Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Văn Cương khẳng định, kỹ năng nghiên cứu khoa học thực sự cần thiết đối với mỗi cán bộ, công chức, phục vụ đắc lực cho công tác tham mưu, hoạch định chính sách của cơ quan, đơn vị. Vì vậy, các đoàn viên, thanh niên Bộ Tư pháp cần nhận thức đầy đủ, toàn diện các kỹ năng, vượt qua mọi khó khăn, giữ ngọn lửa đam mê nghiên cứu khoa học, coi đó là tiền đề, hành trang, đóng vào sự phát triển bền vững của Bộ, ngành.
Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp Hồ Quang Huy cũng cho rằng, kỹ năng nghiên cứu khoa học và xử lý thông tin báo chí của đoàn viên, thanh niên Bộ còn chưa được toàn diện, vì vậy, cần được trau dồi, học hỏi thêm. Trong thời gian tới, song song với các hoạt động phong trào, Đoàn sẽ chú trọng hơn tới việc thực hiện chuyên môn nghiệp vụ gắn với nhiệm vụ của Bộ, ngành.
Chia sẻ phương pháp và kinh nghiệm trong nghiên cứu khoa học
Hội thảo được tiếp diễn với những chia sẻ kinh nghiệm quý báu của GS.TS. Lê Hồng Hạnh, như về cách hiểu khái niệm “nghiên cứu khoa học” sao cho đúng, đủ. Theo Giáo sư, không nên coi nghiên cứu khoa học là cái gì đó quá cao siêu, mà thực chất đó chính là tìm kiếm câu trả lời cho những những lĩnh vực của mình, khoa học ở ngay trong đời sống mỗi người, khoa học chính là cuộc sống..
Ngay sau đó là phần trình bày tham luận liên quan đến phương pháp và kinh nghiệm nghiên cứu khoa học của các đại biểu tham dự trên một số khía cạnh như:
- Tổ chức thực hiện có hiệu quả một nhiệm vụ khoa học: Thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học là một quá trình có nhiều bước, mỗi bước đòi hỏi những kỹ năng, phương pháp luận và kinh nghiệm khác nhau. Các bước trong việc thực hiện một nhiệm vụ khoa học không độc lập, tách rời mà có mối quan hệ qua lại, gồm: Hình thành ý tưởng của nhiệm vụ khoa học; Lựa chọn hình thức thực hiện nhiệm vụ khoa học; Tổ chức triển khai hoạt động nghiên cứu; Viết báo cáo tổng hợp và nghiệm thu kết quả nghiên cứu; Công bố kết quả nghiên cứu và chuyển giao kết quả nghiên cứu…
- Tìm kiếm, xử lý tài liệu: Trong nghiên cứu khoa học pháp lý, có một số phương pháp thường được sử dụng để thu thập thông tin là: Phương pháp nghiên cứu tài liệu, phương pháp sử dụng chuyên gia và phương pháp điều tra xã hội học. Tuy nhiên, muốn tìm kiếm tài liệu một cách hiệu quả, hữu ích nhất thì cần phải tìm kiếm một cách chuyên nghiệp tức là có sử dụng những kỹ năng cần thiết trong tìm kiếm tài liệu…
- Xây dựng báo cáo khoa học: Hoạt động xây dựng báo cáo khoa học là một trong những hoạt động quan trọng bậc nhất nằm trong quy trình tổ chức một nhiệm vụ nghiên cứu khoa học. Hoạt động xây dựng báo cáo khoa học thường trải qua 04 bước cơ bản: Chuẩn bị dữ liệu, tài liệu cho việc xây dựng báo cáo khoa học; Xây dựng đề cương báo cáo kết quả nghiên cứu; Viết báo cáo kết quả nghiên cứu; Trao đổi, góp ý, hoàn thiện báo cáo kết quả nghiên cứu…
- Thuyết trình một công trình nghiên cứu khoa học: Khi đi vào thuyết trình, cần chú ý một số nội dung như: Hiểu người nghe là ai và tạo lập được những mối quan hệ thân thiện với người nghe; sử dụng ngôn từ thích hợp và ngôn ngữ cơ thể; âm điệu giọng nói thuyết phục; yếu tố hài hước; sử dụng kết hợp các phương tiện biểu đạt khác…
Chia sẻ kỹ năng tìm kiếm và xử lý thông tin báo chí
Trao đổi về vấn đề này, TS. Vũ Anh Tuấn - Học viện Ngoại giao đã có những chia sẻ rất bổ ích trong việc tìm kiếm tài liệu, theo đó, chúng ta có thể tìm kiếm các thông tin học thuật ở các website của các trường đại học, website của các trường nghiên cứu, các nhà xuất bản, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Đồng chí cũng cho biết, hiện nay, Việt Nam có khoảng 982 cơ quan báo chí được cấp phép hoạt động, vì vậy, việc tìm kiếm và xử lý thông tin cần phải rất cẩn trọng giữa nguồn tin từ báo chí chính thống và không chính thống. Ngoài ra, vấn đề khủng hoảng truyền thông luôn đe dọa sự ổn định hay danh tiếng của một cá nhân, tổ chức nào đó, vì vậy, việc nhận diên, xử lý khủng hoảng truyền thông cần phải trở thành một kỹ năng…
Bên cạnh đó, Hội thảo cũng ghi nhận những ý kiến, quan điểm khác của một số đại biểu tham dự…