(Toàn cảnh buổi Hội nghị)
Đến dự Hội nghị có đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Hội luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý, các trường đại học giảng dạy pháp luật có chuyên ngành pháp luật về tư pháp quốc tế.
Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế có sứ mệnh là diễn đàn để các thành viên quốc tế xây dựng và thực hiện những quy tắc chung của tư pháp quốc tế; thúc đẩy hợp tác tư pháp và hành chính trong lĩnh vực bảo vệ gia đình và trẻ em, thủ tục tố tụng dân sự và pháp luật thương mại; cung cấp dịch vụ pháp lý đạt tiêu chuẩn cao, trợ giúp kỹ thuật và cung cấp thông tin cho các quốc gia thành viên và các quốc gia ký kết các Công ước La Hay, cán bộ Chính phủ, Ngành Tư pháp và những người hành nghề luật, công chứng.
Ngày 10/4/2013, Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế (HCCH) - tổ chức liên Chính phủ uy tín hàng đầu trong lĩnh vực pháp luật, tư pháp. Ngay sau khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên HCCH, ngày 16/8/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1440/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch thực hiện quyền và nghĩa vụ thành viên Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế của Việt Nam (Quyết định số 1440/QĐ-TTg).
Sau 10 năm trở thành thành viên Hội nghị La Hay, Việt Nam đã được hưởng những quyền lợi cơ bản và được tham gia trực tiếp vào quá trình xây dựng và hoàn thiện các nền tảng pháp lý quốc tế đa phương trong lĩnh vực tư pháp quốc tế, được tiếp xúc và khai thác một cách trực tiếp những thành tựu của pháp luật quốc tế, giúp Việt Nam hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến tư pháp quốc tế. Đồng thời, đội ngũ cán bộ pháp luật Việt Nam đã có nhiều cơ hội tham gia vào hoạt động xây dựng các quy định pháp lý quốc tế ở tầm đa phương, thiết lập các quan hệ và giao lưu với đội ngũ chuyên gia pháp lý có trình độ từ nhiều hệ thống pháp luật khác nhau; nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, xây dựng được lực lượng cán bộ pháp luật có trình độ cao về tư pháp quốc tế.
Có thể thấy, việc chủ động và tích cực thực hiện toàn diện Quy chế thành viên, Quyết định số 1440/QĐ-TTg vai trò và vị thế của Việt Nam trong HCCH ngày càng được khẳng định và nâng cao, góp phần thực hiện chủ trương hội nhập quốc tế, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực tư pháp, hoàn thiện cơ sở pháp lý cho các hoạt động tương trợ tư pháp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong quá trình tham gia HCCH, mặc dù đã có nhiều cố gắng, nhưng sự tham gia của Việt Nam còn ở mức độ hạn chế, các hoạt động được thực hiện vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn do khó khăn cả về nguồn lực con người và tài chính. Do tính chất của tư pháp quốc tế là điều chỉnh gián tiếp các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài nên các chủ thể có liên quan chưa dành sự quan tâm sâu sắc đối với lĩnh vực này, thường mới chỉ dừng lại ở việc góp ý về những vấn đề chưa rõ trong các văn bản, báo cáo về các văn kiện, điều ước mới của HCCH mà chưa cử đại diện tham gia các nhóm chuyên gia, nhóm công tác soạn thảo; các hoạt động nghiên cứu chủ yếu vẫn do Bộ Tư pháp tiến hành, chưa thu hút đông đảo sự tham gia của giới học thuật và những người làm thực tiễn.
Các đại biểu tham dự Hội nghị đã được nghe một số tham luận của đại diện Bộ Ngoại giao, Tòa án nhân dân tối cao, Vụ Con nuôi, Viện Chiến lược khoa học pháp lý, Trường Đại học Luật Hà Nội liên quan đến chủ đề Hội nghị: Tóm tắt Báo cáo tổng kết 10 năm Việt Nam trở thành thành viên HCCH; Ý nghĩa của việc gia nhập HCCH đối với công tác của Bộ Ngoại giao; Tác động của việc giao nhập HCCH với hoạt động của Ngành Tòa án; Thực thi Công ước La Hay về nuôi con nuôi tại Việt Nam; Công tác nghiên cứu khoa học về tư pháp quốc tế và HCCH; Hoạt động giảng dậy về tư pháp quốc tế và HCCH tại cơ sở đào tạo đại học… Qua đó, các đại biểu tham dự cũng nêu lên một số kiến nghị, đề xuất, giải pháp để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong quá trình 10 năm thực hiện quyền và nghĩa vụ thành viên HCCH, Quyết định số 1440/QĐ-TTg:
Một là, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các quy định pháp luật trong nước có liên quan về tư pháp quốc tế, cụ thể là Luật Tương trợ tư pháp, Bộ luật Tố tụng dân sự:
+ Xây dựng Luật Tương trợ tư pháp về dân sự hiện đại, nội luật hóa các điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam là thành viên;
+ Rà soát, tiến hành sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính sau khi dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) được Quốc hội thông qua để phù hợp với thực tiễn thi hành các điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự mà Việt Nam là thành viên, bao gồm Công ước Tống đạt và Công ước Thu thập chứng cứ.
Hai là, đẩy mạnh nghiên cứu, chuẩn bị điều kiện gia nhập một số Công ước của HCCH mà Việt Nam có nhu cầu hợp tác quốc tế, đặc biệt là những Công ước đã có đề án được Thủ tướng Chính phủ thông qua.
Ba là, tăng cường công tác phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan, tập trung xây dựng đội ngũ chuyên gia về tư pháp quốc tế và theo dõi phát hiện xu hướng phát triển của các vụ việc tư pháp quốc tế trong thực tiễn và tham gia tích cực, trực tiếp vào các hoạt động hoạch định chính sách, xây dựng văn kiện pháp lý của HCCH.
Bốn là, tăng cường đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức nâng cao kiến thức chuyên môn về tư pháp quốc tế, nghiên cứu đề xuất cơ chế tài chính cho việc cử đi thực tập, làm việc tại HCCH.
Năm là, giao Bộ Tư pháp tiếp tục thực hiện vai trò của Cơ quan quốc gia của Việt Nam trong khuôn khổ HCCH, trong việc thực hiện Quyết định số 1440/QĐ-TTg, nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện điều kiện trong nước để gia nhập Công ước La Hay năm 1980 về các khía cạnh dân sự của hành vi bắt cóc trẻ em quốc tế.
Sáu là, giao Bộ Ngoại giao tiếp tục chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan báo cáo Chính phủ về việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực cán bộ phục vụ việc gia nhập Công ước La Hay năm 1961 về miễn hợp pháp hóa đối với giấy tờ công của nước ngoài.
Bảy là, giao Ngân hàng nhà nước, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Tư pháp tham gia các hoạt động nghiên cứu của HCCH về kinh tế số và tài chính xuyên biên giới.
Tám là, giao Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp nghiên cứu xây dựng cơ chế tài chính cho công chức, viên chức tham gia thực tập, làm việc tại các tổ chức quốc tế trong đó có HCCH.
Chín là, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Liên đoàn Luật sư Việt Nam theo dõi, tổng kết hoạt động thực tiễn để thông tin cho Bộ Tư pháp về số liệu, các vướng mắc gặp phải trong giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài, cũng như đề xuất kiến nghị liên quan đến tư pháp quốc tế và thực hiện nghiên cứu, gia nhập các điều ước quốc tế của HCCH nói riêng và trong hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực tư pháp quốc tế nói chung.
Hải Việt