Thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06), ngày 17/02/2022, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 54/KH-UBND tổ chức triển khai thực hiện trên toàn Thành phố, trong đó xác định 07 quan điểm chỉ đạo lớn, mục tiêu chung và các mục tiêu cụ thể, 05 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, kèm theo đó là danh mục 25 dịch vụ công thiết yếu ưu tiên tích hợp, chia sẻ dữ liệu dân cư phục vụ giải quyết thủ tục hành chính; đồng thời, thành lập Ban Chỉ đạo 06 Thành phố để trực tiếp chỉ đạo triển khai 08 nhóm nhiệm vụ của địa phương; phân công, phân cấp và xác định thời gian, lộ trình, trách nhiệm thực hiện cụ thể đối với từng cơ quan, đơn vị. Ban Chỉ đạo 06 Thành phố đã ban hành Quy chế làm việc và phân công nhiệm vụ cụ thể đối với từng thành viên, thành lập Tổ giúp việc để tham mưu trực tiếp các nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo.
1. Những kết quả nổi bật
Trong 06 tháng triển khai thực hiện, bước đầu, thành phố Hà Nội đã đạt được một số kết quả triển khai các dịch vụ công thiết yếu nổi bật, cụ thể trên các mặt công tác như:
- Hỗ trợ điền thông tin có sẵn trong cơ sở dữ liệu vào biểu mẫu điện tử, thực hiện đối soát với 03 trường thông tin của cá nhân: Họ tên; ngày, tháng, năm sinh; số căn cước công dân/chứng minh nhân dân, từ đó, tự động điền các trường thông tin dữ liệu của công dân trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư;
- Tổ chức tuyên truyền 25 dịch vụ công thiết yếu, phản ánh của người dùng đối với giao diện, eform được cung cấp trên cổng dịch vụ công;
- Quy trình phối hợp nghiệp vụ thực hiện thủ tục liên thông giữa các đơn vị tư pháp, công an, bảo hiểm xã hội được thực hiện tốt trong việc đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 06 tuổi;
- Quy trình phối hợp nghiệp vụ thực hiện thủ tục liên thông trong việc đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hưởng chế độ tử tuất, hỗ trợ chi phi mai táng/hưởng mai táng phí đã kết nối và thử nghiệm kỹ thuật với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư;
- Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa của Thành phố bảo đảm theo quy định và đã thực hiện kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia và các hệ thống chuyên ngành theo đúng quy chuẩn kỹ thuật và đã tiến hành thử nghiệm được bộ Công an đánh giá đủ điều kiện an toàn bảo mật;
- Các bộ phận tham gia Hệ thống thông tin một cửa điện tử của Thành phố đã liên kết với các phần mềm như hộ tịch điện tử, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và phần mềm bưu chính, hệ thống đăng ký khai sinh điện tử có kết nối với Hệ thống thông tin một cửa điện tử của Thành phố và với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư;
- Kết quả của việc đăng ký khai sinh thành công có được lưu trữ và thực hiện dưới cả 02 hình thức là bản giấy, bản điện tử và được tái sử dụng theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp;
- Thành phố đã tiến hành rà soát danh sách cụ thể 1.176 người thôi quốc tịch; 85 người không quốc tịch, chưa rà soát được quốc tịch, người không có giấy tờ chứng minh nhân thân; 1.564 người di cư, trẻ em là con lai giữa công dân Việt Nam và người nước ngoài trên địa bàn Thành phố để rà soát, cập nhật, bổ sung thông tin vào hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo đảm dữ liệu dân cư luôn “đúng, đủ, sạch, sống”.
- Từ ngày 25/4/2022 đến nay, trên toàn Thành phố đã đối chiếu, xác thực, cập nhật, bổ sung thông tin dữ liệu tiêm chủng trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được hơn 700.000 đối tượng bị lỗi về căn cước công dân/chứng minh nhân dân (họ tên, ngày sinh, giới tính… của người tiêm); các đơn vị trên địa bàn Thành phố đã ký xác nhận được hơn 13 triệu mũi tiêm (đạt 74%);
- Về việc triển khai sử dụng thẻ căn cước công dân thay thế thẻ bảo hiểm y tế trong khám, chữa bệnh: Tính đến ngày 06/6/2022, trên địa bàn Thành phố đã có 4,4 triệu người có thẻ bảo hiểm y tế được đồng bộ dữ liệu, có thể sử dụng căn cước công dân để đi khám chữa bệnh; có 447 cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế áp dụng sử dụng căn cước công dân tra cứu khám, chữa bệnh; số lượt sử dụng căn cước công dân tra cứu khám, chữa bệnh là 26.210 lượt.
2. Một số tồn tại
Bên cạnh kết quả đạt được, quá trình triển khai Đề án 06 trên địa bàn Thành phố còn một số tồn tại như sau:
Thứ nhất, việc sử dụng, ứng dụng công nghệ thông tin của một bộ phận người dân còn có hạn chế nhất định nên việc người dân tham gia sử dụng các dịch vụ công còn nhiều bất cập, chưa đồng đều giữa các đơn vị trên địa bàn Thành phố.
Thứ hai, việc kết nối với các cơ sở dữ liệu/Hệ thống dữ liệu của một số bộ, ngành còn vướng mắc do kỹ thuật kết nối chưa đồng bộ dẫn tới việc không thể kết nối hoặc kết nối chưa thực sự thông suốt; một số bộ, ngành có Hệ thống dữ liệu xây dựng từ lâu theo quy chuẩn kết nối cũ nên chưa bảo đảm được yêu cầu về đồng bộ kết nối hoặc chưa có chủ trương kết nối nên việc thực hiện còn gặp khó khăn.
Thứ ba, việc bố trí nhân lực phụ thuộc vào biên chế và vị trí việc làm của từng đơn vị được phê duyệt cũng như các quy định liên quan nên việc bổ sung hoặc điều động biên chế phù hợp còn một số vướng mắc (thiếu chỉ tiêu/việc thực hiện thi tuyển...).
Thứ tư, việc bố trí mua sắm trang thiết bị đặc biệt đối với những thiết bị thực hiện theo quy định về mua sắm tập trung còn bị chậm, chưa kịp thời được điều chỉnh để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.
Thứ năm, hiện nay, Thành phố chưa triển khai được việc thực hiện số hóa đối với hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa của các sở, ban, ngành do Hệ thống thông tin một cửa điện tử của Thành phố chưa có tính năng số hóa theo yêu cầu.
Thứ sáu, một bộ phận công dân sinh năm 2004, 2007 không sử dụng điện thoại hoặc không có điện thoại gây khó khăn cho công tác thu nhận hồ sơ cấp định danh điện tử. Hệ thống máy móc phục vụ Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cấp căn cước công dân, được trang bị từ năm 2019 đến nay đã được cài thêm nhiều phần mềm nhánh gây tình trạng treo máy và xử lý chậm, nhiều máy tính thường xuyên lỗi, hỏng phải chuyển đơn vị chuyên môn sửa chữa và bảo trì.
3. Đề xuất, kiến nghị
Để khắc phục những tồn tại trên và nâng cao kết quả triển khai Đề án 06 Thành phố Hà Nội, tác giả đề xuất, kiến nghị một số nội dung cụ thể như sau:
Thứ nhất, về việc ban hành các văn bản, hướng dẫn:
- Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành cần ban hành văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện chuẩn hóa danh mục tài liệu, quy trình và mã số của giấy tờ số hóa để chia sẻ giữa Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính và các hệ thống thông tin khác;
- Bộ Nội vụ ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn về việc thực hiện lưu trữ tài liệu điện tử của các cơ quan nhà nước trong Đề án 468 của Thủ tướng Chính phủ làm cơ sở các địa phương thực hiện;
- Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Tài chính ban hành quy định và hướng dẫn các nội dung chi cho hoạt động hướng dẫn tiếp nhận, số hóa hồ sơ, giấy tờ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính do doanh nghiệp bưu chính công ích thực hiện; nghiên cứu, ban hành chính sách hỗ trợ giảm chi phí cấp và duy trì hoạt động của chứng thư số, đặc biệt là giải pháp ký số từ xa qua thiết bị di động (Smart CA) để đẩy mạnh việc đăng ký, sử dụng chữ ký số cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Thứ hai, về việc triển khai 25 dịch vụ công thiết yếu:
- Đối với 03 dịch vụ công là đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn, đăng ký khai tử, đề nghị Bộ Công an, Bộ Tư pháp thống nhất danh mục 02 trường dữ liệu dân tộc và quốc tịch để khai thác được 09 trường dữ liệu thay vì chỉ khai thác được 07 trường dữ liệu như hiện tại; trao đổi thống nhất về danh mục các dân tộc. Đề nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu, để mặc định dân tộc Kinh, quốc tịch Việt Nam, trường hợp công dân thuộc dân tộc, quốc tịch khác, công dân có thể lựa chọn trong danh mục sẵn có.
- Bộ Y tế chỉ đạo kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu chứng sinh, báo tử, sức khỏe với cơ sở dữ liệu hộ tịch, dân cư, bảo hiểm xã hội, lao động - thương binh và xã hội. Chỉ đạo các cơ sở y tế, cơ sở khám, chữa bệnh, bệnh viện ký số giấy chứng sinh, gấy báo tử, giấy khám sức khỏe bản điện tử gửi vào tài khoản giao dịch điện tử, kho quản lý dữ liệu điện tử, thư điện tử của công dân.
Thứ ba, về 11 dịch vụ công của Ngành Công an:
- Trong lĩnh vực quản lý hành chính về trật tự xã hội: Bộ Công an cần ban hành quy trình điện tử trong lĩnh vực cấp căn cước công dân; nghiên cứu, sửa đổi theo hướng đơn giản hóa các giấy tờ thủ tục, phù hợp với tình hình triển khai các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 hiện nay;
- Đối với công tác đăng ký, quản lý cư trú và làm sạch thông tin dân cư: Nghiên cứu hoàn thiện các chức năng thống kê báo cáo; khắc phục tình trạng hồ sơ dịch vụ công bị ẩn; ban hành hướng dẫn cụ thể về thủ tục khai báo thông tin nơi ở hiện tại trên phân hệ Nhóm chức năng quản lý tạm trú; bố cục lại giao diện chức năng thống kê, báo cáo khoa học, để lựa chọn theo nhóm, không hiển thị tất cả như hiện nay nếu không tìm kiếm theo mã báo cáo; nghiên cứu giải pháp chia hộ nhân khẩu theo tài khoản cảnh sát khu vực; khắc phục tình trạng công dân nộp hồ sơ ghép phải thực hiện nhiều lần thủ tục đăng ký;
- Đối với công tác cấp căn cước công dân và định danh điện tử: Ban hành các văn bản hướng dẫn giải quyết vướng mắc trong công tác cấp căn cước công dân; bổ sung thêm chức năng thống kê, báo cáo về công tác cấp định danh điện tử trên phần mềm quản lý và khai thác dữ liệu hồ sơ hoàn chỉnh thuộc hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; hoàn thiện phần mềm đối với giao diện dành cho công dân đăng ký và cán bộ xử lý trong đăng ký và giải quyết hồ sơ trên cổng dịch vụ công trực tuyến;
- Trong lĩnh vực đăng ký xe: Cập nhật để dữ liệu thông tin các trường như nhãn hiệu, số loại, loại xe, số máy, số khung, tên chủ phương tiện, địa chỉ phường, xã, số căn cước công dân, số điện thoại chủ xe trên tờ khai điện tử để bấm biển tạo điều kiện rút ngắn thời gian và tránh sai sót trong quá trình thao tác bấm biển trên hệ thống; nâng cấp Cổng dịch vụ công quốc gia để người dân có thể chỉnh sửa được những trường thông tin khai báo chưa đúng; hoàn thiện phần mềm cấp giấy phép còi đèn ưu tiên để sử dụng; khắc phục các lỗi trên tờ khai đăng ký xe trực tuyến; triển khai thực hiện ký số trên phần mềm và thu lệ phí trên Cổng dịch vụ công quốc gia; thống nhất cách nhập số khung, số máy; bổ sung dữ liệu đăng kiểm, thuế, hải quan trên cổng dịch vụ công; hướng dẫn về việc chuyển kết quả thu thập được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ từ máy tính của hệ thống giám sát sang máy tính có kết nối mạng WAN của Bộ Công an để bảo đảm an toàn thông tin theo quy định của ngành; cập nhật các trường thông tin để nhập toàn bộ dữ liệu trên “file EXCEL mẫu”; cập nhập các hành vi vi phạm trong hệ thống vào “file EXCEL mẫu”; bổ sung nhận diện định dạng ngày giờ tự động, linh hoạt trong việc tải file EXCEL.
Thứ tư, Bộ Y tế cần hướng dẫn, chỉ đạo các bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc kết nối, cung cấp dữ liệu khám sức khỏe vào Cơ sở dữ liệu của Bộ và chia sẻ dữ liệu với Bộ Giao thông vận tải để thực hiện hiệu quả thủ tục “Đổi giấy phép lái xe do Ngành Giao thông vận tải cấp”; hướng dẫn, chỉ đạo các bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh số hóa, cung cấp dữ liệu về giấy chứng sinh hoặc thực hiện “chứng sinh điện tử”, kết nối với cơ sở dữ liệu hộ tịch hoặc kết nối dữ liệu với Cổng dịch vụ công quốc gia/Cổng dịch vụ công các địa phương để thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh được thuận tiện.
Sở Tư pháp Thành phố Hà Nội