Mục A Chương XXI Bộ luật Hình sự quy định 07 tội phạm về tham nhũng, đó là: Điều 278. Tội tham ô tài sản; Điều 279. Tội nhận hối lộ; Điều 280. Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; Điều 281. Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Điều 282. Tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ; Điều 283. Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; Điều 284. Tội giả mạo trong công tác.
1. Hoàn thiện quy định về tình tiết định tội
Thứ nhất, sửa cụm từ “người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý” trong tội tham ô tài sản (Khoản 1 Điều 278) thành “người nào chiếm đoạt tài sản của Nhà nước, của tổ chức hoặc của cá nhân mà mình có trách nhiệm quản lý trên cơ sở chức vụ, quyền hạn hoặc nhiệm vụ” để làm rõ hơn chủ thể và đối tượng tác động của tội phạm này, tránh tình trạng hiểu không thống nhất. Vì theo quy định hiện nay sẽ có ý kiến cho rằng, chỉ những người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan, tổ chức chiếm đoạt tài sản của Nhà nước, của tổ chức mới phạm tội tham ô, còn những người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp tư nhân chiếm đoạt tài sản của cá nhân thì không phạm tội này, dẫn đến việc khởi tố, truy tố, xét xử oan sai hoặc không thống nhất. Ngoài ra, việc sửa đổi này còn phù hợp với quy định của Hiến pháp là mọi hình thức sở hữu đều bình đẳng trước pháp luật, khắc phục tình trạng quá phân biệt đối xử giữa các hình thức sở hữu như những năm trước đây. Hơn nữa, nếu quy định “người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý” sẽ dẫn đến tình trạng bỏ lọt tội phạm hoặc xử oan người vô tội. Bởi lẽ, có người tuy không “lợi dụng chức vụ, quyền hạn” (vì họ không có chức vụ, cũng không có quyền hạn như: người lái xe hàng theo nhiệm vụ không có người áp tải; xã viên hợp tác xã được phân công trông coi tài sản ở sân kho hợp tác…) nhưng nếu họ “chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý” thì họ vẫn phạm tội tham ô. Để thống nhất trong nhận thức và trong xét xử, cần sửa cụm từ “người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý” trong tội tham ô tài sản (Điều 278) thành “người nào chiếm đoạt tài sản của Nhà nước, của tổ chức hoặc của cá nhân mà mình có trách nhiệm quản lý trên cơ sở chức vụ, quyền hạn hoặc nhiệm vụ”. Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi (Điều 283) cũng nên sửa theo hướng này; cụ thể như sau:
Điều 278. Tội tham ô tài sản (cũ)
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm
Điều 278. Tội tham ô tài sản (mới)
1. Người nào chiếm đoạt tài sản của Nhà nước, của tổ chức hoặc của cá nhân mà mình có trách nhiệm quản lý trên cơ sở chức vụ, quyền hạn hoặc nhiệm vụ có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
Thứ hai, sửa cụm từ “người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kì hình thức nào… để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ” trong tội nhận hối lộ (Khoản 1 Điều 279) thành “người nào trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận lợi ích vật chất của người khác dưới bất kì hình thức nào rồi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm hoặc không làm một việc theo yêu cầu của họ”. Việc sửa đổi này không những làm cho quy định tại Khoản 1 Điều 279 ngắn gọn hơn mà còn làm rõ hơn bản chất của tội nhận hối lộ không phải là “lợi dụng chức vụ, quyền hạn (để) nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác” mà là “đã nhận hoặc sẽ nhận lợi ích vật chất của người khác rồi (mới) lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của họ”; cụ thể như sau:
Điều 279. Tội nhận hối lộ (cũ)
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kì hình thức nào có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới mười triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm
Điều 279. Tội nhận hối lộ (mới)
1. Người nào trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận lợi ích vật chất của người khác dưới bất kì hình thức nào có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới mười triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây rồi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm hoặc không làm một việc theo yêu cầu của họ, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
Thứ ba, sửa cụm từ “người nào lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác” trong tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Khoản 1 Điều 280) thành “người nào lạm dụng chức vụ, quyền hạn uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản” và bỏ cụm từ “chiếm đoạt tài sản… có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này hoặc đã bị kết án về một trong các tội qui định tại Mục A Chương này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm” để không những trừng trị nghiêm người phạm tội này ngay cả khi họ chưa chiếm đoạt được tài sản mà còn giúp phân biệt tội phạm này với các tội phạm khác cũng có hành vi “chiếm đoạt tài sản” (vì nếu quy định như hiện nay thì không thể hiểu được thủ đoạn chiếm đoạt tài sản trong tội này là gì? lén lút, công khai hay dùng vũ lực? và nó khác các tội xâm phạm sở hữu có tính chiếm đoạt ở chỗ nào? do đó không thể phân biệt được tội này với các tội phạm khác cũng có hành vi “chiếm đoạt tài sản”). Mở rộng phạm vi trừng trị tội phạm này theo hướng thay cụm từ chiếm đoạt tài sản “của người khác” bằng cụm từ “chiếm đoạt tài sản của Nhà nước, của tổ chức hoặc của cá nhân”, bởi lẽ thực tế cho thấy, người phạm tội này có thể chiếm đoạt bất cứ tài sản nào, kể cả tài sản của Nhà nước, của tổ chức và của cá nhân, chứ không chỉ là tài sản “của người khác”; cụ thể như sau:
Điều 280. Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (cũ)
1. Người nào lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này hoặc đã bị kết án về một trong các tội qui định tại Mục A Chương này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ một năm đến sáu năm.
Điều 280. Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (mới)
1. Người nào lạm dụng chức vụ, quyền hạn uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản của Nhà nước, của tổ chức hoặc của cá nhân, thì bị phạt tù từ một năm đến sáu năm.
Thứ tư, bỏ cụm từ “gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân” trong tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 281) để vừa trừng trị nghiêm tội phạm này ngay cả khi nó chưa gây ra hậu quả, vừa giúp cho việc xử lý được thuận lợi, dễ dàng, tránh tình trạng bỏ lọt tội phạm chỉ vì không chứng minh được “thiệt hại” mà hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ra; cụ thể như sau:
Điều 281. Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (cũ)
1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm.
Điều 281. Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (mới)
1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm.
2. Hoàn thiện quy định về tình tiết định khung
Thứ nhất, sửa cụm từ “gây hậu quả nghiêm trọng khác”, “gây hậu quả rất nghiêm trọng khác” và “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác” tại Khoản 2, 3, 4 Điều 278 - Tội tham ô tài sản thành “gây hậu quả nghiêm trọng”, “gây hậu quả rất nghiêm trọng” và “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” cho thống nhất, dễ áp dụng và phù hợp với quy định trong các điều luật khác như Điều 281 - Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Điều 282 - Tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ, Điều 284 - Tội giả mạo trong công tác… Nếu quy định như hiện nay (Khoản 1 Điều 278 thì dùng thuật ngữ “gây hậu quả nghiêm trọng”, trong khi đó, Khoản 2 Điều 278 lại dùng thuật ngữ “gây hậu quả nghiêm trọng khác”) dễ dẫn đến khó hiểu, khó áp dụng và khó phân biệt trường hợp phạm tội tham ô tài sản “gây hậu quả nghiêm trọng” với trường hợp phạm tội tham ô tài sản “gây hậu quả nghiêm trọng khác”.
Bổ sung cụm từ “chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng” vào Khoản 2 Điều 278, “chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng nhưng gây hậu quả rất nghiêm trọng” vào Khoản 3 Điều 278, “chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng nhưng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” vào Khoản 4 Điều 278. Bổ sung thêm Khoản 5 Điều 278 với tình tiết định khung tăng nặng “chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên và gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”. Những sửa đổi, bổ sung này không chỉ nhằm trừng trị nghiêm những trường hợp phạm tội nguy hiểm, thu hẹp Khoảng cách giữa mức tối đa và mức tối thiểu của khung hình phạt, mà còn đáp ứng được đòi hỏi của nguyên tắc công bằng, nguyên tắc pháp chế và nguyên tắc phân hóa trách nhiệm hình sự; cụ thể như sau:
Điều 278. Tội tham ô tài sản (cũ)
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Gây hậu quả nghiêm trọng;
b) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;
c) Đã bị kết án về một trong các tội qui định tại Mục A Chương này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
c) Phạm tội nhiều lần;
d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
đ) Gây hậu quả nghiêm trọng khác.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác.
Điều 278. Tội tham ô tài sản (mới)
1. Người nào chiếm đoạt tài sản của Nhà nước, của tổ chức hoặc của cá nhân mà mình có trách nhiệm quản lý trên cơ sở chức vụ, quyền hạn hoặc nhiệm vụ có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến năm năm:
a) Gây hậu quả nghiêm trọng;
b) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;
c) Đã bị kết án về một trong các tội qui định tại Mục A Chương này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
c) Phạm tội nhiều lần;
d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
đ) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười năm đến mười lăm năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng nhưng gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng nhưng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên và gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Tội nhận hối lộ (Điều 279), tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Điều 280), tội đưa hối lộ (Điều 289), tội làm môi giới hối lộ (Điều 290), tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi (Điều 291) cũng nên sửa theo hướng này.
Thứ hai, bỏ cụm từ “gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân” tại Khoản 1 Điều 281 - Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ vì chỉ hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ đã thể hiện đầy đủ tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm này. Tách tình tiết tăng nặng định khung “gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng” tại Khoản 3 Điều 281 thành hai tình tiết “gây hậu quả rất nghiêm trọng” và “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” cho phù hợp với quy định trong các điều luật khác và thể hiện rõ nguyên tắc phân hóa trách nhiệm hình sự. Bởi lẽ, tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội “gây hậu quả rất nghiêm trọng” thấp hơn “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”, nếu quy định trong cùng một khung hình phạt là không phù hợp; cụ thể như sau:
Điều 281. Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (cũ)
1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội nhiều lần;
c) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ mười năm đến mười lăm năm.
Điều 281. Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (mới)
1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội nhiều lần;
c) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ mười năm đến mười lăm năm.
4. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm.
Tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ (Điều 282), tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi (Điều 283), tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 285), tội vô ý làm lộ bí mật công tác; tội làm mất tài liệu bí mật công tác (Điều 287), tội đào nhiệm (Điều 288), tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi (Điều 291) cũng nên sửa theo hướng này.
TS. Đỗ Đức Hồng Hà
CN. Nguyễn Lương Bằng
Trường Trung cấp Luật Đồng Hới