Nghề đúc đồng Ngũ Xã khởi nguồn từ thế kỷ XVII, khi triều đình nhà Lê mời những thợ đúc đồng tài ba từ năm xã thuộc huyện Siêu Loại (nay thuộc Bắc Ninh và Hưng Yên) về Thăng Long để chế tác tiền và các sản phẩm đồ thờ. Những nghệ nhân này đã chọn vùng đất bên hồ Trúc Bạch để lập nghiệp và đặt tên làng là Ngũ Xã, như một lời nhắc nhớ về nguồn gốc của họ. Nghề đúc đồng tại đây nhanh chóng phát triển và trở thành một trong bốn nghề tinh hoa của Thăng Long, cùng với dệt Yên Thái, gốm Bát Tràng và vàng Định Công.
Nghệ nhân Bùi Thị Minh – Giám đốc Công ty TNHH Đúc đồng truyền thống Ngũ Xã giới thiệu một tác phẩm nghệ thuật đúc đồng.
Nghề đúc đồng Ngũ Xã nổi bật nhờ kỹ thuật tinh xảo, đặc biệt là kỹ thuật đúc liền khối - một phương pháp đòi hỏi tay nghề cao và sự chính xác tuyệt đối. Mỗi sản phẩm là sự kết tinh của tay nghề khéo léo và tâm huyết của người nghệ nhân. Chúng không chỉ có giá trị về mặt sử dụng mà còn mang ý nghĩa văn hóa, tâm linh sâu sắc. Nhiều tác phẩm đã được coi là kiệt tác của nghệ thuật đúc đồng Việt Nam. Một trong những tác phẩm nổi bật nhất của Ngũ Xã là tượng đồng đen Trấn Vũ, còn gọi là tượng Huyền Thiên Trấn Vũ, được đúc vào năm 1677, tượng cao 3,9m, nặng 4 tấn, chu vi 8m, đặt tại đền Quán Thánh, một trong 4 tứ trấn Thăng Long. Ngoài ra, tượng Phật Di Đà tại chùa Thần Quang cũng là một kiệt tác của nghệ thuật đúc đồng Ngũ Xã. Tượng cao 3,95m, nặng hơn 10 tấn, tọa trên đài sen với 96 cánh sen được chạm khắc tinh tế, đã được Trung tâm sách “Kỷ lục Việt Nam” xác nhận là bức tượng Phật bằng đồng lâu đời nhất ở Việt Nam.
Ngoài các pho tượng lớn, làng Ngũ Xã còn nổi tiếng với chuông đồng, trống đồng, đồ thờ cúng như bát hương, đỉnh đồng, lọ hoa, và các bộ tam sự, ngũ sự bằng đồng. Những sản phẩm này không chỉ là vật dụng phục vụ đời sống tâm linh mà còn là biểu tượng của sự kính trọng và hoài niệm cội nguồn.
Đặc biệt, trong những năm gần đây, một số sản phẩm của làng nghề đã được công nhận đạt chuẩn OCOP. Tiêu biểu, vào năm 2021, sản phẩm đôi đèn tứ linh và lọ song ngư, được xếp hạng 4 sao trong chương trình OCOP của thành phố Hà Nội. Các sản phẩm này không chỉ mang giá trị thẩm mỹ cao, được chế tác tỉ mỉ bởi bàn tay của các nghệ nhân, mà còn phản ánh sự sáng tạo và sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Việc đạt chuẩn OCOP đã mở ra cơ hội lớn để sản phẩm đúc đồng Ngũ Xã vươn xa, không chỉ trong nước mà còn xuất khẩu ra thị trường quốc tế, góp phần quảng bá tinh hoa văn hóa Việt Nam.
Những thách thức đối với làng nghề trong thời hiện đại
Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, nghề đúc đồng tại Ngũ Xã đã đối mặt với nguy cơ mai một. Quá trình đô thị hóa và hiện đại hóa đã khiến diện tích làng bị thu hẹp, không gian sản xuất trở nên chật chội. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh từ các sản phẩm công nghiệp giá rẻ và nhập khẩu đã làm giảm nhu cầu sử dụng đồ đồng truyền thống, cùng với khó khăn trong việc tìm nguồn nguyên liệu chất lượng cao, đã khiến nghề đúc đồng gặp không ít thách thức.
Ngoài ra, việc truyền nghề cũng gặp nhiều khó khăn. Trước đây, các bí quyết nghề đúc đồng chỉ được truyền lại trong gia đình hoặc dòng họ. Tuy nhiên, ngày nay, số lượng người trẻ theo đuổi nghề ngày càng ít, bởi công việc đòi hỏi nhiều công sức, thời gian và thu nhập không ổn định. Nhiều gia đình đã chuyển sang làm các nghề khác, khiến số hộ giữ nghề đúc đồng tại Ngũ Xã giảm mạnh.
Một thách thức lớn khác là vấn đề marketing và thị trường tiêu thụ. Trong thời đại kỹ thuật số, việc quảng bá và đưa sản phẩm đồng Ngũ Xã đến gần hơn với người tiêu dùng trong và ngoài nước vẫn còn hạn chế. Sản phẩm tuy tinh xảo, mang giá trị nghệ thuật cao, nhưng thiếu chiến lược tiếp cận thị trường hiệu quả.
Nỗ lực giữ gìn và phát huy nghề truyền thống
Với tình yêu nghề và quyết tâm bảo tồn giá trị truyền thống, một số gia đình trong làng vẫn kiên trì giữ nghề, tiếp tục sáng tạo và truyền dạy kỹ thuật cho thế hệ sau. Điển hình là gia đình nghệ nhân Nguyễn Văn Ứng - Bùi Thị Minh, một trong những hậu duệ đời thứ 16 của làng nghề, là người đã có nhiều đóng góp trong việc giữ gìn và phát triển nghệ thuật đúc đồng Ngũ Xã. Với hơn 40 năm gắn bó với nghề, ông không chỉ chế tác ra những tác phẩm đồng tinh xảo mà còn truyền dạy cho con cháu để tiếp nối truyền thống.
Bên cạnh đó, các gia đình làm nghề tại Ngũ Xã cũng đã bắt đầu áp dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất để nâng cao chất lượng, đồng thời sáng tạo các sản phẩm phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng hiện đại, như tượng phong thủy, đồ trang trí nội thất. Các nghệ nhân đã biết kết hợp giữa kỹ thuật đúc đồng truyền thống và những tiến bộ kỹ thuật mới, giúp sản phẩm đạt được sự tinh xảo vượt trội, đồng thời giảm thiểu chi phí và thời gian sản xuất. Các công đoạn như chế tác khuôn, nấu đồng, đúc, sửa nguội được thực hiện với sự tỉ mỉ và sáng tạo, mang đến những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao.
Nghệ nhân Bùi Thị Minh – Giám đốc Công ty TNHH Đúc đồng truyền thống Ngũ Xã được trao tặng danh hiệu “Phụ nữ Thủ đô tiêu biểu” năm 2024.
Một yếu tố quan trọng khác giúp bảo tồn và phát huy nghề đúc đồng Ngũ Xã là sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính quyền địa phương. Trong những năm qua, các cấp chính quyền địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi cho các nghệ nhân, cơ sở sản xuất duy trì nghề truyền thống thông qua việc cung cấp các chương trình đào tạo nghề, hỗ trợ tài chính và xúc tiến thương mại. Đặc biệt, sản phẩm của làng nghề đã được công nhận và tham gia chương trình OCOP, giúp nâng cao giá trị và uy tín, khẳng định chất lượng sản phẩm trên thị trường. Ngoài ra, chính quyền cũng khuyến khích các nghệ nhân tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước, giới thiệu sản phẩm đến với đông đảo khách hàng và bạn bè quốc tế.
Trong thời gian tới, để nghề đúc đồng Ngũ Xã tiếp tục phát triển, các cơ sở sản xuất cần tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo tính tinh xảo và độc đáo của các tác phẩm đồng, đặc biệt là các sản phẩm phục vụ đời sống tâm linh và nghệ thuật. Bên cạnh đó, làng nghề sẽ tiếp tục áp dụng công nghệ vào quy trình sản xuất, như cải tiến kỹ thuật đúc đồng và thiết kế mẫu mã, nhằm nâng cao hiệu quả và tính sáng tạo trong các sản phẩm. Các nghệ nhân cũng sẽ đẩy mạnh việc đào tạo thế hệ trẻ, tạo điều kiện cho những người có đam mê và tài năng tiếp cận nghề truyền thống, đảm bảo sự kế thừa bền vững.
Nghề đúc đồng không chỉ là di sản quý giá của Thăng Long - Hà Nội mà còn là biểu tượng văn hóa của dân tộc Việt Nam. Với sự quyết tâm và sáng tạo của những nghệ nhân, cùng sự hỗ trợ từ chính quyền và cộng đồng, tin rằng ngọn lửa nghề đúc đồng Ngũ Xã sẽ tiếp tục cháy sáng, mang theo tinh hoa văn hóa Việt Nam vươn xa hơn trong thời hi