1. Những con số ấn tượng
Tính đến năm 2011, Liên Xô đã đào tạo cho Việt Nam 60.000 cán bộ pháp luật. Trong đó, 3.600 người trình độ trên đại học, 5.000 thực tập sinh, 30.000 sinh viên đại học, 5.500 lượt cán bộ được bồi dưỡng chuyên môn và nâng cao tay nghề và hàng loạt người được tập huấn chuyên môn, kỹ thuật chuyên sâu ở các lĩnh vực pháp lý khác nhau[1]. Một số lượng khổng lồ cán bộ pháp luật đó đã phủ khắp các lĩnh vực hoạt động, công tác trong hệ thống các cơ quan pháp luật của Việt Nam từ nghiên cứu, đào tạo đến xây dựng pháp luật, từ hệ thống các cơ quan hành pháp, tư pháp, lập pháp ở Trung ương đến các cơ quan pháp luật ở địa phương, trở thành một đội quân chủ lực, đóng vai trò hạt nhân trong tất cả các ngành pháp luật mà họ tham gia.
2. Phương thức đào tạo cán bộ pháp luật Việt Nam của Liên Xô
Có 3 loại hình chính đào tạo: Sinh viên đại học, nghiên cứu sinh và thực tập sinh. Ngoài ra, phổ biến là các lớp tập huấn nghiệp vụ ngắn ngày (khoảng vài tuần cho đến vài tháng), đối tượng là các cán bộ đang công tác tại các cơ quan pháp luật Việt Nam, có các chuyên đề khác nhau, phù hợp với nghề nghiệp mà họ đang công tác, nội dung là bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ, trao đổi kinh nghiệm, đi thực tế, học tập tiếp thu các mô hình tổ chức và điều hành ở các cơ quan pháp luật...
Thực tập sinh cũng dành cho những cán bộ đang công tác tại các cơ quan pháp luật với thời hạn 06 tháng đến 01 năm. Những thực tập sinh này được hỗ trợ phương tiện và người hướng dẫn để hoàn thành một đề tài nghiên cứu hoặc công việc chuyên môn của họ với mục đích nâng cao kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp.
Nghiên cứu sinh có hai cấp, một lấy bằng Kan-di-đát và cấp cao hơn là bằng Đốc-tơ với thời hạn 02 năm và 03 năm, tức là Phó Tiến sĩ và Tiến sĩ. Sau này, được gọi là Tiến sĩ và Tiến sĩ khoa học theo quy định về bằng cấp của nước ta. Ở loại hình đào tạo này, phần lớn các nghiên cứu sinh thuộc các thế hệ lưu học sinh Nga trước đây đã tốt nghiệp đại học, số ít thuộc về các cán bộ pháp luật tốt nghiệp trong nước.
Phổ biến nhất và chiếm số lượng lớn nhất là đào tạo sinh viên đại học ngành luật, chính quy và cơ bản. Bắt đầu từ năm 1956, đã có những sinh viên đại học đầu tiên tuy số lượng rất ít. Sau một thời gian gián đoạn do thay đổi trong bộ máy lãnh đạo Liên Xô, sau đó lại tiếp tục và để đáp ứng với nhu cầu phát triển và xây dựng nền tư pháp Việt Nam, số sinh viên luật dần nhiều lên vào những năm đỉnh cao là từ 1972 đến trước khi Liên Xô tan rã. Đây là thời gian Liên Xô đào tạo cho Việt Nam nhiều cán bộ pháp luật nhất với sự gia tăng của số lượng sinh viên, nghiên cứu sinh, thực tập sinh và các đoàn tham quan, tập huấn, nâng cao nghiệp vụ, tay nghề. Các lưu học sinh theo học ngành Luật được tuyển chọn trong nước từ những thí sinh đạt điểm cao trong kỳ thi đại học và thi vào ngành Văn thì thường được chuyển sang ngành Luật. Sinh viên học Đại học Luật ở Liên Xô phải trải qua 07 năm đào tạo, trong đó có 02 năm học dự bị tiếng Nga và 05 năm học trong trường đại học về chuyên ngành Luật. Sinh viên đại học được đào tạo một cách cơ bản toàn bộ các kiến thức pháp luật và các chuyên ngành khác nhau, không bỏ qua bất cứ lĩnh vực nào từ lý thuyết cơ bản về Nhà nước và pháp luật đến chuyên ngành sâu như tội phạm học và nghiệp vụ điều tra, từ kỹ thuật chụp ảnh nhân dạng đến thực hành mổ xác, thu thập chứng cứ... Kết thúc chương trình đại học là luận văn tốt nghiệp bắt buộc về một đề tài trường cho trước. Việc này cần đến kiến thức mà mình đã được học, đồng thời tạo cơ sở và tiền đề cho hoạt động nghiên cứu sau này. Có những môn học ở Liên Xô mà ở Việt Nam mãi sau này mới có như hoạt động công chứng trong môn Luật Hành chính. Do vậy, không phải là không có cơ sở khi có đề xuất các sinh viên tốt nghiệp Đại học Luật ở Liên Xô nên được cấp bằng Thạc sỹ ở nước ta. Bởi vì, cách đào tạo luật ở Liên Xô đã trang bị đầy đủ kiến thức cho sinh viên luật khi ra trường sẵn sàng tham gia vào bất cứ công việc gì thuộc lĩnh vực pháp luật, tòa án, kiểm sát, giảng dạy, nghiên cứu, thực thi pháp luật...
Nhiều trường đại học tổng hợp có khoa Luật tại Liên Xô trở thành những trung tâm đào tạo chủ lực cán bộ pháp luật Việt Nam và là cái nôi pháp lý, địa danh quen thuộc của các sinh viên, nghiên cứu ở Mátxcơva, Kisinhop, Bacu, Tasken, Kraxnoda...
Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ pháp luật này đều được thực hiện trong khuôn khổ các Hiệp định được ký kết giữa hai chính phủ Việt Nam và Liên Xô, đáng chú ý là đó là các viện trợ không hoàn lại, nghĩa là việc đào tạo, bồi dưỡng và cả sinh hoạt, ăn uống, đi lại... đều do phía Liên Xô tài trợ.
3. Vai trò to lớn, hiệu quả tích cực của đội ngũ cán bộ pháp luật được đào tạo từ Liên Xô đóng góp trong việc xây dựng nền pháp lý Việt Nam
Như trên đã đề cập, những cán bộ pháp lý được đào tạo từ Liên Xô về tham gia vào tất cả các lĩnh vực trong đời sống pháp luật nước nhà và trở thành đội quân chủ lực trong các lĩnh vực đó.
Thấy rõ nhất là lĩnh vực đào tạo với sự tham gia đông đảo vào đội ngũ giảng viên của những người tốt nghiệp đại học từ Liên Xô về ở các trường Đại học Luật, các cơ sở đào tạo chức danh cán bộ tư pháp... Từ những “hạt nhân” này mà sinh sôi, nảy nở ra hàng nghìn cử nhân luật, đáp ứng nhu cầu cán bộ pháp lý của đất nước. Ở hai trường lớn nhất nước là Đại học Luật Hà Nội và Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh thì Hiệu trưởng qua các thời kỳ đều xuất thân từ những lưu học sinh Nga với phần lớn đội ngũ giảng viên là giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ được đào tạo từ Liên Xô về.
Đóng góp và giữ vai trò quan trọng trong lĩnh vực nghiên cứu và xây dựng pháp luật cũng do chuyên gia pháp lý được đào tạo ở Liên Xô. Các vị trí chủ chốt trong các Viện Khoa học pháp lý, Viện Nhà nước và Pháp luật... đều do các cán bộ pháp luật học ở Liên Xô nắm giữ và điều hành. Chủ biên các bộ luật lớn như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự cũng là những người tốt nghiệp Đại học Luật ở Liên Xô. Không thể phủ nhận, pháp luật Xô-viết in đậm dấu ấn trong việc xây dựng các văn bản pháp luật, nội dung cũng như hình thức ở Việt Nam.
Những cán bộ pháp luật được đào tạo từ Liên Xô làm việc và trưởng thành trong các cơ quan tư pháp như Tòa án, Viện kiểm sát cũng chiếm thế thượng phong, nhiều người trở thành lãnh đạo của các cơ quan này. Đặc biệt, cơ quan tư pháp hành chính thuộc Chính phủ như Bộ Tư pháp, các cán bộ chủ chốt từ Vụ trưởng đến lãnh đạo Bộ, từ năm 1992 đến nay, các Bộ trưởng Bộ Tư pháp thay nhau kế nhiệm 4 người đều là những lưu học sinh từ Liên Xô trước đây. Khóa lưu học sinh đầu tiên, tiêu biểu là Chánh án Toà án nhân dân tối cao Trịnh Hồng Dương và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đình Lộc đã có những đóng góp quan trọng trong việc phát triển của các cơ quan quan trọng này. Những cán bộ pháp luật đào tạo từ Liên Xô giữ các cương vị chủ chốt trong Quốc hội, Chính phủ không phải là ít. Hiện tại, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng là sinh viên tốt nghiệp AGU tại Bacu, Azerbaigian trước đây. Những cán bộ sau khi học ở Liên Xô về địa phương công tác, trở thành lãnh đạo của các Sở Tư pháp, Tòa án, Viện kiểm sát và có vài trường hợp các cương vị lãnh đạo chủ chốt ở một tỉnh. Bên cạnh đó, cán bộ pháp luật được đào tạo tại Liên Xô cũng góp mặt đáng kể trong các cơ quan pháp chế ngành hoặc có liên quan đến pháp luật như: Công an, Hải quan, Thuế...
Khảo sát một lớp học tại Khoa Luật, Đại học Tổng hợp AGU, Bacu, Cộng hòa Azerbaigian thuộc Liên Xô (niên khóa 1982 -1988) gồm 12 người sau khi tốt nghiệp về nước cho thấy, kết quả 02 người về Tòa án nhân dân tối cao, 01 người về Tòa án huyện, 01 người nhận công tác tại Viện kiểm sát nhân dân huyện, 03 người về Bộ Tư pháp, 2 người là giảng viên Đại học Luật Hà Nội, 01 người về Văn phòng Chính phủ, 2 người công tác tại các công ty nhà nước. Đến nay, có 03 người có học vị tiến sĩ, phần lớn là thạc sĩ, nhiều người giữ các cương vị lãnh đạo như Vụ trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng biên tập Báo Pháp luật Việt Nam, Phó Chánh tòa Hình sự Toà án nhân dân tối cao, Vụ phó của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Toà án nhân dân huyện, Giám đốc Công ty, Trưởng phòng Luật Vietsopetro,... còn lại là các chuyên viên pháp lý của Văn phòng Chính phủ, nhà báo, luật sư và cả doanh nhân tên tuổi. Đó là một dẫn chứng nhỏ để cho thấy hiệu quả của việc Liên Xô giúp chúng ta đào tạo cán bộ pháp lý, tham gia vào các lĩnh vực khác nhau của đời sống pháp luật đất nước.
Thay lời kết luận
Khẳng định sự giúp đỡ của Liên Xô trước đây trong việc đào tạo cán bộ pháp luật và cán bộ tư pháp cho Việt Nam là hết sức lớn lao và ý nghĩa. Đội ngũ được đào tạo đó trở thành một lực lượng đông đảo, có kiến thức pháp luật, đóng góp vô cùng quan trọng vào xây dựng và phát triển nền pháp luật Việt Nam trong tất cả các lĩnh vực, tạo tiền đề vững chắc cho việc đặt nền móng xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Các thế hệ cán bộ pháp luật và tư pháp được đào tạo ở Liên Xô đã nối tiếp nhau phục vụ đất nước một cách hiệu quả nhất. Giờ đây, một số người đã nghỉ hưu nhưng vẫn hoạt động tích cực, đóng góp kinh nghiệm và kiến thức của mình trong việc đào tạo thế hệ tiếp nối, nghiên cứu khoa học hoặc tham gia vào các hoạt động bổ trợ tư pháp. Số đông tốt nghiệp Đại học Luật ở Liên Xô những năm thuộc thập niên tám mươi của thế kỷ trước đang là trụ cột, lực lượng tinh nhuệ trong các cơ quan pháp luật của Việt Nam, tiếp tục khẳng định vị trí quan trọng của mình trong đời sống pháp luật nước nhà. Hiện tại, những thỏa thuận giữa hai chính phủ Việt Nam và Liên bang Nga về việc đào tạo cán bộ pháp lý đang được tiến hành, mở ra những triển vọng hợp tác mới, tiếp nối truyền thống bang giao tốt đẹp giữa hai nước và phát huy những thành quả tốt đẹp trong những năm qua.
Nhân kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười: Sự giúp đỡ của Liên Xô đối với Việt Nam trong đào tạo và bồi dưỡng cán bộ pháp luật và cán bộ tư pháp
Từ những năm 50 của thế kỷ trước, Liên Xô đã giúp Việt Nam đào tạo cán bộ pháp lý, ban đầu là những cán bộ được cử đi học, đào tạo ở các lớp ngắn hạn và sau đó quy mô được mở rộng với các loại hình đào tạo khác nhau
Phùng Ngọc Đức
[1] Nguồn: Hội thảo khoa học “Kinh nghiệm đào tạo cán bộ pháp luật Việt Nam – Cộng hòa Liên bang Nga” tại Nha Trang ngày 7/11/2011.