1. Đặt vấn đề
Khi chúng ta thực hiện hành vi thì thông tin sẽ để lại trong thế giới vật chất, bao gồm thế giới vật chất đặc biệt trên môi trường điện tử, thiết bị điện tử. Những thông tin đó chính là chứng cứ và có thể được sử dụng để chứng minh những tình tiết của vụ việc dân sự. Hiện nay, có rất nhiều vụ án được chứng minh có sử dụng chứng cứ từ nguồn dữ liệu điện tử. Trong bối cảnh đó, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đã quy định dữ liệu điện tử là một trong những nguồn của chứng cứ (khoản 1 Điều 94), từ đó nhiều vấn đề cần nghiên cứu được đặt ra. Trong phạm vi bài viết này, tác giả phân tích về chứng cứ điện tử, nguồn của chứng cứ điện tử, đánh giá quy định của pháp luật tố tụng dân sự về vấn đề này cũng như đưa ra một số gợi mở cho Việt Nam.
2. Khái niệm chứng cứ điện tử và nguồn của chứng cứ điện tử
Chứng cứ có vai trò quan trọng trong việc làm sáng tỏ nội dung của vụ việc dân sự. Trong tố tụng dân sự, tùy vào yêu cầu mà nghĩa vụ chứng minh có thể thuộc về đương sự, người yêu cầu. Nhóm có nghĩa vụ này phải chứng minh cho yêu cầu hay phản đối yêu cầu của mình thông qua các thông tin, tài liệu, sự kiện được coi là chứng cứ. Trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0 thì việc ứng dụng công nghệ thông tin ngày càng phổ biến trong các hoạt động của con người và ngày càng trở thành công cụ hữu hiệu để tham gia vào các quan hệ xã hội. Việc sử dụng các công cụ này đã để lại các dấu vết điện tử được ghi lại, lưu truyền dưới dạng dữ liệu điện tử như logfile, IP, mã độc, domain, thời gian, không gian mạng, thư điện tử, nickname, chat, tin nhắn… Thực chất, đây là loại chứng cứ mới được tạo ra và lưu trữ lại trong bộ nhớ của các thiết bị kỹ thuật số một cách tự động, khách quan, tồn tại dưới dạng những tín hiệu điện tử, có thể nhận biết, phát hiện, bảo quản và ghi lại vào ổ USB, đĩa CD/VCD… hoặc in ra giấy, ảnh và có thể sử dụng làm chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ án[1]. Trong thực tiễn xét xử hiện nay, các bên đương sự, người yêu cầu và từ phía chủ thể tiến hành tố tụng cũng sử dụng các dữ liệu điện tử để chứng minh cho yêu cầu, phản đối yêu cầu của mình; giải quyết vụ việc dân sự và chúng được coi là “chứng cứ điện tử”. Đây là một thuật ngữ được sử dụng nhiều trong hoạt động tố tụng cũng như nghiên cứu khoa học nhưng khái niệm chính thức về chứng cứ điện tử chưa được nhắc đến trong các văn bản quy phạm pháp luật. Bên cạnh thuật ngữ chứng cứ điện tử, hiện nay còn có một số các thuật ngữ tương tự thuộc nhóm chứng cứ điện tử được ghi nhận như chứng cứ số (Digital Evidence), chứng cứ điện tử (Electronic Evidence), chứng cứ máy tính (Computer Evidence)... Với cách hiểu này, trong bài viết, tác giả sẽ sử dụng thuật ngữ “chứng cứ điện tử” là khái niệm rộng nhất, bao hàm cả chứng cứ kỹ thuật số và chứng cứ máy tính.
Điều 94 và Điều 95 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định về nguồn chứng cứ và thông điệp dữ liệu điện tử, tuy nhiên, vẫn chưa đủ thông tin để có thể xác định khái niệm chứng cứ điện tử cũng như nguồn chứng cứ điện tử. Có ý kiến cho rằng, chứng cứ điện tử là thông điệp dữ liệu điện tử được tạo ra, gửi đi, nhận và lưu trữ bằng phương tiện điện tử thể hiện dưới dạng ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự, do các chủ thể tham gia quan hệ giao dịch điện tử lưu giữ, thu thập, cung cấp cho Tòa án trong quá trình tố tụng hoặc do Tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục do pháp luật về giao dịch điện tử quy định và được Tòa án sử dụng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ việc dân sự cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp[2]. Cũng có ý kiến cho rằng, để dữ liệu điện tử được xem là chứng cứ hay gọi là chứng cứ điện tử thì dữ liệu điện tử được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật Tố tụng dân sự quy định về chứng cứ[3]. Ý kiến khác lại cho rằng, chứng cứ điện tử có thể được hiểu là những thông tin, dữ liệu được thu thập từ các thiết bị điện tử như máy tính và các thiết bị lưu trữ thông tin, dữ liệu hay các thông tin, dữ liệu từ mạng máy tính, điện thoại di động, máy ảnh kỹ thuật số... cũng như từ mạng internet, được các bên tham gia tố tụng cung cấp cho Tòa án hoặc do Tòa án và các cơ quan có thẩm quyền thu thập nhằm chứng minh cho các yêu cầu của các chủ thể hay các đương sự khi giải quyết các yêu cầu, vụ việc theo trình tự tố tụng[4].
Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định, nguồn chứng cứ bao gồm dữ liệu điện tử (Điều 94); thông điệp dữ liệu điện tử được thể hiện dưới hình thức trao đổi dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và các hình thức tương tự khác theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử (Điều 95); chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật được đương sự và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác giao nộp, xuất trình cho Tòa án trong quá trình tố tụng hoặc do Tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục do Bộ luật Tố tụng dân sự quy định và được Tòa án sử dụng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp (Điều 93).
Từ những căn cứ trên, có thể hiểu, một trong những nguồn mà chứng cứ có thể được thu thập đó là dữ liệu điện tử. Theo khoản 7 Điều 3 Luật Giao dịch điện tử năm 2023, dữ liệu điện tử là dữ liệu được tạo ra, xử lý, lưu trữ bằng phương tiện điện tử. Phương tiện điện tử là phần cứng, phần mềm, hệ thống thông tin hoặc phương tiện khác hoạt động dựa trên công nghệ thông tin, công nghệ điện, điện tử, kỹ thuật số, từ tính, truyền dẫn không dây, quang học, điện từ hoặc công nghệ khác tương tự. Để được coi là chứng cứ thì thông điệp dữ liệu phải bảo đảm các yêu cầu theo quy định của Luật Giao dịch điện tử và pháp luật về tố tụng. Như vậy, có thể thấy, chứng cứ điện tử không đồng nhất là dữ liệu điện tử (với tư cách là một loại nguồn chứng cứ). Dữ liệu điện tử có thể được tìm thấy trong các phương tiện điện tử có bộ nhớ trong có khả năng lưu trữ thông tin... Những phương tiện điện tử này là công cụ có tính năng kỹ thuật số, có thể khởi tạo, lưu trữ, truyền đi hoặc nhận lại dữ liệu qua các thiết bị kết nối mạng[5]. Tuy nhiên, không phải tất cả dữ liệu điện tử tìm thấy trong các phương tiện điện tử đều được coi là chứng cứ điện tử mà chỉ những thông điệp dữ liệu phải bảo đảm ba thuộc tính của chứng cứ: Tính khách quan, tính liên quan và tính hợp pháp. Có nghĩa là, thông điệp dữ liệu được lưu giữ trong dữ liệu điện tử phải có thật, tồn tại khách quan, không bị làm cho sai lệch; có liên quan đến vụ việc dân sự đang giải quyết; được thu thập từ nguồn chứng cứ có độ tin cậy cao và thu thập đúng trình tự do luật định. Như vậy, có thể hiểu, chứng cứ điện tử là những thông tin liên quan đến giải quyết vụ việc dân sự, tồn tại trong các dữ liệu điện tử được tạo ra, được gửi, được nhận, được lưu trữ bằng phương tiện điện tử.
Nguồn chứng cứ là hình thức tồn tại, chứa đựng chứng cứ[6]. Chứng cứ chỉ có thể hình thành và được thu thập từ những nguồn chứng cứ nhất định. Theo Điều 94 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, chứng cứ được thu thập từ nhiều nguồn, trong đó có dữ liệu điện tử. Căn cứ này cho thấy, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thừa nhận nguồn của chứng cứ điện tử chính là dữ liệu điện tử. Như vậy, có thể hiểu, nguồn của chứng cứ điện tử là hình thức, nơi chứa đựng những thông tin ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự được tạo ra, lưu trữ, truyền đi hoặc nhận được bởi phương tiện điện tử có liên quan đến việc giải quyết vụ việc dân sự.
Tùy vào mỗi căn cứ sẽ có nhiều cách phân loại nguồn chứng cứ khác nhau:
- Dựa trên nền tảng hoạt động của các phương tiện điện tử, nguồn của chứng cứ điện tử có thể tồn tại trong: (i) Hệ thống máy tính thông thường là hệ thống bao gồm phần cứng và phần mềm để xử lý dữ liệu; (ii) Hệ thống truyền thông là hệ thống điện thoại truyền thống, điện thoại không dây, mạng Internet và mạng nói chung.
- Dựa trên cách thức khởi tạo, nguồn của chứng cứ điện tử gồm: (i) Dữ liệu điện tử, do máy tính tự động tạo ra như “cookies”, “URL”, email logs, web server logs, IP...; (ii) Dữ liệu điện tử do con người tạo ra, được lưu giữ trong máy tính hoặc các thiết bị điện tử khác, như các văn bản, bảng biểu, các hình ảnh, thông tin… được lưu giữ dưới dạng kỹ thuật số[7].
- Dựa vào nội dung của dữ liệu điện tử, có thể phân chia thành các nhóm sau: (i) Dữ liệu chương trình; (ii) Hệ thống tin nhắn; (iii) Thông tin dữ liệu từ các ứng dụng cụ thể cho tổ chức; (iv) Thông tin dữ liệu từ các ứng dụng doanh nghiệp tổng quát; (v) Cơ sở dữ liệu là những bộ sưu tập dữ liệu được tổ chức theo hệ thống, có thể dễ dàng truy cập, quản lý và cập nhật; (vi) Thông tin dữ liệu từ websites; (vii) Thông tin dữ liệu từ Intranet (mạng nội bộ); (viii) Thông tin dữ liệu từ metadata hay “dữ liệu về dữ liệu”; (ix) Thông tin từ dữ liệu sao lưu; (x) Thông tin từ dữ liệu phân mảnh.
3. Những vấn đề pháp lý liên quan đến nguồn của chứng cứ điện tử trong tố tụng dân sự
3.1. Quy định của pháp luật tố tụng dân sự về nguồn của chứng cứ điện tử chưa đầy đủ
Khoản 1 Điều 94 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 lần đầu tiên quy định nguồn chứng cứ là dữ liệu điện tử. Tuy pháp luật tố tụng dân sự đã thừa nhận nguồn chứng cứ điện tử nhưng lại chưa đưa ra khái niệm chính thức về nguồn của chứng cứ điện tử trong các văn bản pháp luật mặc dù trong các nghiên cứu khoa học đã được sử dụng khá phổ biến. Khoản 1, khoản 2 Điều 11 Luật Giao dịch điện tử năm 2023 (khoản 1, khoản 2 Điều 14 Luật Giao dịch điện tử năm 2005) mới chỉ quy định về giá trị dùng làm chứng cứ của thông điệp dữ liệu mà chưa đưa ra khái niệm về nguồn của chứng cứ điện tử.
Theo khoản 3 Điều 95 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, để xác định chứng cứ điện tử thì nguồn của chứng cứ phải là thông điệp dữ liệu điện tử được thể hiện dưới hình thức trao đổi dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và các hình thức tương tự khác theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử. Cũng theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, để được coi là chứng cứ thì phải được cung cấp, thu thập, đánh giá, bảo quản theo đúng trình tự, thủ tục do pháp luật quy định. Tuy nhiên, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 lại không quy định về biện pháp thu thập chứng cứ từ nguồn dữ liệu điện tử dẫn đến hậu quả là trên thực tế khi thu thập, đánh giá chứng cứ từ nguồn dữ liệu điện tử, có nhiều Tòa án áp dụng rất khác nhau, dẫn đến sự thiếu đồng bộ trong áp dụng pháp luật.
3.2. Khả năng xâm phạm quyền con người và bí mật cá nhân trong quá trình thu thập nguồn của chứng cứ điện tử
Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 với quy định mới về nguồn chứng cứ dữ liệu điện tử đã tạo nền tảng pháp lý quan trọng cho hoạt động chứng minh trong quá trình giải quyết các vụ việc dân sự. Tuy nhiên, trong quá trình cung cấp, thu thập, đánh giá, bảo quản chứng cứ dữ liệu điện tử đã xuất hiện một số khó khăn trong việc bảo đảm quyền con người và bí mật cá nhân.
Trong xu hướng phát triển công nghệ mạnh mẽ như hiện nay, các phương tiện điện tử nói chung và đặc biệt là máy tính, điện thoại cá nhân có thể lưu trữ rất nhiều các thông tin về đời sống của mỗi cá nhân. Chúng chứa đựng rất nhiều thông tin đời tư của mỗi chủ sở hữu như tin nhắn, hình ảnh, số tài khoản ngân hàng… Khi khai thác chứng cứ điện tử từ các thông tin dữ liệu điện tử trên các phương tiện điện tử, nếu không khoanh vùng được vị trí của chứng cứ thì để đánh giá tính liên quan của chúng, cơ quan tiến hành tố tụng phải xem xét hầu hết mọi dữ liệu có trên máy tính, kiểm tra toàn bộ email, tin nhắn, danh bạ, hình ảnh, kể cả những nội dung về bí mật đời tư không liên quan để lọc ra những thông tin có giá trị chứng cứ. Điều đó có thể dẫn tới hậu quả là người tiến hành tố tụng phải đối mặt với trách nhiệm về việc xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về bí mật thư tín, điện tín, bí mật cá nhân. Thậm chí không thể loại trừ trường hợp người nắm thông tin sẽ lợi dụng bí mật cá nhân đó để trục lợi hoặc thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác.
3.3. Thực tiễn áp dụng pháp luật về việc sử dụng, đánh giá nguồn chứng cứ điện tử chưa thống nhất
Xuất phát từ quy định của pháp luật tố tụng dân sự hiện hành về nguồn của chứng cứ điện tử còn chưa đầy đủ, rõ ràng (như về khái niệm; trình tự, thủ tục cung cấp, thu thập, đánh giá, bảo quản)[8] nên trong thực tế, việc áp dụng cũng chưa thống nhất giữa các Tòa án. Có thể phân tích qua hai ví dụ sau đây:
- Bản án dân sự sơ thẩm số 13/2022/DS-ST ngày 22/02/2022 của Tòa án nhân dân quận H, Thành phố N: Ngày 05/12/2018, bà P và Công ty Ne ký kết Hợp đồng dịch vụ số 22012019/2019/HĐDV để Công ty Ne được phép sử dụng hình ảnh của bà P trong thời hạn từ ngày 05/01/2019 đến hết ngày 04/4/2019 với tổng giá trị hợp đồng là 15.000.000 đồng. Sau đó, bà P đã phối hợp và tạo mọi điều kiện để Công ty Ne sử dụng hình ảnh của bà P một cách thuận lợi và hiệu quả. Đồng thời, Công ty Ne cũng đã hoàn thành việc thanh toán 15.000.000 đồng. Tuy nhiên, sau khi thời hạn sử dụng hình ảnh của bà P chấm dứt, từ ngày 05/4/2019 đến ngày 16/12/2019, Công ty Ne tiếp tục sử dụng trái phép hình ảnh công khai tại rất nhiều website như: Fanpage Facebook “Thẩm mỹ viện Quốc tế Ne”, kênh Youtube “Thẩm mỹ viện Quốc tế Ne”, website https://thammyvienNe.com và một số website khác của Công ty Ne. Tất cả các hình ảnh, video, bài viết... có sử dụng trái phép hình ảnh của bà P tại các phương tiện truyền thông của Công ty Ne đã được ghi nhận, thu thập và được Văn phòng Thừa phát lại quận B, Thành phố C lập Vi bằng số 2161/2019/VB-TPL ngày 16/12/2019. Trên cơ sở chứng cứ từ các nguồn là thông tin dữ liệu trên Fanpage Facebook, Youtube, website mà Hội đồng xét xử sơ thẩm đã xử: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà P về việc đòi Công ty Ne trả số tiền sử dụng hình ảnh từ ngày 06/4/2019 đến ngày 16/12/2019 (làm tròn thành 08 tháng) theo Hợp đồng dịch vụ số 22012019/2019/HĐDV[9].
- Tại Bản án số 735/2019/DS-PT ngày 21/8/2019 của Tòa án nhân dân Thành phố C về tranh chấp bồi thường thiệt hại về danh dự, nhân phẩm thì Tòa án đã không chấp nhận chứng cứ từ nguồn chứng cứ điện tử. Cụ thể, nguyên đơn là Trường Mầm non H cung cấp chứng cứ là Vi bằng số 452/2016/VB-TPLQ.TĐ ngày 12/7/2016 của Văn phòng Thừa phát lại quận T về hình ảnh đăng tin: “Ai có con em học ở Trường Mầm non H thì cẩn thận trường đang dùng nước giếng khoan gần nghĩa địa cho các cháu dùng” là Facebook có tên gọi “H.N”. Tòa án đã không chấp nhận chứng cứ điện tử vì không xác định ai là chủ tài khoản Facebook, không bảo đảm tính trọn vẹn của chứng cứ và nội dung trên Facebook dễ dàng thay đổi bởi chủ tài khoản mặc dù phía nguyên đơn có lập vi bằng[10].
Như vậy, trong vụ việc “Tranh chấp hợp đồng sử dụng hình ảnh” trên thì nguồn chứng cứ điện tử là các thông tin dữ liệu từ nguồn chứng cứ điện tử khi được Văn phòng Thừa phát lại quận B, thành phố C lập vi bằng. Trong khi đó, trong vụ việc “Tranh chấp về bồi thường thiệt hại về danh dự, nhân phẩm” lại không thừa nhận chứng cứ được lấy từ nguồn chứng cứ điện tử là thông tin dữ liệu trên Facebook dù rằng cũng được lập vi bằng. Việc thiếu quy định chi tiết về khái niệm; trình tự, thủ tục cung cấp, thu thập, đánh giá, bảo quản với chứng cứ từ nguồn chứng cứ điện tử sẽ dẫn đến tình trạng áp dụng pháp luật chưa thống nhất giữa các địa phưương, từ đó có thể ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của các chủ thể.
4. Một số gợi mở mang tính tham khảo cho việc hoàn thiện pháp luật về nguồn chứng cứ điện tử trong tố tụng dân sự ở Việt Nam hiện nay
Thứ nhất, cần nhanh chóng xây dựng khái niệm chứng cứ điện tử, nguồn của chứng cứ điện tử[11] và cụ thể hóa thành các quy định của pháp luật. Trên cơ sở hai khái niệm này, cần nhận thức và phân biệt chứng cứ điện tử với dữ liệu điện tử (nguồn chứng cứ). Ngoài ra, để bảo đảm thống nhất trên thực tiễn khi xem xét, sử dụng và đánh giá chứng điện tử, cần quy định riêng biệt về các vấn đề như giá trị chứng cứ của dữ liệu điện tử, phương thức thu thập...
Hiện nay, chứng cứ trong tố tụng dân sự được xây dựng thành một chương riêng trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Có một số quốc gia ban hành một đạo luật riêng về chứng cứ áp dụng với tất cả các loại án như Hoa Kỳ[12]. Tuy nhiên, lựa chọn quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự hay quy định riêng trong một đạo luật luôn có những ưu điểm và nhược điểm riêng. Trong bối cảnh ở Việt Nam hiện nay, theo tác giả, trước mắt vẫn nên sử dụng Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 làm nguồn chủ đạo, sau đó sẽ tiến hành sửa đổi, bổ sung về nội dung liên quan đến nguồn của chứng cứ điện tử. Lựa chọn này sẽ giúp cho người áp dụng thuận tiện hơn vì chỉ cần sử dụng một đạo luật và không làm xáo trộn hệ thống pháp luật, khi cần thiết vẫn có thể ban hành văn bản dưới luật để hướng dẫn, lựa chọn án lệ…
Thứ hai, trong các vụ việc dân sự, sự tôn trọng quyền riêng tư có ý nghĩa quan trọng cho các bên. Tuy nhiên, trong những trường hợp cần thiết, Tòa án vẫn có quyền tự mình thu thập chứng cứ theo quy định của pháp luật để tìm ra được sự thật khách quan. Chính vì vậy, khi thu thập chứng cứ từ nguồn chứng cứ điện tử cũng sẽ có thể ảnh hưởng đến quyền riêng tư của các cá nhân, cơ quan, tổ chức. Để bảo đảm sự hài hòa giữa việc khai thác nguồn chứng cứ điện tử và quyền riêng tư của các chủ thể cần nhanh chóng xây dựng quy trình công nghệ để bảo đảm yếu tố quyền riêng tư, ví dụ như chủ thể thu thập chứng cứ từ nguồn dữ liệu điện tử chỉ được thu thập thông tin có liên quan đến yêu cầu chứng minh của vụ việc dân sự đang giải quyết[13].
Thứ ba, nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng của người tiến hành tố tụng đáp ứng được nhu cầu thực tế công tác thu thập nguồn của chứng cứ điện tử; đánh giá và sử dụng chứng cứ điện tử. Để giải quyết các vụ việc có sử dụng chứng cứ điện tử thì người tiến hành tố tụng phải có hiểu biết nhất định về dữ liệu điện tử, từ đó quá trình thu thập, đánh giá và sử dụng chứng cứ điện tử mới được thực hiện đầy đủ và toàn diện. Do đó, cần có các chương trình đào tạo, tổ chức các buổi tập huấn, hội thảo thường xuyên cho thẩm phán, hội thẩm nhân dân, kiểm sát viên và thư ký Tòa án về vấn đề này./.
Đào Thị Diệu Thương
Khoa Luật, Trường Đại học Sài Gòn
[1]. Trần Văn Hòa, “Vấn đề chứng cứ điện tử”, Những nội dung mới trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Nxb. Chính trị quốc gia, 2016, Hà Nội, tr. 221.
[2]. Nguyễn Hải An (2019), “Chứng cứ và chứng cứ điện tử theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam và thực tiễn áp dụng”, Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam, số 04, tr. 38.
[3]. Nguyễn Thành Minh Chánh (2021), “Pháp luật về chứng cứ điện tử trong tố tụng dân sự Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 24 (448), tr. 44.
[4]. Đinh Thị Ngọc Hà (2023), “Chứng cứ điện tử trong tố tụng dân sự theo pháp luật Việt Nam và một số quốc gia trên thế giới”, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, số 376, tr. 75.
[5]. Lê Nguyên Thanh (2023), Chứng cứ điện tử và thu thập chứng cứ điện tử trong tố tụng hình sự Việt Nam, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Chứng cứ và chứng minh trong giải quyết vụ án hình sự, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 161.
[6]. Giáo trình Luật Tố tụng dân sự (2020), Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb. Hồng Đức, tr. 216.
[7]. Phan Xuân Tân (2017), Nguồn chứng cứ điện tử trong tố tụng hình sự Việt Nam, Luận văn Thạc sĩ Luật học, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 15, 16.
[8]. Đã được phân tích ở mục 4.1.
[9].https://thuvienphapluat.vn/banan/ban-an/ban-an-ve-tranh-chap-hop-dong-su-dung-hinh-anh-so-1632023dspt-282171, truy cập ngày 05/3/2023.
[10]. Nguyễn Thành Minh Chánh (2021), tlđd, tr. 47 - 48.
[11]. Khái niệm đã được tác giả phân tích ở mục 2.
[12].https://www.uscourts.gov/sites/default/files/federal_rules_of_evidence_-_december_2020_0.pdf, truy cập ngày 06/3/2024.
[13]. Olivier Leroux, 2004. Legal Admissibility of Electronic Evidence, International Review of Law, Computers and Technology, 18 IRLCT. 193, 202.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 404), tháng 5/2024)