1. Tạp chí Dân chủ và Pháp luật tiền thân là Tập san Pháp chế xã hội chủ nghĩa thuộc Ủy ban Pháp chế của Hội đồng Chính phủ chính thức được thành lập theo Quyết định số 106-20/UBPC ngày 20/12/1977 của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp chế - Luật sư Trần Công Tường (trên cơ sở Giấy phép số 1925/VP15 ngày 29/5/1975 của Phủ Thủ tướng). Sau hai tháng kể từ ngày thành lập, ấn phẩm đầu tiên của Tập san Pháp chế xã hội chủ nghĩa đã được phát hành vào tháng 02/1978, khởi đầu sự nghiệp truyền thông về khoa học pháp lý cho đến ngày nay.
Năm 1981, cùng với việc thành lập lại Bộ Tư pháp, Tập san Pháp chế xã hội chủ nghĩa trở thành cơ quan ngôn luận đầu tiên của Ngành Tư pháp. Dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (tháng 12/1986), hoạt động báo chí cũng bắt đầu khởi sắc và sôi động, Tập san Pháp chế xã hội chủ nghĩa chính thức được chuyển thành Tạp chí Pháp chế xã hội chủ nghĩa, phạm vi phát hành rộng rãi trong cả nước và đối tượng bạn đọc cũng được mở rộng hơn trước. Ngoài đối tượng là đội ngũ cán bộ làm công tác tư pháp trong cả nước, Tạp chí còn phục vụ một bộ phận quần chúng nhân dân muốn tìm hiểu về pháp luật. Ngày 12/03/1992, Bộ trưởng Bộ Tư pháp - Phan Hiền đã ký Quyết định số 28/QĐ-TC đổi tên Tạp chí Pháp chế xã hội chủ nghĩa thành Tạp chí Dân chủ và Pháp luật. Ngày 14/11/1992, Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định tách Tạp chí Dân chủ và Pháp luật ra khỏi Viện Nghiên cứu khoa học pháp lý để trở thành một đơn vị độc lập trực thuộc Bộ Tư pháp. Tạp chí phát hành một tháng một kỳ, bên cạnh đó, còn xuất bản các số chuyên đề 32 trang, 100 trang, các sách nghiệp vụ phục vụ yêu cầu chỉ đạo nghiệp vụ và quản lý nhà nước về công tác tư pháp của Bộ Tư pháp.
Sau 26 phát triển với tư cách là một cơ quan nghiên cứu, truyền thông về lý luận nghiệp vụ và khoa học pháp lý của Ngành Tư pháp, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật đã có những đổi mới, phát triển, xuất bản ngày càng nhiều các ấn phẩm bao quát các lĩnh vực quản lý nhà nước của Ngành Tư pháp. Hiện nay, Tạp chí phát hành ổn định 02 kỳ/tháng (số định kỳ 64 trang và số chuyên đề hàng tháng 32 trang); 06 số chuyên đề chuyên sâu (200 trang) và biên tập, phát hành bổ sung nhiều ấn phẩm khác phục vụ kịp thời công tác xây dựng và theo dõi thi hành pháp luật của Ngành Tư pháp.
2. Sau 40 năm phát triển và đồng hành cùng sự nghiệp tư pháp, hòa trong dòng chảy vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam, Tạp chí vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Bước sang năm thứ 41, kết quả hoạt động của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật ngày càng thể hiện sự chuyên nghiệp, bài bản, phát huy kinh nghiệm và truyền thống qua nhiều năm. Các nhiệm vụ biên tập, xuất bản các ấn phẩm trong Kế hoạch công tác năm đã được hoàn thành trước 15/12/2018, đó là:
- 12 số tạp chí định kỳ 64 trang và 12 số tạp chí chuyên đề 32 trang (hàng tháng) đã được biên tập, xuất bản kịp thời, phản ánh những mặt công tác tư pháp trọng tâm của Bộ, Ngành Tư pháp theo Chương trình hành động của Ngành Tư pháp năm 2018. Đồng thời với các số chuyên đề chuyên môn, Tạp chí đã phối hợp với Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật biên tập, xuất bản Số chuyên đề Kỷ niệm 15 năm thành lập Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; phối hợp với Viện Khoa học pháp lý biên tập, xuất bản Ấn phẩm đặc biệt về Viện Khoa học pháp lý - 35 năm xây dựng và phát triển.
- Biên tập, xuất bản xong 06 số Tạp chí chuyên đề chuyên sâu 200 trang được Tạp chí phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp phát hành đúng thời hạn, phục vụ đắc lực nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật của Bộ Tư pháp, đó là: (i) “Triển khai thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017” nhằm cung cấp thông tin nghiên cứu lý luận, phổ biến, tuyên truyền và thực tiễn để thi hành Luật này; (ii) “Triển khai thi hành Bộ luật Hình sự” nhằm cung cấp những nội dung chuyên sâu phục vụ cho việc quán triệt, phổ biến, tuyên truyền, tập huấn về Bộ luật Hình sự trong các cơ quan, tổ chức; (iii) “Pháp luật về thi hành án dân sự” nhằm đánh giá thực trạng và nghiên cứu giải pháp nâng cao hiệu quả công tác này; (iv) “Pháp luật về hợp đồng” nhằm cung cấp thông tin nghiên cứu phục vụ việc hoàn thiện pháp luật về hợp đồng; (v) “Các mô hình phổ biến giáo dục pháp luật hiệu quả” nhằm công bố những kết quả và kinh nghiệm trong 05 năm thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật; (vi) “Hoàn thiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính” là nguồn tài liệu hữu ích cho công tác nghiên cứu, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật về hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính.
- Nhằm phục vụ tốt công tác hỗ trợ cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa để triển khai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật đã phối hợp với Chương trình Hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp (Chương trình 585) của Bộ Tư pháp biên tập, xuất bản và phát hành các ấn phẩm đặc biệt “Tổng kết 10 năm thực hiện hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp” và “Xây dựng Nghị định về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa”.
- Trang Thông tin điện tử của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật đã thông tin đầy đủ, kịp thời nội dung của các số tạp chí định kỳ và chuyên đề đã được phát hành trong năm 2018; đăng tải nhiều bài viết nghiên cứu khoa học mới trên các chuyên mục xây dựng pháp luật, pháp luật - kinh tế, diễn đàn công tác tư pháp, thi hành pháp luật, văn hóa pháp lý, phản hồi từ cơ sở; kịp thời thông tin tuyên truyền, phản ánh về các đường lối, chính sách, văn bản của Đảng và Nhà nước, các sự kiện quan trọng của Đảng, Nhà nước và Ngành Tư pháp.
3. Về phương hướng nhiệm vụ cho năm mới 2019, tập thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Tạp chí Dân chủ và Pháp luật phấn đấu lập thành tích thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, trong đó, chú trọng các giải pháp như:
- Bảo đảm tính thời sự, tính bao quát và chất lượng của ấn phẩm Tạp chí trong sự nghiệp thông tin khoa học pháp lý phục vụ sự nghiệp xây dựng và hoàn thiện pháp luật xã hội chủ nghĩa và tư pháp, khai thác sâu khía cạnh dân chủ trong đời sống pháp luật, từ đó, ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu thông tin của các cấp chính quyền, các nhà nghiên cứu khoa học và người dân, là địa chỉ tin cậy về thông tin pháp lý của Ngành Tư pháp.
- Nâng cao hiệu quả công tác biên tập, xuất bản các số Tạp chí định kỳ và chuyên đề hàng tháng bám sát hoạt động của Ngành Tư pháp, đặc biệt là công tác tư pháp địa phương; các số chuyên sâu 200 trang tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm công tác tư pháp năm 2019 với những bài viết có hàm lượng khoa học cao, là tài liệu tham khảo thực sự bổ ích cho những nhà nghiên cứu khoa học pháp lý, nhà lập pháp, thi hành pháp luật và nhiều đối tượng khác.
- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị và các nhà khoa học, tìm kiếm các cộng tác viên tiềm năng để nâng cao hơn nữa chất lượng của các ấn phẩm tạp chí, bảo đảm tính khoa học, đồng thời mang đậm hơi thở cuộc sống.
- Tổ chức các cuộc tọa đàm, gặp gỡ cộng tác viên, khảo sát thực tế, tập huấn nghiệp vụ cho các cộng tác viên ở địa phương tại một số tỉnh miền Bắc, miền Trung và miền Nam để phục vụ hiệu quả cho công tác biên tập và nâng cao chất lượng bài viết cho các ấn phẩm.
- Chú trọng công tác Đảng, các công tác đoàn thể và xã hội từ thiện; tăng cường công tác giáo dục tư tưởng, trau dồi, tu dưỡng phẩm chất đạo đức cho cán bộ, phóng viên, biên tập viên để tập thể Tạp chí trở thành một khối thống nhất, đoàn kết, có lập trường tư tưởng và ý chí cách mạng vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt./.
Nhân kỷ niệm 41 năm Ngày thành lập Tạp chí Dân chủ và Pháp luật (20/12/1977 – 20/12/2018)
Sau 40 năm phát triển và đồng hành cùng sự nghiệp tư pháp, hòa trong dòng chảy vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam, Tạp chí vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Bước sang năm thứ 41, kết quả hoạt động của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật ngày càng thể hiện sự chuyên nghiệp, bài bản, phát huy kinh nghiệm và truyền thống qua nhiều năm.
Trần Hoàng Hưng