1. Nhận diện hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động
Theo quy định pháp luật hiện hành tại Việt Nam, việc người lao động phải tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là yêu cầu bắt buộc đối với mỗi người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên. Đồng thời, khoản 1 Điều 168 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định, người sử dụng lao động, người lao động phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; người lao động được hưởng các chế độ theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp. Như vậy, các đơn vị có sử dụng lao động buộc phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp theo quy định.
Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội (Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014) nhằm bảo đảm ổn định đời sống cho họ và an toàn xã hội.
Bảo hiểm y tế là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng đối với các đối tượng theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế hiện hành để chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận do Nhà nước tổ chức thực hiện.
Bảo hiểm thất nghiệp được hiểu là khoản hỗ trợ tài chính tạm thời để trợ giúp kịp thời cho những người thất nghiệp trong thời gian chưa tìm được việc làm và tạo cơ hội cho họ học nghề, tìm kiếm công việc mới. Dưới góc độ pháp lý, chế độ bảo hiểm thất nghiệp là tổng thể các quy phạm pháp luật quy định việc đóng góp và sử dụng quỹ bảo hiểm thất nghiệp, chi trả trợ cấp thất nghiệp để bù đắp thu nhập cho người lao động bị mất việc làm và thực hiện các biện pháp đưa người thất nghiệp trở lại làm việc.
Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (Bộ luật Hình sự năm 2015) đã hình sự hóa những hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm và quy định cụ thể tại Mục 1. Các tội phạm trong lĩnh vực thuế, tài chính, ngân hàng, bao gồm 04 điều luật quy định các tội danh là Tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm (Điều 213); Tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp (Điều 214); Tội gian lận bảo hiểm y tế (Điều 215); Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động (Điều 216).
Theo Điều 216 Bộ luật Hình sự năm 2015, người nào có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 06 tháng trở lên thuộc một trong những trường hợp sau đây, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm: Trốn đóng bảo hiểm từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng; trốn đóng bảo hiểm cho từ 10 người đến dưới 50 người lao động.
Điều 2 Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP ngày 15/8/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 214 về Tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, Điều 215 về Tội gian lận bảo hiểm y tế và Điều 216 về Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động của Bộ luật Hình sự (Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP) hướng dẫn về một số thuật ngữ được sử dụng trong quy định về Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp như sau: (i) Trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là hành vi của người sử dụng lao động có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc đóng không đầy đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động thuộc đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. (ii) Gian dối để không đóng, không đóng đầy đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là trường hợp cố ý không kê khai hoặc kê khai không đúng thực tế việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp với cơ quan có thẩm quyền. (iii) Không đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là trường hợp người sử dụng lao động không gửi hồ sơ đăng ký đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động hoặc có gửi hồ sơ và đã xác định rõ, đầy đủ số người phải đóng hoặc các khoản phải đóng, lập chứng từ, hồ sơ quyết toán lương cho người lao động, thu nhập doanh nghiệp, nhưng không đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho cơ quan bảo hiểm xã hội theo quy định. (iv) Không đóng đầy đủ tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là việc người sử dụng lao động đã xác định rõ, đầy đủ số người phải đóng hoặc các khoản phải đóng, lập chứng từ, hồ sơ quyết toán lương cho người lao động, thu nhập doanh nghiệp nhưng chỉ đóng một phần tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho cơ quan bảo hiểm xã hội theo quy định.
Như vậy, Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động là hành vi cố ý của các chủ thể tham gia vào quan hệ bảo hiểm, nhằm trốn đóng hoặc đóng không đầy đủ mức đóng bảo hiểm theo quy định làm thâm hụt về quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp gây rối loạn trong lĩnh vực bảo hiểm.
Theo Báo cáo của lực lượng Cảnh sát kinh tế, trong thời gian từ năm 2018 đến nay, lực lượng Cảnh sát kinh tế đã phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội các cấp tiến hành 835 cuộc thanh tra, kiểm tra, xác minh liên ngành tại 3.308 đơn vị (trong đó, có 3.148 đơn vị sử dụng lao động và 160 cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế); phối hợp xác minh làm rõ 270 hồ sơ, vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật với những vi phạm chủ yếu như: Gian lận trong kinh doanh bảo hiểm; gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động; trục lợi tiền bảo hiểm y tế tại các cơ sở khám, chữa bệnh; thông đồng với người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm để giải quyết bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật… Trên cơ sở đó, đã khởi tố 13 vụ án trong lĩnh vực bảo hiểm với 17 bị can; đề nghị xử lý vi phạm hành chính 185 đối tượng, 24 pháp nhân, qua đó góp phần truy thu hơn 60 tỷ đồng cho Nhà nước. Tuy nhiên, từ ngày 01/01/2018 đến nay, trên địa bàn cả nước chưa có vụ án nào về Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động được cơ quan điều tra khởi tố, điều tra, mặc dù tính đến tháng 8/2022, bảo hiểm xã hội các cấp đã có tổng số 353 kiến nghị khởi tố gửi Cơ quan điều tra về Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động ở nhiều doanh nghiệp, tổ chức. Kết quả là trong 353 kiến nghị khởi tố của bảo hiểm xã hội, Cơ quan điều tra các cấp đã xác minh: Ra quyết định không khởi tố với 173 kiến nghị khởi tố của Cơ quan bảo hiểm xã hội các cấp; không thụ lý giải quyết 56 vụ; đang trong thời gian giải quyết 122 vụ và tạm đình chỉ giải quyết kiến nghị 02 vụ.
Bên cạnh mặt tích cực của lĩnh vực bảo hiểm, tình trạng trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm, làm giả hồ sơ để trục lợi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… diễn ra dưới nhiều hình thức, nhiều mức độ khác nhau và có chiều hướng ngày càng gia tăng với diễn biến ngày càng phức tạp ảnh hưởng lớn đến quyền lợi người lao động, người bệnh, ảnh hưởng đến uy tín của Nhà nước, của ngành Bảo hiểm, ảnh hưởng đến chính sách nhân văn của Nhà nước ta. Đối với Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, thủ đoạn chủ yếu của một số doanh nghiệp là lập và sử dụng hai hệ thống thang, bảng lương khác nhau. Một hệ thống lương dùng để chi trả lương thực tế cho người lao động; một hệ thống lương khác, chỉ bằng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu vùng đã được doanh nghiệp dùng để đăng ký tham gia và làm cơ sở tính mức đóng bảo hiểm xã hội. Với thủ đoạn này, các doanh nghiệp đã trốn đóng một khoản chênh lệch không nhỏ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.
Lợi dụng cơ chế, chính sách bảo hiểm xã hội còn có “kẽ hở”, quy định mức phạt lãi suất chậm đóng bảo hiểm xã hội và mức phạt tối đa đối với hành vi chậm đóng bảo hiểm xã hội thấp nên nhiều doanh nghiệp đã cố tình chây ỳ, trốn đóng hoặc chiếm dụng tiền bảo hiểm xã hội của người lao động, sử dụng số tiền đó để đầu tư trở lại sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, doanh nghiệp, người sử dụng lao động ký liên tiếp chuỗi hợp đồng theo thời vụ hoặc chuỗi hợp đồng lao động có thời hạn dưới 03 tháng, kéo dài thời gian thử việc... để không phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
2. Vướng mắc trong xử lý hành vi vi phạm và tội phạm trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động
Thứ nhất, hướng dẫn tại Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP đã phần nào giải quyết được những khó khăn, vướng mắc mà cơ quan nhà nước đang gặp phải như: Thế nào là “gian dối”, “thủ đoạn khác”, “không đóng”, “không đóng đầy đủ”, “trốn đóng”; 06 tháng trở lên là phải liên tục hay cộng dồn hay cả hai và liên quan đến vấn đề chỉ bị xử lý hình sự khi đã xử phạt vi phạm hành chính… Tuy nhiên, việc xác định những hành vi trên vẫn còn những vướng mắc nhất định, bởi thực tế cho thấy, khi một tổ chức, cá nhân nợ bảo hiểm xã hội, việc phân biệt có sự “gian dối” hay không (hay đơn thuần là nợ vì khó khăn khách quan) không dễ để có thể xác định; việc xử lý hình sự các doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội đến nay chưa được thực hiện do việc thu thập hồ sơ, tài liệu xác định tội danh hình sự về trốn đóng bảo hiểm xã hội gặp nhiều khó khăn như: Báo cáo tài chính của đơn vị chưa sát đúng với thực trạng hoạt động của đơn vị, đơn vị không phối hợp cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu...
Bên cạnh đó, Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động là tội danh mới được đưa vào Bộ luật Hình sự năm 2015 nên chưa có án lệ; mặt khác, yếu tố chủ quan của Điều 216 quy định chủ thể tội phạm phải “gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác” để trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế. Để gỡ vướng cho cách hiểu còn khác nhau trong tiếp nhận và xử lý tội danh trên, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP, trong đó, xác định cụ thể các hành vi gian dối. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng cho thấy, vướng mắc chủ yếu là việc xác định “thủ đoạn khác”, trường hợp “chậm đóng bảo hiểm xã hội” vì lý do khách quan, hay việc áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội theo Điều 13 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2021 (Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015), do đó, kết quả cho thấy, có rất nhiều vụ việc mà Cơ quan điều tra ra quyết định không khởi tố.
Thứ hai, từ kết quả xác minh điều tra của Cơ quan điều tra đối với 353 kiến nghị khởi tố của các cơ quan bảo hiểm xã hội các cấp trong thời gian qua cho thấy, việc xử lý hình sự đối với các hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế cho người lao động của cơ quan chức năng chưa thực sự hiệu quả và chưa đủ tính răn đe. Từ đó, dẫn đến tổng số dư nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế trên cả nước ngày càng tăng, từ 12.000 tỷ đồng (năm 2020) tăng lên 16.000 tỷ đồng (năm 2022). Việc dư nợ bảo hiểm xã hội lớn sẽ gây ra những hậu quả khó lường đối với quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế như: Người lao động không được bảo hiểm xã hội chi trả các chế độ ốm đau, thai sản, hưu trí, tử tuất; không nhận được trợ cấp thất nghiệp... ảnh hưởng đến số tháng, số tiền hưởng các gói hỗ trợ của Chính phủ (như các chính sách hỗ trợ tại Nghị quyết số 68/2021/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Nghị quyết số 116/2021/NQ-CP ngày 24/9/2021 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp, Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động); ảnh hưởng đến việc sử dụng và điều tiết quỹ bảo hiểm xã hội chung của cơ quan bảo hiểm xã hội.
Thứ ba, đối với hành vi trốn đóng bảo hiểm, các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo hiểm chỉ xử phạt các công ty là pháp nhân, do đó, người đại diện theo pháp luật không bị coi là bị xử lý hành chính nên rất khó xử lý hình sự đối với người đại diện theo pháp luật của các công ty trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bởi vì họ chưa từng bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi này. Do vậy, tình trạng trốn đóng bảo hiểm hiện nay vẫn còn diễn ra phổ biến, gây thất thu lớn cho ngân sách nhà nước.
Thứ tư, bảo hiểm là lĩnh vực rộng, liên quan đến hoạt động của nhiều doanh nghiệp và người lao động, nhiều ngành khác nhau, dẫn đến việc khó kiểm tra, kiểm soát các hành vi vi phạm tại các đơn vị sử dụng lao động. Trên thực tế, cơ quan bảo hiểm xã hội cũng chưa có số liệu thống kê chính xác số lượng doanh nghiệp có sử dụng lao động thuộc đối tượng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; số liệu thống kê về số lượng doanh nghiệp đang hoạt động còn có sự khác nhau giữa các cơ quan quản lý (cơ quan thuế, cơ quan đăng ký và quản lý thành lập doanh nghiệp...); cơ quan bảo hiểm xã hội chỉ kiểm soát được các doanh nghiệp tự giác khai báo lao động tham gia bảo hiểm xã hội.
Thứ năm, thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, việc khởi kiện doanh nghiệp sử dụng lao động vi phạm về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là do tổ chức công đoàn thực hiện. Tuy nhiên, hiện nay, chưa có văn bản hướng dẫn về quy trình, thủ tục thực hiện. Ngoài ra, để khởi kiện được doanh nghiệp sử dụng lao động vi phạm thì phải được sự đồng ý của toàn bộ người lao động trong doanh nghiệp đó, trong khi người lao động vì nhiều lý do khác nhau (như sợ mất việc làm) nên không đề nghị khởi kiện đối với doanh nghiệp.
Thứ sáu, kể từ khi Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực pháp luật, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP, các cơ quan, đơn vị hữu quan đã tổ chức nhiều hội thảo khoa học với sự tham gia của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Cơ quan điều tra các cấp, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để đánh giá tình hình hoạt động của lĩnh vực bảo hiểm, kết quả phối hợp, đấu tranh với các vi phạm trong lĩnh vực này. Giữa Cơ quan điều tra, Cơ quan bảo hiểm xã hội, Cơ quan thanh tra và các lực lượng chức năng khác trong phòng ngừa, điều tra, xử lý các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo hiểm đã triển khai các hình thức phối hợp nhất định, nhất là trong kiến nghị xử lý những vi phạm nguy hiểm, có tính chất, mức độ đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, công tác phát hiện, điều tra, truy tố và xét xử của các cơ quan thực thi pháp luật đối với các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động vẫn đang còn gặp nhiều khó khăn, nhất là xử lý hình sự. Điều này xâm phạm quyền lợi chính đáng của người lao động, ảnh hưởng đến an ninh trật tự và môi trường kinh doanh.
3. Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác xử lý hành vi vi phạm và tội phạm trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động
Thứ nhất, hoàn thiện chính sách pháp luật trong xử lý hình sự đối với Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Trước mắt, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cần có văn bản hướng dẫn cụ thể về 04 yếu tố cấu thành của Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo Điều 216 Bộ luật Hình sự năm 2015, trong đó, cụ thể hóa, làm rõ hành vi “gian dối” hoặc bằng “thủ đoạn khác” để “không đóng” hoặc “không đóng đầy đủ” là như thế nào. Ngoài ra, về lâu dài, cần đưa hành vi chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế cho người lao động trong khi đã trích lập tiền lương của người lao động vào Điều 216 Bộ luật Hình sự năm 2015 để nâng cao hiệu quả tính răn đe. Hiện nay, nền kinh tế Việt Nam đang vận hành theo nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xu hướng cổ phần hóa doanh nghiệp đang diễn ra nhanh chóng, Nhà nước dần không nắm cổ phần chi phối tại các tập đoàn lớn, vì vậy, để bảo đảm quyền lợi của người lao động thì cần tăng khung hình phạt của Điều 216 lên mức nghiêm trọng, rất nghiêm trọng; mức độ hoàn thành của tội phạm lên sớm hơn như về thời gian trốn đóng, mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.
Thứ hai, cần quy định rõ hơn về hình thức phạt tiền tại Điều 38 Nghị định số 28/2020/NĐ-CP ngày 01/3/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, cụ thể, ngoài phạt tiền đối với tổ chức vi phạm, cần quy định rõ việc đồng thời phạt tiền đối với người đứng đầu hoặc người đại diện theo pháp luật của tổ chức đó ở mức độ phù hợp để gắn với trách nhiệm của cá nhân trong việc chấp hành pháp luật, tạo hành lang pháp lý làm căn cứ để xem xét trách nhiệm hình sự đối với cá nhân khi thỏa mãn cấu thành tội phạm quy định tại khoản 1 Điều 216 Bộ luật Hình sự năm 2015 về dấu hiệu “… đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn vi phạm…”.
Thứ ba, phát huy vai trò của các tổ chức, đoàn thể trong cơ quan, doanh nghiệp, đặc biệt, cần phát huy vai trò của tổ chức công đoàn trong bảo vệ quyền lợi của người lao động và thực hiện tố giác tội phạm đối với hành vi trốn đóng bảo hiểm của cơ quan, tổ chức. Trên thực tế, đã có văn bản hướng dẫn về việc tổ chức công đoàn có vai trò trong việc khởi kiện, bảo vệ quyền lợi của người lao động trong việc người sử dụng lao động chậm nộp, trốn nộp bảo hiểm cho người lao động, tuy nhiên, dưới góc độ tố tụng hình sự, tổ chức công đoàn và người lao động chưa phát huy hết hiệu quả trong việc tố giác tội phạm, vì vậy, cần tăng cường phát huy vai trò của các lực lượng này trong thời gian tới.
Thứ tư, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả quy chế phối hợp giữa Cơ quan điều tra và Cơ quan bảo hiểm xã hội các cấp trong việc kịp thời trao đổi thông tin, thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, hỗ trợ xác minh. Nhanh chóng xác minh, điều tra làm rõ, kịp thời xử lý nghiêm những hành vi vi phạm, thu hồi triệt để tài sản thiệt hại để bảo đảm tính hiệu quả của chính sách, pháp luật; kết hợp với việc tuyên truyền về công tác xử lý các vụ việc, vi phạm điển hình để người sử dụng lao động và người lao động nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Bên cạnh đó, cần tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa Cơ quan điều tra với Cơ quan thanh tra bảo hiểm xã hội nhằm góp phần nâng cao hiệu quả phân loại nguồn tin ban đầu, sớm phân loại và xác định vụ việc có dấu hiệu tội phạm để tập trung xác minh giải quyết, nâng cao vai trò của Cơ quan thanh tra bảo hiểm xã hội trong thực hiện các nhiệm vụ cụ thể.
Thứ năm, đẩy mạnh hoạt động tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và hoạt động điều tra trong xử lý các vi phạm và tội phạm trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế cho người lao động. Đồng thời, tăng cường công tác điều tra, xử lý đối với Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo Điều 216 Bộ luật Hình sự năm 2015. Đây là một tội danh mới, việc điều tra, xử lý đối với loại tội phạm này trên thực tế còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Vì vậy, trong thời gian tới, các cơ quan tư pháp tại địa phương cần có giải pháp tháo gỡ vướng mắc, định hướng điều tra, giải quyết vụ án cụ thể làm căn cứ điển hình, nhân rộng đến các địa phương khác.
Thứ sáu, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền đối với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người lao động, trong đó, tập trung tuyên truyền quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; trách nhiệm và quyền lợi khi đóng bảo hiểm xã hội; phương thức, thủ đoạn cũng như hậu quả, tác hại của việc trốn đóng bảo hiểm xã hội…; đồng thời kết hợp với việc thống kê thông báo rộng rãi đối với các đơn vị chậm nộp bảo hiểm xã hội để đạt được hiệu quả “kép” trong hoạt động tuyên truyền./.
TS. Ngô Phan Nhân
Trường Đại học Cảnh sát nhân dân
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 2 (Số 403), tháng 4/2024)