phòng, kiểm lâm, giám định, Viện kiểm sát....
Ba là, lực lượng Cảnh sát môi trường cần tham mưu với cơ quan chức năng sửa đổi, bổ sung khung pháp lý chặt chẽ nhằm đẩy mạnh các hoạt động điều tra, truy tố các cá nhân, tổ chức đường dây buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp, cụ thể: (i) Quy định rõ cơ quan nhà nước có thẩm quyền giám định chuyên môn đối với những vật chứng nghi là động vật hay sản phẩm của động vật hoang dã. Bổ sung đối tượng có tư cách pháp nhân giám định tư pháp đối với mẫu vật là động vật hoang dã gồm: Tổ chức giám định tư pháp (của mỗi tỉnh/cụm địa phương), cá nhân (người giám định tư pháp theo vụ việc). (ii) Cho phép Cảnh sát môi trường có thẩm quyền xử lý vật chứng là động vật hoang dã nhóm IB hoặc phụ lục I của Công ước CITES khi bị bắt giữ còn sống linh hoạt trong việc cứu hộ, tái thả về nơi cư trú tự nhiên hoặc tiêu hủy nếu phát hiện có mầm bệnh hoặc chuyển giao cho các cơ sở nghiên cứu khoa học, cơ sở nghiên cứu nhân giống, gây nuôi động vật hợp pháp, vường thú… (iii) Nên bổ sung “hành vi tàng trữ, sử dụng động vật hoang dã” vào nhóm đối tượng các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, đặc biệt là các loài nguy cấp, quý, hiếm nhằm hạn chế nhu cầu, thói quen sử dụng động vật hoang dã bất hợp pháp của bộ phận người dân. (iv) Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã (Điều 234 Bộ luật Hình sự) đang được xếp vào nhóm các tội phạm khác xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tuy nhiên, điều này là không phù hợp vì đối tượng phạm tội ở đây cần phải bị xử lý đúng với bản chất hành vi phạm tội thuộc nhóm các tội phạm về môi trường để phù hợp với các công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.
Bốn là, các cơ quan, đơn vị chức năng, Công an các địa phương cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá và thành lập đơn vị Cảnh sát môi trường tại Công an cấp quận, huyện. Trong đó, tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng Cảnh sát môi trường, coi việc xây dựng lực lượng Cảnh sát môi trường trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tổ chức và đạo đức, đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy Cảnh sát môi trường theo hướng “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở” là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng của cấp ủy, mỗi cán bộ, chiến sĩ lực lượng Cảnh sát môi trường. Tập trung hoàn thiện, phân công, phân cấp rõ ràng, rành mạch về chức năng, nhiệm vụ của từng cấp Cảnh sát môi trường, không chia cắt về địa bàn, lãnh thổ, bảo đảm nguyên tắc “Một việc chỉ một đơn vị chủ trì thực hiện” và ưu tiên, bố trí chuyên sâu trong phòng, chống các tội phạm về môi trường. Bên cạnh đó, cán bộ Cảnh sát môi trường khi phát hiện các vụ việc liên quan đến tội phạm xâm phạm động vật hoang dã phải thực hiện nhiệm vụ với tinh thần tích cực, khẩn trương, kiên quyết, thận trọng và bảo đảm đúng quy định của pháp luật trong công tác điều tra.
Năm là, lực lượng Cảnh sát môi trường các cấp cần tổ chức nghiên cứu các đề tài khoa học, chuyên đề về đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm phạm động vật hoang dã; xây dựng hệ thống tài liệu tham khảo (sổ tay) phục vụ công tác phát hiện, điều tra tội phạm xâm phạm động vật hoang dã; thường xuyên chủ trì và tham gia mở những lớp tập huấn, hội nghị chuyên đề, tổng kết, rút kinh nghiệm trong điều tra các tội phạm xâm phạm động vật hoang dã; trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật hiện đại trong công tác phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật xâm phạm động vật hoang dã.
Sáu là, tích cực, chủ động trong công tác phối kết hợp với các lực lượng chuyên ngành khác như Kiểm lâm, Hải quan, Biên phòng, Cơ quan khoa học CITES Việt Nam và các cơ quan chức năng khác có liên quan để trao đổi thông tin nắm bắt tình hình vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường cũng như việc phát hiện tội phạm xâm phạm động vật hoang dã; xây dựng quy chế phối hợp liên ngành trên cơ sở đó phối hợp với Cơ quan điều tra trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án về các tội phạm xâm phạm động vật hoang dã để bảo đảm xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Bảy là, tăng cường ký kết, tham gia tích cực trong hợp tác quốc tế với các quốc gia trong khu vực, nhất là các nước có chung đường biên giới trên đất liền, các nước châu Phi và Mạng lưới giám sát hoạt động buôn bán động vật hoang dã (TRAFFIC) cũng như các tổ chức phi chính phủ trong phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm về môi trường nói chung và xâm phạm động vật hoang dã nói riêng. Ví dụ như: Tham gia các diễn đàn, hội thảo, hội nghị về bảo vệ động vật hoang dã để thảo luận, trao đổi kinh nghiệm cũng như đúc rút các bài học về bảo vệ động vật hoang dã; tranh thủ các nguồn tài trợ quốc tế, đặc biệt là của “Quỹ quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF)” nhằm huy động và tiếp nhận tài chính phục vụ mục đích phòng, chống tội phạm xâm phạm động vật hoang dã.
TS. Đinh Anh Tuấn
Trường Đại học Cảnh sát nhân dân
[1]. https://vnexpress.net/viet-nam-la-mot-trong-16-quoc-gia-da-dang-sinh-hoc-cao-nhat-the-gioi-4379893.html, truy cập ngày 28/7/2023.
[2]. https://tainguyenvamoitruong.vn/viet-nam-la-mot-trong-16-quoc-gia-da-dang-sinh-hoc-cao-nhat-the-gioi-cid1548.html, truy cập ngày 28/7/2023.
[3]. Đoàn khảo sát của Ủy ban tư pháp (2019), Báo cáo số 2031/BC-ĐKS Báo cáo kết quả khảo sát của Ủy ban tư pháp tại các tỉnh Quảng Nam, Quảng Trị và Quảng Bình về tình hình đấu tranh, phòng ngừa vi phạm pháp luật về tội phạm về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm, Hà Nội.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 388), tháng 9/2023)