Ông Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận) sau 17 năm ngồi tù vừa chính thức được minh oan vào tháng qua - một sự kiện nổi bật, thu hút sự quan tâm đặc biệt trong đời sống pháp luật nước nhà.
Không gây chấn động như vụ Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) được minh oan, vụ Huỳnh Văn Nén vô tội được ghi nhận như một quá trình đấu tranh bền bỉ để tiếp cận công lý và sự thật, đơn giản vì ngay khi ông bị xét xử gần 20 năm trước, báo chí, công luận, luật sư... đã chỉ ra những chứng cứ ngụy tạo và khẳng định Huỳnh Văn Nén bị oan.
Vụ này rất đặc biệt và là trường hợp duy nhất trong lịch sử tố tụng hình sự Việt Nam khi ông hai lần bị kết tội giết người và đều bị oan. Vụ án đầu là “kỳ án vườn điều” nổi tiếng, ông bị kết tội và cho dù những người bị coi là hung thủ của vụ giết người ấy đã được minh oan (trừ một người đã chết trong tù) thì ông vẫn chưa được minh oan vì dính vào vụ thứ hai, bị quy kết với tội danh “Giết người, cướp tài sản”. Như vậy, lần này ông sẽ được minh oan và bồi thường tổn thất cho cả hai vụ bị kết án oan sai.
Điều đặc biệt nữa là quá trình minh oan của ông có sự tham gia của rất nhiều người, nhiều thành phần xã hội khác nhau. Đầu tiên, phải kể đến các luật sư, những người đã “đồng hành” cùng ông gần 20 năm trời, họ bỏ công sức, tiền bạc của chính mình chỉ để thực hiện một mục đích: Sáng tỏ sự thật. Tiếp đến là báo giới, nhiều phóng viên quyết không bỏ cuộc, kiên trì tìm hiểu sự việc, phơi bày những chứng cứ minh oan cho ông. Ngoài ra, thầy giáo của ông cũng tìm mọi cách minh oan cho trò; ông cựu Chủ tịch xã nơi ông cư trú (thời điểm lúc ông bị kết án là Trưởng Ban Tư pháp xã) đã khẳng định là ông bị oan và ngần ấy năm trời theo đuổi vụ việc này. Đặc biệt nhất là lá đơn tố cáo thủ phạm của một phạm nhân viết trong tù, chỉ đích danh kẻ gây án. Con người bị tước đoạt tự do vì vi phạm pháp luật ấy vẫn có sự trung thực và lương tâm, không nỡ để một người phải chịu nỗi oan khiên. Bố ông Nén, một cụ già nay đã ngoài 90 tuổi, trong suốt những tháng năm con ở tù, không lúc nào ngơi nghỉ việc kêu oan cho con.
Hành trình kêu oan cho ông Huỳnh Văn Nén vô hình trung đã tập hợp được cả một đội ngũ, tạo nên một sự kết hợp giữa ý thức pháp luật và lương tâm con người. Hiện tượng xã hội này đã chứng tỏ có một bước tiến mới trong ý thức pháp luật của người dân, họ không còn coi những phán quyết của Tòa án là chân lý bất di, bất dịch, đạo lý và lương tâm mách bảo họ là lẽ phải sẽ chiến thắng, đường tiếp cận công lý gian nan nhưng vẫn có thể đi đến nơi được. Kết quả hôm nay đã chứng minh điều đó! Cũng cần nói thêm, đây là kết quả của niềm tin vào pháp luật, vào một điều thiêng liêng là chân lý không thể bị bẻ cong, tin tưởng nguyên tắc “không làm oan người vô tội, không bỏ sót kẻ phạm tội” sẽ được thực thi trên thực tế.
Cũng cần phải nói đến thái độ rất khiêm nhường của “người tù thế kỷ này”. Trong buổi xin lỗi công khai do Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận chủ trì, ông chỉ nói “trên đời này có ai khổ như tôi không” mà không một lời oán trách, sự biết ơn đang tràn ngập tâm hồn ông. Phẩm chất của một người hai lần bị kết án giết người này quả là phi phàm, phải chăng có định mệnh nên cha mẹ đặt tên ông là “Nén”?
Vụ giải oan này cũng được coi như chiến thắng của một nền công lý, của quá trình cải cách tư pháp và trực tiếp, hơn tất cả là tinh thần phục thiện, là thái độ tiếp thu, là sự cầu thị ở những con người và cơ quan nắm giữ cán cân công lý. Chính những điều đó mới giữ được niềm tin của nhân dân vào bộ máy thực thi pháp luật, vào công bằng và công lý.
Cũng cần khẳng định một điều tối quan trọng trong vụ giải trừ oan khiên này là biểu hiện dân chủ trong đời sống pháp luật: Người ta có quyền nói, có quyền phơi bày sự thật và có người biết lắng nghe, tiếp thu. Vì thế, có ai cho rằng đây là “vết nhơ, nỗi nhục” của tố tụng hình sự nước nhà thì người đó đã nhầm. Đây là một bước tiến đáng kể trong hoạt động tố tụng, người biết nhận ra sai lầm và sửa chữa sai lầm mới chính là biểu hiện của nhân văn, tiến bộ.
“Người tù thế kỷ” trở về trong niềm hân hoan của mọi người, đó chẳng phải vòng nguyệt quế tôn vinh chiến thắng hay sao?!.
Bình Sơn
Ảnh: ST