Toàn cảnh Hội thảo
Tham dự Hội thảo có đại diện Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Hội đồng Dân tộc, Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội; đại diện đoàn đại biểu Quốc hội của 14 tỉnh phía Bắc, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan của Chính phủ; một số đơn vị của Bộ Tư pháp; một số sở, ngành của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và các cơ quan ở Trung ương đóng trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cho biết, theo yêu cầu, định hướng của Ban Chỉ đạo của Trung ương và Chính phủ về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã thực hiện các phương án sắp xếp tổ chức bộ máy. Quá trình này tác động trực tiếp, mạnh mẽ tới toàn bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Qua rà soát cho thấy, ở Trung ương có 5.026 văn bản quy phạm pháp luật chịu sự tác động trực tiếp của việc sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, ở địa phương là 2.828 văn bản. Do đó, cần thiết phải xây dựng Nghị quyết của Quốc hội để giải quyết các vấn đề mang tính nguyên tắc trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, bảo đảm hoạt động của các cơ quan nhà nước và quyền, nghĩa vụ của người dân, doanh nghiệp được thực hiện liên tục, thông suốt, thuận lợi. Trên cơ sở đó, Thứ trưởng mong muốn các đại biểu tích cực trao đổi, thảo luận, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cơ quan chủ trì soạn thảo trong quá trình xây dựng Nghị quyết này.
Tại Hội thảo, thay mặt Tổ biên tập, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hòe, Phó Cục trưởng, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đã báo cáo về các nội dung chính sách và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước. Theo đó, Nghị quyết quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, bao gồm: nguyên tắc; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền; tên gọi của các cơ quan, chức danh có thẩm quyền; việc thực hiện thủ tục hành chính; hoạt động tố tụng, thi hành án; chức năng thanh tra; thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính; thực hiện các điều ước quốc tế và thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam ký kết; giá trị của các văn bản, giấy tờ do các cơ quan đã ban hành; việc sử dụng con dấu, bản phôi, biểu mẫu giấy tờ đã được in, phát hành; việc rà soát, sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật và xử lý các vấn đề phát sinh chưa dự liệu hết sau khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hòe, Phó Cục trưởng, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật phát biểu tại Hội thảo
Nghị quyết được xây dựng trên cơ sở 03 chính sách, cụ thể: chính sách 1 về xử lý những vấn đề chung, có tính nguyên tắc nhằm bảo đảm hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước; chính sách 2 về xử lý các vấn đề liên quan đến thẩm quyền của một số chủ thể, tạo cơ sở pháp lý cho các chủ thể này được quyền quy định khác luật của Quốc hội, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và trình tự, thủ tục giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan, đơn vị và thẩm quyền quy định các nội dung trên; chính sách 3 về xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm xử lý đối với các vấn đề khác phát sinh sau khi các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước nhưng chưa dự liệu được hết trong Nghị quyết để không làm gián đoạn hoạt động bình thường của bộ máy nhà nước, người dân, doanh nghiệp và việc tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về các quy định của dự thảo Nghị quyết. Theo đại diện Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, tại Điều 1 dự thảo Nghị quyết quy định về phạm vi điều chỉnh cần làm rõ một số cơ quan, tổ chức, đơn vị như cơ quan của Quốc hội, các cơ quan trong quân đội nhân dân, công an nhân dân, cơ quan tư pháp có thuộc cơ quan, tổ chức, đơn vị chịu sự điều chỉnh của Nghị quyết này hay không. Bên cạnh đó, Điều 5 dự thảo Nghị quyết quy định về thực hiện thủ tục hành chính, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung quy định có tính chất chuyển tiếp xử lý các trường hợp mà thủ tục hành chính đang thực hiện dở, chưa trả kết quả, đồng thời, bổ sung, dự liệu về việc giải quyết các trường hợp này.
Các đại biểu tham dự Hội thảo
Trao đổi tại Hội thảo, đại diện Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Nam Định cho biết, theo quy định của dự thảo Nghị quyết, các cơ quan có thẩm quyền sẽ thực hiện sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian này, có thể sẽ phát sinh nhiều vướng mắc trong việc thực hiện các nhiệm vụ của cơ quan sau khi sắp xếp. Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu sửa đổi khoản 3 Điều 13 dự thảo Nghị quyết: “các cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều này có thể ban hành văn bản hành chính để hướng dẫn giải quyết các vấn đề phát sinh do sắp xếp tổ chức bộ máy” theo hướng phải ban hành ngay hoặc phải ban hành trong một khoảng thời gian ngắn như 05 hay 07 ngày để hướng dẫn giải quyết các vấn đề phát sinh do sắp xếp tổ chức bộ máy. Đối với quy định về bãi bỏ văn bản hành chính ngay khi có văn bản quy phạm pháp luật được ban hành, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ thẩm quyền, trách nhiệm của người có thẩm quyền ban hành văn bản văn bản hành chính đã bị bãi bỏ.
Cũng tại Hội thảo, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường nhất trí về sự cần thiết phải ban hành Nghị quyết. Ngoài ra, đại biểu đề nghị cơ quan quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu một số nội dung: ngoài các vấn đề đã được liệt kê tại Điều 1 dự thảo Nghị quyết, cần xác định và bổ sung việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật có nội dung liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết; bên cạnh đó, cần bổ sung điều khoản riêng quy định trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho bộ, ngành, địa phương trong việc áp dụng Nghị quyết.
Đồng chí Hồ Quang Huy, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật phát biểu kết luận Hội thảo
Phát biểu kết luận Hội thảo, đồng chí Hồ Quang Huy, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật nhấn mạnh, ý kiến trao đổi, thảo luận của các đại biểu đã giúp Tổ biên tập có thêm thông tin về cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn về việc xây dựng Nghị quyết. Do đó, Tổ biên tập sẽ nghiêm túc tiếp thu, lĩnh hội các ý kiến của các đại biểu để chỉnh sửa, hoàn thiện Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
Thùy Dung