Toàn cảnh Hội nghị.
Tham dự Hội nghị, về phía khách mời có đồng chí Phan Thị Hiên, Phó Vụ trưởng Vụ Dân vận các cơ quan nhà nước, Ban Dân vận Trung ương; đồng chí Lê Chí Hướng, Ủy viên Ban Chấp hành, Phó trưởng Ban Tổ chức Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương; đồng chí Trần Thị Kim Anh, Phó Chủ tịch Công đoàn Viên chức Việt Nam cùng đại diện các cơ quan, tổ chức: Bộ Nội vụ, Cục An ninh chính trị nội bộ (A03) - Bộ Công an, Ban Chính sách pháp luật và quan hệ lao động Công đoàn Viên chức Việt Nam.
Về phía Bộ Tư pháp có đồng chí Nguyễn Khánh Ngọc, Phó Bí thư Ban Cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; đồng chí Mai Lương Khôi, Ủy viên Ban Cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; đồng chí Nguyễn Thanh Tịnh, Ủy viên Ban Cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; đồng chí Khương Thị Thanh Huyền, Chủ tịch Công đoàn Bộ Tư pháp và gần 400 đại biểu là đại diện cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động các đơn vị thuộc Bộ.
Báo cáo kết quả tại Hội nghị, năm 2024, cùng với sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, toàn ngành Tư pháp đã đoàn kết, trách nhiệm, nỗ lực vượt qua những khó khăn, tập trung triển khai toàn diện, kịp thời, hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần quan trọng vào các thành tựu chung về phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; cải cách tư pháp; xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Đồng chí Khương Thị Thanh Huyền Chủ tịch Công đoàn Bộ Tư pháp phát biểu tại Hội nghị.
Đối với công tác xây dựng, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật, đây là lĩnh vực được Bộ, ngành Tư pháp xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu và dành nhiều thời gian, nguồn lực để tham mưu, cụ thể hóa các chủ trương, định hướng của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội, sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tham gia có trách nhiệm vào giải quyết các vấn đề khó khăn, phức tạp phát sinh, góp phần tháo gỡ vướng mắc kìm hãm sự phát triển, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Bộ Tư pháp đã kịp thời nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan có liên quan đề xuất các giải pháp đổi mới công tác xây dựng pháp luật theo tinh thần chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nhất là tập trung triển khai chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về “đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển, dứt khoát từ bỏ tư duy không quản được thì cấm”; tham mưu Chính phủ tiếp tục dành nhiều thời gian để thảo luận, bàn về công tác pháp luật tại các Phiên họp Chính phủ thường kỳ và 11 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật; tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội thông qua 03 luật, 01 nghị quyết; trình Chính phủ ban hành 06 nghị định; tiếp tục nghiên cứu xây dựng 05 luật để tham mưu Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại các kỳ họp tiếp theo.
Về công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật và pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, bám sát thực tiễn và gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, góp phần bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, khả thi, minh bạch, dễ tiếp cận của hệ thống pháp luật, tạo thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc áp dụng và thực hiện pháp luật. Đặc biệt, Bộ Tư pháp đã tham mưu triển khai hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo rà soát và tổ chức thực hiện việc xử lý vướng mắc trong hệ thống pháp luật (trước đây là Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật) nhằm khẩn trương rà soát, xử lý các vướng mắc, bất cập trong các quy định pháp luật để tháo gỡ kịp thời những vướng mắc phát sinh trong thực tiễn, cản trở sự phát triển. Năm 2024, Bộ Tư pháp đã tiếp nhận, phân loại, kiểm tra 3.040 văn bản, đồng thời, cùng với các bộ, ngành hoàn thành và công bố Bộ pháp điển Việt Nam.
Bên cạnh đó, Công tác thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính đạt được nhiều kết quả nổi bật, như: tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm, hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính; thể chế thi hành án dân sự tiếp tục được hoàn thiện; phối hợp xây dựng, trình Bộ Chính trị ban hành Quy định số 183-QĐ/TW ngày 18/9/2024 quy định bảo vệ các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực thi công vụ trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; công tác phối hợp với các bộ, ngành và cấp ủy địa phương tiếp tục được thực hiện kịp thời, chặt chẽ, bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất từ trung ương đến địa phương, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thi hành án, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi hành án dân sự... nhờ đó, kết quả thi hành án dân sự năm 2024 đạt mức cao nhất từ trước đến nay, nhất là thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
Các mặt công tác khác như hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, nuôi con nuôi, lý lịch tư pháp, đăng ký giao dịch bảo đảm, bồi thường nhà nước; bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý; quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật; công tác pháp luật quốc tế, hợp tác quốc tế về pháp luật… đều đạt kết quả đáng ghi nhận.
Việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở được Ban Cán sự đảng, Đảng ủy, Lãnh đạo Bộ, các đơn vị thuộc Bộ quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc. Qua tổng kết thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở năm 2024 cho thấy, hầu hết các lĩnh vực công tác của Bộ, ngành đã được điều chỉnh bằng các quy chế, quy định; quyền làm chủ của công chức, viên chức, người lao động được bảo đảm; công chức, viên chức được tham gia, được biết, được giám sát hoạt động của Bộ, Ngành trong những vấn đề có liên quan và theo quy định của pháp luật. Bằng việc thực hiện dân chủ tại cơ quan Bộ, các quy định về dân chủ cơ sở đã được tuyên tuyền, quán triệt, phổ biến, góp phần tăng cường nhận thức cho đảng viên, công chức, viên chức; tạo môi trường làm việc dân chủ, cởi mở hơn trong cơ quan Bộ và các đơn vị thuộc Bộ; bảo đảm mỗi công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị được biết và được thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ của mình đối với cơ quan, đơn vị, qua đó tạo động lực thúc đẩy việc thực hiện và thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị và của toàn ngành thời gian qua. Phong cách, lề lối làm việc của đội ngũ công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan Bộ, các đơn vị thuộc Bộ tiếp tục được đổi mới. Tính chuyên nghiệp, thân thiện, hiện đại được thể hiện trong mọi mặt, lĩnh vực, hoạt động công tác của Bộ, Ngành. Chất lượng, hiệu quả công tác ngày càng được nâng cao. Đồng thời, việc thực hành dân chủ với các quy chế, quy định về việc công khai đã góp phần hạn chế tình trạng sai phạm, vi phạm pháp luật có nguyên nhân từ sự mất tập trung, thiếu tính dân chủ tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức; là cơ sở để tạo sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ các tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị hay các tổ chức chính trị - xã hội, làm cho mỗi tổ chức, bộ máy trong sạch, vững mạnh.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe các báo cáo về công khai tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, phân bổ dự toán thu chi ngân sách nhà nước năm 2025 của Bộ Tư pháp; kết quả thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với cán bộ, công chức, viên chức các đơn vị tại Bộ Tư pháp năm 2024; kết quả thực hiện công tác cán bộ của Bộ Tư pháp năm 2024; kết quả nâng cao đời sống công chức, viên chức, người lao động năm 2024, đề xuất giải pháp năm 2025 của Công đoàn Bộ Tư pháp; kết quả hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân năm 2024 và phương hướng nhiệm vụ công tác thanh tra nhân dân năm 2025.
Đại diện Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật phát biểu tại Hội nghị.
Trao đổi về các báo cáo tại Hội nghị, để thực hiện nhiệm vụ được giao với định hướng xây dựng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật trở thành đơn vị soạn thảo luật tập trung, chuyên nghiệp, đại diện Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật đề xuất một số ý như sau: (i) đề nghị Ban Cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ tiếp tục quan tâm và tạo điều kiện về nguồn lực để hoàn thành nhiệm vụ; (ii) Vụ Tổ chức cán bộ đang lấy ý kiến về nguyện vọng sắp xếp, bố trí công tác của các công chức, viên chức, qua đó có đề xuất điều động luân chuyển phù hợp với năng lực của mỗi cá nhân và tình hình thực tế của đơn vị bảo đảm phát huy năng lực sở trường nhằm hoàn thành tốt hơn nữa công việc được giao. Từ đó, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật mong muốn được tiếp nhận các công chức có các kỹ năng chuyên sâu trong công tác soạn thảo và khả năng viết, biên tập về công tác tại Vụ để giúp cho công tác soạn thảo được tốt hơn; (iii) thời gian tới, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật được giao soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật, trong đó đặc biệt là các nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, vì vậy, đề nghị các đơn vị thuộc Bộ phối hợp chặt chẽ và có sự chia sẻ với Vụ trong việc trình văn bản lên các cơ quan cấp trên để bảo đảm đúng thời hạn và chất lượng được giao.
Đại diện Công đoàn cơ sở Tổng cục Thi hành án dân sự phát biểu tại Hội nghị.
Tham gia thảo luận tại Hội nghị, đại diện Công đoàn cơ sở Tổng cục Thi hành án dân sự cho biết, năm 2024, công đoàn cơ sở Tổng cục Thi hành án dân sự đã triển khai toàn diện các mặt công tác cùng công tác công đoàn theo đúng quy định của điều lệ Đảng và của công đoàn cấp trên, theo đó, công đoàn cơ sở đã phối hợp với lãnh đạo Tổng cục trong việc thực hiện quy chế dân chủ; tham gia các hội đồng giải quyết kỷ luật công chức, viên chức, người lao động; tích cực tham gia ủng hộ quỹ vì người nghèo năm 2024, chương trình ủng hộ đồng bào bị thiệt hại bởi cơn bão số 03 do Công đoàn Bộ phát động; tiếp tục thực hiện giáo dục chính trị tư tưởng cho đoàn viên công đoàn; tích cực tham gia các hoạt động và phong trào thi đua xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh và hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị trong những tháng cuối năm 2024. Thực hiện chủ trương về tiếp tục đổi mới sắp xếp tinh, gọn tổ chức hoạt động bộ máy của hệ thống chính trị tinh, gọn hoạt động hiệu lực, hiệu quả, công đoàn cơ sở của Tổng cục Thi hành án dân sự đã tham gia tích cực, trách nhiệm trong việc xây dựng Báo cáo tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Trên cơ sở dự thảo Báo cáo tổng kết, Công đoàn cơ sở Tổng cục Thi hành án dân sự đã phối hợp với chính quyền địa phương kịp thời thông tin đến toàn thể đoàn viên công đoàn những nội dung về đề xuất phương án mô hình tổ chức bộ máy Tổng cục Thi hành án dân sự và tiếp tục quán triệt tới thủ trưởng các đơn vị về trách nhiệm phối hợp với cấp ủy, tổ chức công đoàn các cấp làm tốt công tác chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức của công chức, đoàn viên công đoàn trong việc sắp xếp tinh, gọn bộ máy. Trong năm 2025, để tiếp tục phát huy vai trò của công đoàn trong việc thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước trong việc sắp xếp tinh, gọn bộ máy tổ chức chính trị đối với hệ thống thi hành án dân sự, thời gian tới cần tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ sau: (i) tiếp tục quán triệt phổ biến nâng cao nhận thức về thực hiện Kế hoạch số 141/KH-BCĐTKNQ18 ngày 13/11/2024 của Ban Chỉ đạo về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW về kế hoạch định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ…; (ii) phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc rà soát, đánh giá đối với công chức, viên chức, người lao động để thực hiện sắp xếp tinh, gọn tổ chức bộ máy tại cơ quan thi hành án dân sự, giải quyết chính sách chế độ đối với công chức, viên chức, người lao động nghỉ việc theo đúng quy định của Đảng, Nhà nước; (iii) tham gia ý kiến với thủ trưởng đơn vị trong việc sắp xếp công chức, viên chức người lao động sau khi rà soát phù hợp với năng lực, sở trường công tác. Bên cạnh đó, công đoàn cơ sở Tổng cục Thi hành án dân sự cũng đề xuất một số ý kiến đối với các đơn vị thuộc Bộ, Công đoàn Bộ như sau: (i) đề nghị Vụ Tổ chức cán bộ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Thi hành án dân sự trong việc chuyển đổi mô hình sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống thi hành án dân sự trong thời gian tới; (ii) đề nghị Cục Kế hoạch - Tài chính phối hợp với các đơn vị có liên quan phân bổ nguồn lực, cơ sở vật chất bảo đảm hiệu quả tiết kiệm, đáp ứng yêu cầu sắp xếp tổ chức bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả; (iii) đề nghị tổ chức Công đoàn các đơn vị thuộc Bộ tiếp tục phối hợp với Tổng cục Thi hành án dân sự trong việc chăm lo đời sống cho công đoàn viên của Bộ nói chung và đoàn viên công đoàn cơ sở Tổng cục Thi hành án dân sự nói riêng.
Đồng chí Trịnh Xuân Tùng, Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp phát biểu tại Hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Trịnh Xuân Tùng, Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp thay mặt cho thế hệ trẻ Bộ Tư pháp trân trọng cảm ơn các đồng chí trong Ban Cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ, Đảng ủy Bộ đã quan tâm, tạo điều kiện để các đoàn viên trẻ có cơ hội học tập và phát triển bản thân. Trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các đoàn viên thanh niên, đồng chí đề xuất trong năm 2025, như sau: (i) trên cơ sở sắp xếp tổ chức lại bộ máy của Bộ theo yêu cầu của Nghị quyết số 18-NQ/TW, đề nghị các cấp ủy Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội, thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ tiếp tục quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng, nắm bắt tư tưởng, định hướng cho các đoàn viên thanh niên để các bạn trẻ yên tâm công tác, cống hiến cho đơn vị cũng như cho Bộ, ngành Tư pháp; (ii) hằng năm, Bộ Tư pháp đều ban hành Chương trình Phát triển thanh niên, năm 2025, Bộ Tư pháp tiến hành sơ kết đánh giá lại 04 mục tiêu đề ra giai đoạn vừa qua, trên cơ sở đó, đề nghị Vụ Tổ chức cán bộ phối hợp với các đơn vị chuyên môn của Bộ tham mưu Lãnh đạo Bộ sớm tổng kết Chương trình này nhằm rà soát lại những mục tiêu nào đã hoàn thành, những mục tiêu nào đến năm 2030 không có tính khả thi thì điều chỉnh nhằm bảo đảm tính phù hợp, để chương trình phát triển thanh niên thực sự là nơi phát triển của các bạn đoàn viên thanh niên trong việc tham gia công tác chuyên môn cũng như các nhiệm vụ chung của Bộ, ngành Tư pháp; (iii) thời gian qua, Văn phòng Bộ xin ý kiến các đơn vị thuộc Bộ về việc sắp xếp lại diện tích phòng làm việc, Đoàn Thanh niên mong muốn trong thời gian tới, khi sắp xếp lại cơ cấu, tổ chức bộ máy các đơn vị thuộc Bộ, đề nghị Văn phòng Bộ nghiên cứu, xây dựng sơ đồ phòng làm việc của các đơn vị thuộc Bộ và niêm yết tại cổng chính của Bộ và các thang máy để tạo thuận lợi cho các đồng chí cán bộ, công chức, viên chức, các đơn vị, tổ chức bên ngoài vào liên hệ công tác, tham dự cuộc họp của Bộ; (iv) đề nghị thời gian tới tiếp tục thực hiện chủ trương đưa cán bộ đi thực tế tại cơ sở và luân chuyển điều động công chức, viên chức để các đoàn viên, thanh niên có cơ hội được tìm hiểu, tích lũy kiến thức đầy đủ cho bản thân mình.
Đồng chí Nguyễn Khánh Ngọc, Phó Bí thư Ban Cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp phát biểu tại Hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị, thay mặt Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc biểu dương những kết quả về công tác chuyên môn và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ quan mà Bộ Tư pháp, cũng như từng đơn vị, mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc Bộ đã nỗ lực đạt được trong năm 2024.
Theo Thứ trưởng, năm 2025, dự báo tình hình quốc tế và trong nước tiếp tục có những thuận lợi đan xen khó khăn, thách thức; Bộ, ngành Tư pháp ngày càng nhận được sự kỳ vọng lớn hơn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, doanh nghiệp, người dân, đặc biệt là chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Trung ương theo Nghị quyết số 18-NQ/TW và những định hướng, chỉ đạo đổi mới về tư duy xây dựng pháp luật của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm trong thời gian gần đây. Năm 2025, là năm có nhiều ngày lễ lớn, trong đó có kỷ niệm 80 năm Ngày Truyền thống ngành Tư pháp. Do vậy, dự kiến khối lượng công việc với yêu cầu về chất lượng, tiến độ, tính phức tạp cũng như trách nhiệm ngày càng cao. Để thực hiện tốt nhiệm vụ công tác năm 2025, tập thể Lãnh đạo Bộ, từng đồng chí Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo các đơn vị và toàn thể cán bộ Bộ Tư pháp cần quan tâm cùng thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
Một là, đánh giá đúng, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng, ý nghĩa của việc thực hiện dân chủ, chăm lo đời sống cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, đơn vị mình; động viên, khích lệ, tạo môi trường làm việc thuận lợi cho thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Phát huy hết khả năng, sự nhiệt huyết, trách nhiệm của từng cán bộ. Coi cán bộ của mình là nguồn lực quan trọng nhất để tổ chức hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ đặt ra. Đồng thời, cần rà soát lại, hoàn thiện quy chế dân chủ của đơn vị và tổ chức thực hiện đúng, gắn với việc thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 và văn bản hướng dẫn thi hành để có các giải pháp hiệu quả thực hiện tốt hơn. Tiếp tục lắng nghe, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của cán bộ. Bảo đảm những quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được giải quyết đúng pháp luật.
Hai là, có giải pháp hiệu quả để nắm bắt kịp thời, chính xác việc thực hiện quy chế dân chủ tại các đơn vị và Bộ, không đợi tới cuối năm. Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ Bộ Tư pháp tăng cường kiểm tra trong năm 2025 và các năm tiếp theo. Thường xuyên cập nhật, báo cáo Lãnh đạo Bộ việc thực hiện Nghị quyết.
Ba là, việc thực hiện sắp xếp tổ chức, bộ máy gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ có tác động lớn tới cán bộ Bộ Tư pháp, Ban Cán sự đảng, Đảng ủy, Lãnh đạo Bộ và Lãnh đạo từng đơn vị cần quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt, bảo đảm dân chủ, công khai, công bằng và tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho cán bộ bị ảnh hưởng.
Đồng thời, Thứ trưởng yêu cầu Vụ Tổ chức cán bộ phối hợp với Văn phòng Bộ tổng hợp các ý kiến liên quan đến Ban Cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ để có tham mưu kịp thời; quan tâm, nắm bắt và giải quyết tốt hơn nguyện vọng của công chức, viên chức, người lao động, đặc biệt là công chức, viên chức, người lao động trẻ; nghiên cứu việc đưa công chức, viên chức, người lao động đi cơ sở.
Tại Hội nghị, Lãnh đạo Bộ và Lãnh đạo Công đoàn Viên chức Việt Nam đã trao Cờ thi đua của Chính phủ, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì có thành tích xuất sắc trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc; Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp xây dựng tổ chức công đoàn”; Bằng khen của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Công đoàn Viên chức Việt Nam vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua xây dựng cơ quan, tổ chức công đoàn vững mạnh và phong trào giỏi việc nước đảm việc nhà; giải thưởng “Gương mặt của năm” cho các tập thể, cá nhân.
Một số hình ảnh khác tại Hội nghị:
Hoàng Trung