1. Một số nội dung cơ bản của Điều 26 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015
Điều 26 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 với tên gọi “Tranh tụng trong xét xử được bảo đảm” đã mở rộng phạm vi tranh tụng hơn, không chỉ thể hiện trong giai đoạn xét xử mà thời điểm xuất hiện tranh tụng bắt đầu từ giai đoạn khởi tố đến giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử. Ở mỗi giai đoạn khác nhau thì biểu hiện của tranh tụng cũng khác nhau, ở các giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố thì tương đối mờ nhạt và tranh tụng được thể hiện đậm nét, rõ ràng nhất ở giai đoạn xét xử, đặc biệt là trong phần thủ tục tranh luận tại phiên tòa sơ thẩm. Do đó, đã có quan điểm đánh đồng giữa tranh tụng và tranh luận. Với việc quy định các bên “đều có quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, đánh giá chứng cứ, đưa ra yêu cầu để làm rõ sự thật khách quan của vụ án” trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử là một quy định tiến bộ tạo ra cơ sở pháp lý định hướng cho các quy định cụ thể trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 nhằm đảm bảo cho các bên có điều kiện để tranh tụng hiệu quả.
Tại đoạn 2 của điều luật, một nội dung tiến bộ khác trong nguyên tắc được quy định đó là: “… kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, những người tham gia tố tụng khác thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ của mình và tranh tụng dân chủ, bình đẳng trước Tòa án”. Nội dung này cũng đã từng được ghi nhận trong nguyên tắc bảo đảm quyền bình đẳng trước Tòa án trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003[1]. Để thực hiện được điều này, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đặt ra yêu cầu Tòa án phải có trách nhiệm “tạo điều kiện”. Để tranh tụng có hiệu quả nhằm làm rõ sự thật khách quan của vụ án thì một trong những điều kiện quan trọng nhất là các bên buộc tội và bên gỡ tội phải thật sự bình đẳng với nhau và Tòa án phải đứng ở vị trí trung gian, độc lập, khách quan, là trọng tài bảo đảm cho hai bên thực hiện chức năng của mình, Tòa án không có nghĩa vụ chứng minh tội phạm[2] mà chứng minh tội phạm là việc của bên buộc tội. Điều luật đã không thể hiện được những nội dung này. Mặt khác, việc liệt kê không theo hướng tách bạch và phân định rõ các chủ thể tham gia tố tụng tương ứng với bên buộc tội, bên gỡ tội dẫn đến quy định khác rườm rà, không rõ ràng. Ngoài ra, còn có những điểm không thể hiện được là nguyên tắc như: Tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án phải chuyển cho Tòa án đầy đủ, hợp pháp; phiên tòa phải có đầy đủ người tham gia tố tụng trừ trường hợp vắng mặt vì lý do bất khả kháng, do trở ngại khách quan hoặc trường hợp khác mà luật quy định.
Nội dung của nguyên tắc tranh tụng tại Điều 26 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 còn thể hiện: “Mọi chứng cứ xác định có tội, chứng cứ xác định vô tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, áp dụng điểm, khoản, điều của Bộ luật Hình sự để xác định tội danh, quyết định hình phạt, mức bồi thường thiệt hại đối với bị cáo, xử lý vật chứng và các tình tiết khác có ý nghĩa giải quyết vụ án đều phải được trình bày, tranh luận, làm rõ tại phiên tòa”. Điều này cũng cho thấy, hoạt động tranh tụng công khai tại phiên tòa là sự thể hiện tập trung nhất, cơ bản nhất của nguyên tắc tranh tụng. Bản chất của quá trình tranh tụng này là việc các bên qua quá trình tranh tụng đưa ra những trình bày, tranh luận để làm rõ các chứng cứ buộc tội và gỡ tội tại phiên tòa. Thông qua tranh tụng giữa các bên, Tòa án có thể hiểu rõ hơn các tình tiết của toàn bộ vụ án, tái hiện lại vụ án một cách trung thực, khách quan, trên cơ sở đó vận dụng chính xác của quy định của pháp luật hình sự và tố tụng hình sự để đưa ra một phán quyết đúng đắn nhất. Và “bản án, quyết định của Tòa án phải căn cứ vào kết quả kiểm tra, đánh giá chứng cứ và kết quả tranh tụng tại phiên tòa”. Việc tranh tụng chỉ là hình thức nếu kết quả tranh tụng không được thể hiện trong bản án, quyết định của Tòa án. Đây là một trong những điểm mới, tiến bộ được ghi nhận trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, đã thể chế hóa chủ trương của Đảng “... lấy kết quả tranh tụng tại tòa làm căn cứ quan trọng để phán quyết bản án, coi đây là khâu đột phá để nâng cao chất lượng hoạt động tư pháp”[3]. Tuy nhiên, điều luật có nội dung rườm rà, không điển hình nội dung nguyên tắc tranh tụng, các vấn đề được liệt kê thực chất là những vấn đề cần phải chứng cứ minh trong vụ án hình sự được quy định tại Điều 85 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 mà các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong từng giai đoạn tố tụng tương ứng có nghĩa vụ phải chứng minh để giải quyết vụ án một cách đầy đủ nhất. Ngoài ra, những vấn đề như: Mức bồi thường thiệt hại đối với bị cáo, xử lý vật chứng lại không phải có trong tất cả các vụ án hình sự, trong khi đó yêu cầu của một nguyên tắc trong tố tụng hình sự phải là những tư tưởng chủ đạo và định hướng cho hoạt động tố tụng hình sự, tồn tại khách quan và chi phối toàn bộ quá trình tố tụng[4].
2. So sánh quy định Điều 26 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 với quy định tại Điều 14 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 (ICCPR) và Bình luận chung số 32 của Ủy ban Nhân quyền (HRC)
So với các quy định tại Điều 14 của Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 (ICCPR) và Bình luận chung số 32 của Ủy ban Nhân quyền (HRC) thì Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 còn chưa thể hiện được hết tinh thần của điều ước để đảm bảo nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng hình sự
Tại câu đầu tiên của khoản 1 Điều 14 ICCPR quy định: “Mọi người đều bình đẳng trước Tòa án và cơ quan tư pháp”. Quy định này bảo đảm những điều kiện về quyền bình đẳng trước phiên tòa và Tòa án, đây là một yếu tố quan trọng để bảo vệ quyền con người và là một phương thức thủ tục để bảo vệ pháp quyền. Quyền bình đẳng trước Tòa án và cơ quan tư pháp có thể được hiểu như một biểu hiện cụ thể của nguyên tắc không phân biệt đối xử, “nhằm đảm bảo rằng các bên tham gia tố tụng được đối xử không có sự phân biệt đối xử nào” - (đoạn 8 Bình luận chung số 32). HRC còn đề cập đến khía cạnh bình đẳng về phương tiện: “Quyền bình đẳng trước Tòa án cũng nhằm đảm bảo sự bình đẳng về quyền lực. Điều này có nghĩa là các quyền tố tụng sẽ được dành cho tất cả các bên, trừ khi có sự phân biệt được quy định bởi pháp luật và có thể giải thích một cách hợp lý và khách quan và không dẫn đến sự bất lợi hoặc bất công cho bên tố tụng khác” - (đoạn 13 Bình luận chung số 32). Như vậy, yêu cầu của quy định này đảm bảo các bên tham gia tranh tụng đều được bình đẳng trước phiên tòa và Tòa án. Yêu cầu này đòi hỏi Tòa án không chỉ tôn trọng quyền của các bên trong tố tụng, không thể coi trọng quyền của người này hơn quyền của người kia mà phải có trách nhiệm tạo điều kiện cho họ thực hiện quyền đó. Sự bình đẳng ở đây không có nghĩa là sự bình đẳng về mặt địa vị pháp lý mà là sự thừa nhận quyền của các bên, không chỉ trong việc đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, đưa ra yêu cầu và tranh luận dân chủ trước Tòa án, mà còn bình đẳng kháng cáo, kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án[5]; quyền đối chất, yêu cầu đối chất những nhân chứng buộc tội mình và mời người làm chứng gỡ tội cho mình[6]. Những quy định này nhằm đảm bảo bình đẳng cho các bên tranh tụng trước Tòa án. Nếu không có bình đẳng thì việc tranh tụng chỉ là hình thức và tranh tụng sẽ không thể là cách tìm ra công lý[7]. Bình đẳng trước Tòa án “chính là cơ sở đảm bảo cho việc thực hiện tranh tụng - một nguyên tắc cơ bản đảm tính công bằng, dân chủ, khách quan trong hoạt động tư pháp mà biểu hiện cao độ, tập trung là tranh tụng trước Tòa án”[8]. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã có những quy định tương tự như chưa thể hiện đầy đủ, rõ ràng những nội dung này.
Tại đoạn 2 khoản 1 Điều 14 ICCPR quy định: “Mọi người đều có quyền được xét xử công bằng và công khai bởi một Tòa án có thẩm quyền, độc lập, không thiên vị và được lập ra trên cơ sở pháp luật…”. Tại quy định này đã nêu ra ba thuộc tính của một cơ quan tư pháp mà chủ yếu là Tòa án đó là: “Có thẩm quyền, độc lập, không thiên vị và được lập ra trên cơ sở pháp luật”. Trong đoạn 18 của Bình luận chung số 32 đã giải thích: “Tòa án phải là một cơ quan được thành lập theo pháp luật, độc lập với hành pháp và lập pháp hoặc trong trường hợp cụ thể có sự độc lập xét xử trong việc ra phán quyết”. Ngoài ra, Bình luận chung số 32 còn khẳng định việc phân quyền tư pháp là một yếu tố thiết yếu, tại đoạn 19: “... Trong trường hợp các chức năng và năng lực của các ngành tư pháp và hành pháp không có sự khác biệt rõ ràng hoặc trong trường hợp ngành hành pháp có thể chỉ đạo tư pháp là không phù hợp với khái niệm độc lập của Tòa án…”. Như vậy, để tranh tụng được diễn ra công bằng, bình đẳng giữa bên buộc tội và bên gỡ tội thì nhất thiết trong quá trình tố tụng phải có một cơ quan trọng tài thật sự vô tư, khách quan, không thiên vị, không đứng về bên buộc tội hay bên gỡ tội. Nguyên tắc tranh tụng đòi hỏi phải có sự rành mạch giữa các chức năng trong tố tụng hình sự. Do vậy, về mặt tổ chức phải đảm bảo sự độc lập của Tòa án, mọi yếu tố làm ảnh hưởng đến tính độc lập của Tòa án phải được loại bỏ. Về mặt chức năng quyền hạn và thủ tục tố tụng cần phải có những phân biệt thật rành mạch trong tố tụng, không thể để lẫn lộn giữa chức năng buộc tội với chức năng xét xử. Tại đoạn 10 của Các hướng dẫn về vai trò của Công tố viên năm 1990 cũng yêu cầu: “Văn phòng công tố viên phải hoàn toàn tách khỏi chức năng xét xử”. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định về nguyên tắc “thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”. Tuy nhiên, về nội dung của nguyên tắc tranh tụng chưa ghi nhận việc phân định rành mạch giữa các chức năng tố tụng, đều này không đảm bảo tính khách quan, công bằng và việc tranh tụng không đảm bảo.
Về đòi hỏi khách quan, không thiên vị của Tòa án, trong đoạn 21 của Bình luận chung số 32 HRC đã giải thích: “... các thẩm phán không được để cho phán quyết của họ bị ảnh hưởng bởi sự thiên vị hay định kiến cá nhân, và cũng không được dựa trên các quan niệm có sẵn hay hành động vì lợi ích của một trong các bên tham gia tố tụng và làm tổn hại đến bên khác…”. Tại đoạn 28 Bình luận chung số 32 tiếp tục khẳng định: “Tất cả các xét xử vụ án hình sự hoặc dân sự phải được thực hiện theo nguyên tắc tranh tụng miệng và công khai tại phiên tòa. Phiên tòa công khai đảm bảo sự minh bạch của các thủ tục tố tụng và do đó có ý nghĩa quan trọng để bảo vệ lợi ích của các cá nhân và của toàn xã hội”. Những quy định này đòi hỏi phán quyết của Tòa án dựa trên kết quả tranh tụng giữa các bên tại phiên tòa, điều này đã được Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 ghi nhận.
Tham khảo kinh nghiệm quy định về nguyên tắc tranh tụng của các nước trên thế giới theo mô hình tố tụng xét hỏi nhưng có những quy định thể hiện rõ nguyên tắc tranh tụng, mà điển hình là Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2001 của Liên Bang Nga[9] đã thể hiện rõ ràng những nội dung mang tính nguyên tắc tranh tụng, đáp ứng yêu cầu theo những quy định của ICCPR như đã phân tích ở trên, trong đó, nội dung khái quát điển hình của nguyên tắc tranh tụng là: “Hoạt động tố tụng hình sự được tiến hành dựa trên cơ sở tranh tụng giữa các bên” cần được ghi nhận là một trong những nội dung của nguyên tắc tranh tụng. Vì hoạt động tố tụng hình sự có tính tranh tụng là hoạt động tố tụng được tiến hành giữa hai chức năng buộc tội và chức năng bào chữa cùng tồn tại, vận động và phủ định nhau và đến khi hai chức năng này xung đột đỉnh điểm thì cần phải có vai trò của một trọng tài điều khiển và đưa ra phán quyết về kết quả tranh đấu giữa hai chức năng đó. Hoạt động không có tính tranh tụng là hoạt động tố tụng mà chức năng buộc tội không có đối trọng hay có địa vị lấn át chức năng khác và trong điều kiện đó thì không thể có một trọng tài vô tư khách quan mà chỉ là chủ thể ghi nhận lại kết quả giải quyết của bên buộc tội[10].
3. Một số đề xuất, kiến nghị
Từ những phân tích trên, theo quan điểm của tác giả, tại Điều 26 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 cần thể hiện ngắn gọn, ghi nhận những nội dung cơ bản, điển hình của nguyên tắc tranh tụng có tính chi phối hoạt động tố tụng hình sự của một giai đoạn hoặc cả tiến trình tố tụng. Trên cơ sở đó, cần thể hiện khái quát đầy đủ các vấn đề: (i) Hoạt động tố tụng hình sự phải được tiến hành dựa trên cơ sở tranh tụng giữa các bên; (ii) Bên buộc tội và bên gỡ tội bình đẳng trước Tòa án; (iii) Xác định vị trí, quyền, nghĩa vụ của các chủ thể tham gia tố tụng, tách bạch rõ ràng theo chức năng trong tố tụng; các chức năng buộc tội, bào chữa, xét xử độc lập với nhau; (iv) Tòa án không có nghĩa vụ chứng minh tội phạm, không thuộc về bên buộc tội hay bên gỡ tội; Tòa án có trách nhiệm tạo điều kiện để các bên thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình; (v) Bản án, quyết định của Tòa án phải căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa. Cuối cùng, tên gọi của điều luật cần thể thể hiện tranh tụng bao hàm cả giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử.
Tòa án nhân dân tỉnh Hậu Giang
[1]. Điều 19 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003.
[2]. Trong nguyên tắc “Xác định sự thật của vụ án” so với Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 thì Điều 15 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã có sự sửa đổi về mặt từ ngữ, không liệt kê các Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án mà quy định “Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng”, việc sửa đổi này cũng không loại trừ Tòa án phải có trách nhiệm chứng minh tội phạm.
[3]. Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.
[4]. Nguyễn Văn Hiển, Về nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng hình sự, Nxb. Chính trị Quốc gia - Sự thật, năm 2011 tr.43.
[5]. Tại đoạn 13 Bình luận chung số 32 giải thích: “Điều này có nghĩa là các quyền tố tụng sẽ được dành cho đến tất cả các bên, trừ khi có sự phân biệt được luật định và có thể giải thích một cách hợp lý, khách quan và không dẫn đến sự bất lợi hoặc bất công cho bên tố tụng khác. Chẳng hạn, sẽ không có sự bình đẳng về phương tiện nếu chỉ có những công tố viên có thể kháng cáo phán quyết của tòa trong khi bị đơn không thể…”.
[6]. Tại khoản 3 (e) Điều 14 của ICCPR quy định: “Được đối chất hoặc yêu cầu đối chất những nhân chứng buộc tội mình, và được mời người làm chứng gỡ tội cho mình tới phiên tòa và chất vấn họ tại tòa với những điều kiện tương tự như đối với những người làm chứng buộc tội mình”. HRC giải thích quy định này tại Đoạn 19 Bình luận chung số 32, nhấn mạnh thêm ý nghĩa của bảo đảm này như một biểu hiện của nguyên tắc bình đẳng về phương tiện giữa các bên tham gia tranh tụng. Đảm bảo này có ý nghĩa quan trọng để bị cáo và luật sự có thể bào chưa hiệu quả và đảm bảo bị cáo có quyền năng pháp lý yêu cầu sự có mặt, đối chứng và kiểm tra chéo với nhân chứng của bị cáo giống như với nhân chứng mà bên cơ quan công tố đưa ra. Tuy nhiên, HRC xác định rõ ràng quyền yêu cầu có sự tham gia của nhân chứng bị giới hạn, chỉ những nhân chứng liên quan đến việc bào chữa và một một số giai đoạn tố tụng nhất định mới được cơ quan tư pháp chấp nhận. Pháp luật quốc gia cần quy định rõ ràng về việc chấp nhận các loại chứng cứ, lời khai của các bên và phương thức Tòa án đánh giá các loại chứng cứ đó.
[7]. Nguyễn Văn Hiển, Về nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng hình sự, Nxb. Chính trị Quốc gia - Sự thật, năm 2011, tr.75.
[8]. Uông Chu Lưu (2014), Cải cách các cơ quan tư pháp, hoàn thiện hệ thống các thủ tục tư pháp, nâng cao hiệu quả và hiệu lực xét xử của Tòa án trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân, Đề tài cấp Nhà nước KK.04.06, Viện Khoa học pháp lý - Bộ Tư pháp, tr.69.
[9]. “Điều 15: Tranh tụng giữa các bên.
1. Hoạt động tố tụng hình sự được tiến hành dựa trên cơ sở tranh tụng giữa các bên.
2. Các chức năng buộc tội, gỡ tội và giải quyết vụ án hình sự (phán quyết) là độc lập với nhau và không thể giao cho cùng một cơ quan hoặc một người có thẩm quyền thực hiện.
3. Tòa án không phải là cơ quan truy cứu trách nhiệm hình sự, không thuộc bên buộc tội hoặc bên gỡ tội. Tòa án tạo những điều kiện cần thiết để các bên thực hiện nghĩa vụ tố tụng của mình và thực hiện các quyền được giao cho họ.
4. Bên buộc tội và bên gỡ tội bình đẳng trước Tòa án”.
[10]. Nguyễn Thái Phúc, “Vấn đề tranh tụng và tăng cường tranh tụng trong tố tụng hình sự theo yêu cầu của cải cách tư pháp”, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, năm 2008, số 8, tr.65.