Tổ chức tội phạm là một hình thức thực hiện tội phạm đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, với sự thống nhất và cấu kết chặt chẽ, bền vững, có sự phân công với kỷ luật “hà khắc” đã và đang gây ra những khó khăn không nhỏ cho hoạt động đấu tranh phòng chống loại hình tội phạm này.
Trên thực tế, thuật ngữ “tổ chức tội phạm” đã được sử dụng trong các công trình nghiên cứu khoa học cũng như trong thực tiễn đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm nói chung, tuy nhiên cho đến nay, ở Việt Nam vẫn chưa có một văn bản pháp luật nào quy định về loại hình tội phạm này. Bên cạnh đó, về mặt lý luận vẫn còn có nhiều quan điểm khác nhau, chưa thống nhất về vấn đề pháp lý tổ chức tội phạm và khái niệm tổ chức tội phạm, nên chưa đề ra được những giải pháp phòng ngừa và đấu tranh một cách hiệu quả đối với loại hình tội phạm này.
![]() |
![]() |
Quá trình hội nhập quốc tế sâu, rộng đã tạo cho Việt Nam những thuận lợi trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, nhưng cũng tạo ra không ít thách thức nhất là tình hình trật tự kỷ cương, an toàn xã hội còn phức tạp, tội phạm hình sự, tội phạm kinh tế và tệ nạn xã hội tiếp tục diễn biến phức tạp. Những năm gần đây, số lượng, tính chất và quy mô phạm tội và tội phạm ngày một gia tăng, diễn biến theo chiều hướng phức tạp, hình thức thực hiện tội phạm ngày càng tinh vi; sự liên kết, tổ chức phạm tội ngày càng chặt chẽ... Nhiều vụ án lớn được thực hiện dưới hình thức tổ chức tội phạm như: Vụ án Nam Cam, Hai Chi, Tân Trường Sanh, Huỳnh Thị Huyền Như, Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên)... đã ảnh hưởng không nhỏ và để lại nhiều hậu quả lớn đến trật tự an toàn xã hội.
Một trong những yêu cầu và nhiệm vụ quan trọng của cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 xác định: “Sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực tư pháp phù hợp mục tiêu của chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Coi trọng việc hoàn thiện chính sách hình sự và thủ tục tố tụng tư pháp, đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội”. Trên cơ sở đó, Bộ Tư pháp đã và đang khẩn trương tổng kết 13 năm thi hành Bộ luật Hình sự năm 1999 và lấy ý kiến các chuyên gia để làm cơ sở cho việc sửa đổi, bổ sung toàn diện Bộ luật Hình sự năm 1999, thì việc nghiên cứu đề tài: “Tổ chức tội phạm – Những vấn đề đặt ra đối với việc hoàn thiện pháp luật hình sự Việt Nam”, có ý nghĩa căn bản, thiết thực đối với quá trình nghiên cứu, sửa đổi và hoàn thiện Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 1999.
Kết quả nghiên cứu của đề tài đã đạt được như sau:
Một là, làm rõ các vấn đề lý luận về tổ chức tội phạm như khái niệm, đặc điểm, tính chất và cơ cấu tổ chức hoạt động, cũng như ảnh hưởng, tác động tiêu cực của loại hình tội phạm này đối với môi trường chính trị, xã hội nói chung, phân biệt giữa tổ chức tội phạm với phạm tội có tổ chức...;
Hai là, nghiên cứu pháp luật quốc tế và pháp luật một số nước trên thế giới về vấn đề tổ chức tội phạm, từ đó đưa ra những bài học kinh nghiệm cho việc hoàn thiện pháp luật Việt Nam;
Ba là, đánh giá toàn diện hệ thống pháp luật Việt Nam, nhất là pháp luật hình sự và thực trạng đấu tranh chống các tổ chức, băng nhóm tội phạm có dấu hiệu của tổ chức tội phạm; bước đầu đánh giá và dự báo xu hướng phát triển của tổ chức tội phạm ở nước ta trong thời gian tới;
Bốn là, đề xuất, kiến nghị hoàn thiện pháp luật về tổ chức tội phạm và nâng cao hiệu quả phòng, chống tổ chức tội phạm.
Theo đánh giá của Hội đồng nghiệm thu, Đề tài này là khó và mới, nhưng thực sự cần thiết, đề tài đã cung cấp nhiều thông tin khoa học bổ ích... Hội đồng nghiệm thu đánh giá kết quả nghiên cứu của đề tài là có giá trị khoa học, thực tiễn và được nghiệm thu với kết quả xuất sắc.
Vũ Hải Việt