Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết với phụ nữ và trẻ em hiện là một trong số mười dự án của Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Với những chính sách và giải pháp cụ thể từ Dự án được kỳ vọng sẽ chăm lo ngày càng toàn diện hơn cho phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số; đồng thời, nâng cao hơn nữa vị thế cho đối tượng này, thúc đẩy phát triển cân bằng, bền vững cho vùng dân tộc thiểu số.
Theo thống kê, phụ nữ dân tộc thiểu số chiếm 49,8% trong tổng số hơn 14,2 triệu người dân tộc thiểu số trên toàn quốc[1]. Nếu như trước đây, bất bình đẳng giới, nhất là với phụ nữ dân tộc thiểu số là vấn đề "nhức nhối", thì mới đây, Việt Nam được Liên Hợp Quốc đánh giá là 01 trong 10 quốc gia thực hiện tốt nhất mục tiêu số 5 về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái trong các mục tiêu phát triển bền vững[2]. Những thành tựu đạt được cũng trở thành tiền đề, thành động lực mạnh mẽ để Việt Nam tiếp tục thực hiện các mục tiêu về bình đẳng giới, góp phần đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.
Nhiều địa phương vùng dân tộc thiểu số, việc chăm lo cho phụ nữ cũng như nâng cao vị thế cho đối tượng này đã và đang có nhiều bước tiến.
Tại xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La, mỗi tháng một lần, Tổ tuyên truyền dân số, kế hoạch hóa gia đình và chăm sóc sức khỏe sinh sản của xã lại luân phiên tới các bản trong xã. Mỗi tổ công tác thường gồm đại diện y tế xã, cán bộ phụ nữ xã, cán bộ phụ nữ của thôn.
Xã Ngọc Chiến có 19 bản, hầu hết đều là người dân tộc thiểu số, trong đó, có nhiều bản ở vùng sâu, vùng xa, cách trung tâm xã hàng chục cây số. Trước đây, ở các địa bàn này, chị em phụ nữ dân tộc thiểu số hầu như không có kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản cũng như các kiến thức về bình đẳng giới.
Với những buổi tuyên truyền của Tổ được tổ chức định kỳ và luân phiên, nhiều kiến thức đã được phổ biến tới các chị em và cả các thành viên khác trong gia đình, từ đó giúp thay đổi nhiều về nhận thức, hành vi của người dân.
Nói về những thay đổi trong nhận thức của chị em phụ nữ về chăm sóc sức khỏe sinh sản, chị Quàng Thị Yến, cán bộ y tế xã Ngọc Chiến, Mường La, Sơn La chia sẻ: “Với những mô hình triển khai ở cấp cơ sở như ở Ngọc Chiến, cộng với nhiều chính sách về y tế mà đến nay, việc tiếp cận về y tế của phụ nữ dân tộc thiểu số đã có nhiều cải thiện. Đơn cử như đã có hơn 70% phụ nữ dân tộc thiểu số được khám thai định kỳ hàng tháng; hơn 98% người dân tộc thiểu số có thẻ bảo hiểm y tế”.
Cùng với chăm lo và nâng cao khả năng tiếp cận các quyền cơ bản cho phụ nữ dân tộc thiểu số như chăm sóc y tế thì một trong những yếu tố quyết định thực hiện bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ dân tộc thiểu số là thúc đẩy họ tham gia các hoạt động kinh tế, nâng cao vị thế về kinh tế của người phụ nữ trong gia đình. Thời gian qua, nhiều địa phương đã chú trọng từ tuyên truyền, vận động cho đến hướng dẫn, hỗ trợ chị em phụ nữ dân tộc thiểu số thực hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế mang lại hiệu quả.
Chị Võ Thị Hiền ở xã Hương Sơn, huyện Tân Kỳ là một trong những thành viên đầu tiên tham gia “Tổ hợp tác chăn nuôi dê sinh sản cho phụ nữ vùng khó khăn” của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Nghệ An. Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi từ chương trình, chị đã nuôi lứa dê đầu tiên. Đến nay sau 03 năm tham gia mô hình, chị Hiền đã có đàn dê hơn 20 con, cho nguồn thu nhập ổn định. Chị Hiền cho biết: “Từ khi chuyển sang nuôi dê, mỗi năm xuất hai lứa, như năm ngoái thu nhập gần 100 triệu”.
Tại xã Tân Hương, mô hình “Tổ hợp tác chăn nuôi dê sinh sản” của phụ nữ xã ban đầu chỉ có 20 thành viên với nguồn vốn hỗ trợ 30 triệu đồng. Tính đến nay tài sản chung của Tổ có 32 con dê giống trị giá gần 80 triệu đồng và nâng số thành viên của Tổ lên 22 phụ nữ.
Thành công bước đầu của mô hình đã và đang tạo dựng được niềm tin cho các hội viên, đây cũng là điều kiện để Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Tân Kỳ nhân rộng mô hình, từng bước hướng tới phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, nâng cao hiệu quả kinh tế và đời sống cho các gia đình hội viên ở những vùng khó như xã Hương Sơn. Nói về mô hình này, chị Dư Thị Bảy, Chủ nhiệm Hợp tác xã nuôi dê sinh sản, xã Hương Sơn, Tân Kỳ, Nghệ An chia sẻ: “Bước đầu bỡ ngỡ, động viên chị em chăn nuôi dê sinh sản để thoát nghèo, 03 tháng 01 lần trao đổi kinh nghiệm. Đến nay có 10 chị chăn nuôi giỏi, mỗi năm thu nhập 50 - 100 triệu, nhiều chị nhìn vào học theo và nhân rộng được mô hình ít nhất 10 con, hội viên có thu nhập nuôi con ăn học”.
Bên cạnh việc xây dựng các mô hình, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Nghệ An, thời gian qua đã tập trung triển khai vận động hội viên phụ nữ tham gia Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. Các cấp Hội đã chủ động tranh thủ các nguồn lực để triển khai các hoạt động như tuyên truyền về đề án, khảo sát nhu cầu và hướng dẫn chị em đăng ký, viết kế hoạch, ý tưởng; tổ chức các lớp tập huấn để xây dựng các mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. Nhờ vậy, đến nay, Đề án đã thu hút được sự tham gia của đông đảo hội viên phụ nữ, với hơn 2.000 ý tưởng. Chị Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Tân Kỳ, Nghệ An cho biết: “Thực hiện đề án khởi nghiệp bước đầu khó khăn, sau chị em đã có sự thay đổi nhận thức để tham gia vào khởi nghiệp, có thể chưa cao nhưng bươc đầu đã thay đổi nhận thức và tự tin hơn”.
Thực tế trước đây, phụ nữ dân tộc thiểu số thường có ít có khả năng tiếp cận cơ hội về kinh tế so với nam giới. Điều này dẫn tới những hạn chế về vị thế của người phụ nữ trong gia đình. Chính vì vậy, việc tạo sinh kế, hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế vừa góp phần cải thiện vị thế cho phụ nữ, đồng thời, giúp phụ nữ dân tộc thiểu số tự tin hơn để làm chủ được cuộc sống, làm chủ kinh tế gia đình.
Như tại tỉnh Lào Cai, trong 3 năm qua, với sự hỗ trợ của Tổ chức phát triển Hà Lan SNV[3], Dự án “Phát triển hệ thống thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm quế nhằm tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ tỉnh Lào Cai” được thực hiện tại huyện Bắc Hà và Văn Bàn đã giúp chị em phụ nữ có thêm hiểu biết và sự tự tin để mạnh dạn đưa ra nhiều quyết định trong phát triển kinh tế gia đình. Có Dự án về đây, các chị em được đi tập huấn nhiều, được giao tiếp nhiều hơn. Những buổi tập huấn được nói nhiều hơn thì tự tin, ăn nói lưu loát, không như ngày trước. Ai cũng thay đổi nhận thức, biết chia sẻ công việc gia đình.
Trong nỗ lực nâng cao vị thế cho phụ nữ dân tộc thiểu số thời gian qua, một trong những kết quả tích cực đạt được ở nước ta là thúc đẩy phụ nữ dân tộc thiểu số tham tham gia chính quyền với tỷ lệ ngày một nâng lên. Điều này thấy rõ ở tỷ lệ phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Đơn cử như tại Quốc hội khóa XIV, có 36 đại biểu là nữ người dân tộc thiểu số, chiếm 42% đại biểu Quốc hội người dân tộc thiểu số. Đến Quốc hội khóa XV, tỷ lệ này tiếp tục tăng lên, có 44 đại biểu nữ dân tộc thiểu số, chiếm 49,43% đại biểu Quốc hội người dân tộc thiểu số[4].
Ở cấp địa phương, tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức nữ là người dân tộc thiểu số ở cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã ngày càng tăng. Điều này không chỉ góp phần bình đẳng hóa cơ hội tham gia chính quyền cho phụ nữ dân tộc thiểu số, mà tại nhiều địa phương, cán bộ, lãnh đạo nữ người dân tộc thiểu số đã và đang phát huy tốt vai trò và khả năng của mình, đóng góp tích cực vào sự phát triển của địa phương.
Bà Pờ Mì Lế, Bí thư Đảng ủy xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên là một điển hình. Bà Pờ Mì Lế luôn tự khẳng định với bản thân mình là nữ mình phải cố gắng, phải “chiến đấu” đến cùng để làm sao đưa địa phương xã nhà ngày một phát triển, ngang tầm với những xã phát triển. Tiếp tục giữ vị trí Bí thư Đảng ủy sau 1 nhiệm kỳ, đến nay, nữ Bí thư Pờ Mì Lế đã và đang lãnh đạo đảng bộ, chính quyền xã Sín Thầu tạo nên nhiều thay đổi, giúp khởi sắc vùng ngã ba biên giới. Xã Sín Thầu từ chỗ là xã đặc biệt khó khăn, giờ đã hoàn thành và về đích xây dựng nông thôn mới. Ở Sín Thầu, nơi có hơn 90 % là đồng bào người dân tộc Hà Nhì, việc một phụ nữ lên lãnh đạo công tác Đảng là chưa có tiền lệ. Điều này là một trong những lý do đòi hỏi một lãnh đạo nữ như Bí thư Pờ Mì Lế phải thực hiện thật tốt các nhiệm vụ của mình, qua đó đã khẳng định, dù là phụ nữ nhưng nếu hội tụ đủ năng lực, phẩm chất của người lãnh đạo thì có thể tự tin để hoàn thành tốt chức trách được Đảng và Nhà nước giao phó.
Để thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao hơn nữa vị thế của mình thì một yếu tố rất quan trọng, đó là mỗi phụ nữ dân tộc thiểu số cần tự tin, nỗ lực và phấn đấu để vươn lên làm chủ cuộc sống của mình, thực hiện những ước mơ của mình. Thực tế thời gian qua, ở vùng dân tộc thiểu số đang xuất hiện rất nhiều những tấm gương phụ nữ, bằng ước mơ, sự tự tin và tinh thần dám nghĩ dám làm đã tạo dựng nên thành công.
Câu chuyện của cô gái người dân tộc Cờ Lao - Lưu Thị Hòa tại huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang là minh chứng về nỗ lực vươn lên và tạo dựng thành công của phụ nữ người dân tộc thiểu số. Sinh ra ở vùng núi Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, Lưu Thị Hòa, cô gái sinh năm 1992 có bố là người Cờ Lao và mẹ là người Pu Péo. Hòa là một trong số những người may mắn được theo đuổi con đường học vấn. Tốt nghiệp Khoa Quốc tế học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, Hòa tiếp tục chương trình cao học về luật. Ra trường, có 02 năm làm việc cho các tập đoàn trong và ngoài nước, Hòa quyết định từ bỏ, trở về quê hương lập nghiệp.
Quê hương vốn là vùng cao nguyên đá với vô vàn khó khăn, nhưng cô gái người Cờ Lao cũng nhận thấy điều kiện tự nhiên khí hậu, thổ nhưỡng của mảnh đất Đồng Văn thích hợp cho nhiều loại rau củ quả… phát triển, được nhiều du khách ưa dùng. Cùng với sự hiểu biết về sản xuất kinh doanh nông nghiệp sạch sau nhiều năm sinh sống, học tập tại Thủ đô, Lưu Thị Hòa quyết định thành lập hợp tác xã để khởi nghiệp từ nông nghiệp. Tháng 10/2017, Hợp tác xã Nông Lâm nghiệp và Dịch vụ thương mại tổng hợp Po Mỷ được thành lập với 07 thành viên, do Lưu Thị Hòa làm giám đốc. Quy mô của Hợp tác xã có 2.700 m2 nông trại với quy trình khép kín, trồng, sản xuất, kinh doanh một số nông sản, đặc sản, như: Mật ong bạc hà, cây ăn quả lâu năm, rau củ ngắn ngày. Từ quy mô ban đầu, hiện nay Hợp tác xã Po Mỷ đã thu hút và liên kết hàng chục hộ dân người dân tộc thiểu số trên địa bàn thị trấn Đồng Văn, tham gia sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ an toàn. Với chuỗi liên kết sản xuất, Hợp tác xã Po Mỷ hiện xây dựng chuỗi cửa hàng với tên gọi “Về bản” tại Hà Nội, để kết nối khách hàng và tiêu thụ các đặc sản vùng cao Hà Giang. Mô hình đang mang lại doanh thu trên dưới hai tỷ đồng mỗi năm. Tiếp nối thành công, năm 2019, Lưu Thị Hòa và các cộng sự đã tiếp tục mở rộng dự án với mô hình “Farmstay - Nông nghiệp bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số Đồng Văn - Hà Giang”. Mô hình hướng tới xây dựng một sản phẩm du lịch, gắn kết giữa các trang trại nông nghiệp của Hợp tác xã với mô hình Farmstay, kết hợp với các điều kiện về cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa để thu hút khách du lịch.
Vùng đất cao nguyên đá Đồng Văn vốn là nơi mà đồng bào dân tộc thiểu số đời đời mưu sinh trên đá. Vậy nhưng cũng trên vùng đất khó khăn ấy, bằng sự táo bạo, dám nghĩ, dám làm, Lưu Thị Hòa đang tạo nên những trái ngọt. Hành trình của cô gái người dân tộc Cơ Lao đã và đang truyền cảm hứng cho nhiều thanh niên dân tộc thiểu số nơi đây trên con đường khởi nghiệp, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.
Trên cơ sở những kết quả đạt được, thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ, trong đó, phụ nữ dân tộc thiểu số tiếp tục là mục tiêu mà Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành chú trọng, nhất là trong xây dựng và thực thi chính sách. Mới đây nhất, trong Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, trong số 10 dự án thì đã dành riêng dự án số 8 là “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết với phụ nữ và trẻ em”. Dự án do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chủ trì xây dựng, phối hợp cùng Ủy ban Dân tộc là cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc để triển khai thực hiện. Với những chính sách và giải pháp cụ thể từ Dự án được kỳ vọng sẽ chăm lo ngày càng toàn diện hơn cho phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số; đồng thời, nâng cao hơn nữa vị thế cho đối tượng này, thúc đẩy phát triển cân bằng, bền vững cho vùng dân tộc thiểu số.
Ảnh: internet
1615081573141.htm#:~:text=H%E1%BB%8D%20l%C3%A0%20nh%E1%BB%AFng%
20ng%C6%B0%E1%BB%9Di%20ng%C3%A0y,ng%C6%B0%E1%BB%9Di%20DTTS%
20tr%C3%AAn%20to%C3%A0n%20qu%E1%BB%91c.
[2] http://hdll.vn/vi/nghien-cuu---trao-doi/binh-dang-gioi---cot-loi-cua-su-phat-trien-ben-
vung.html#:~:text=Vi%E1%BB%87t%20Nam%20%C4%91%C6%B0%E1%BB%A3c%
0th%E1%BA%BF%20gi%E1%BB%9Bi,v%E1%BB%AFng%20c%E1%BB%A7a%
20Li%C3%AAn%20h%E1%BB%A3p%20qu%E1%BB%91c.