1. Tình hình tội phạm do người chưa thành niên phạm tội thực hiện trong các năm qua
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Bộ Công an, trong năm 2010, trên địa bàn cả nước có 13.572 đối tượng phạm tội là người chưa thành niên, trong đó 1.600 vụ học sinh đánh nhau, tăng nhiều lần so với những năm trước về số lượng phạm tội và các vụ án nghiêm trọng. Đặc biệt, trong vài năm trở lại đây số vụ vi phạm pháp luật hình sự do người chưa thành niên gây ra tuy có giảm so với năm 2010, nhưng mức độ phạm tội nghiêm trọng hơn, có thể chia thành các nhóm sau:
Một là, về độ tuổi phạm tội
Dựa theo báo cáo thống kê của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, hiện nay, tình hình tội phạm do người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thực hiện có chiều hướng gia tăng và chiếm tỷ lệ cao nhất, khoảng 60%; từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chiếm khoảng 32% và dưới 14 tuổi chiếm khoảng 8% trong tổng số các vụ phạm tội do người chưa thành niên và trẻ em thực hiện.
Theo báo cáo thống kê tình hình phạm tội trong lứa tuổi chưa thành niên trong 05 năm, giai đoạn từ (2006 đến 2010) cả nước có gần 500 nghìn vụ với gần 76 nghìn em vi phạm pháp luật, tăng hơn 3.000 vụ so với 05 năm trước đó. Trong đó đối tượng nam giới chiếm 73.000 em (96,4%), nữ giới chiếm hơn 2.700 em (3,6%). Số vụ án do người chưa thành niên gây ra chiếm 20% so với tổng số vụ vi phạm pháp luật hình sự trong cả nước.
Hai là, theo địa bàn tội phạm thực hiện
Số liệu thống kê từ Bộ Công an, các vụ vi phạm pháp luật và phạm tội do người chưa thành niên thực hiện không chỉ xảy ra ở trung tâm các thành phố lớn, thị xã mà còn xảy ra ở các vùng nông thôn, kể cả vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, tỷ lệ người chưa thành niên phạm tội ở những thành phố lớn chiếm tỷ lệ cao hơn và có chiều hướng tăng nhanh. Địa phương xảy ra nhiều nhất là TP. HCM (hơn 3.300 vụ), Đồng Nai (hơn 2.200 vụ), tiếp đến là các tỉnh Khánh Hoà, Đắk Lắk và Hà Nội và nhiều các địa phương khác. Tính trung bình hàng năm xảy ra trên 10.000 vụ vi phạm pháp luật với trên 13.000 đối tượng. Trong số đó, tỷ lệ trẻ em vi phạm pháp luật ở độ tuổi 16 - 18 chiếm đến 67,1%.
Ba là, nguyên nhân dẫn tới việc phạm tội
Đa phần trẻ em phạm tội thường là những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt như: Trẻ em thiếu sự quan tâm của gia đình (bố mẹ ly hôn, thiếu tình thương yêu của gia đình); Trẻ em lang thang, không được quan tâm giáo dục, dễ làm thân và tụ tập thành băng nhóm tội phạm, đa phần tội phạm này là những em bỏ học, bỏ nhà sống lang thang (40,9%). Số thanh, thiếu niên tụ tập thành băng nhóm, tình trạng bạo lực trong học đường diễn ra liên tục và có chiều hướng phức tạp. Số vụ án do người chưa thành niên phạm tội lần 2 trở lên chiếm tỷ lệ cao (44,8%). Trẻ em nghiện ma tuý, trẻ bị nhiễm HIV, mang thai sớm, bỏ học, trẻ em có hành vi phạm đạo đức có lối sống lệch lạc, vi phạm pháp luật khác, vẫn diễn ra ở nhiều nơi, với diễn biến, tính chất và mức độ ngày càng nghiêm trọng.
Bốn là, cơ cấu loại tội phạm thực hiện
Theo thống kê mới nhất của VKSND tối cao và Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, thì hành vi vi phạm pháp luật hình sự của người chưa thành niên tập trung nhiều nhất vào các nhóm tội xâm phạm sở hữu; xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm và danh dự con người, một số tội xâm phạm an toàn, trật tự công cộng. Trong đó tội danh trộm cắp tài sản chiếm 38%, cố ý gây thương tích chiếm 11%, đặc biệt là giết người chiếm 1,4% trong tổng số tội phạm do người chưa thành niên thực hiện. Tình hình tội phạm ở lứa tuổi chưa thành niên tăng, một số loại án tăng cao là “cướp giật tài sản” chiếm 63,85%; giết người tăng 38,7% về số người vi phạm pháp luật. Thống kê năm 2012, trong số 122.277 bị can bị khởi tố thì có tới 9.904 bị can dưới 18 tuổi (chiếm 8,1%, tăng 7,4% so với năm 2011).
Dựa vào các con số thống kê nêu trên, có thể thấy rằng, tình hình tội phạm do người chưa thành niên thực hiện có tính chất nghiêm trọng và đang là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội trong giai đoạn hiện nay. Đây là hồi chuông cảnh báo tới toàn xã hội về tội phạm là đối tượng chưa thành niên.
2. Quy định của pháp luật hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội, thực tiễn áp dụng
Khái niệm người chưa thành niên phạm tội là khái niệm được dùng sớm và phổ biến ở một số quốc gia như Đức, Anh, Pháp, Mỹ... nhưng được dùng cho nhiều ngành khoa học khác nhau như tâm lý, xã hội, giáo dục và pháp luật. Trong lĩnh vực khoa học pháp lý của Việt Nam thì khái niệm này được dùng để chỉ đối tượng tác động của tội phạm và chủ thể của tội phạm.
Trên thế giới, nhiều nước quy định độ tuổi của người chưa thành niên phạm tội rất khác nhau. Bộ luật Hình sự (BLHS) Việt Nam năm 1985 được sửa đổi bổ sung năm 1999 quy định người chưa thành niên phạm tội là những người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 18 tuổi là hoàn toàn hợp lý. Bởi lẽ dựa trên nhiều yếu tố về tâm sinh lý, thể chất, giai đoạn lứa tuổi này có nhiều điểm đặc biệt trong giai đoạn phát triển của một con người. Lứa tuổi này, là một giai đoạn vừa chuyển từ giai đoạn trẻ em sang giai đoạn người lớn, nên tâm lý bồng bột, nông nổi, cộng với việc thiếu kinh nghiệm sống, nên dễ bị lôi kéo và sa ngã bởi những phần tử xấu trong xã hội. Mặt khác, sự hiểu biết về xã hội, pháp luật còn hạn chế, dẫn đến lựa chọn thiếu chính xác, không phù hợp với chuẩn mực đạo đức chung của xã hội .
Dựa trên những đặc điểm, dấu hiệu chung về tâm sinh lý, về thể chất của lứa tuổi này, pháp luật hình sự Việt Nam không quy định người chưa thành niên phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự như những người ở tuổi trưởng thành . Do đó, với ý nghĩa khoa học pháp lý nêu trên, chúng tôi nhận thấy cần có đường lối xét xử đối với những tội phạm là người chưa thành niên phạm tội cũng phải được quy định riêng cho phù hợp. Điều này thể hiện tính chất nhân đạo của Nhà nước ta đối với tội phạm ở lứa tuổi chưa thành niên.
Bộ Luật Hình sự sửa đổi bổ sung năm 1999 quy định một chương riêng (Chương X, Phần chung) áp dụng đối với những tội phạm chưa thành niên phạm tội. Bắt nguồn từ nguyên tắc nhân đạo của Luật hình sự và đường lối giáo dục thanh thiếu niên của Đảng và Nhà nước ta, Điều 68 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định: “Người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự theo những quy định của chương này, đồng thời theo những quy định khác của Phần chung Bộ luật không trái với những quy định tại chương này”. Như vậy, người chưa thành niên phạm tội chịu trách nhiệm hình sự không giống những người trưởng thành cùng thực hiện một hành vi phạm tội và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội như nhau.
So với Bộ luật Hình sự năm 1985, Bộ luật Hình sự năm 1999 có điểm tiến bộ hơn vì đã có sự phân biệt lứa tuổi từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi và từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi. Người đủ từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về những tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng, người từ đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm do họ thực hiện quy định tại Chương X, Phần chung. Điều này hoàn toàn phù hợp với tâm sinh lý và nhận thức ở từng lứa tuổi.
Trong độ tuổi từ 14 đến dưới 16 tuổi là những người đã có năng lực trách nhiệm hình sự chưa đầy đủ, nhưng trên thực tế xét xử đối với những đối tượng phạm tội, thì độ tuổi này mới chỉ nhận thức được tính chất nguy hiểm đối với một số hành vi nghiêm trọng như: Trộm cắp tài sản, cố ý gây thương tích, giết người, hiếp dâm… Đối với những hành vi đặc biệt nghiêm trọng thì nhận thức của họ còn hạn chế, chưa nhận thức đầy đủ tính chất nguy hiểm của hành vi do mình thực hiện như các tội xâm phạm tới an ninh quốc gia.
Đối với độ tuổi từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, pháp luật hình sự coi họ đủ năng lực trách nhiệm hình sự, tuy nhiên ở độ tuổi này, so với tội phạm từ 18 tuổi trở lên thì họ còn ít tuổi, nhận thức còn nông nổi, kinh nghiệm sống chưa nhiều, trình độ nhận thức còn hạn chế, họ còn nhiều cơ hội để làm lại cuộc đời, nếu họ được giáo dục cải tạo tốt. Nên những người trong độ tuổi đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự do hành vi phạm tội của mình được quy định tại chương X, Phần chung là hoàn toàn có cơ sở, phù hợp với khoa học hình sự, khoa học tâm lý tội phạm và thực tiễn hiện nay về loại tội phạm này. Bởi vậy, những người tiến hành tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử cần tìm hiểu và phân biệt được những điểm khác biệt của hai độ tuổi này để quyết định hình phạt phù hợp với từng đối tượng phạm tội.
Thực tiễn xét xử của Tòa án hiện nay cho thấy, tình hình tội phạm chưa thành niên ngày càng gia tăng về số lượng và tính chất mức độ nguy hiểm của hành vi. Trong thời gian qua, người chưa thành niên phạm tội đã gây ra nhiều vụ án thương tâm, làm nhức nhối trong dư luận xã hội. Tình trạng phạm tội do người chưa thành niên gây ra có nhiều diễn biến phức tạp. Nguyên nhân phạm tội ở những đối tượng này thường xuất phát từ những lý do bình thường, nhỏ nhặt hàng ngày trong đời sống xã hội, nhưng những đối tượng này lại có cách thức xử lý và hành động hết sức nguy hiểm và thiếu suy nghĩ, bồng bột, dẫn tới hậu quả mà bản thân đối tượng cũng không lường trước được. Đến khi đứng trước vành móng ngựa, có bản án của Tòa án tuyên, thì các em mới nhận thức được và ăn năn, hối hận, nhưng đã muộn.
Trong quá trình giải quyết vụ án, việc xử lý tội phạm là người chưa thành niên cần phải nghiên cứu, giải quyết những nguyên dẫn tới việc thực hiện tội phạm. Các biện pháp đặt ra đòi hỏi có sự chung tay của cá nhân, gia đình, nhà trường và toàn xã hộ qua đó góp phần ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả đối với người chưa thành niên phạm tội nói riêng và các tội phạm khác nói chung. Những yếu tố như: Gia đình, nhà trường và xã hội là nền tảng lớn, ảnh hưởng tới việc hình thành nhân cách của những trẻ em và thanh thiếu niên, đặc biệt là những thanh thiếu niên phạm tội. Môi trường tốt sẽ góp phần quan trọng giáo dục, nuôi dưỡng lứa tuổi người chưa thành niên để góp phần đẩy lùi đối tượng tội phạm này trong xã hội.
3. Một số biện pháp để hạn chế, đẩy lùi tội phạm là người chưa thành niên
Với số lượng, tỷ lệ lớn các vụ án do người chưa thành niên phạm tội thực hiện trong thời gian vừa qua đã tạo nên sự bức xúc mạnh mẽ trong cộng đồng, xã hội. Nhiều ý kiến cho rằng, cần phải cân nhắc để sửa đổi luật, hoặc tăng mức hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội, giảm độ tuổi như quy định hiện nay hoặc thống kê các tội phạm xảy ra nhiều và có tính chất phổ biến thì quy định phải chịu trách nhiệm như các tội phạm khác. Tuy nhiên, xuất phát từ bản chất của Nhà nước xã hội chủ nghĩa và chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta đã được cụ thể hoá trong Bộ luật Hình sự năm 1999 và các văn bản pháp luật có liên quan thì việc xử lý những đối tượng người chưa thành niên phạm tội nhằm để giáo dục, cải tạo họ trở thành những công dân có ích cho xã hội là hoàn toàn đúng đắn và có cơ sở khoa học pháp lý.
Chúng tôi cho rằng, những ý kiến nêu trên chỉ là giải pháp trước mắt, chưa phải là biện pháp giải quyết cái gốc của vấn đề. Bởi lẽ hiện nay, trên thế giới nhiều quốc gia đã áp dụng biện pháp này, nhưng nghiên cứu kết quả thực tế ở các nước đó tội phạm trong độ tuổi này vẫn không ngừng tăng lên. Dựa trên nhiều khía cạnh pháp lý của các ngành luật, thực tiễn xã hội và tâm lý tội phạm, chúng tôi đưa ra một số kiến nghị như sau:
Thứ nhất, bắt nguồn từ nguyên nhân phạm tội, để tìm phương hướng giải quyết cho vấn đề này một cách có hiệu quả và đồng bộ cần phải xây dựng hệ thống giáo dục pháp luật tốt, trong đó giáo dục của các tổ chức xã hội, tổ chức đoàn thể và gia đình đóng vai trò cốt lõi. Lứa tuổi chưa thành niên cần có sự quan tâm cả về mặt vật chất và tinh thần, có sự giáo dục đầy đủ, qua đó hạn chế tội phạm do người chưa thành niên phạm tội thực hiện. Ở tuyến cơ sở xã, phường, thôn, bản cần có đội ngũ cán bộ làm công tác đoàn, công tác xã hội tìm hiểu và quan tâm tới những gia đình và thiếu niên có hoàn cảnh đặc biệt, các gia đình có xung đột, mâu thuẫn đã diễn ra lâu ngày nhưng chưa thể giải quyết được. Các tổ chức đoàn thể và xã hội này cần phải tiếp cận, tìm cách hạn chế, ngăn chặn xu hướng thiếu tích cực xảy ra. Đồng thời giáo dục trẻ em hướng các em thành người có ích cho xã hội. Điều này rất cần có sự chung tay phối hợp chặt chẽ giữa ba mắt xích quan trọng gồm: Gia đình, nhà trường và xã hội.
Thứ hai, có chính sách giáo dục thanh thiếu niên thông qua nhiều kênh thông tin đại chúng; xét xử công khai đối với những vụ án lớn có tính chất nỏi cộm, qua đó tăng cường tính chất giáo dục, phòng ngừa chung và phòng ngừa riêng. Việt Nam đã tham gia vào Công ước quốc tế bảo vệ quyền trẻ em, do đó giải pháp để ngăn ngừa, phòng chống tội phạm đối với trẻ vị thành niên không phải bằng cách tăng hình phạt, mà chính là sự quản lý, giáo dục và các chính sách dành cho trẻ em. Đồng thời khi xét xử các vụ án do người chưa thành niên phạm tội cần có sự tham gia của Hội thẩm là cán bộ đoàn, cán bộ hội hoặc là giáo viên lâu năm có sự hiểu biết về pháp luật, hiểu biết về tâm lý lứa tuổi người chưa thành niên, để có phán quyết một cách công minh, bình đẳng.
Thứ ba, đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục pháp luật cho các em ở nhà trường, ở địa phương và tại các tổ chức sinh hoạt đoàn thể nơi các em tham gia. Các em nắm được pháp luật, nhận thức được tính chất mức độ nguy hiểm cho xã hội và hậu quả pháp lý của hành vi phạm tội sẽ hạn chế được việc thực hiện tội phạm, đảm bảo tính chất phòng ngừa chung và phòng ngừa riêng.
Thứ tư, Nhà nước có chính sách tạo việc làm cho người lao động, ổn định kinh tế - chính trị - xã hội, nâng cao đời sống cho nhân dân, nâng cao chất lượng gia đình bởi lẽ gia đình chính là tế bào của xã hội. Giáo dục trong gia đình chính là giáo dục đầu tiên, quan trọng nhất đối với mỗi con người. Đồng thời, ở mỗi địa phương cần đẩy lùi những tụ điểm xấu của xã hội, có môi trường cho trẻ được tham gia vui chơi, học tập sinh hoạt tập thể lành mạnh…
Thứ năm, Nhà nước cần có chính sách quản lý hệ thống thông tin mạng internet tốt vì trẻ em hiện nay là đối tượng thường tiếp xúc sớm, nhanh với các thông tin văn hóa phẩm độc hại.
Thứ sáu, nên chăng cần phải nghiên cứu đề xuất thành lập Tòa án riêng đối với người chưa thành niên phạm tội như ý kiến đề xuất của một số nhà khoa học pháp lý hiện nay.
Mục tiêu của nước ta là xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân, các biện pháp cưỡng chế hình sự, mục đích của hình phạt không chỉ nhằm trừng trị, mà còn nhằm mục đích giáo dục người phạm tội, giúp họ nhận ra sai lầm và tạo cho họ cơ hội để sửa chữa, sớm tái hòa nhập với cộng đồng xã hội. Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 1999 quy định chính sách nhân đạo đối với người chưa thành niên phạm tội, họ là đối tượng đặc biệt được pháp luật bảo vệ dưới cả hai góc độ, khi họ là người bị hại và cả khi họ là chủ thể của tội phạm. Chính sách hình sự của Nhà nước ta hiện nay thể hiện rõ quan điểm nhất quán, đồng thời cũng phù hợp với Công ước quốc tế của Liên hợp Quốc về quyền trẻ em năm 1989 mà Việt Nam là thành viên.
Do đó, chúng tôi cho rằng, để việc đấu tranh phòng chống tội phạm chưa thành niên có hiệu quả, thì phải tìm ra những nguyên nhân, điều kiện làm nảy sinh hành vi phạm tội, từ đó tìm ra những giải pháp hữu hiệu để ngăn ngừa tội phạm chưa thành niên. Vì vậy, việc tăng mức hình phạt hay giảm tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên không phải là giải pháp tối ưu nhất hiện nay, mà có khi làm giảm hiệu quả công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung và tội phạm do người chưa thành niên phạm tội nói riêng.
ThS. Bùi Thị Chinh Phương
Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị quyết số 08 - NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị về nhiệm vụ trọng tâm của của công tác tư pháp trong thời gian tới;
2. Nghị quyết số 49 – NQ/TW ngày 02/06/2005 của Bộ chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020;
3. Giáo trình Luật Tố tụng hình sự Việt Nam, Trường Đại học Luật Hà Nội, Nxb. Công an nhân dân năm 2008, tái bản bổ sung;
4. TS. Nguyễn Ngọc Chí, Đề cương dành cho giảng dạy sau đại học ở Khoa Luật;
5. GS. TSKH. Lê Văn Cảm, Nghiên cứu so sánh luật hình sự một số nước Châu Âu, Tòa án nhân dân, số 19, năm 2005;
6. GS. TSKH. Lê Văn Cảm, Nghiên cứu so các quy định về Phần chung luật hình sự, Chuyên đề giảng dạy sau đại học, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội;
7. GS. TSKH. Lê Văn Cảm, Hệ thống tư pháp hình sự trong giai đoạn xây dựng nhà nước pháp quyền (sách chuyên khảo), Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, năm 2009;
8. TS. Uông Chu Lưu (chủ biên), Bình luận khoa học Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 1999 (Phần Chung), tập thể tác giả, Nxb. Chính trị Quốc gia Hà Nội, năm 2001.