Tại buổi nghiệm thu, thay mặt Ban chủ nhiệm đề tài, TS. Đặng Vũ Huân đã trình bày tóm tắt kết quả đề tài, theo đó, mục tiêu tổng quát của đề tài này là nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn về vai trò của thiết chế truyền thông trong việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân; phân tích, đánh giá chức năng của thiết chế truyền thông; thực trạng vai trò của thiết chế truyền thông trong bảo vệ quyền con người và quyền công dân ở Việt Nam trong thời gian qua; luận giải các phương hướng nâng cao hiệu quả thiết chế truyền thông trong bảo vệ quyền con người và quyền công dân ở Việt Nam. Thông qua đó, góp phần thực thi và bảo vệ hiệu quả quyền con người và quyền công dân bằng thiết chế truyền thông ở Việt Nam. Đặc biệt, Chủ nhiệm đề tài nhấn mạnh, thiết chế truyền thông được hiểu là hệ thống các quy định về quy chế, quy trình, các hoạt động cụ thể cũng như cơ cở hạ tầng để vận hành liên quan đến việc thông tin, tuyên truyền… Truyền thông có phạm vi hoạt động rất rộng, tuy nhiên, phạm vi của đề tài này chỉ giới hạn nghiên cứu thiết chế truyền thông trên các phương tiện báo chí chính thống với nhiệm vụ truyền thông về công tác bảo vệ quyền con người và quyền công dân ở nước ta hiện nay.
Theo ý kiến của các thành viên Hội đồng nghiệm thu, thì đề tài là công trình nghiên cứu khoa học công phu, chứa đựng nhiều thông tin cả về mặt lý luận và thực tiễn về vai trò của thiết chế truyền thông trong việc bảo vệ quyền con người và quyền công dân ở Việt Nam. Phương pháp nghiên cứu sử dụng trong quá trình thực hiện đề tài là phù hợp và mang lại hiệu quả cao. Việc nghiên cứu đề tài này đã mang lại ý nghĩa khoa học và ý nghĩa thực tiễn nhất định. Cụ thể, về ý nghĩa khoa học, đề tài xác định và làm rõ những vấn đề lý luận về vai trò của thiết chế truyền thông trong lĩnh vực bảo vệ quyền con người, quyền công dân; tính hai mặt của truyền thông trong lĩnh vực này; kinh nghiệm truyền thông thế giới về quyền con người. Về ý nghĩa thực tiễn, đề tài làm rõ thực trạng, những thuận lợi và thách thức đặt ra đối với truyền thông bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong giai đoạn hiện nay; đề xuất hệ thống giải pháp hoàn thiện pháp luật và tổ chức thi hành nâng cao hiệu quả thực thi vai trò của thiết chế truyền thông trong bảo vệ quyền con người, quyền công dân ở Việt Nam. Kết quả nghiên cứu của đề tài cũng là tài liệu tham khảo có giá trị trong quá trình nghiên cứu, truyên truyền, phổ biến, giảng dạy về truyền thông trong lĩnh vực bảo vệ quyền con người, quyền công dân ở nước ta hiện nay. Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao tính thời sự, ý nghĩa và sự cần thiết của việc nghiên cứu, nghiệm thu đề tài này ở thời điểm hiện nay.
Cuối cùng, tất cả các thành viên Hội đồng nghiệm thu nhận định, về cơ bản, kết quả nghiên cứu của đề tài này đáp ứng được yêu cầu của một đề tài khoa học cấp Bộ. Đề tài được Hội đồng thống nhất nghiệm thu và xếp lại xuất sắc.