Toàn cảnh buổi làm việc
Thay mặt đơn vị chủ trì soạn thảo, đồng chí Hoàng Xuân Hoan, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp cho biết, thực hiện quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung vào năm 2020), Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 quy chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 và Nghị định số 59/2024/NĐ-CP ngày 25/5/2024); sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác xây dựng, hoàn thiện, tổ chức thực thi pháp luật,… công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật tại các bộ, ngành, chính quyền địa phương đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận của hệ thống pháp luật, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tạo môi trường pháp lý thuận lợi phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, về mặt tổ chức thực hiện, công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa, xử lý văn bản quy phạm pháp luật trên thực tế còn tồn tại một số hạn chế, bất cập. Do đó, việc ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa và xử lý văn bản quy phạm pháp luật là cần thiết, nhằm hoàn thiện thể chế, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, thực hiện chất lượng, hiệu lực, hiệu quả các công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật.
Đồng chí Hoàng Xuân Hoan, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp phát biểu tại buổi làm việc
Trên cơ sở đó, dự thảo Nghị định được xây dựng gồm 05 chương, 72 điều và 01 phụ lục (04 mẫu) quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm phạm (sửa đổi) về kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa và xử lý văn bản quy phạm pháp luật, trừ việc kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản có nội dung thuộc bí mật nhà nước. Ngoài việc kế thừa quy định của Nghị định hiện hành, dự thảo Nghị định còn chỉnh lý, bổ sung, cơ cấu lại phù hợp với tình hình thực tiễn thực hiện công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa và xử lý văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tính logic, hợp lý, dễ tiếp cận; đồng thời, bổ sung một số nội dung nhằm quy định chi tiết Luật, đặc biệt là các quy định về kiểm tra văn bản với các quy định mới về đối tượng văn bản được kiểm tra, căn cứ tự kiểm tra và kiểm tra văn bản theo thẩm quyền.
Đại biểu trao đổi tại buổi làm việc
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, cho ý kiến đối với một số nội dung liên quan đến dự thảo Nghị định về sự phù hợp giữa tên gọi của dự thảo Nghị định với các mục, các chương; sự thống nhất trong việc sử dụng các thuật ngữ; các nội dung về kiểm tra, tự kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm luật; xem xét, xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân tham mưu, đề xuất, ban hành văn bản trái pháp luật; xử lý văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật; kiểm tra, xử lý văn bản có chứa quy phạm pháp luật nhưng ban hành không đúng hình thức, thẩm quyền, trình tự, thủ tục; bảo đảm nguồn lực kiểm tra, xử lý và rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật...
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh phát biểu kết luận buổi làm việc
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đánh giá cao sự chủ động của cơ quan chủ trì soạn thảo trong việc xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá và xử lý văn bản quy phạm pháp luật. Bên cạnh đó, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc sự cần thiết của quy định về xem xét, xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân tham mưu, đề xuất, ban hành văn bản trái pháp luật tại dự thảo Nghị định, có thể dẫn chiếu đến Nghị định số 112/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020 của Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức và Nghị định số 71/2023/NĐ-CP ngày 20/9/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 112/2020/NĐ-CP; cân nhắc quy định riêng nội dung về nguồn lực tại dự thảo Nghị định hoặc có thể bổ sung vào Nghị định chung quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật…
Thùy Dung