Oan sai - hậu quả của nhục hình, bức cung là vấn đề xã hội luôn luôn nóng từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, để nhìn thẳng vào thực tế, rút ra những bài học cần thiết, tìm những biện pháp thích hợp và hiệu quả chống lại tình trạng này, thì dường như vẫn có sự dè dặt từ các cơ quan chức năng và cả báo chí. Từ khi vụ án oan sai của ông Nguyễn Thanh Chấn bị phơi bày, thì vấn đề này được đặt ra, cấp bách như phải hành động để bảo vệ chế độ. Như một hiệu ứng, ông Nguyễn Sơn, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho biết: Số vụ án có tội danh dùng nhục hình, bức cung gia tăng trong thời gian gần đây. Nhục hình, bức cung như tảng băng chìm, rất khó làm cho nó nổi lên để thấy rõ tầm vóc khủng khiếp của nó. Điều đáng mừng là các cơ quan tố tụng và cả các cấp có thẩm quyền cao đã không lảng tránh điều này và bước đầu có những đề xuất làm giảm thiểu tình trạng tồi tệ này.
Ngay bên cạnh vụ án Nguyễn Thanh Chấn bị oan sai, cùng trên địa bàn Bắc Giang cũng xảy ra một vụ oan sai tày đình khác. Ông Hàn Đức Long, sinh năm 1959, bị khép tội hiếp dâm và giết chết một bé gái 5 tuổi và nhận 2 bản án tử hình từ cấp sơ thẩm đến phúc thẩm. Tử tù này bị bắt chỉ sau một lá đơn tố cáo sau khi án mạng đã xảy ra nhiều tháng của người có mâu thuẫn đất đai. Bị nhục hình, bức cung, ông Long phải nhận là mình đã hiếp dâm và giết chết bé gái, thậm chí còn hiếp dâm cả hai mẹ con nhà hàng xóm. Khi các bản án bị hủy để điều tra lại, thì chính những người tố cáo lại xin rút đơn. Hai nạn nhân của việc dùng nhục hình, bức cung này đủ để vẽ nên bức tranh khủng khiếp của “biện pháp nghiệp vụ” này: Từ những người vô tội, không biết gì về án mạng xảy ra, nhưng tại hiện trường, họ đã được đạo diễn để diễn lại y như thật, thực hiện xuất sắc chỉ đạo diễn xuất, khai báo tình tiết đúng với ý muốn của cán bộ điều tra.
Một vụ án khác, diễn ra tại Sóc Trăng. Ba thanh niên người dân tộc Khmer bị buộc tội hiếp dâm bé gái, dìm xác nạn nhân xuống mương. Mặc cho nhân chứng khăng khăng thủ phạm là người Kinh, trong đó có một tên nói ngọng, mặc cho các bị can đều trong tình trạng ngoại phạm,… thì cơ quan điều tra vẫn có bản kết luận “ưng ý” với sự “cúi đầu nhận tội” của các nghi phạm và kết cục bản án được tuyên với một án tử hình, một chung thân và một 20 năm tù giam vì bị cáo này chưa đủ 18 tuổi. Người anh ruột của bị cáo lĩnh án tử hình biết chắc chắn em mình không phạm tội vì thời điểm xảy ra vụ án người đó ở bên cạnh em mình. Người đàn ông mù chữ này đã lặn lội ra Hà Nội tìm “Bao Công”. Sức lực và tâm nguyện ông bỏ ra đã có kết quả khi cơ quan cấp trên chỉ đạo giải quyết và đặc biệt có sự vào cuộc của báo chí, sự tận tình của các luật sư bào chữa miễn phí, những bị cáo này được tuyên vô tội và trở lại với đời thường cùng sự lương thiện của họ.
Tuy nhiên, không phải vụ án oan sai nào cũng có một kết thúc có hậu. “Kỳ án vườn mít” là một ví dụ, cũng bị khép tội hiếp dâm trẻ em, giết người, Lê Bá Mai đã phải nhận 2 bản án tử hình, một bản án vô tội và một bản án chung thân và sự việc vẫn chưa kết thúc. Nghi can này cũng ở trong tình trạng ngoại phạm và các điều tra của luật sư đã chỉ ra các điều tra viên của vụ án này có phép phân thân, vừa lấy cung ở địa điểm này, vừa lập biên bản ở một chỗ khác trong cùng một thời điểm. Không những có phép phân thân mà điều tra viên còn có nghệ thuật “cân đẩu vân” đi về vài chục cây số chỉ trong chớp mắt. Rất nhiều khuất tất, nghi vấn, mâu thuẫn trong việc lấy lời khai, nhân chứng, biên bản,… của cơ quan điều tra trong vụ án này.
Chống bức cung, nhục hình đơn giản chỉ cần mở rộng cánh cửa phòng hỏi cung với sự chứng kiến của luật sư, người giám hộ và những gì diễn ra sau cánh cửa của trại tạm giam phải có người biết đến. Hạn chế quyền có mặt của luật sư không khác gì một sự tiếp tay cho hành vi bức cung, nhục hình mà hành vi ấy lại làm suy yếu chế độ, vậy bảo vệ chế độ cần phải làm gì, ngoài chuyện trên bàn nghị sự?!
Bình Sơn
Ảnh: Anninhthudo