Trong năm qua, hoạt động hợp tác quốc tế song phương với các đối tác được triển khai với nhiều kết quả nổi bật như tích cực tham gia các đoàn công tác cấp cao do Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dẫn đầu; hoàn thành việc ký kết 7 văn kiện hợp tác; tiếp tục chủ động trao đổi đàm phán các thỏa thuận, chương trình hợp tác với các đối tác quốc tế khác và triển khai các văn kiện hợp tác đã ký kết từ trước phù hợp với định hướng, nhu cầu hợp tác của Bộ Tư pháp trong năm 2023.
Trong chuyến tháp tùng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm chính thức CHDCND Lào, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Việt Nam Lê Thành Long và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lào Phây-vi-Sỷ-bua-lị-pha thừa ủy quyền của Chủ tịch nước hai nước đã ký Hiệp định Tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHDCND Lào (thay thế phần dân sự trong Hiệp định Tương trợ về dân sự và hình sự giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHDCND Lào năm 1998); tổ chức buổi làm việc song phương giữa hai Bộ trưởng để trao đổi các biện pháp thúc đẩy hơn nữa hợp tác pháp luật và tư pháp giữa hai Bộ Tư pháp.
Tháp tùng Đoàn Chủ tịch Quốc hội thăm chính thức Cuba, Argentina và Uruguay. Tại Cuba, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc đã cùng với đại diện Bộ Tư pháp Cuba tiến hành trao đổi Chương trình hợp tác giai đoạn 2024 - 2025 giữa Bộ Tư pháp hai nước; đồng thời tổ chức buổi hội đàm với đại diện Bộ Tư pháp Cuba nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác pháp luật và tư pháp giữa hai bên.
Tại Argentina, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đã cùng Thứ trưởng Bộ Tư pháp Argentina Juan Marin Mena tiến hành trao đổi “Bản Ghi nhớ giữa Bộ Tư pháp CHXHCN Việt Nam và Bộ Tư pháp và Nhân quyền Cộng hòa Argentina trong lĩnh vực pháp luật” do Bộ trưởng Bộ Tư pháp hai nước đã ký (thay thế Bản ghi nhớ đã ký năm 1998). Ngoài ra, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đã có buổi hội đàm với Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Nhân quyền Argentina Martin Ignacio Soria nhằm đánh giá, đề xuất một số nội dung nhằm tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế về pháp luật và tư pháp giữa Bộ Tư pháp hai nước.
Tại Uruguay, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đã có buổi làm việc với bà Doris Morales Martinez, Chánh án tối cao Uruguay nhằm trao đổi sơ bộ về hệ thống tư pháp của Việt Nam và Uruguay, đồng thời, thống nhất một số vấn đề hợp tác về pháp luật và tư pháp trong tương lai.
Tham gia tháp tùng Đoàn Thủ tướng Chính phủ thăm và làm việc tại Ả rập Xê út, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng đã có buổi làm việc với đại diện Lãnh đạo Bộ Tư pháp A rập Xê út để trao đổi, thảo luận về định hướng hợp tác giữa hai Bộ trong thời gian tới và ký Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Tư pháp hai nước.
Bên cạnh đó, các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ Tư pháp tiếp tục thúc đẩy, chủ động mở rộng, phát triển các hoạt động hợp tác quốc tế giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp Nga, trong đó bao gồm: xây dựng và trình Lãnh đạo Bộ ban hành Kế hoạch công tác năm 2023 của Tổ công tác hỗn hợp Việt Nam - Liên bang Nga, tổ chức toạ đàm giữa Bộ Tư pháp Nga và Bộ Tư pháp Việt Nam về chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công chứng và hội đàm trực tuyến cấp Thứ trưởng.
Đặc biệt, tại Hội nghị tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới với Lào mở rộng lần thứ V, hai bên đã đi sâu vào phân tích, đánh giá toàn diện và sâu sắc về quan hệ hợp tác tư pháp giữa hai Bộ tư pháp Việt Nam - Lào, cũng như các tỉnh có chung đường biên giới. Hai bên cũng đã thống nhất một số hoạt động, nội dung hợp tác trong thời gian tới. Trong đó, tiếp tục phối hợp để giải quyết các trường hợp người di cư tự do Việt Nam đang cư trú tại Lào, đã có tên trong danh sách được Trưởng đoàn đại biểu biên giới hai nước phê duyệt, có nguyện vọng nhưng chưa được nhập quốc tịch Lào. Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp Lào đã ký kết Chương trình hợp tác giữa hai nước năm 2023; Sở Tư pháp tỉnh Sơn La (Việt Nam) và Sở Tư pháp tỉnh Xaynhabuli (Lào) ký thỏa thuận hợp tác.
Ngoài ra, Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp Angiêri đã ký kết chương trình hợp tác giai đoạn 2024 - 2025; Ký kết Kế hoạch hợp tác năm 2024 - 2025 giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Hội đồng Thừa phát lại và Đấu giá viên quốc gia Pháp; Ký kết chương trình hợp tác giai đoạn 2024 - 2025 với Bộ Tư pháp Trung Quốc; Chương trình hợp tác về đào tạo cán bộ với Bộ Tư pháp Hungary; Đàm phán Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp với Bộ Pháp luật và Tư pháp Ấn Độ; Ý định thư hợp tác giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tổng chưởng lý Australia...
Hợp tác đa phương tiếp tục được quan tâm, thúc đẩy với nhiều hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật và tư pháp, trong đó, tiếp tục chủ động, tăng cường, thực hiện đầy đủ và có hiệu quả trách nhiệm tại các diễn đàn pháp lý quốc tế đa phương, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả, vị thế và vai trò của Việt Nam khi tham gia các thiết chế đa phương khu vực và toàn cầu về pháp luật và tư pháp.
Một trong các hoạt động hợp tác đa phương nổi bật được tổ chức trong năm 2023 là sự tham gia tích cực với tinh thần trách nhiệm cao tại Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Tư pháp các nước ASEAN - Nhật Bản và Hội nghị Bộ trưởng Tư pháp các nước ASEAN - G7. Với tính chất là hội nghị đầu tiên cấp Bộ trưởng Tư pháp giữa ASEAN và Nhật Bản, đây là mốc lịch sử quan trọng đánh dấu bước phát triển mới trong liên kết ngoại khối của ASEAN, góp phần đưa quan hệ hợp tác ASEAN - Nhật Bản ngày càng đi vào chiều sâu thực chất, vì lợi ích của người dân mỗi bên. Trong khuôn khổ sáng kiến này, Nhật Bản đã và đang triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ kỹ thuật cho các quốc gia thành viên ASEAN với mục tiêu hướng tới pháp quyền, tiếp cận công lý, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Tại Hội nghị Bộ trưởng Tư pháp các nước ASEAN - G7, trong bối cảnh ASEAN đang nỗ lực phấn đấu để hoàn thành các kế hoạch Tầm nhìn ASEAN đến năm 2025, các nội dung cũng như cơ chế hợp tác mới được thảo luận trong Hội nghị này sẽ được các quốc gia thành viên ASEAN và Nhật Bản cùng nhau nỗ lực triển khai, qua đó đóng góp chung vào việc xây dựng Cộng đồng ASEAN thịnh vượng và phát triển bền vững, mở rộng và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược và hợp tác toàn diện giữa ASEAN và Nhật Bản, phát huy nền tảng mối quan hệ đối tác "từ trái tim đến trái tim" và góp phần bảo đảm hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực.
Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp tiếp tục tăng cường quan hệ hợp tác với Liên minh Châu Âu với phương châm chủ động nhưng thận trọng để một mặt khai thác những yếu tố tích cực trong quan hệ hợp tác về pháp luật và tư pháp với đối tác quan trọng này, tạo kênh chia sẻ thông tin chính thức về các vấn đề quan tâm của hai bên và đồng thời, tiếp tục tranh thủ thu hút thêm nguồn lực cho việc triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ, ngành Tư pháp và các cơ quan, tổ chức trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp.
Tại Phiên họp lần thứ ba Tiểu ban Quản trị tốt, Pháp quyền và Quyền con người (Tiểu ban 4) trong khuôn khổ Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - EU - thiết chế được thành lập theo Hiệp định khung Đối tác và Hợp tác toàn diện Việt Nam - Liên minh Châu Âu (PCA) được tổ chức tại Hà Nội vừa qua, Bộ Tư pháp Việt Nam và Phái đoàn Liên minh Châu Âu (EU) đã cùng nhau thảo luận những vấn đề thuộc chương trình nghị sự như: hợp tác thúc đẩy bình đẳng giới; di cư, bao gồm cả hợp tác trong lĩnh vực phòng chống buôn bán người; hợp tác phòng, chống thảm họa; hợp tác thực hiện các khuyến nghị của Hội đồng Nhân quyền theo cơ chế Kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) và khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền theo cơ chế được quy định tại Công ước các quyền dân sự, chính trị (ICCPR).
Bộ Tư pháp cũng tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác với các định chế kinh tế, tài chính thế giới (IFC, WB, OECD) với việc triển khai thực hiện Biên bản ghi nhớ hợp tác với IFC trong lĩnh vực bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và đăng ký biện pháp bảo đảm đã ký trong năm 2021; tích cực phối hợp với Bộ Ngoại giao đề xuất các nội dung hợp tác của Bộ Tư pháp trong Chương trình hành động triển khai thực hiện Bản ghi nhớ Việt Nam - OECD giai đoạn 2022 - 2026; hoàn thiện các thủ tục có hiệu lực và khởi động dự án ODA về tăng cường trợ giúp pháp lý cho người nghèo và nhóm đối tượng yếu thế do Ngân hàng Thế giới tài trợ.